Có một nền văn hóa trầu cau

PGS.TS Trịnh Sinh |

Tục ăn trầu, cau phổ biến ở một số vùng Đông Nam Á. Đó là một tục khá cổ và mỗi nước có cách ăn trầu một khác. Ở ta, cái thú ẩm thực này lại được đưa lên tầm văn hóa đặc sắc từ nhiều ngàn năm nay.
Ghi chép sớm nhất về tục ăn trầu ở ta chính là sách “Lĩnh Nam Chích Quái”, soạn vào thời Trần, được coi là tập hợp những câu chuyện truyền miệng trong dân gian. Trong sách có chuyện “Cây Cau” nói về tục ăn trầu từ thời Hùng Vương. Đáng lưu ý là phần kết có đoạn: Từ bấy về sau, người nước Nam ta phàm cưới vợ gả chồng hay lễ tết lớn nhỏ đều lấy trầu cau làm đầu. Vậy là, ít ra từ hơn 600 năm, từ một món ăn chơi, trầu cau đã nâng tầm thành biểu tượng văn hóa của hôn nhân, của hội lễ và của “miếng trầu làm đầu câu chuyện” trong văn hóa giao tiếp.

Giở lại các quyển sử chính thống nước ta, như “Đại Việt sử ký toàn thư” chẳng hạn, mới thấy vai trò của cây cau quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt. Cau nhiều buồng và quả là biểu hiện phồn thực. Cau nhiều thân nhánh là điềm lành. Cây cau nhiều nhánh được coi là vật lạ ngang với chim phượng có lông 9 chòm ngũ sắc, ngựa trắng có cựa, voi trắng, hươu trắng, đều được coi là vật quý tiến Vua.

Cây cau và tục ăn trầu của nước Nam nổi tiếng đến nỗi mà sử sách còn ghi lại: Vào cuối thời Trần, năm Bính Dần (1386), Vua Minh nghe Nguyễn Tông Đạo nói hoa quả phương Nam có nhiều thứ ngon, bèn sai Lâm Bốt sang đòi giống các loại cây cau, vải, mít, nhãn. Vua Trần bèn sai Phạm Đình đem sang cống, nhưng những thứ cây đó không chịu được rét, đi nửa đường đều chết khô cả (Đại Việt sử ký toàn thư).

Cây cau không những gần gũi với dân gian mà còn là thứ cây được quý tộc thời Trần coi trọng. Kinh thành Thăng Long thời đó, có những vườn cau rộng rãi, thanh cao mà sử còn ghi lại: Vào năm 1320, Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ Vua ban ở vườn cau trong thành.

Trầu cau còn là một thứ cao sang. Thậm chí, mỗi khi các quan đón Xa giá của Vua Trần, đều dâng trầu cau. Sử cũ còn ghi sự kiện nghênh đón Vua Trần Thái Tông năm Đinh Dậu 1237 trong dịp dựng điện Linh Quang ở Đông Bộ Đầu, các quan đều dâng Vua trầu cau như thế. Miếng trầu còn thể hiện tình cảm của người dân đối với người anh hùng dân tộc Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống Minh: Năm 1425, Vua đem quân đến hương Đa Lôi, huyện Thổ Du, trấn Nghệ An, già trẻ tranh nhau đem trầu rượu đến đón và khao quân.

Miếng trầu còn là thứ quan lại trong triều đình ưa dùng phổ biến, đến nỗi mà vào năm Hồng Đức thứ tư (1473), Vua Lê phải ra hẳn một sắc chỉ ghi rõ là: Kể từ nay, các quan văn vào chầu, không được nhổ cốt trầu, ném bã trầu ở trước cửa và sân Đan Trì.

Có thể nói suốt một thời gian dài, trầu cau là thứ ẩm thực ưa dùng cho mọi lớp người từ bình dân đến quý tộc, vua quan. Nếu có khác chăng, chỉ là các công cụ chế biến và đồ đựng trầu cau. Nếu là đồ quan dụng, thì ắt phải là vàng, đúng như sử sách chép: Vào năm Kỷ Mùi (1619), Chúa Trịnh dâng mâm vàng trầu cau lên Vua Lê Thần Tông.

