Phan Huấn - Một dâng hiến thầm lặng

NGUYỄN THỤY KHA |

Lâu lắm mới được gặp Phan Huấn ở Hội Nhạc sĩ. Em trai anh - NSƯT Phan Muôn thì tôi gặp và làm việc hơi nhiều, nhưng tôi thì hình như ít có duyên kỳ ngộ với anh.
Cũng là ít gặp mặt thôi chứ còn ký ức về anh vẫn còn đọng mãi trong tôi từ những ngày ở Hải Phòng những năm thanh bình. Dạo ấy, vào một kỳ thi đơn ca văn nghệ tại Nhà hát Lớn Hải Phòng, Phan Huấn đã đoạt giải nhất với ca khúc “Cánh tay miền Nam trên đất Bắc” của Trần Kiết Tường. Có lẽ sau Quốc Hương, Phan Huấn là ca sĩ diễn tả được nỗi nhớ nhung đến nao lòng của những người miền Nam tập kết. Tuy đã tham gia ca hát và sáng tác ở Hà Nội từ ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng phải đến giải thưởng này, Phan Huấn được giới thiệu vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đào tạo chính quy dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô cũ) và được cử đi đào tạo sau đại học ở Nhạc viện Sofia (Bulgarie). Sau thời gian ở Đoàn Ca múa Quảng Ninh, năm 1967, Phan Huấn về làm giảng viên Trường Sư phạm Nhạc Họa Trung ương và là người đầu tiên viết giáo trình thanh nhạc cho trường.

Ký ức lại sáng lên đêm mùa đông Tây Nguyên 1974. Giữa cuộc âm thầm chuẩn bị cho những bất ngờ tháng 3.1975 ở trận điểm huyệt Buôn Ma Thuột, bỗng nghe vang qua đài bàn dẫn một giai điệu mang âm hưởng Tây Nguyên da diết: “Anh bắc qua năm tháng/ Chiếc cầu phao âm thanh/ Đời hai đều mưa nắng/ Đàn mắc võng tâm tình...”. Nghe mới biết đó là ca khúc “Đàn T’rưng” của Nguyễn Viêm (thơ Huy Cận). Người làm thơ đã quá tuyệt chiêu khi chọn được cái tứ hiểm hóc này. Cái sự nói hai đầu mơ hồ của tình yêu đã được Huy Cận triển khai đến tận cùng tứ thơ: “Anh cùng em ta nối/ Qua trăm suối ngàn đèo/ Tiếng quê hương vời vợi/ Như dậy rừng nứa reo...”. Nhạc sĩ Nguyễn Viêm cũng không phải là vừa. Anh đã thả hồn nhạc vào hòa quyện với hồn thơ đến mức không thể tách rời. Đặc biệt nhất là anh đã sử dụng cung bậc Tây Nguyên bay theo nhịp 7/8 của ví dặm Nghệ Tĩnh. Một nhịp điệu thuần Việt, để tạo nên một hiệu quả chinh phục bất ngờ. Ca khúc phổ nhạc nhuần nhuyễn đến mức không thể chê vào đâu. Ca khúc hay là thế, những người thể hiện nó trên làn sóng điện phải đủ bản lĩnh tới chừng nào mới có thể chuyển tải được sự lấp lánh của tác phẩm. Phan Huấn đã thực hiện được điều đó xuất sắc. Nghe “Đàn T’rưng” qua giọng ca Phan Huấn, thấy bị hút hồn thấy niềm tự hào của những người lính đứng chân trên mặt trận Tây Nguyên những tháng năm thắt ngặt này. Ngày tôi gặp nhà báo Cao Nhị, cùng ông trao đổi về “ Đàn T’rưng”, Cao Nhị đã khen cách thể hiện của Phan Huấn không ngớt. Ông còn cho tôi biết, để giữ được giọng Phan Huấn đã phải tập thể dục đều đặn và tuyệt đối không hút thuốc, uống trà, uống rượu.

Nhưng “Đàn T’rưng” mới chỉ là khối âm thanh thẩm mỹ nạp năng lượng cho lính Tây Nguyên trước khi vào trận. Ca khúc “ Sông ĐakNông mùa xuân về” mà Phan Huấn thể hiện qua làn sóng phát thanh mùa xuân năm 1975 mới thực sự chắp cánh cho lính Tây Nguyên bay vào chiến dịch Buôn Ma Thuột tháng 3.1975. Bay bổng quá. Dạt dào quá. Giọng hát Phan Huấn đã đồng hành cùng chúng tôi trong những ngày lịch sử đầy bụi đỏ của miền đất ba dan.

