Phận đời don, dắt

Việt Hòa - phamviethoa@laodong.com.vn |

Không như những loại hải sản cao cấp cùng họ nhuyễn thể hai mảnh (sò, tu hài, nghêu)… được đưa lên bàn tiệc, con don, con dắt chủ yếu được đánh bắt để làm thức ăn cho tôm, cá. Những người làm nghề cào don, dắt dường như cũng chịu cảnh đời hẩm hiu như chính những sản vật họ bắt được, khi bị chèn ép đến cùng quẫn.

Ra khơi cùng “tổ lái”

Xuất phát từ bến cống C2 thuộc phường Tân Thành, quận Dương Kinh (Hải Phòng), tôi leo lên chiếc thuyền máy của anh Minh, một người có gần 10 làm nghề cào don, dắt để ra vùng cửa biển. Chiếc thuyền máy bé tẹo với công suất chưa đến 20 mã lực chồm lên, chồm xuống những con sóng. Cùng với thuyền anh Minh, gần 20 chiếc thuyền máy khác cũng đồng loạt vượt qua chặng đường dài hơn 10km để ra khu vực có nhiều con don, dắt.

Trong tiếng máy nổ phành phạch, quẹt giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt cháy đen, anh Minh tâm sự: "Nghề cào don, dắt của chúng tôi là nghề mạt nhất trong các nghề đi biển. Trong khi các ngư dân có điều kiện sắm phương tiện hiện đại, đi ra vùng biển xa bắt tôm hùm, cua, tu hài… với giá trị cao thì chúng tôi chỉ loanh quanh bắt con don, con dắt với giá trị bằng 1/100 các loại hải sản trên".

Con don, con dắt là loài nhuyễn thể hai mảnh nhỏ như đầu đũa, sống ở những đụn cát dưới đáy vùng nước lợ cửa biển, chúng có hình dáng giống hệt nhau, chỉ khác là don màu xanh xám, dắt màu trắng. Trước đây, ngư dân Hải Phòng thường khai thác bằng những chiếc cào tay ở những vùng nước nông để nấu cháo, nấu canh, kho... Ngày nay, loại nhuyễn thể này chủ yếu được khai thác làm thức ăn nuôi tôm, cua tại các đầm thủy sản. Cùng là loài nhuyễn thể 2 mảnh, trong khi 1kg tu hài giá vài trăm nghìn đồng thì con don, con dắt chỉ có giá 1.400 đến 1.800 đồng/kg, do đó, người làm nghề này có bán hàng tạ don, dắt cũng chỉ đủ mua 1kg thịt lợn. Tuy nhỏ bé, giá trị quá thấp nhưng nghề cào don, dắt lại là kế sinh nhai của hàng trăm hộ ngư dân sống ven các bãi triều vùng ven biển duyên hải Bắc Bộ.

Sau quãng đường biển dài chừng 10km, thuyền chúng tôi đến vũng don, dắt. Lúc này, trên biển đã có hơn 10 tàu khác đang mải miết khai thác. Cào đánh don, dắt đơn giản, phần trên hàn bằng ống sắt hình tam giác, phần cào dài chừng 90cm, giống gàu máy xúc. Đuôi cào buộc túi lưới chứa, dài 3-4 mét, còn được gọi là bả tướt. Khi đánh bắt, cào được ném úp xuống đáy biển, vừa đi vừa rê đưa don, dắt vào túi chứa. Một tàu kéo theo 2 cào, mỗi cào được nối với tàu bằng 2 sợi dây bện dài khoảng 40m. Khi 2 chiếc cào được máy tời hạ xuống nước, anh Minh cho biết: "Việc bây giờ chỉ là lái thuyền làm sao để chiếc cào dưới đáy biển vào đúng nơi (dự đoán) có nhiều don, dắt để dồn chúng vào lưới".

