San lấp, xây dựng trái phép mở điểm du lịch ven sông
Holadi - một điểm du lịch, cung cấp dịch vụ lưu trú, cắm trại mới nổi tại khu vực ven sông Hồng thuộc địa phận xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) được nhiều người biết đến thời gian gần đây. Rộng hơn 1 ha, được san lấp, xây dựng thời gian dài trái phép trên diện tích đất ven sông nhưng hiện nay điểm du lịch này vẫn "bình yên vô sự" và mang lại nguồn thu lớn cho chủ sở hữu.
Theo chỉ dẫn từ fanpage “Holadi Camping & Coffee”, cách cổng xã Hải Bối tiến vào gần đê tả sông Hồng khoảng 1 km, điểm du lịch Holadi "nép" dưới rừng keo hiện lên với quy mô hoành tráng.
Ở khu vực này, nhiều ngôi nhà nhỏ, lều trại bằng gỗ đã hoàn thiện, phục vụ khách có nhu cầu lưu trú. Đất ở đây được chủ của Holadi là chị N và anh H thuê lại từ một phụ nữ tên B - chủ bãi vật liệu xây dựng tại đây.
"Tại đây, đồ ăn có giá khoảng 200.000 - 400.000 đồng/người, nhà gỗ thì có giá từ vài trăm đến 1 triệu đồng/ngày, có điều hoà để ngủ qua đêm" - nữ nhân viên tên T giới thiệu.

Thoải mái xây dựng vì đã “lót đường”
Sau nhiều lần hẹn, đầu tháng 7.2023, chúng tôi gặp N (chủ sở hữu Holadi) tại một địa chỉ hẹn trước tại quận Đống Đa. Tại đây N xác nhận, khu đất thuê lại từ bà B có diện tích rộng hơn 1 ha, phía bên ngoài đê chủ đất đang khai thác cát, còn bên trong thì cho người có nhu cầu sử dụng đất thuê lại.
Đồng ý cho PV thuê lại 1 phần diện tích để cùng hợp tác kinh doanh, nhưng khi chúng tôi bày tỏ lo ngại đất ven sông sai phép có thể sẽ bị xử lý, N khẳng định: "Em yên tâm làm ăn ở đây, chị đã "lót đường" hết rồi".
“Ban đầu, chị chưa đi gặp ai nên khi làm thì bị kiểm tra, người dân đến đập phá, nhưng sau khi đi gặp 5, 7 chỗ như: Chủ tịch, Bí thư… xã thì muốn làm gì thì làm. Cứ tới dịp lễ, ngày thành lập uỷ ban thì họ lại đến kiểm tra, mỗi lần phong bì khoảng vài triệu đồng” - N tự hào cho biết.
Để chúng tôi thêm phần an tâm, tin tưởng, N tiết lộ, Holadi thực chất là diện tích nằm trong bãi Diệp Trang (một bãi khai thác cát, vật liệu xây dựng sai phép lâu năm) của người phụ nữ tên B tại xã Hải Bối, Đông Anh.
Thông qua số điện thoại liên hệ mà nhân viên của bà B cung cấp, bà B không ngần ngại thừa nhận mọi thông tin.
"Bãi của nhà cô 7, 8 ha, cho bên Holadi thuê hơn 1 ha bây giờ còn lại cô đang cho đổ đất vào đấy rồi, tới đây sẽ cho súng sơn thuê (Dịch vụ bắn súng sơn - PV). Cháu thuê đi, yên tâm xây lắp mà kinh doanh, chỉ cần không xây nhà bêtông là được" - bà B khẳng định.
Ngang nhiên rao bán đất quy hoạch dự án
Nằm trong khu vực ven sông xóm 1, xã Hải Bối, căn nhà 3 tầng thuộc sở hữu của gia đình ông T đã được xây dựng kiên cố từ nhiều năm trước, dù chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giới thiệu là người có nhu cầu mua, thuê đất khu vực ven sông để xây dựng các mô hình kinh doanh lâu dài, ông T đưa chúng tôi đi xem khu đất phía trước nhà và giới thiệu giá cả của một vài mảnh đất khác.
Theo ông T, những miếng đất cùng phía với ngôi nhà ông đang ở, vì là đất “liền kề” nên mỗi m2 đất có giá từ 23 - 24 triệu đồng. Còn đối với những khu đất nằm phía đối diện nhà ông T trở ra bờ sông, mỗi m2 chỉ khoảng 5 triệu đồng, vì đây thuộc diện tích đất ven sông, lại nằm trong quy hoạch mở rộng đường.
“Tất cả đất ở đây đều là đất không sổ, kể cả nhà chú.
Từ phía đối diện nhà chú trở ra bờ sông là xây trái phép hết. Khu đất 180 m2, giá 5 triệu đồng/m2 của chú cũng nằm trong đất quy hoạch. Có nhiều cò mồi nói là đất giãn dân. Nếu mua là dính lừa ngay” - ông T nói.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Xuân Linh - Chủ tịch huyện Đông Anh cho biết: "Việc quản lý đất đai trên địa bàn địa phương vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý, khẳng định là không có thực trạng như phản ánh. Nếu có cũng chỉ là phát sinh "lúc nọ lúc kia", cũng có thể là chúng tôi chưa kiểm soát được hết".