Trước hai ca khúc Tây nguyên ấn tượng này, Phan Huấn đã thực hiện cuộc thu thanh bản hành khúc trữ tình “Hành khúc ngày và đêm” của Phan Huỳnh Điểu (thơ Bùi Công Minh). Theo lời kể của nhạc sĩ lão thành, ông đã đọc bài thơ của Bùi Công Minh in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thấy bài thơ rất hợp với hoàn cảnh của con trai ông lúc đó đang là bộ đội công binh, còn người yêu là cô giáo Hà Nội. Ông đã phổ nhạc bài thơ để tặng con trai. Phan Huấn biết chuyện ấy. Trưa nào Phan Huấn cũng đến hỏi nhạc sĩ. Đến lúc xong, nhạc sĩ Lê Lôi biên tập và đề nghị Phan Huấn thu thanh nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, câu hát mở đầu với lời thơ: “Rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ”, nếu hát lên chưa chừng sẽ làm nản lòng người lính. Vậy là Phan Huấn đã phải biến thành “Hớ hờ hờ hớ hơ là những ngày thương nhớ”. Nhạc sĩ lão thành còn giữ được băng ghi âm này để làm kỷ niệm. Sau “Hành khúc ngày và đêm” của Phan Huỳnh Điểu, Phan Huấn cũng rất thành công khi thu thanh hành khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” của Doãn Nho (phổ thơ Hữu Thỉnh). Với nhạc sĩ Lê Yên, Phan Huấn không chỉ da diết trở lại qua “Bộ đội về làng” (thơ Hoàng Trung Thông) mà còn rất phơi phới trong ca khúc “Quy Nhơn giải phóng” phổ thơ Mịch Quang với những giai điệu đậm chất từng thời ấy, cũng khó ai quên giọng hát Phan Huấn qua ca khúc “Nhớ ơn Hồ Chí Minh” của Tô Vũ, được phát liên lục tại Quảng trường Ba Đình trong những ngày tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9.1969.

 

Nghệ sĩ Phan Huấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Nghệ sĩ Phan Huấn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Sau ngày thống nhất đất nước ít năm, dù đã dể lại ấn tượng sâu sắc khi hát “ Hành khúc ngày và đêm” ở những bệnh xá dã chiến cho những người thương binh nặng để giúp họ nở nụ cười ra đi thanh thản năm tháng chiến tranh, Phan Huấn lại tiếp tục để lại một ấn tượng thời thanh bình khi là người đầu tiên thu thanh ca khúc “Tình ta biển bạc đồng xanh” của Hoàng Sông Hương. Bản tình ca được nhạc sĩ người Quảng Bình viết năm 1978. Qua sự hướng dẫn xuất sắc của nhạc sĩ Vũ Thanh, “Tình ta biển bạc đồng xanh” đã lần đầu tiên được vang lên trên làn sóng điện qua giọng hát Phan Huấn. Bây giờ, sau nhiều thời gian, “Tình ta biển đồng xanh” đã được (hát lên) qua cặp song ca Anh Thơ - Việt Hoàn, và mới đây trong trương trình “Giai điệu tự hào” mang tên chính ca khúc ấy do cặp song ca Mỹ Lệ (con gái nhạc sĩ Hoàng Sông Hương) - Quang Linh thể hiện đầy hiệu quả, người ta vẫn nhớ về giọng hát Phan Huấn của thuở xưa tươi sáng và đầy hy vọng, khi người ca sĩ đất Kinh Bắc Quan họ đã lại rất mềm mại với hò Quảng Bình.

Cũng từ thời thanh bình, Phan Huấn bắt đầu chín trong sáng tác ca khúc khi cùng đoàn thương binh Minh Hải ra Hà Nội viếng lăng Bác trở về Cà Mau. Ở nơi chót cùng đất mũi của Tổ quốc, Phan Huấn đã cảm xúc viết ra ca khúc “Vùng trời cuối đất một tình yêu”. Ca khúc đã được NSND Thu Hiền thể hiện và được rất nhiều người mến mộ đón nhận. Trên đôi cánh cảm xúc ấy, Phan Huấn đã có thêm những ca khúc cho Vũng Tàu, Sông Bé, Tây Ninh... Với Hà Nội, Phan Huấn cũng có những giai điệu da diết của riêng mình như “Nói với Hồ Gươm”, “Hà Nội ơi màu xanh”, “Phố bên sông”...

Năm nay, Phan Huấn đã ở tuổi 77. Ngồi cùng ông nhâm nhi cà phê chiều ở quán nhỏ Đường Thành, bên cạnh rạp Hồng Hà, chợt nhận ra tầm vóc của một dâng hiến thầm lặng cho âm nhạc Việt Nam qua cả ba lĩnh vực: Biểu diễn, giảng dạy và sáng tác với không ít những thành công qua Huy chương Vàng cho những sáng tác và dàn dựng chương trình qua các kỳ hội diễn. Bỗng nhớ những đánh giá của nhà báo Cao Nhị về Phan Huấn trong một bài báo cũ: “Tài năng không bao giờ là chuyện tình cờ. Bên cạnh một cái giọng tốt, phải bao nhiêu mồ hôi lao động nữa đổ vào thì người nghệ sĩ mới phát ra được những âm thanh kỳ diệu làm rung động hàng triệu trái tim. Phan Huấn đã công phu rèn luyện và bảo vệ giọng hát của mình”. Tự nhiên thấy những dâng hiến thầm lặng của Phan Huấn - tuy sinh ra và lớn lên ở Thành phố Cảng Hải Phòng - chẳng khác gì những nghệ nhân Quan họ quê ông từ xửa xưa đã để lại những bài Quan họ được UNESCO vinh danh, mà chính họ thì nào có ai một lần nhắc đến. Thì cũng có sao đâu nhỉ. Cứ thế, cứ sống, cứ dâng hiến đến cùng. Được vinh danh thì cũng tốt, nhưng chưa được vinh danh thì cũng chẳng sao. Rồi sẽ có lúc. Cuối cùng, cuộc đời bao giờ cũng luôn luôn công bằng với mọi giá trị đích thực. Những giá trị bồi đắp cho cuộc đời biết bao vẻ đẹp nhân văn và nhân bản sâu sắc.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.