111 dự án nhà ở thế chấp ngân hàng tại Hà Nội và TPHCM: Quyền lợi người mua nhà có bị ảnh hưởng?

NHÓM P.V KINH TẾ |

Sau khi Sở TNMT TPHCM công bố 77 dự án thế chấp ngân hàng, Hà Nội cũng công bố 34 dự án thế chấp ngân hàng khiến người mua nhà lo sợ sẽ bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, mà nhất là việc cấp sổ đỏ sau này với các dự án nhà hình thành trong tương lai. Nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước tới các chuyên gia BĐS cho rằng, cần phân biệt rõ các dự án đang thế chấp, thế chấp một phần hay toàn bộ, thế chấp trước khi bán hay sau khi bán. Việc người mua nhà nắm rõ thông tin sẽ tránh được rủi ro.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Sau khi Sở TNMT công bố 34 dự án nhà ở đang thế chấp ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó GĐ Sở TNMT Hà Nội - cho biết, các dự án vay ngân hàng này là chuyện bình thường trong kinh doanh và đúng luật định. Ông Nghĩa khẳng định, các cơ quan chuyên môn vẫn kiểm soát được và hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. “Trên thực tế người mua nhà tại một số dự án này đã và đang được cấp giấy chứng nhận. Mặt khác đến thời điểm này, các chủ đầu tư của các dự án vẫn thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi vay vốn và khi bán hàng”, Phó GĐ Sở TNMT nói.

Tại TPHCM, sau khi Sở TNMT công khai 77 dự án thế chấp ngân hàng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - cho rằng, việc dự án thế chấp ngân hàng là hoạt động bình thường của kinh doanh BĐS. Ông Châu nhận định, hiện TPHCM có 584 dự án BĐS đang triển khai thực hiện nhưng chỉ có 77 dự án đang thế chấp, chiếm 13,2% cho thấy phần lớn các dự án không thế chấp ngân hàng”. Việc công khai các dự án đang thế chấp đã cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể có liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản ngày càng minh bạch hơn”, ông Châu nói.

Một trong các dự án thế chấp ngân hàng, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho rằng, việc doanh nghiệp thế chấp một phần tài sản trên đất của dự án căn hộ cao cấp D’. Le Pont D’or - Hoàng Cầu để vay vốn ngân hàng phát triển dự án là nghiệp vụ tài chính bình thường. Đại diện Tân Hoàng Minh chỉ ra Điều 147 Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1.7.2015 cũng quy định: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”. 

Trả lời Lao Động, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, chỉ những chủ đầu tư nào có uy tín, năng lực triển khai dự án, chỉ những dự án nào có triển vọng kinh doanh tốt thì ngân hàng mới chấp nhận thế chấp và cho vay vốn. “Khi đã cho vay vốn thì ngân hàng sẽ quản rất chặt dòng tiền, buộc chủ đầu tư phải lập tài khoản tại ngân hàng cho vay vốn để khách hàng nộp tiền. Đồng thời, mọi khoản thu, chi của chủ đầu tư cũng được ngân hàng giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiền được sử dụng đúng mục đích”, đại diện dự án khẳng định.

Với dự án đã thế chấp, có đáng lo?

Nói về các dự án đang thế chấp ngân hàng, GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT- cho rằng, điều quan trọng nhất, cần thiết hơn là phải có số liệu các dự án thế chấp đó đã bán căn hộ cho người khác chưa? Đồng thời những người mua căn hộ trên có đem thế chấp lần nữa hay không? “Vì điều chúng ta cần quản lý là một chủ sử dụng đất của một dự án có thực hiện hai quyền cùng một lúc hay không. Đây mới là điều nguy hiểm thật sự cho thị trường. Vì khi một chủ đầu tư thực hiện hai quyền sẽ tạo ra mâu thuẫn xung đột về lợi ích. Mà tình trạng này được coi là có liên quan đến việc có thể đẩy thị trường rơi vào khủng hoảng hoặc là ảnh hưởng đến thị trường tài chính”, ông Võ nói.

Trong khi đó, để bảo vệ người mua nhà, ông Lê Hoàng Châu đề nghị, Sở TNMT khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: Để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà. Ông Châu đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp (chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích nhằm hoàn thành dự án, nhà ở để bàn giao cho khách hàng.

Cùng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nhận định, đáng lo ngại nhất, khi chủ đầu tư vay tiền ngân hàng dùng tiền vào nơi khác mà không đổ vào dùng dự án, khiến không đủ nguồn cung để bán, khi đó ngân hàng tất yếu sẽ gây khó khăn không chịu giải chấp còn người mua sẽ không có nhà. Tuy nhiên, ông Liêm khẳng định, không phải dự án nào cùng vậy. Bởi vậy, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng khuyến cáo người mua nhà cần phải có thông tin đầy đủ, cụ thể dự án, nên tham khảo thông tin các cơ quan quản lý trước khi quyết định mua nhà dự án thế chấp ngân hàng. “Người mua nhà có thể liên hệ với sở TNMT để được tư vấn xem dự án đó có được cấp sổ đỏ hay không”, ông Nghĩa nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng: “Sao chỉ có 77 dự án được công bố thế chấp?”

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Việc hiện tại TPHCM chỉ có 77 dự án được công bố đã thế chấp cho ngân hàng là điều đáng ngạc nhiên vì các dự án BĐS đều được thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Đó là nghiệp vụ tài chính bình thường. Người dân không phải lo lắng. Với hàng nghìn, hàng trăm dự án hiện tại thì tại sao chỉ có 70 dự án công bố đã thế chấp cho ngân hàng? Đây là điều đáng ngạc nhiên”.

Các cơ quan chức năng nên điều tra rõ ràng và công bố công khai cho người dân biết chi tiết. Các thông tin về dự án nào đang được thế chấp? Thế chấp vì mục đích gì? Đối với các ngân hàng nhận thế chấp không phải cho vay mà phát hành bảo lãnh. Thời hạn thế chấp bao lâu? Giá trị thế chấp?”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.      LAN HƯƠNG

 

NHÓM P.V KINH TẾ
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.