Tôi đã gọi đùa những người làm nghề đánh bắt don dắt là những thành viên của “tổ lái” trên biển khi chứng kiến họ điều khiển thuyền “lạng lách, đánh võng”. Ngư phủ tên Lưu (ở phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, Hải Phòng) tâm sự: “Lái thuyền cào don, dắt thì không thể đi thẳng được, phải luồn, lách, xoay ngang, xoay dọc sao cho tránh được tàu khác, mà vẫn đưa được cào vào luồng. Không những thế, đuôi tàu nào cũng có 4 sợi dây lòng thòng kéo sau, phải lưu ý để không bị mắc, lộn dây”. Quả thật, ngồi trên thuyền cào don, dắt phải có thần kinh vững bởi mũi tàu khi lắc, lúc giật, lúc chồm lên, khi lại chúi xuống. Có khi, nhìn thấy phía trước có 3-4 tàu, tưởng đâm nhau đến nơi, nhưng dưới sự điều khiển khéo léo của “những tay lái lụa”, vẫn tránh được ngon ơ. Thấy khách hoảng sợ, lái tàu thản nhiên “an ủi”: “Chuyện thường ngày nơi phố huyện”.

Sau khoảng thời gian 30 phút, chiếc cào lại được kéo lên khỏi mặt nước. Hàng vạn con don, con dắt lùa vào nằm trong chiếc lưới được tời máy kéo lên, đổ thẳng xuống sàn thuyền, dồn vào các bao dứa. Công việc của người ngư phủ cứ vậy lặp đi lặp lại tới khi hàng tạ don, dắt được đóng vào những chiếc bao bố chật cứng. Khi thuyền cập bến, những chiếc ôtô đã đợi sẵn, từng bao don, dắt được cân một cách vội vàng để chính những ngư phủ vác các bao thành phẩm của mình lên xe ôtô chở đến cung cấp cho những đầm nuôi trồng thủy sản. Mỗi chuyến đi, chiếc thuyền máy với 2 - 3 lao động thu hoạch được vài tạ đến 1 tấn don, dắt. Nghe sản lượng có vẻ “to tát” nhưng thực tế 1 tấn don, dắt chỉ có giá khoảng 1,4 triệu đồng, trừ các loại chi phí mỗi người chỉ còn lại khoảng 200.000 đồng cho một ngày quần quật giữa trời nắng, quần thảo với sóng gió.

 

Đời ngư phủ “dưới đáy của đáy”

Những ngư phủ mà chúng tôi gặp luôn miệng nói: "Chúng tôi là những người ít học, chẳng có quan hệ gì nên ai cũng có thể bắt nạt”. Mà đúng là họ dễ bị bắt nạt thật. Có cái gì cứ nghèn nghẹn trong cổ họng tôi khi nghe họ kể rằng, tất cả các bãi cào don, dắt ở vùng cửa biển Hải Phòng đều có “bảo kê”. Dân “xã hội” đã cắm cọc bảo kê, bắt người dân phải nộp từ 30 - 40% sản lượng khai thác được cho chúng. Cả ngày quần quật phơi mình dưới nắng nóng, sóng gió, được vài tạ don, dắt, nhiều khi sau khi “nộp tô”, ngư dân trở về nhà tay trắng.

Trong những chuyến đi biển cùng ngư dân, chúng tôi đã chứng kiến những hàng cọc nhọn hoắt nằm thẳng tắp giữa luồng cửa biển đánh dấu “quyền khai thác” của những đối tượng “xã hội”. Đi cùng các ngư phủ, tôi mạnh dạn đề nghị: Vùng nước cửa biển là ngư trường chung, pháp luật đã quy định bất cứ ngư dân nào cũng được quyền khai thác tại ngư trường. Các anh cứ cho thuyền vào khai thác, ai dám ngăn cấm các anh. Nghe phóng viên giải thích, ngư dân ngập ngừng một lát rồi hơn 10 chiếc thuyền đồng loạt vào trong vùng ngư trường khai thác don, dắt. Từ phía bờ, một chiếc tàu hùng hổ lao ra nhưng ngập ngừng dừng lại thăm dò rồi lặng lẽ quay vào bờ. Anh Minh - một ngư dân đi cùng - nói: “Có lẽ việc nhà báo lên thuyền của chúng tôi, bọn bảo kê đã biết”. Động thái của chiếc thuyền lạ cùng ánh lấp lóa phản chiếu ánh mặt trời của ống nhòm trên bờ khẳng định rằng chúng tôi đã bị lộ. Điều này càng rõ ràng hơn khi máy điện thoại của một ngư phủ có tin nhắn đến: “Mày cho nhà báo lên thuyền à? Mày có cho nó đi theo mãi được không?”. Đáp lại sự lo lắng của các ngư dân, chúng tôi thẳng thắn: “Đây là ngư trường, ngư dân nào cũng có quyền khai thác. Chúng tôi ở đây để giúp các anh. Chúng tôi hứa bảo vệ bà con, nói lên tiếng nói để các cấp chính quyền phải vào cuộc, chấm dứt tình trạng bảo kê tại vùng biển này”.

