Nguyễn Xuân Khoát - người anh cả của tân nhạc

Nguyễn Thụy Kha |

Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát sinh ngày 11.2.1910 tại phố Nhà Thờ, Hà Nội, mất ngày 7.5.1993 tại Hà Nội, thọ 84 tuổi. Sinh thời và cho đến hôm nay, nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đương đại đều gọi ông bằng cái tên trìu mến “Người anh cả Tân Nhạc” hay “Người anh cả làng nhạc” hoặc thân thiết hơn “Cụ Cả Khoát”.
Ông từng kể lại với tôi những kỷ niệm học nhạc thời thanh xuân mơ mộng. Năm 27 tuổi (1927), Nguyễn Xuân Khoát cùng các bạn Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Giệp… vào học “Viễn Đông âm nhạc viện”

 Sau 3 năm, người Pháp quyết định đóng cửa trường nhạc này và buông thõng một câu nhận định: “Người Việt Nam không có khả năng âm nhạc”. Và Nguyễn Xuân Khoát cùng các bạn đã ở tuổi “tam thập nhi lập” đành lủi thủi bước ra đường, kiếm ăn bằng việc đi chơi đàn ở các hộp đêm. Song chính trong những ngày tuyệt vọng nhất, âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã cứu sống, hồi sinh Nguyễn Xuân Khoát. Chính trong nỗi mệt mỏi và chán chường từng đêm vác đàn đi về từ hộp đêm, Nguyễn Xuân Khoát lại nghe vẳng đâu đây tiếng đàn một giai điệu cổ, tiếng phách bay ra từ xóm ả đào.

Và tình cờ đâu đó, vọt căng tiếng đàn bầu. Những âm thanh ấy cùng những âm thanh thuở ấu thơ đã dắt đưa Nguyễn Xuân Khoát bước sang một chân trời mới. Ông lặng lẽ học chèo, học ca trù, phổ những bài ca dao như “Thằng Bờm”, “Con Voi”, “Con cò mày đi ăn đêm”… và viết những bài hát mới mang âm hưởng dân ca như “Bình minh”… đặc biệt là độc tấu piano “Trống Tràng Thành” lấy cảm hứng từ “Chinh phụ ngâm”. Chính ông và Nguyễn Văn Tuyên đã có bài hát in trên báo “Ngày Nay” mùa thu năm 1938 như tờ khai sinh cho Tân Nhạc Việt Nam đã nhiều năm hoài thai. Ở Nguyễn Văn Tuyên là “Kiếp hoa”. Còn ở ông là “Bình minh”.

Một lần khác ông hỏi tôi về tiếng chũm chọe. Thấy tôi lúng túng ông cười. Càng dấn thân vào tìm hiểu âm nhạc dân tộc, Nguyễn Xuân Khoát càng thấy cái riêng, cái độc đáo của nhạc Việt. Ông cùng Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Xuân Sanh lập ra nhóm “Xuân Thu Nhã Tập” đầu tháng 6.1942 với tư tưởng hướng về dân tộc nhưng có tuyên ngôn rõ ràng và sắc sảo: “Nhạc phát sinh muôn ngàn khúc điệu, tiết tấu trong vạn vật, trong văn thơ, trong nghệ thuật, trong tư tưởng, hành vi. Không có nhạc là không có gì hết…”.

Hướng theo tư tưởng này, Nguyễn Xuân Khoát đã phổ bài thơ “Xây mơ” của Nguyễn Xuân Sanh và đặc biệt là “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ với một phần đệm piano đặc sắc đến tận bây giờ. Ngày ấy, nếu Lưu Hữu Phước kết hợp với Thế Lữ làm ra ca kịch “Tục lụy”, thì Nguyễn Xuân Khoát lại kết hợp với Thế Lữ làm ra ca kịch “Trầm Hương Đình”. Ca khúc “Chào người chìm bóng” là ca khúc rất hay mà Nguyễn Xuân Khoát viết cho ca kịch này từ phần lời của Thế Lữ.

Theo hồi ký Thế Lữ, khi ông cùng hai nữ nghệ sĩ hát đến nhà Nguyễn Xuân Khoát để tạm hát một đoạn lời: “Khoát khẽ bảo tôi (Thế Lữ): “Thấy rồi”. Mắt anh sáng lên. Anh nhẹ nhàng cầm lấy guitare treo ngay tầm tay, bấm thành những nốt đệm theo nhẹ như hơi gió. Nữ ca sĩ  giọng Huế - Sài Gòn pha chút hơi Hà Nội của kịch thơ mà người nữ tập quen, song ca tiếp tục hát. Khoát bấm đàn to hơn và tiếng song ca cũng rõ nét, phấn hứng thêm, như gặp được sự nương tựa vào tiếng đàn của nhạc sĩ. Một điệu bi hài ai oán chưa từng có bao giờ nhưng lại rất quen tai được phác lên. Khoát cùng tôi vỗ tay, chúc mừng hai người nữ - Họ vừa mừng vừa thẹn. “Thấy rồi! Được rồi!”, Khoát đã ghi âm được đoạn ca ứng biến của hai nữ ca sĩ và khi anh chỉnh lý lại thì “Chào người chìm bóng” khá vừa ý và đã thực sự ra đời”.

