Theo chị P, trong khoảng 3 tháng trở lại đây, khu vực gần chung cư nơi gia đình chị sinh sống xuất hiện nhiều phiến bê tông dài gần 1 mét. Các phiến bê tông được xếp theo hàng dài sát với khu vực vỉa hè, khu sinh hoạt chung nơi đông đảo người dân và trẻ nhỏ vui chơi, giải trí.
Ngoài ra, các bao tải cát, ván gỗ ép, mặt bàn hỏng cùng chăn, gối cũng được để la liệt dưới lòng đường. Thậm chí, các đối tượng còn mang cả... bồn cầu cũ để ra đường. Chị P nghi ngờ, việc này là do một số chủ hộ kinh doanh gần khu vực này “xí chỗ”, tận dụng làm nơi để xe cho khách đến ăn uống, lưu trú.
“Chắc chắn việc này được làm trong đêm. Bởi, ban ngày, khi người dân đi làm, đi học và sinh hoạt, các đối tượng sẽ không dám ngang nhiên thực hiện các hành vi trên. Đây là khu vực vui chơi duy nhất của người dân sống tại chung cư gần đây, việc này không những gây bức xúc trong dân cư mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông” – chị P bức xúc, nói.
Cũng theo chị P, cuối tháng 5.2023, chiếc ô tô của chị đã bị đối tượng lạ mặt cắt dây dẫn nước rửa kính. Sau khi chị P mang ra tiệm sửa chữa ô tô, thợ sửa khẳng định đó là vết cắt do dao, không phải tự dưng đứt gãy hoặc va chạm giao thông.
Ngoài việc phải tốn một khoản tiền đi sửa xe, chị P cũng bày tỏ tốn thời gian và chuốc bực vào người khi “lỡ” để xe tại khu vực có các vật cản trên.
Chị P cũng lo ngại, các vật cản nằm trên đường sẽ khiến người đi đường dễ xảy ra va chạm, mất an toàn giao thông.
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Hệ thống Luật sư X (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, một số mức phạt vi phạm trật tự vỉa hè tương đối thấp, chính vì thế nhiều người sẵn sàng vi phạm.
Theo đó, hiện hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng chỉ bị xử phạt tiền từ 100 - 200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức.
Nếu chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông, giữ xe thì bị phạt tiền như sau:
Chiếm dụng từ 05 m2 đến dưới 10 m2: Phạt từ 04 - 06 triệu đồng đối với cá nhân, 08 - 12 triệu đồng với tổ chức.
Chiếm dụng từ 10 m2 đến dưới 20 m2: Phạt từ 06 - 08 triệu đồng đối với cá nhân, 12 - 16 triệu đồng với tổ chức.
Chiếm dụng từ trên 20m2: Phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, 20 - 30 triệu đồng với tổ chức.
"Nếu tăng chế tài xử phạt, hoặc có hình phạt bổ sung như cấm kinh doanh trong thời hạn bao nhiêu tháng với hộ vi phạm, thì có tính răn đe hơn" - vị luật sư nhận định.

Theo luật sư Nghĩa, cần phải gắn trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự vỉa hè. Nếu nơi nào để tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng nhiều thì cần xử lý nghiêm cán bộ có trách nhiệm về việc này.
Còn theo các chuyên gia, sau xử lý, lực lượng chức năng còn cần phải duy trì tốt trật tự, nghiêm khắc, quyết liệt với những trường hợp “nhờn luật”, nay đi mai quay lại. Đặc biệt là kiểm tra, xử lý thường xuyên, liên tục, tránh tình trạng ‘‘đánh trống bỏ dùi”.