Có một luật bất thành văn là hễ ngư dân vào bãi khai thác đều phải nộp lại 30 - 40% sản lượng khai thác được tùy theo mùa. Nếu ngư dân nào không nộp lập tức bị các tàu của “chủ bãi” lao ra xua đuổi. Nếu thuyền nào không chịu nộp “tô” mà vẫn cố tình đánh bắt thì kiểu gì cũng có chuyện. Đã có chuyện thuyền của ngư dân bị tàu của chủ bãi đâm hỏng mũi, khi lên bờ ngư phủ bị các đối tượng đầu gấu gây gổ đánh thâm tím mặt mày. Tuy vậy, đối với ngư phủ, điều họ sợ nhất là câu dọa của của các đối tượng “xã hội”: Mày giỏi thì cứ đánh bắt don, dắt đi, lát nữa biết tay với biên phòng. Các ngư dân sợ những lời nói của đám “chủ bãi” không phải không có lý do. Sau mỗi câu dọa đó, không ít lần ngư dân bị các tàu tuần tra biên phòng ra kiểm tra giấy tờ phương tiện, mà đối với những ngư dân này khi bị kiểm tra là… to chuyện.

Đem thắc mắc của các ngư dân "có hay không lực lượng biên phòng tiếp tay cho các đối tượng bảo kê bắt ngư dân “nộp tô”" phản ánh tới Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, đại tá Đào Quang Thức - Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng - cho biết: Ngay sau khi nhận được thông tin từ Báo Lao Động & Đời sống, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng đã thành lập đoàn công tác tới các đồn biên phòng khu vực quận Dương Kinh, Đồ Sơn để kiểm tra tình hình. Chúng tôi khẳng định, không có hiện tượng cán bộ, chiến sĩ biên phòng bảo kê cho các đối tượng này. Thời gian qua, có việc một số người tới đồn biên phòng “tố cáo” một số ngư dân vào vùng nước mà họ được cấp phép, tự ý khai thác. Nhận được kiến nghị, lực lượng biên phòng với chức năng của mình đã ra kiểm tra khiến nhiều ngư dân hiểu lầm. Bộ đội biên phòng Hải Phòng chỉ đạo các đồn biên phòng kiên quyết xử lý dứt điểm, không để xảy ra tình trạng chèn ép, bắt ngư dân nộp sản lượng khai thác.

Khi đang ngồi viết những dòng này, anh Minh - ngư dân đã dẫn chúng tôi đi thực tế - gọi điện hồ hởi thông báo: “Giờ đây, chúng tôi ra ngư trường đánh bắt don, dắt không còn bị bọn bảo kê ra bắt nộp sản lượng nữa, hàng cọc nơi cửa biển cơ bản cũng được nhổ bỏ rồi”. Những tin vui với ngư dân xuất phát từ những động thái tích cực của TP.Hải Phòng sau khi nhận được phản ánh của Báo Lao Động & Đời sống. Cụ thể là trong tháng 7.2015, Thành ủy, UBND TP.Hải Phòng lần lượt có các công văn chỉ đạo Sở NNPTNT Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Bộ đội biên phòng và UBND các quận huyện ven biển rà soát, chấn chỉnh không để xảy ra hiện tượng “bảo kê” chèn ép ngư dân. Hy vọng, từ đây cảnh các đối tượng “xã hội” chèn ép bắt ngư dân “nộp tô” sẽ chấm dứt tại vùng cửa biển Hải Phòng.

Việt Hòa - phamviethoa@laodong.com.vn
TIN LIÊN QUAN

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.