Quá khứ loang máu của bầy “đại thánh” giam mình dưới chân núi Nhẫm

Long Nguyễn |

Ngày qua ngày, những “đại thánh” còi cọc cứ đau đáu nhìn về vạt rừng thưa còn sót lại qua song sắt lạnh lẽo. Nhưng chẳng thể khác được, bởi đó chính là cách duy nhất để chúng tồn tại giữa bộn bề sân si của loài người. Từ một rặng núi ràn rạt những khỉ, khỉ trêu người, khỉ nhảy cả vào mâm cơm, giờ đây hoang tàn thành bình địa, chỉ còn vài con giam mình trong lồng sắt, u uất trong ngôi cổ tự…

Những năm tháng xưa cũ

Ngôi cổ tự Nhẫm Dương nằm nép mình ở phía Đông núi Nhẫm, giữa góc nhỏ xanh rờn lá và quần thể hang động đẹp tựa tranh thủy mặc. Còn bên bờ Tây thì nham nhở như thỏi gang đúc hỏng, hệ quả của việc khai thác đá tràn lan phục vụ cho ngành công nghiệp xi măng bỏng rẫy suốt mấy mươi năm qua.

Chùa Nhẫm Dương rất nổi tiếng, thế nên mới đến đầu xã Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) hỏi thăm thì ai cũng biết. Cứ thế bon qua mấy con đường nhỏ hun hút rạc cỏ khô nữa, chùa nằm sâu trong núi.

Ngày đầu năm mới Bính Thân, ngôi cổ tự khởi dựng từ thời Trần này chộn rộn khách thập phương đến cúng lễ. Người đến lại đi trong vội vã. Chẳng mấy ai thong thả để kịp nhận ra phía bên phải chùa chính, hơi vênh vếch ở đầu dốc, là mấy lồng sắt nhỏ cũ kĩ, nơi lánh nạn của bầy “đại thánh” đã từ nhiều năm nay.

Một góc chùa Nhẫm Dương (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương)
Một góc chùa Nhẫm Dương (Duy Tân, Kinh Môn, Hải Dương)

Trụ trì chùa Nhẫm Dương là sư Thích Diệu Mơ (53 tuổi) - người có dáng dong dỏng cao cùng khuôn mặt nhân từ và rắn rỏi. Hàng chục năm gắn bó tôn tạo chùa, sư nhận được sự tin yêu và kính trọng của nhân dân trong vùng vì nhiều nhẽ. Nhưng nổi bật nhất có lẽ vẫn là việc sư đã dùng chính sinh mạng của mình để đấu tranh giữ lại được phần Đông núi Nhẫm, giữ được chùa, giữ lại được cảnh quan di tích. Và sư Mơ cũng là người đã giang tay cứu vớt những con khỉ vàng cuối cùng trong vùng khỏi phen diệt vong trước sự hung hiểm của con người.

Chuyện dãy núi tai mèo ở huyện Kinh Môn khi xưa ràn rạt khỉ thì bất cứ người dân bản địa nào cũng có thể vanh vách kể trong sự tiếc nuối đến day dứt.

Ngày ấy, chẳng phải đâu xa, mới độ cách nay hơn chục năm. Chỉ tính riêng dãy núi Nhẫm đã có cả chục đàn khỉ vàng, mỗi đàn có vài chục con. Chúng kiếm ăn khắp các rông núi. Đói thì về chùa xin ăn và đặc biệt rất yêu quý sư Mơ. Cứ sáng sớm, chúng lại ríu rít trên cây thị cổ thụ trước chùa, chạy nhảy trên mái chùa, ngồi chồm hỗm trên nóc tháp tổ để ngắm nhìn sư quét lá.

Bọn khỉ đặc biệt rất thích chòng ghẹo đàn bà con gái. Nếu phát hiện ai đi một mình, chúng xông đến giật nón, giật mũ, lôi rách cả áo. Xua đuổi chúng, chúng tót lên núi, hò hét cả bọn lấy đá sỏi ném như mưa rào. Vào độ vụ mùa, lúa mọc vàng ươm, tốt bời bời, chúng không phá. Nhưng hễ chị em phụ nữ vào khe núi gặt, là chúng kéo đến trêu ghẹo. Nhiều người tức đến phát khóc đành chạy ngược vào chùa cầu cứu sư Mơ. Mỗi lần như vậy, sư lại phải hắng giọng quở mắng, thì chúng mới bớt quậy phá.

Nhưng rồi, những ngọn núi trong vùng lần lượt bị tàn phá. Tiếng máy xúc, máy ủi, tiếng nổ mìn vang vọng suốt ngày đêm đã nhấn chìm nhiều trảng đồi xanh thẳm. Đàn khỉ bị dồn ứ về núi Nhẫm, là quả núi duy nhất còn sót lại trong vùng do sư Mơ kiên quyết giữ gìn. Đúng lúc ấy lại rộ lên phong trào ngâm rượu khỉ, cao khỉ, nên giống loài này bị tàn sát không sao kể siết.

