Vui buồn homestay ở New Zealand

Vân Anh (từ Auckland) |

Khởi đầu cho một hành trình du học tại nước ngoài, không ít sinh viên lựa chọn homestay (ở tại nhà người bản xứ, sinh hoạt cùng họ như một gia đình). Ở New Zealand cũng vậy. Ngoài những cái được như thuận tiện và an toàn, được giám hộ và chăm sóc, Homestay không chỉ toàn màu hồng...
“Sốc” văn hóa

Đối với những sinh viên lần đầu du học như Ngọc, người Đà Nẵng hiện đang theo học tại đại học Auckland, cú “sốc” văn hóa là trong ngày đầu tiên khi đặt chân tới xứ người. Sắp xếp từ ở nhà, vừa tới Auckland, Ngọc được đưa tới ở homestay với gia đình một cặp vợ chồng già người New Zealand. Ngay khi vừa gặp mặt, Ngọc đã được “lĩnh giáo” một loạt những quy định, nguyên tắc mà nhà chủ đặt ra. Không chỉ ngôn ngữ, mà sự khác biệt về văn hóa, lối sống khiến Ngọc cảm thấy hoang mang.

“Bà chủ nhà đã đưa cho em một danh sách dài dằng dặc được in to trên giấy A4 dán ở góc phòng, vậy mà vẫn dặn em năm lần bảy lượt là tuyệt đối phải tiết kiệm điện và nước, bởi giá điện nước ở New Zealand rất đắt đỏ, nhất là vào mùa đông. Em cũng có phải là người không có ý thức đâu, ấy vậy mà mỗi lần tắm cứ lo nơm nớp, nhiều khi phải mang cả đồng hồ vào để đặt chuông. Có lần đang tắm thì bị gõ cửa, em hoảng quá chẳng cả kịp xả xà phòng, cuống cuồng mặc quần áo chạy ra” - Ngọc kể.

Cùng chung cảnh ngộ, Lan Anh - du học sinh tại đại học Auckland than thở về chuyện bị chủ nhà săm soi mỗi khi ở trong phòng. “Trong phòng có mấy công tắc các loại bị dán chặt bằng băng dính, chỉ để lại đúng một công tắc bóng điện mờ mờ. Ấy thế mà tối nào cũng gõ cửa ghé vào kiểm tra xem đang làm gì, có lãng phí điện không, làm mình cảm thấy bị xâm phạm đến quyền tự do, riêng tư”. Ngoài ra, Lan Anh kể rằng phải gồng mình lên để hòa nhập với chủ nhà bởi họ cực kỳ kỹ tính, đặc biệt là ngăn nắp, vệ sinh. “Lắm hôm chỉ vì em làm rớt một chút nước xuống nền nhà, bà chủ cũng “giáo huấn” một tràng dài. Dù họ lịch sự, nhưng em bỗng cảm thấy tủi thân và cô đơn vô cùng”.

Còn Hà, sinh viên đại học Victoria lại rơi vào tình huống trớ trêu khác khi được xếp ở homestay với một gia đình người New Zealand gốc Sri Lanka có một cậu con trai bị bệnh đao 24 tuổi nhưng trí óc chẳng bằng một đứa trẻ nhỏ. Ngay đêm đầu tiên, Hà đã tá hỏa khi vừa bước ra khỏi phòng trong ánh đèn lờ mờ thì va ngay phải anh chàng đang đứng tồng ngồng ngay ngoài cửa. Quá sợ hãi nhưng chưa kịp tìm nhà ở khác, Hà nằng nặc đòi đổi phòng xuống tầng một, ngay cạnh bếp để tránh cậu con trai bị đao kia càng xa càng tốt. “Em cũng cố gắng để thân thiện với cậu ấy, bình thường cậu ta cũng hiền lành, nhưng sợ nhất là những lúc lên cơn, em tận mắt chứng kiến cảnh cậu ta đánh cả bố cả mẹ chỉ vì bị để đói”.
Thành phố Auckland, New Zealand.

Ngoài ra, rất nhiều sinh viên khi mới sang đều khó hòa nhập được với cách ăn uống của chủ nhà homestay. Lan Anh kể rằng ăn không quen nên nhiều khi hay bị đói, mà lại không được tự nấu nướng theo ý mình vì nhà chủ sợ tốn điện, tốn gas. “Ấy vậy mà bà chủ còn có những lời nói rất khó nghe, nhiều khi cảm thấy bị xúc phạm vô cùng”. Cô giáo Leslie, đại học Auckland thừa nhận ở New Zealand có một số gia đình homestay không mấy thân thiện, họ coi homestay là cơ hội kiếm tiền nên khi đó homestay chỉ là một căn nhà cho thuê chứ không còn là nơi trao đổi văn hóa theo nghĩa thông thường nữa. “Không may gặp phải những trường hợp như vậy, tốt nhất các bạn nên phản ánh với nhà trường để họ tìm cách giúp đỡ” - cô Leslie khuyên.

Và những cái được

Nhưng không phải du học sinh nào cũng rơi vào những nhà chủ homestay “đặc biệt” như trên. Trái ngược với thái cực đó, họ may mắn khi được sống cùng những gia đình thân thiện, tận tình, coi họ như người thân trong nhà. Minh, đang theo học tiếng Anh tại đại học Auckland đã từ bỏ ý định ra ngoài thuê nhà vì gặp được chị chủ nhà “tâm đầu ý hợp”, lại sàn sàn bằng tuổi nên khá “hợp cạ” trong ứng xử cũng như cách sống. “Ngày nào ăn tối xong hai chị em cũng ngồi tán gẫu từ 1-2 tiếng. Chị ấy là người dễ mến, cởi mở lại thân thiện nên em cảm thấy gần gũi như người nhà. Được trò chuyện mỗi ngày, tiếng Anh của em tiến bộ trông thấy, khiến chị ấy cũng phải ngạc nhiên và đùa bảo, giờ bạn có thể cãi nhau bằng tiếng Anh rồi đấy”.

Bên cạnh đó, nhiều du học sinh lại có cái nhìn tích cực khác về homestay. Hùng, hiện đang theo học tại đại học kỹ thuật công nghiệp Auckland cho rằng ở homestay được nhiều hơn mất, bởi ngoài việc được trau dồi ngoại ngữ thường xuyên, Hùng còn biết tự điều chỉnh cách sống của mình theo hướng tốt hơn, tự lập hơn và “Tây” hơn. “Trước đây, mình cứ nghĩ là cách sống của mình ổn, nhưng từ khi sang đây mới thấy còn rất nhiều điều phải sửa. Không những thế mình còn học được cách sống và làm việc khoa học, ngăn nắp, vệ sinh của họ. Mình cũng học cách quan tâm đến người khác một cách tôn trọng và khoan dung hơn” - Hùng chia sẻ.

Thực tế cho thấy, trừ những trường hợp cá biệt, còn phần nhiều sinh viên ở homestay gặp nhiều thuận lợi, nhất là trong thời gian đầu khi mới bỡ ngỡ bước chân đến một đất nước xa lạ. Nếu hòa nhập nhanh, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của hiện tượng “sốc” văn hóa và tự điều chỉnh bản thân thì ở homestay là những trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc đời. “Nếu có ý định lựa chọn ở homestay thì hãy nhớ chuẩn bị tâm lý để nhập gia tùy tục, khi đó bạn sẽ thấy ở homestay sẽ không còn là quan hệ chủ nhà và người ở trọ nữa” - đó là lời khuyên của cô sinh viên tên Minh nói trên.
Vân Anh (từ Auckland)
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.