Chuyện kỳ thú về những danh nhân dân tộc thiểu số được thờ giữa thủ đô

Đông Xuyên |

Trong suốt chiều dài phát triển lịch sử, Thăng Long - Hà Nội với tư cách là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước đã có nhiều cuộc giao lưu tiếp biến với các nền văn hóa khác nhau, trong đó có văn hóa của người dân tộc thiểu số.

Phóng viên báo LĐ&ĐS đã thực hiện một chuyến đi dọc theo bờ đê sông Hồng (Hà Nội) để tìm những dấu vết người dân tộc thiểu số ở đây và ghi lại vô số những câu chuyện kỳ thú.  

Kỳ 1: Công chúa Mỵ Ê và những dấu vết người Chăm ở Hà Nội

Trong lịch sử, rất nhiều người Chămpa (dân tộc Chăm) đã di cư về thủ đô. Khi về đây, họ mang theo nhiều nét văn hóa đặc sắc mà đến nay vẫn còn tồn tại. Một trong những dấu ấn nổi bật nhất là câu chuyện huyền bí về vị vương phi Mỵ Ê được nhiều nơi ở Hà Nội thờ phụng.

Hồng nhan… bạc mệnh

Khi tìm hiểu về cuộc đời của vị vương phi người Chăm này, tôi bỗng nhớ đến một câu Kiều rất hay “Rằng hồng nhan tự nghìn xưa/Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu". Cuộc đời Mỵ Ê hẳn cũng không thoát khỏi được cái vòng luẩn quẩn đó.

Theo lời kể của các bậc học giả tiền bối người Chăm từ xa xưa truyền kể lại, nàng Mỵ Ê là con một học giả lừng danh Chămpa thời đó, rất tinh thông Phạn ngữ (Sanskrit) và nhiều ngôn ngữ khác. Tạo hóa đã ban cho nàng không chỉ tố chất thông minh, trí tuệ sáng suốt mà cả nhan sắc tuyệt trần. Như bao thiếu nữ Chiêm Thành thục nữ, nhu mì, nàng còn vượt lên trên mọi giới tục bình dân rất giỏi cầm, kỳ, thi, họa. Đặc biệt, tài năng ca múa, âm nhạc của nàng trong vương quốc thời ấy không ai bì kịp.

Thế nhưng, cuộc đời của người mỹ nữ này lại quá truân chuyên. Theo sử sách ghi lại, sau khi thắng trận Chiêm Thành (1044), vua Lý Thái Tông trở về đã thu được nhiều chiến lợi phẩm. Khi thuyền của vua về đến hành điện Lý Nhân phủ Trường Yên (9.1.1044) gặp hôm non nước hữu tình, vua liền sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất khôn xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông tự vẫn. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện phu nhân.

Tuy nhiên, về cái chết của vương phi Mỵ Ê người đời còn truyền nhau một câu chuyện mang màu sắc thần bí khác trong truyện Lĩnh Nam Chích quái rằng: Sau khi nàng Mỵ Ê gieo mình xuống dòng sông, những buổi sáng sớm sương mù và đêm trăng sau đó thường nghe thấy có tiếng than ai oán tỉ tê của phụ nữ. Dân làng bèn lập đền thờ cúng, từ đó tiếng khóc mới dứt. Về sau, vua Lý Thái Tông kinh lý qua hạt Lý Nhân, ngồi ngự ở thuyền rồng nhìn sang bên sông thấy có đền thờ, bèn quay lại hỏi tả hữu: “Kia là đền thờ ai?”. Quân quan tả hữu hầu cận bèn đem chuyện Mỵ Ê tâu lại cho vua rõ. Vua thương tình nói rằng: “Nếu quả thực là linh thiêng, tất nàng sẽ báo cho Trẫm biết”.

Đêm đó vào hồi canh ba, vương phi Mỵ Ê bèn ứng mộng cho vua. Nàng mặc y phục vương phi Chiêm Thành, vừa vái vừa khóc mà tâu rằng: “Thiếp giữ đạo nữ nhi, một lòng một dạ với chồng. Sạ Đẩu tuy không thể cùng bệ hạ tranh sáng, nhưng cũng là người hiển hách ở một phương, thiếp thường vẫn chịu ơn nghĩa của chàng. Ngày nay, Sạ Đẩu lỗi đạo, thượng đế giáng trích, mượn tay bệ hạ để trị tội cho nên nước mất thân tan. Thiếp hàng ngày vẫn muốn báo ơn chàng nhưng chưa có dịp. Thiếp may mắn một ngày được gặp bệ hạ sai quan trung sứ tiễn thiếp xuống dòng nước này, nhờ đó mà giữ được tiết trong giá sạch, ơn đó kể sao cho xiết. Thiếp nào có pháp thuật gì để dám tự xưng là linh thiêng, nào có lời nói gì có thể xứng với bệ hạ”. Nói xong bỗng biến mất không thấy đâu nữa. Vua kinh hãi tỉnh mộng, sắc phong vương phi Mỵ Ê làm Hiệp Chính Nương phu nhân.