Cái sự khác nhau của thú ăn trầu giữa dân gian và Vua Chúa đúng là ở bộ đồ ăn trầu. Mới đây, chính cuộc trưng bày về văn hóa trầu cau tại Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã cho thấy điều đó.

Những dòng chính sử dường như được minh họa hết sức sống động bằng các cổ vật liên quan đến tục ăn trầu. Người xem được chiêm ngưỡng các đồ ăn trầu làm bằng vàng, pha lê và ngọc của triều Nguyễn. Đó là những đồ ngự dụng như: Cối giã trầu, ống nhổ chạm nổi hình rồng bằng vàng, ống đựng vôi bằng bạc, bộ cối giã trầu bằng vàng, bạc và ngọc kim sa.

Bên cạnh đồ ăn trầu phục vụ cung đình là các dụng cụ ăn trầu dân dã, phong phú về loại hình mà lại phóng khoáng hơn về nét nghệ thuật. Hàng loạt ông bình vôi của nhiều thời đại được trưng bày trong dịp này. Sớm nhất là bình vôi thời Lý, men xanh ngọc và quai được tạo hình bằng tượng một con tôm cong lưng, đôi càng dang rộng như ôm lấy cả phần thân bình hình cầu. Thật là một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời. Còn phải kể đến hàng loạt ông bình vôi đa sắc men của thời Lê Nguyễn và người thợ gốm thời xưa cũng khéo léo tạo tượng tròn kết hợp trang trí phần quai. Khi thì quai có hình buồng cau, khi thì hình con trâu nằm, hình nghê, hình rồng, phượng…

Có lẽ bình vôi là thứ dễ tạo hình trang trí nhất trong bộ đồ ăn trầu, vì thế người xưa cũng tập trung vào đó sự tài khéo của thợ làm đồ gốm. Còn phải kể đến dao gọt cau, đến ống nhổ, đến xà tích… là những vật dụng không thể thiếu được, cũng được trang trí và cũng có nhiều chất liệu khác nhau.

Cũng còn phải kể đến bộ đồ ăn trầu của các dân tộc ít người được đem trưng bày như của người Chăm, Khơ Me, Tày, Lô Lô, Vân Kiều, Mường, Thái… mang sắc thái độc đáo, phản ánh tính đa dạng trong tập tục ăn trầu ở ta.

Bên cạnh kho tàng dụng cụ ẩm thực ăn trầu được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, có lẽ cũng cần nhắc lại các lá trầu, quả cau còn tươi nguyên, màu xanh ngăn ngắt của gần 500 năm trước vẫn tồn tại cho đến ngày nay, trong các cuộc khai quật mộ xác ướp thời Lê. Trầu cau cũng là một trong những hành trang thân thiết nhất theo các vị Vua và các bà Hoàng đi về miền Tây Phương cực lạc.

Khi người Pháp đến Hà Nội vào thế kỷ 19, họ cũng quan sát và vẽ lại cảnh sinh hoạt của người Việt lúc đó, cũng không quên mô tả các công đoạn bổ cau, têm trầu và mời trầu hết sức lạ lẫm đối với họ. Đó là những hình khắc sinh động mà ông Henry Oger đã công bố trong sưu tập tranh của ông cách đây hơn một thế kỷ.

Có thể nói, tục ăn trầu đã đi cùng dân tộc hàng ngàn năm, đã trở thành một văn hóa và một bản sắc. Lá trầu, quả cau đã đi vào hồn cốt người Việt Nam. Chỉ mới gần đây, tục ăn trầu mới dần dần phai nhạt, nhưng lại lắng đọng trong biểu tượng trường tồn: Cuộc hôn nhân nào mà thiếu được quả cau và cơi trầu.
PGS.TS Trịnh Sinh
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.