70 năm chưa được công nhận liệt sĩ
Cán bộ Công an hy sinh từ năm 1949 chưa được công nhận liệt sĩ là trường hợp của ông Nguyễn Văn Huệ (sinh năm 1905, ngụ xã An Điền, Bến Cát, Bình Dương). Theo bà Trần Thị Ngọc Điệp (SN 1968, ngụ TPHCM) - cháu ông Huệ, cậu ruột của bà hy sinh đến nay đã hơn 70 năm nhưng chưa được công nhận là người có công (NCC) với cách mạng. Suốt 3 năm nay, bà Điệp cùng người thân ngược xuôi tìm hồ sơ để đề nghị cơ quan chức năng xác nhận ông là NCC với cách mạng nhưng chưa được.
Bà Điệp cho biết, dòng họ bên ngoại vốn là gia đình có truyền thống cách mạng: Mẹ bà Điệp và 2 cậu đều tham gia cách mạng. Cậu Nguyễn Văn Cánh lập gia đình, hy sinh, con cái làm hồ sơ đề nghị và được công nhận là liệt sĩ. Còn cậu Huệ cũng hy sinh nhưng bẵng đi thời gian dài trong chiến tranh và sau này kinh tế khó khăn nên gia đình chưa có điều kiện đề nghị công nhận liệt sĩ cho cậu. Trước khi mất, mẹ bà Điệp đã trăng trối lại việc này, nên bà Điệp bắt đầu hành trình tìm hồ sơ mong nhà nước công nhận những công lao.
Theo bà Điệp, tại địa phương, vào tháng 8.1945, ông Nguyễn Văn Huệ là Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời. Sau đó, ông Huệ làm cán bộ Công an tại huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương). Vào ngày 2.2.1949 (tức ngày mùng 5 Tết Âm lịch), trong quá trình làm nhiệm vụ trên Quốc lộ 13, ông Huệ bị địch tấn công và hy sinh.
Việc ông Huệ là cán bộ Công an được ông Nguyễn Chí Thành (đã mất), lúc đó là Trưởng Công an huyện Bến Cát, về sau làm Giám đốc Công an tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), xác nhận. Năm 1990, ông Thành đã về hưu có xác nhận ông Nguyễn Văn Huệ là cán bộ cấp dưới của mình. Ông Huệ hy sinh và là liệt sĩ của Công an huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một.
Qua nhiều cơ quan chưa giải quyết xong
Theo Công an tỉnh Bình Dương, cơ quan này đã có công văn gửi Cục Tổ chức cán bộ Bộ Công an về việc xác nhận liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Huệ. Tuy nhiên, theo phản hồi, chưa đủ tài liệu xác định ông Huệ là cán bộ Công an và hy sinh. Công an đề nghị gia đình thu thập hồ sơ theo quy định Thông tư liên tịch số 28/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sĩ không còn giấy tờ gửi UBND cấp xã nơi ông Huệ cư trú trước khi tham gia cách mạng xem xét, giải quyết theo đúng quy định.
Bà Điệp sau đó về xã An Điền, thị xã Bến Cát lục tìm hồ sơ. Tuy nhiên, UBND xã không tìm thấy tài liệu nào có giá trị pháp lý ghi nhận ông Nguyễn Văn Huệ là liệt sĩ hoặc hy sinh trong chiến đấu. Cũng không ai cùng thời còn sống xác nhận ông Hai Huệ là ông Nguyễn Văn Huệ như trong cuốn lịch sử truyền thống của xã An Điền ghi lại.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Hằng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bình Dương - cho hay, về trường hợp công nhận liệt sĩ cho ông Nguyễn Văn Huệ, sở cũng đang tổng hợp để xin ý kiến. Ban đầu xác định ông Huệ là trường hợp cán bộ Công an nên Công an tỉnh sẽ thực hiện. Nhưng phía Công an đã kiểm tra thì không nằm trong hồ sơ lưu trữ.
Sở LĐTBXH Bình Dương làm theo Thông tư 28, song danh tính tại địa phương của ông Huệ không xác định được. Trong lịch sử truyền thống của địa phương có ghi ông “Hai Huệ” nhưng không ghi là Nguyễn Văn Huệ nên chưa có cơ sở để xác nhận. Hiện, Sở LĐTBXH Bình Dương đang tổng hợp xin ý kiến của cơ quan cấp bộ về việc này để trả lời dứt khoát cho gia đình.