Bí ẩn chưa được biết tới về cái chết và phần mộ của danh nhân Hoàng Hoa Thám

Kỳ 2: Cuộc truy tìm phần mộ Đề Thám và những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Nguyễn Huệ |

Theo sử sách đã ghi, cái chết của cụ Hoàng Hoa Thám là do giặc Pháp giết hại, nhưng có nhiều cơ sở để khẳng định, cái chết của cụ còn nhiều bí ẩn chưa được giải đáp. Vì vậy sau này, phần mộ của cụ được hậu duệ tiến hành tìm ở các địa điểm nghi là nơi cụ đã an nghỉ. Vậy đâu mới chính là mộ của cụ “hùm thiêng Yên Thế”?
Hành trình tìm mộ của hậu duệ

Tin rằng cái chết của cụ Hoàng Hoa Thám không như sử sách đã chép 100 năm trước là cụ bị giặc giết hại vào sáng mùng 5 Tết năm 1913 (tức ngày 10.2.1913) tại Hố Lẩy, Tân Hiệp, Yên Thế, Bắc Giang, mà đó là một vị sư có khuôn mặt giống với cụ Đề Thám đã đứng ra thế mạng để bảo vệ cụ khỏi bàn tay những kẻ phản bội và giặc Pháp, nên sau này, hậu duệ của cụ đã tiến hành cuộc truy tìm phần mộ với mong muốn giải đáp những thắc mắc và mang cụ về để thờ phụng xứng đáng với tầm vóc của một vị danh nhân.

Cuộc truy tìm mộ cụ Đề Thám được hai người cháu nội tên là Hoàng Thị Hải (SN 1930) và Hoàng Thị Điệp (1932) - con gái ông Hoàng Hoa Phồn. Ông Hoàng Hoa Phồn là con trai út duy nhất của cụ Đề Thám với bà ba Đặng Thị Nho. Trong những ngày nguy cấp của cuộc khởi nghĩa, cụ Đề Thám đã đem ông Phồn gửi một người nghĩa quân nuôi giấu, nhờ đó mà đã thoát chết. Bà Hoàng Thị Điệp kể lại với con cháu rằng, cụ Đề Thám chết vì bệnh tật chứ không phải chết vì bị giặc giết hại. Những lời kể này được con cháu ghi lại làm tài liệu và hiện vẫn còn lưu giữ. Cụ Điệp nhớ lại trước kia đã được mẹ nói lý do chết của cụ Hoàng Hoa Thám là: “Mẹ tôi kể lại rằng, cụ không phải bị quân Pháp chặt đầu mà chết vì bệnh kiết lị. Cụ vốn đã kiệt sức và ốm nặng trong quá trình kháng chiến nên sức khoẻ rất yếu và mắc bệnh mà chết. Sau này, tôi có hỏi lại nhiều lần và đều được mẹ tôi trả lời như vậy”.

Hai bà cùng con cháu đã đi hết các nơi nghi là phần mộ của cụ để tìm kiếm. Và nhờ các cơ quan chức năng như Viện Sử học, Sở Văn hóa -Thông tin tỉnh Bắc Giang… và Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người vào cuộc để tìm. Gia đình đã tiến hành nhiều cuộc tìm kiếm ở các nơi nghi vấn như Yên Thế, Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang) và thung lũng Đồng Sinh của tỉnh Lạng Sơn. Cuộc tìm kiếm diễn ra mười mấy năm trời, bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Năm 2005, cụ Hoàng Thị Hải mất, cụ Hoàng Thị Điệp lại tiếp tục hành trình cùng các con, cháu.

Cuộc tìm kiếm phần mộ ở thung lũng Đồng Sinh

Vì công việc tìm kiếm mộ rất khó khăn nên gia đình hậu duệ cụ Đề Thám đã nhờ các cơ quan chức năng, có sự tham gia của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, giúp đỡ. Một trong những nơi đoàn tìm kiếm đầu tiên là thung lũng Đồng Sinh, Đông Ma thuộc Tân Lập, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Có nhiều lý do để tin rằng, cụ Hoàng Hoa Thám đã an nghỉ tại đây vì nơi này từng là chốn lui về của nghĩa quân Yên Thế. Hai thung lũng này được bao bọc bởi dãy núi Cai Kinh. Đây là nơi hiểm yếu, để vào được chỉ có một con đường duy nhất là băng qua Hang Tối - một hang đá rộng thông từ bên này qua bên kia của dãy núi Cai Kinh. Theo đoàn khảo sát, nơi này có nhiều nghi vấn hợp lý hơn cả vì đây chính là đại bản doanh của Cai Kinh, người đầu tiên gây dựng phong trào khởi nghĩa Yên Thế và cũng là chỉ huy, người thầy của cụ Hoàng Hoa Thám. Sau này, tên của Cai Kinh được đặt cho dãy núi. Vì vậy, sau giai đoạn cuối của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, rất có thể cụ Đề Thám đã rút quân về đây ẩn náu, tránh sự truy sát của thực dân Pháp. Lý do chọn nơi đây để ẩn náu bởi đó là chỗ duy nhất thực dân Pháp không dám đánh tới vì toàn bộ xung quanh là rừng núi, nếu có bị tấn công cũng dễ bề phòng thủ hoặc lui sang mạn Võ Nhai, Thái Nguyên, hoặc quay về Yên Thế, tỉnh Bắc Giang.