Mang bao khát vọng tuổi trẻ mong dấn thân vào đóng góp cho âm nhạc nước nhà, nhưng với sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ, Nguyễn Xuân Khoát đã nhìn thấy sự bế tắc của một nghệ sĩ trong đất nước nô lệ. Ông đã bỏ lại những lê lết chán chường tại các hộp đêm. Đầu năm 1945 Ất Dậu, khi nạn đói từ nông thôn kéo về Hà Nội, thì cũng là lúc Nguyễn Xuân Khoát nhập đoàn kịch Anh Vũ với Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Bùi Công Kỳ, Văn Chung… biểu diễn xuyên Việt. Trong vốn liếng nhạc phẩm mang theo có thêm bài “Uất hận”. Khi trở về Hà Nội, Nguyễn Xuân Khoát đã có bài viết quan trọng “Nguyện vọng âm nhạc” trên tạp chí “Tiên Phong” của Hội Văn hoá cứu quốc và tham gia hoạt động cho Hội Khuyến nhạc của ông Lưu Quang Duyệt cùng Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Văn Giệp. Các ông cũng lập thành dàn nhạc chơi ở quán nghệ sĩ (Nhà Khai Trí Tiến Đức - Hàng Trống).

Sau đêm 19.12.1946, để lại kinh thành nghi ngút cháy sau lưng, Nguyễn Xuân Khoát phổ bài thơ “Giết giặc” của Tố Hữu và gia nhập đoàn kịch Tháng Tám của Bộ Nội vụ rút ra Vân Đình. Lại những đêm trình diễn ở vùng tự do. Từ đó, Nguyễn Xuân Khoát cứ đi dần lên Việt Bắc theo kháng chiến. Trên đường đi ông đã chứng kiến cảnh các nhà thờ bị tàn phá. Ngay khi lên tới Việt Trì, ông đã viết ra một tác phẩm lớn cho kháng chiến. Đấy là “Tiếng chuông nhà thờ” độc đáo mang âm hưởng phảng phất “Trấn thủ lưu đồn”.
Cuộc trường kỳ càng ác liệt, càng cần các văn nghệ sĩ động viên người lính.

Sau khi viết xong “Tiếng chuông nhà thờ”, Nguyễn Xuân Khoát đã rời Đoàn Văn nghệ kháng chiến, nhập ngũ. Là nhạc sĩ mặc áo lính, bên cạnh việc đeo trên vai chiếc đàn gió hành quân và biểu diễn các chàng “vệ túm”, Nguyễn Xuân Khoát đã có thêm những sáng tác mới như “Đoàn quân cứu thương”, “Chiều Việt Bắc”… và đặc biệt là “Hát mừng chiến thắng” chỉ ngắn gọn một đoạn đơn với 16 nhịp 2/4. Với nét lạc quan ấy, Nguyễn Xuân Khoát đã tự vượt qua mọi phức tạp của kỹ thuật để đạt tới độ giản dị đầy tự tin với âm hưởng dân ca Bắc Bộ.

Từ sự tự tin ấy, sau thời gian ngắn tham gia quân đội, Nguyễn Xuân Khoát lại nhận trọng trách ở Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương. Ở Đoàn, sau những thử nghiệm ấu trĩ dùng dương cầm đệm cho hát chèo theo kiểu cộng minh, Nguyễn Xuân Khoát đã cùng các đồng nghiệp tạo ra bộ phận nghiên cứu thanh nhạc dân tộc làm nền tảng cho nền kịch hát mới Việt Nam. Khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập cuối năm 1957, Nguyễn Xuân Khoát được bầu làm Chủ tịch Hội. Suốt những năm tiếp theo của chiến tranh chống Mỹ, cùng với Tổng Thư ký Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát đã tạo dựng được lên một đội ngũ âm nhạc hùng mạnh như một binh chủng đặc biệt với sức công phá của âm thanh còn lớn hơn bom đạn, thúc giục dân tộc chiến thắng dã man và xâm lược.