Máu khỉ nhộm đỏ nhiều vách đá. Hình ảnh những gã thợ săn quẩy theo cả gánh khỉ từ núi đi xuống đã gây nhức nhối biết bao thế hệ người Duy Tân. Rồi những tiếng khỉ con ri rỉ khóc mẹ, những tiếng gào rú đau đớn do súng đạn, và thậm chí là những giọt nước mắt khỉ, đã dày xéo tâm can của những con người còn xót lại chút lòng trắc ẩn.

Ước mơ gây dựng lại đàn khỉ

Sư Mơ tận cùng đau đớn, nhưng bầy khỉ thì chẳng phải của riêng ai. Sư lại quá đơn độc trong khi đám thợ săn thì đông đúc. Cảm hóa được người này thì người khác lại hăm hở cung cứng nỏ sắc lần mò lên núi. Cả ngàn con khỉ đã bị ngâm cao, bị phạt đầu ăn óc sống hoặc xuất lậu sang Trung Quốc. Sự tàn sát ghê rợn đến mức cả rặng núi già nua nay chỉ còn thấp thoáng một hai bóng khỉ, nhưng cũng sợ hãi trốn biệt trong hang đá.

Chẳng còn cách nào khác, vị trụ trì đành chấp nhận gây dựng lại đàn khỉ bằng cách tìm gặp và mua lại những con khỉ người ta đem bán, dù giá có cao bao nhiêu. Sư còn dặn thập khách ai có khỉ mà không nuôi được thì chuyển lên chùa hoặc ai thấy người ta bán khỉ ở đâu thì giới thiệu để sư có thể kịp thời đưa về nuôi dưỡng.

Du khách đang ngắm nhìn một đại thánh bị nhốt trong lồng sắt dưới chân núi Nhẫm
Du khách đang ngắm nhìn một đại thánh bị nhốt trong lồng sắt dưới chân núi Nhẫm

Sau khi mua khỉ về, sư Diệu Mơ nhốt vài tuần để khỉ quen nơi ở và chăm sóc cho chúng lại sức vì hầu hết đều gầy còm, nhiều con bị bỏ đói đến nỗi ăn đuôi lẫn nhau, nhìn vào đuôi chỉ thấy còn trơ xương. Mỗi con khỉ sư đều coi như con, đặt tên riêng và thậm chí còn nhớ cả tính cách của từng con một.

Từ khi quyết tâm gây dựng lại đàn khỉ, sư Mơ đã thả về núi cả vài chục con, có con sư mua, cũng có con phật tử đem tặng. Thế nhưng việc làm này cũng gặp nhiều bất trắc khi đàn khỉ cứ lại hao hụt dần. Ở đâu đó ngoài kia, vẫn còn có những con người hung tàn đang rình rập để tiếp tục săn khỉ.

“Khỉ nuôi lại rất dễ gần, dạn người, nên chỉ cần đưa đồ ăn là có thể đánh bẫy được. Chính vì vậy, thả ra thì lo mà nhốt mãi cũng không đặng. Nhiều lúc nhìn ánh mắt chúng đau đáu ngắm núi, thèm thuồng hoang dã, tôi thương đến thắt ruột”, vị sư khả kính tâm sự.

Nhưng khi sư quay mặt đi, ánh mắt chúng lại thẫn thờ nhìn về mé núi, nơi có những tán lá khô xào xạc lốc gió, mãnh liệt thèm khát...
Nhưng khi sư quay mặt đi, ánh mắt chúng lại thẫn thờ nhìn về mé núi, nơi có những tán lá khô xào xạc lốc gió, mãnh liệt thèm khát...

Tạm gác lại những bận rộn quay cuồng dịp dầu năm, sư Mơ dẫn chúng tôi đến phía khu vực lồng sắt, nơi có những chú khỉ cuối cùng đang cư ngụ rồi âu yếm nói: “Ngày thường chùa vắng vẻ, tôi cũng thả chúng ra chơi. Chúng thực sự rất thông minh, mỗi con một tính giống như con người vậy. Tôi đặt tên để khi gọi là chúng sẽ về ngay”.

Sư chỉ tay vào từng lồng sắt tách biệt, gọi tên và giới thiệu với chúng tôi tính cách của từng con, say sưa hệt như một người mẹ tần tảo nói về bầy trẻ thơ của mình. Bầy khỉ thấy sư thì quấy quýt mừng vui như trẻ ranh, nhảy múa quanh lồng, nhưng khi sư quay mặt đi, ánh mắt chúng lại thẫn thờ nhìn về mé núi, nơi có những tán lá khô xào xạc lốc gió, mãnh liệt thèm khát.

Cảm xúc buồn bã của một chú khỉ bị nuôi nhốt trong lồng sắt, cách li tự nhiên
Cảm xúc buồn bã của một chú khỉ bị nuôi nhốt trong lồng sắt, cách li tự nhiên

Chúng tôi đặt câu hỏi về tương lai của những chú khỉ tội nghiệp, vị trụ trì lắc đầu buồn bã, nói: "Bây giờ, tôi đành tạm nhốt để bảo vệ chúng. Đợi khi nào có điều kiện thuê bảo vệ trông nom hàng ngày, hoặc người dân thôi săn bắn thì mới dám thả chúng về với thiên nhiên. Ngoài ra thực chẳng biết có giải pháp nào tốt hơn...".

Long Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.