Dấu vết người Chăm ở Hà Nội

Sau khi Vương Phi Mỵ Ê được phong làm Hiệp Chính phu nhân, nhà vua đã cho người dân Chăm ở Hà Nội được thờ tự. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đến gặp cụ Nguyễn Trịnh Phong, người được coi là pho sử sống của vùng Vĩnh Hưng - vùng đất được cho là của cư dân Chăm cổ. Lần giở những trang tài liệu đã ngả vàng, nhiều cuốn được ghi bằng chữ nho của nhiều năm về trước, cụ Phong cho biết, đất Vĩnh Hưng xưa là vùng của người Chăm cổ sinh sống. Ngôi đình này chính là nơi thờ vương phi Mỵ Ê và vua Sạ Đẩu. Hiện ở đình vẫn còn giữ được hai ông phỗng và bát hương bằng đá cổ. Theo phong tục, chỉ có người Chăm mới có tượng ông phỗng. Qua tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết ngoài đình Thượng, các đình khác ở Vĩnh Hưng như đình Đông Thiên, Tân Khai cũng thờ hai vị vua, vương phi người Chăm này.

Mở rộng tìm hiểu vấn đề người Chăm ở Hà Nội, chúng tôi được biết khá nhiều thông tin thú vị khác. Thạc sĩ Đinh Đức Tiến - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Văn hóa Chăm có mặt ở Hà Nội từ khá sớm (thế kỷ thứ X) nó trải dài trong lịch sử và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Về lĩnh vực vật thể, nhiều nơi trong các chùa ở Hà Nội vẫn còn giữ được tượng cổ của người Chăm như tượng ông phỗng (bằng gỗ, bằng đá), vũ nữ Apsara, tượng thần kala… Về văn hóa phi vật thể, nhiều tên gọi ở Hà Nội như chùa Bà Già (xuất phát từ Ba đa li…), đặc biệt là nhiều nơi hiện nay có giọng nói rất lạ và đặc trưng như vùng Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì… Đặc điểm nhận biết về ngữ âm giữa những vùng kể trên cũng có sự tương đồng với tiếng Chăm, chẳng hạn như cách phát âm như "ngươi, nha, vang, hang..." trong khi cách phát âm phổ thông phải là "người, nhà, vàng, hàng...". Đặc điểm biến đổi về thanh điệu này chính là kết quả của quá trình tiếp xúc văn hóa, là dấu vết còn sót lại của người Chăm.

Tại làng Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ) - nơi được coi là vùng đất có nhiều người Chăm sống tập trung, chúng tôi đã gặp Cụ Công Văn Cự (82 tuổi)  - một vị cao niên trong làng. Theo cụ Cự, ở Phú Gia trước đây chủ yếu có hai họ sinh sống là họ Ông và họ Bố (nay họ Ông được đổi sang họ Công, họ Bố được đổi sang họ Hy). Tổ tiên của họ chính là những người Chăm. Trong chiến tranh giữa Đại Việt với Chămpa, những thợ mộc giỏi ở vùng phía Nam đã bị bắt ra Bắc và họ sống tập trung ở vùng đất Phú Gia này.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến chùa Bà Đanh ở địa chỉ 199B đường Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội). Ngôi chùa này trước đây được dựng lên để phục vụ nhu cầu tâm linh cho các sứ thần người Chiêm Thành đến làm việc ở Thăng Long. Sau nhiều biến cố, nhiều người Chăm thường xuyên đến đây để lễ phật. Đến thời Lê Hồng Đức, nhà vua cho xây dựng tu viện Châu Lâm dành riêng cho người Chăm. Ngôi chùa này vốn được mệnh danh là “vắng tanh như chùa Bà Đanh”. Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Tiểu ban quản lý Đền Voi Phục - chùa Châu Lâm, sở dĩ có câu tục ngữ đó vì khi người Chăm chuyển đi, ngôi chùa này rất vắng vẻ. Quả thật, khi chúng tôi đến, đi qua 5 lần cửa chùa mà chưa thấy ai, phải đi rất sâu vào trong thì mới có 2 sư cụ là thích Thích Đàm Dư (ngoài 90 tuổi) và Thích Đàm Chình (ngoài 80 tuổi) sống lẳng lặng trong chùa.

Có thể nói rằng những dấu tích văn hóa Chăm ở Hà Nội đã làm nên những bức tranh đa mầu sắc thú vị. Hình ảnh một vị vương phi người Chăm được thờ giữa lòng thủ đô đã chứng tỏ tính nhân văn sâu sắc của người Hà Thành từ xưa đến nay là rất đáng trân trọng và phát huy.

 

Đông Xuyên
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.