Người già cũng "nghiện" Tik Tok
Bà Lê Thị Chanh (54 tuổi, Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết, từ ngày biết đến Tik Tok, bà cảm thấy cuộc sống bớt nhàm chán hơn khi hiện tại chỉ ở một mình.
Bà chia sẻ: “Khoảng thời gian từ đầu năm 2022, con trai tôi mua cho chiếc điện thoại thông minh và cài một số ứng dụng, trong đó, có Tik Tok.
Thời gian đầu tôi cảm thấy không mấy hứng thú, nhưng những lúc rảnh tôi lại mở ra xem, dần dà không xem lại thấy khó chịu".
Chồng và con cái đều đi học tập, làm ăn xa, phần lớn thời gian trong ngày bà Chanh phải xem điện thoại để bớt cảm thấy buồn chán. Không rành về công nghệ nhưng bà cho rằng, Tik Tok có giao diện khá dễ để sử dụng.
“Nhà tôi cũng có tivi nhưng ngoài những bộ phim dài có lịch chiếu cố định trên các kênh chính thì tôi không biết mở những thứ khác. Trên Tik Tok tôi chỉ cần được hướng dẫn một vài lần để tìm kiếm, sau đó những video tương tự sẽ xuất hiện”, Bà Chanh nói.
Bà Chanh tâm sự bản thân thường xuyên xem các video ngắn hướng dẫn về công thức nấu ăn, cách trồng cây... và học cách làm theo.
Lướt Tik Tok vì sợ bị "tối cổ"
Là một sinh viên vừa học vừa đi làm thêm nhưng theo thống kê thời gian sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, thời lượng truy cập Tik Tok của Lê Hoài Thương (20 tuổi, Đà Nẵng) vẫn chiếm từ 6-8 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Hoài Thương chia sẻ: “Lướt Tik Tok trở thành thói quen hàng ngày của tôi. Bất cứ khi nào có thời gian cầm đến điện thoại, việc đầu tiên tôi làm là truy cập vào ứng dụng này.
Nhiều khi cần vào điện thoại làm một việc gì đó nhưng theo thói quen vẫn ấn vào Tik Tok trước, sau đó tôi mới chợt nhớ và thoát ra”.
Theo nữ sinh, những người trẻ, nếu không sử dụng Tik Tok, sẽ khó có đề tài chung để nói chuyện với bạn bè.
Ở trên lớp học hay tại chỗ làm thêm, mỗi lần có trend mới là cuộc trò chuyện lại trở nên rôm rả. Nếu không nắm được thông tin thì không thể bắt vào câu chuyện của mọi người, cảm giác bản thân hơi “tối cổ” - bỏ lỡ, không nắm bắt kịp các drama, trend trên mạng xã hội.
"Trước đây người ta hay nói GenZ có nhiều ngôn từ riêng thì tôi thấy bây giờ nên gọi là ngôn ngữ của Tik Tok thì đúng hơn. Nếu không theo dõi và cập nhật thì thậm chí bị người khác nói đểu, trêu chọc cũng không biết" - Hoài Thương tâm sự.
Bên cạnh đó, lí do khiến Hoài Thương bị cuốn vào việc lướt Tik Tok là từ các livestreams bán hàng. Có những thời điểm nữ sinh gặp phải chứng “nghiện mua sắm” khi xem Tik Tok.
“Đã có một khoảng thời gian tôi quyết định xóa hẳn ứng dụng để tập trung cho công việc và học tập. Tuy nhiên, những lúc áp lực, mệt mỏi thì việc xem Tik Tok cũng giúp tôi xả stress.
Vì vậy, tôi vẫn tải lại và chỉ cố gắng kiểm soát để không ảnh hưởng đến cuộc sống”, Hoài Thương cho hay.
Nền tảng Tik Tok ra mắt từ tháng 4.2019 và bùng nổ tại Việt Nam trong đại dịch.
Đến tháng 2.2023, Việt Nam là quốc gia có số lượng người dùng Tik Tok cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 6 toàn cầu, theo Data Reportal.
Bên cạnh những video với nội dung hay, tốt, dễ gây "nghiện" thì trên nền tảng này cũng có không ít video xấu, độc hại, thao túng tâm lý người dùng.
Ngày 6.4, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố nhiều hành vi vi phạm của TikTok Việt Nam.
Vấn đề nổi bật liên quan đến hoạt động của Bộ là việc chấn chỉnh hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam tại mạng xã hội xuyên biên giới, tiêu biểu là mạng xã hội TikTok.
Vào tháng 5 tới, sẽ có một đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra toàn bộ hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Tất cả các nền tảng xuyên biên giới, không tuân thủ pháp luật sẽ không được chào đón, tạo điều kiện hoạt động.