Làm chủ thời gian, được làm công việc yêu thích
Anh Nguyễn Hoàng Nam (24 tuổi, Thanh Hoá) - một freelancer trong lĩnh vực digital marketing - từng bị hàng xóm xung quanh hiểu lầm là thất nghiệp vì chỉ thấy suốt ngày ở nhà.
Anh Nam chia sẻ: “Mỗi ngày, tôi dành từ 9-10 tiếng để giải quyết công việc với công cụ chính là chiếc máy tính có kết nối mạng. Hàng xóm thấy tôi thường xuyên ở nhà nên nghĩ rằng tôi thất nghiệp. Tuy nhiên, họ đã rất ngạc nhiên khi biết được thu nhập của tôi”.
Nhờ làm công việc tự do nên anh Nam rất tự chủ về mặt thời gian, có thể làm nhiều công việc cùng một lúc. Trước khi làm freelancer, anh là nhân viên văn phòng. Ngày nào cũng ngồi 8 tiếng trên công ty làm anh cảm thấy rất bí bách.
Anh Nam cũng suy nghĩ rất nhiều về vấn đề nghỉ việc ở công ty. Bố mẹ anh nhiều lần khuyên ngăn vì nghĩ những người làm nghề freelancer “lông bông”, không có công việc rõ ràng.
“Thời gian đó, tôi đã đắn đo rất nhiều, mặc dù công việc văn phòng của tôi lương không quá cao nhưng khá ổn định. Nhưng vì quá chán với công việc “chấm công” mỗi ngày nên tôi đã quyết định cho bản thân thử sức ở những lĩnh vực mới” - anh Nam tâm sự.
Anh Nam cho hay, làm freelancer có thể làm việc cùng lúc với nhiều khách hàng, công ty khác nhau. Điều này giúp anh Nam có cơ hội trải nghiệm nhiều công việc khác nhau. Nhờ đó mà va chạm, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều người, nâng cao kỹ năng chuyên môn.
“Thu nhập mỗi tháng của tôi khá ổn định, dao động từ 15-20 triệu đồng/tháng. Hiện tại, tôi vẫn đang ở cùng bố mẹ nên tháng nào cũng có thể tiết kiệm được 8-12 triệu đồng. Số tiền ấy tôi sẽ gửi tiết kiệm ngân hàng” - anh Nam nói.
Vì làm công việc tự do, nên anh này thoải mái đi du lịch mà không cần đợi đến dịp lễ Tết. “Giá vé máy bay ngày lễ Tết rất đắt. Hồi tôi còn làm văn phòng, muốn đi du lịch là phải đặt vé trước cả tháng, có khi còn “cháy” vé. Bây giờ, tôi chỉ cần cầm theo laptop là có thể đi bất kỳ nơi đâu rồi” - anh Nam tâm sự.
Gia đình lo lắng khi tôi làm freelancer…
Cũng giống với anh Nam, chị Khánh Huyền (24 tuổi, Thanh Hoá) cũng là freelancer trong lĩnh vực sáng tạo nội dung.
Sau 1 năm thay đổi nhiều chỗ làm khác nhau, chị Huyền quyết định quay về quê làm freelancer. “Công việc của tôi là Content freelancer. Tôi nhận viết bài quảng cáo cho các nhãn hàng. Vì mới bắt đầu làm một năm trở lại đây, nên tôi chưa có nhiều kinh nghiệm cùng mối quan hệ” - chị Huyền tâm sự.
Có những thời điểm phải chờ việc quá lâu, tâm trạng chị Huyền khá lo lắng, bất an vì thụ động trong thu nhập. Nhưng cũng có lúc khách hàng liên hệ tới tấp khiến chị phải thức khuya dậy sớm để chạy deadline như sắp kiệt sức đến nơi.
“Làm freelancer được gặp gỡ nhiều người, đồng nghĩa với việc chúng ta phải tiếp xúc với nhiều khách hàng khác nhau, mỗi người một ý, nhiều khi khiến tôi rất mệt mỏi” - chị Huyền tâm sự.
Theo chị Huyền, freelancer tự do hơn về mặt thời gian so với nhân viên văn phòng, đồng thời cũng làm chủ được thời gian. “Không ổn định” về mặt tài chính có thể hiểu là thu nhập mỗi tháng sẽ không giống nhau và freelancer phải học cách chi tiêu hợp lý.
Khi mới vào nghề, định kiến của gia đình xuất phát từ việc không hiểu rõ công việc của con gái là trở ngại lớn nhất đối với chị Huyền. “Khi nghe hàng xóm hay bạn bè hỏi con gái làm nghề gì, bố mẹ tôi không biết trả lời như thế nào. Công việc của tôi rất nhiều nên cũng khó chia sẻ với bố mẹ” - chị Huyền trải lòng.
TopDev - Nền tảng tuyển dụng IT - cho biết, từ năm 2020, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã cho phép nhân viên của họ làm việc tại nhà để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Từ đó mở ra các xu hướng mới về hình thức làm việc từ xa (Remote Work), mô hình làm việc kết hợp (Hybrid Work) hay mô hình làm việc tự do (Freelancer).