38 năm chưa có sổ đỏ
Tìm hiểu của PV Lao Động, từ những năm 1985, nhiều hộ dân đã theo chủ trương của Nhà nước đến khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới.
Ông Nguyễn Văn Hòa (trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí) - cho biết, thôn Minh Tân được thành lập năm 1985 theo quyết định của UBND TP Hà Nội về việc di dân đến vùng kinh tế mới Đồng Đò. Nhiều người dân thôn Minh Tân đi xây dựng vùng kinh tế mới được Nhà nước công nhận, có quyết định giao đất để sinh sống, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ vì liên quan đến quy hoạch rừng.
Ông Nguyễn Văn Hòa khẳng định, các hộ dân ở thôn Minh Tân đều mong muốn chính quyền nhanh chóng bóc tách rõ ràng phần đất ở và đất rừng để họ ổn định cuộc sống.
“Sau khi phát hiện ra sai phạm của quy hoạch rừng năm 2008, người dân đã làm đơn kiến nghị và Thanh tra TP Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã lập nhiều đoàn kiểm tra, yêu cầu sớm bóc tách phần đất ở của người dân ra khỏi quy hoạch rừng năm 2008.
Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn chưa thực hiện xong, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con. Do vậy, 38 năm qua, đất đai không được cấp sổ đỏ, nơi sống không được đầu tư hạ tầng cơ sở điện, đường, trường, trạm" - ông Hòa nói.
Trao đổi với PV Lao Động ngày 18.8, ông Nguyễn Văn Hảo - Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí thừa nhận, tại thôn Minh Tân có khoảng 200 hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa có bản đồ địa chính, gần như không có hộ dân nào được cấp giấy tờ hay sổ đỏ trước ngày 15.10.1993, nên việc quản lý đất đai, vi phạm xây dựng rất phức tạp.
Cần phân tách rõ ràng giữa đất rừng và đất khai hoang
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN) Hà Nội, trên địa bàn TP hiện có khoảng 28.000 ha rừng chưa được cắm mốc ranh giới, chưa có bản đồ số hóa và đang bị chồng lấn với nhiều loại đất khác.
Trước thực trạng này, ngày 18.2.2022, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch 57/KH-UBND, yêu cầu 7 địa phương có rừng tiến hành điều tra, khảo sát về thực trạng rừng, từ đó sẽ bóc tách các diện tích chồng lấn để quản lý rừng hiệu quả hơn.

7 huyện, thị xã có rừng tại Hà Nội là Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây cũng đang thiếu cơ sở dữ liệu về đất đai, chưa được cắm mốc, lập bản đồ số hóa nhiều năm nay dẫn đến hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 18.8, ông Lê Minh Tuyên - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NNPTNT Hà Nội) thông tin, TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn rà soát những hộ dân có hồ sơ chứng minh được là chủ đất từ trước năm 1993.
Theo ông Tuyên, khu vực thôn Minh Tân (xã Minh Trí) nằm trong quy hoạch đất rừng trùng lên đất ở. Do đó, không thể khẳng định tất cả hộ dân trong thôn đều thuộc diện sai phạm lấn chiếm đất rừng. Sau khi có danh sách cụ thể, địa phương cùng đơn vị chuyên môn chuẩn bị hồ sơ, phối hợp với sở ngành liên quan để nhanh chóng bóc tách rừng, cho người dân giữ lại phần đất ở theo đúng quy hoạch.
Thông tin từ UBND huyện Sóc Sơn, qua rà soát diện tích đất rừng, chính quyền huyện đã phát hiện có 1300 ha đất/4557 ha đất rừng đang bị trùng lấn lên các loại đất khác, không đúng với thực tế đang sử dụng.
Trong đó, có nhiều diện tích là đất quốc phòng, cơ sở tôn giáo, trường học, làng xóm hiện vẫn nằm trong rừng, gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai tại địa phương cũng như ảnh hưởng cuộc sống người dân.