Cùng với sự điềm đạm chỉ đạo toàn đội ngũ, những đóng góp tác phẩm của chính mình, Nguyễn Xuân Khoát còn luôn ngẫm nghĩ định ra một chiến lược cho âm nhạc Việt Nam lâu dài. Ông ước mơ có một dàn nhạc dân tộc Việt Nam với sự độc đáo của bộ gõ “Tiếng gõ từ nhẹ tới nặng, từ câm đến vang là cái nền cho giai điệu phóng khoáng bay lên, là cái kèo, cái cột chống cho cái mái giai điệu, không kín như dàn nhạc phương Tây. Nó thông suốt và thoáng đãng, không bưng bít như bức tường hoà thanh phương Tây. Đường nét nó chạy theo chiều ngang hơn là chiều đứng. Nó đóng câu, mở câu bằng tiết tấu, nhịp điệu, không bằng hoà thanh. Bộ gõ thuần Việt có tác dụng gây không khí, dẫn nhịp, làm nền, bắc cầu, chấm câu, dẫn dắt kịch tính giản dị, tế nhị, độc vị”. Với ý tưởng dàn nhạc dân tộc Việt Nam của Nguyễn Xuân Khoát, từ nhiều năm trước, chúng ta đã tạo dựng nên được dàn nhạc này và gần đây là dàn nhạc dân tộc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Đỉnh cao của bộ tác phẩm viết cho bộ gõ của Nguyễn Xuân Khoát là tổ khúc bốn mùa  “Xuân - Hạ - Thu - Đông” và tổ khúc tứ bình  “Trúc - Cúc - Tùng - Mai”. Những tác phẩm viết cho bộ gõ của Nguyễn Xuân Khoát đã được dàn nhạc gõ “Phù Đổng” trình diễn ở nhiều nơi trong nước và thế giới, được hoan nghênh nhiệt liệt.

Nguyễn Xuân Khoát đam mê âm nhạc trong một niềm ám ảnh kỳ dị. Ngay ở cả tuổi già, lúc đau ốm không thể tưởng chừng gượng nổi, thế nhưng nếu có ai đến bàn về điều gì về âm nhạc thì con người âm nhạc của ông lại bừng sáng, tỉnh táo lạ thường. Ông hiểu âm nhạc đến cốt lõi, rung động trong từng nhấn nhá của nốt để mường tượng, để bay về nhiều phía mơ hồ của tâm linh. và có lẽ vì thế, ông thường buồn nhưng không nặng nề suy nghĩ. Những năm gần cuối đời, dù sống trong cảnh túng thiếu thường trực, ông vẫn không hề ngừng làm việc. Nhiều bài hát trẻ thơ được ông viết ra bằng tâm hồn lão nhi. Ông hình như sinh ra để làm âm nhạc và đón nhận cảm xúc ở cuộc đời. Vừa cặm cụi làm việc, ông vừa hoàn toàn tin tưởng vể triển vọng của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Với lớp đàn em, lớp trẻ, ông có một cái nhìn vô tư, công bằng trước những tài năng âm nhạc.

Có một lần ông đến nhà Văn Cao. Lúc ấy Văn Cao mới ở Sài Gòn ra. Sau những thăm hỏi, đặc biệt là thăm hỏi Thế Lữ, ông chợt hỏi Văn Cao nghĩ thế nào về tiếng trống chầu. Thì ra cái nợ “tom chát” luôn luôn ám ảnh tâm trí ông. Văn Cao im lặng rót rượu mời. Cả hai cụng chén. Ông Khoát nói ngay: “Cái tiếng này cũng là tiếng trống chầu”. Rồi ông giải thích, mường tượng thế nào đó để đến khi tìm ra tiếng trống chầu là tiếng rơi khẽ của một mảnh thiên thạch từ thế giới thẩm âm của người nghe chợt rơi vào chiếu ca trù. Rồi ông đột ngột dẫn tới quan niệm về cái chết như một tiếng trống chầu cuối cùng tán thưởng cuộc sống. Ông trầm ngâm: “Cuộc sống cũng vui có kém gì chiếu hát. Vui lắm”. Rồi ông cười. Nguyễn Xuân Khoát cứ thế ôm mộng ước trong một cuộc sống nghèo của một nghệ sĩ.

Có trưa hè, gặp ông đi trên đường Ngô Quyền. Tôi hỏi: “Bác không nghỉ trưa à”. Ông cười hóm hỉnh: “Cần gì, để lúc nào rồi nghỉ một thể”. Và ngày ấy đã đến với người anh cả Tân Nhạc Việt Nam. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 7.5.1993, ngày kỷ niệm 39 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã trút hơi thở cuối cùng, bỏ lại bao dự định và niềm tiếc thương vô hạn của cuộc đời.

Sinh thời, trong bài “Nguyện vọng âm nhạc” in trên Tạp chí Tiên Phong năm 1946, Nguyễn Xuân Khoát đã có mơ ước: “Âm nhạc Việt Nam sẽ biểu diễn khắp năm châu, nay ở kinh đô nước này, một nghệ sỹ độc tấu đàn bầu, mai ở một thành thị khác, một nghệ sỹ Việt Nam nữa dạo tấu một bản nhạc bằng nhạc khí phương Tây…”. Ước mơ ấy của ông đã trở thành hiện thực từ nhiều thập kỷ qua và nhất là từ khi ông tạ thế.
Nguyễn Thụy Kha
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.