Quyền lợi người dân bị lãng quên
Bà Nguyễn Thị Nhạ (sinh sống tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí) - thông tin, nhiều người dân trong thôn rất bất ngờ, bức xúc khi diện tích đất đai khai hoang của các hộ dân từ năm 1986 đang nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, đến nay vẫn chưa được bóc tách và cấp sổ đỏ.
Bà Nhạ giải thích, người dân đến khai hoang từ năm 1986, quy hoạch rừng có sau nên không thể kết luận rằng, người dân đang xâm phạm trên đất rừng Đồng Đò.
Bà Nhạ và nhiều hộ dân ở đây rất mong các cấp chính quyền nhanh chóng phân tách rõ ràng giữa đất rừng và đất khai hoang, lập bản đồ địa chính và cấp sổ đỏ để người dân ổn định cuộc sống.

Cho rằng quyết định cưỡng chế của UBND huyện Sóc Sơn chưa hợp tình, hợp lý, anh D.V.H (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) cũng vừa khởi kiện vụ việc lên Tòa án nhân dân TP Hà Nội.
Cụ thể, gia đình nhà anh D.V.H xây nhà mới từ nền nhà cũ thì đến tháng 8.2023, UBND huyện Sóc Sơn đã ra quyết định cưỡng chế, yêu cầu khôi phục hiện trạng.
Anh D.V.H phân tích, gia đình anh có đầy đủ giấy tờ chứng minh đây là mảnh đất khai hoang từ năm 1986. Nhưng ngày 29.5.2008, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UB điều chỉnh Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, khiến nhiều phần đất rừng và đất khai hoang bị trùng lấn. Hiện các cấp chính quyền ở huyện Sóc Sơn đang thực hiện theo Quyết định này một cách cứng nhắc và bỏ qua quyền lợi của người dân.
"UBND huyện Sóc Sơn ra Quyết định cưỡng chế dựa theo bản đồ quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008, chúng tôi thấy chưa hợp tình, hợp lý. Việc chưa bóc tách các ranh giới thửa đất, quy hoạch rừng trùng lấn... đang ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân khi bất kỳ ai sinh sống, xây dựng nhà cửa tại đây đều bị coi là hành động xâm phạm, vi phạm đất rừng" - anh D.V.H (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) nói.
Người dân sống khổ trong quy hoạch rừng phòng hộ
Trao đổi với PV Lao Động ngày 20.8.2023, ông Nguyễn Văn Hòa (trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí) đề cập, hơn 200 hộ dân tại đây đến nay chưa có bản đồ địa chính.
Ông Hòa cho rằng, người dân rất mong muốn chính quyền nhanh chóng bóc tách đất ở và đất rừng để họ ổn định cuộc sống. Khi người dân đi xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò, khu vực này chỉ là đất trống, đồi núi trọc. Nhiều năm sau, họ mới trồng rừng keo, rừng thông, rừng mọc lên thì chính quyền giao cho dân quản lý bằng sổ lâm bạ.

Đề cập đến nội dung này, ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn - lý giải với Lao Động, ngày 29.5.2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 2100/QĐ-UB điều chỉnh Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Quy hoạch này hiện mới chỉ có duy nhất đường bao bên ngoài, việc rạch ròi ranh giới giữa các thửa đất chưa được thực hiện. Đặc biệt là khu vực đất rừng trồng, rừng phòng hộ nên việc quản lý đất đai của UBND huyện Sóc Sơn gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.
Ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, riêng ở thôn Minh Tân (xã Minh Trí), Nhà nước cũng chưa có một bộ hồ sơ nào về quản lý đất, đo đạc hiện trạng, quy hoạch rừng tại đây nên việc quản lý còn tồn đọng loạt bất cập.

Tại văn bản số 1434 ngày 20.8.2020, Thanh tra Chính phủ trả lời khiếu nại, tố cáo của người dân (thôn Minh Tân, xã Minh Trí).
Theo đó, việc quy hoạch rừng phòng hộ năm 2008 được phê duyệt tại Quyết định số 2100/QĐ-UBND ngày 29.5.2008 của UBND TP Hà Nội vẫn còn nhiều diện tích đất của tổ chức, đất an ninh quốc phòng, đất do hộ dân sử dụng vào mục đích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp (trước ngày 15.10.1993) đang trùng lấn quy hoạch rừng.
Nguồn gốc đất của 27 hộ dân khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí) có công trình xây dựng đang sử dụng là đất khai hoang vùng kinh tế mới từ năm 1985 theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các hộ gia đình không vi phạm pháp luật, có xác nhận của chính quyền địa phương, không nằm trong diện tích giao khoán bảo vệ rừng hàng năm...
Quyết định số 5254/QĐ-UB ngày 13.12.1986 của UBND TP Hà Nội đã phê duyệt điểm kinh tế mới Đồng Đò (nay là thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn). Quyết định này của UBND TP Hà Nội cũng điều chuyển các hộ dân thuộc 5 xã như Xuân Kim Lũ, Xuân Thu, Tân Hưng, Bắc Phú và Minh Trí đến xây dựng vùng kinh tế mới Đồng Đò. Tuy nhiên đến nay, nhiều hộ dân ở thôn Minh Tân vẫn chưa có bản đồ địa chính, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, không được xây dựng nhà cửa, công trình dân sinh mới trên chính mảnh đất mình khai hoang vì nằm trong quy hoạch rừng năm 2008.