Sau 8 tháng khảo sát, cuối tháng 12.2009, đoàn bắt đầu tìm kiếm ở đây. Dưới sự giúp đỡ của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, các cuộc khai quật được tiến hành ở giữa các thung lũng và các gò cao. Thời gian đào bới tìm kiếm là 2 tuần, cùng với máy xúc và sự giúp đỡ của một đơn vị bộ đội công binh gần đó. Cuộc tìm kiếm tập trung nhiều nhất là ở một chiếc gò cao giữa thung lũng, vị trí được các nhà ngoại cảm chỉ dẫn là nơi cụ Hoàng Hoa Thám yên nghỉ.

Sau nhiều ngày tiến hành khai quật, trong các hố khai quật được mở, có tìm được một số dấu tích chứa di cốt người nhưng không có cơ sở để khẳng định đó là hài cốt của cụ Hoàng Hoa Thám. Theo chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm, cụ Hoàng Hoa Thám khi mất được chôn cất bằng gỗ tốt nên không có lý do gì mà không còn lại dấu tích của xương cốt. Vì vậy, cuộc tìm kiếm ở thung lũng Đồng Sinh, Đông Ma, Tân Lập huyện Hữu Lũng đã tạm gác lại.

Cuộc tìm kiếm phần mộ tại Yên Thế

Nhiều tài liệu lịch sử còn ghi lại, Hố Lẩy chính là nơi Đề Thám bị sát hại. Vì vậy, địa điểm tìm kiếm tiếp theo được tiến hành tại Hố Lẩy, Yên Thế. Nơi được cho là có mộ cụ Hoàng Hoa Thám tại địa danh Hố Lẩy nằm cuối vườn vải nhà chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Đồng Gia, xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế) chỉ là một khu đất bằng phẳng. Theo lời kể của chị Thủy, trước đây, ngôi mộ được đắp cao, phía trước có tấm bia xây bằng gạch. Nhưng mấy chục năm qua, những dấu tích đó đã không còn nữa. Nơi đây cũng từng được Phòng Văn hóa -Thông tin huyện tiến hành khảo sát ngay từ những năm 1990-1991, tuy nhiên kết quả thu được không rõ ràng.

Việc tìm kiếm cũng được tiến hành tại làng Trủng nơi con trai út của cụ Hoàng Hoa Thám là Hoàng Hoa Phồn sống ở đó, vì có thuyết kể rằng, cụ Đề Thám mất và được chôn tại làng Trủng (xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên), cụ đã sống tại gia đình cụ Thống Luận cho tới khi nhắm mắt xuôi tay. Chính Thống Luận đã nuôi Đề Thám khi cụ bị bệnh, đã chôn Đề Thám khi Đề Thám chết. Về sau, Thống Luận còn gả con gái của mình cho con trai út của Đề Thám là Hoàng Hoa Phồn. Ở làng Trủng cũng có một ngôi đền thờ Hoàng Hoa Thám, ngôi đền tọa lạc trên một khu đất cao, cách đó vài trăm mét có tấm biển ghi “Nơi đây lãnh tụ phong trào khởi nghĩa Yên Thế đã sống thời niên thiếu”. Cũng có thuyết cho rằng, mộ cụ được chôn dưới nền đình làng Trủng, lại cũng có người cho rằng, xưa kia Thống Luận đã chôn cụ ngay dưới gốc cây đa để che mắt kẻ thù.

Tuy nhiên, tất cả những cuộc tìm kiếm đó đều không mang lại kết quả và được ghi chép chi tiết và bảo tồn tại Nhà triển lãm cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế tại thị trấn Cầu Gồ, huyện Yên Thế. Mãi cho tới thời gian sau này, khi cuộc tìm kiếm phần mộ diễn ra ở Mai Trung, huyện Hiệp Hòa thì mới có những chứng cứ rõ ràng hơn.

Kỳ tiếp: Bí ẩn ngôi mộ của người ăn mày và những nghi vấn nơi chôn cất cụ Hoàng Hoa Thám


 

Nguyễn Huệ
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.