Tác phẩm và dư luận

Bất ngờ thơ Trần Thị Mỹ Hạnh

NGUYỄN THỤY KHA |

Chả hiểu vì cơn cớ gì mà giữa trưa nóng 40 độ ở Hà Nội, tôi lại giở tuyển tập thơ “Tình yêu của tôi” của nhà thơ Trần Thị Mỹ Hạnh ra đọc như người đang cơn đói. Lạ thật.

Trong ký ức của tôi, Trần Thị Mỹ Hạnh là một người chị làm thơ đã từng được giải thưởng Báo Văn Nghệ với bài thơ “Tổ làm đường trên núi Ngọc Mỹ Nhân”. Hơn nữa, chị còn là một nhà báo xông xáo của Báo Lao Động mà tôi đã cộng tác, gắn bó suốt 25 năm qua. Về chị, tôi chỉ biết có thế. Nhưng trong ngày Đại hội cơ sở Hội Nhà văn Việt Nam, chị đã bất ngờ tặng tôi một “cục gạch” thơ dày tới hơn 300 trang. Ở trong “cục gạch” ấy chứa đến 7 tập: “Áo Đồng Lầm”, “Sắc than”, “Gặp lại mình”, “Sợi thời gian”, “Nơi không có em”, “Người giữ lửa” và “Tình yêu của tôi”. Đó cũng là hành trình thơ suốt nửa thế kỷ qua của chị. Một hành trình kiên định và nhẫn nại.

Giống như các nhà thơ thời chống Mỹ, Trần Thị Mỹ Hạnh lập ngôn cho thơ mình bằng việc đưa cuộc sống bề bộn vào thơ đến mức chật nghẹt, đến mức ngạt thở. Bởi thế, tuy là nữ thi nhân, giọng thơ chị rất khỏe khoắn, thô ráp và thành thực. Cứ đọc ngay bài thơ đoạt giải của chị, thấy rõ điều đó hiện ra mồn một: “Thương sao con đường viền quanh núi/ Hố bom chồng lên những hố bom/ Cây tràm, cây sồi bầm ứ nhựa/ Chim rẽ ri mất tổ lạc đàn/ Lòng núi quặn đau từng thớ đá/ Đất nhào thành những bãi bùn non...”.

Cứ thế, Trần Thị Mỹ Hạnh mang biết bao thông tin vào thơ ngỡ như chị viết báo bằng thơ qua các tập “Áo Đồng Lầm”, “Sắc than”, “Gặp lại mình”. Nhưng đến “Sợi thời gian”, chị bắt đầu hướng nội, đưa thơ mình ngoặt về nẻo riêng của mình. Đã có ca khúc “Chị tôi” của Trần Tiến, của Trọng Đài. Nhưng “Chị tôi” của Trần Thị Mỹ Hạnh tuy cùng tứ nhưng mang mang một hồn cốt lạ lẫm: “Chị ngồi tính đốt ngón tay/ Còn ba ngày nữa vừa đầy bốn nhăm/ Mối tình luống tuổi âm thầm/ Và buồn như một cánh đồng hoang sơ...”.

Cái tứ ấy còn được đẩy tiếp tới tột cùng cảm nhận qua “Giọt nước mắt của chị tôi”: “Chị tôi không khóc bao giờ/ Trước bom lửa, trước đòn thù khảo tra/ …/ Mắt nhòa ướt đẫm hoàng hôn/ Chị tôi khóc trước chuyện buồn hôm nay”.

Tôi vừa đọc, vừa đánh dấu những bài thơ hay của Trần Thị Mỹ Hạnh, thì thấy bất ngờ đến hoa mắt. Hóa ra thơ hay thì cứ thế mà hay. Chẳng cần giới thiệu, chẳng cần trang trí. Vừa thú vị với “Tạm bợ”, đã lại trào lên với “Bão mùa thu”. Vừa mới chia sẻ với “Trái chanh ngọt” bị bỏ sót, thì lại thắt lòng với “Chợ cửa ô”. Trần Thị Mỹ Hạnh tiếp tục đĩnh đạc trong thơ hơn với “Nơi không có em”. Có ý ngỡ không thể viết thành thơ được thì chị vẫn thực thi ngon lành như đầy tâm sự trong “Bài thơ tôi viết”: “Bài thơ tôi viết một ngày/ Đọc lên mắt bỗng cay cay nỗi niềm/ Bài thơ tôi viết một đêm/ Trở trăn thao thức giọt đèn đầy vơi/ Bài thơ tôi viết một đời/ Nước non thân phận bồi hồi riêng chung/ Thời gian nghiệt ngã không cùng/ Bài thơ tôi viết âm thầm cho tôi”.

Chính từ góc tối âm thầm của tâm hồn, thơ Trần Thị Mỹ Hạnh hắt ra đời một khoảng sáng dịu đầy lòng nhân hậu, đầy chất phụ nữ khi tuổi đời và tuổi nghề càng ngày càng cao. Một giọng thơ có hậu. Bài thơ “Xích lô” là một khắc họa chân dung đầy trắc ẩn: “Người đạp xe thiếu phụ/ Nghĩ ngợi mắt quầng thâm/ Qua ánh đèn mờ tỏ/ Nhợt nhạt một vầng trăng”.

Đến “Người giữ lửa” thì đọc được rất nhiều tứ thơ đáng ngạc nhiên. Người ta hay hát “Cô giáo vùng cao” hay “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, nhưng cũng sẽ ngỡ ngàng khi đọc “Giáo viên cắm bản” của Trần Thị Mỹ Hạnh: “Giáo viên cắm bản quê dưới đồng bằng/ Lên với núi rừng thâm u hoang dã/ Với lũ học trò đói cơm khát chữ/ Tóc cháy da nâu đóng khố ngực trần/ .../ Giáo viên cắm bản là chị, là anh/ Thiếu gạo, chậm lương ăn hoài khoai bắp/ Đêm ngồi soạn bài ngọn đèn không bóng/ Hiu hắt tỏ mờ thao thức nhớ ai...”.

Đến “Tình yêu của tôi”, giọng thơ Trần Thị Mỹ Hạnh như rắn lại, cô đặc nhiều ngẫm tưởng: “Nằm nghe tiếng chó sủa/ Vỡ từng mảnh không gian/ Mảnh này vừa chắp vá/ Mảnh kia lại gẫy tan...”.

Và để rồi đi tới “Vu vơ”, “vô vi”: “Vu vơ “buôn” chuyện với người/ Yêu đương trời đất/ Khóc cười chia xa/ Ốm đau/ Tiền bạc/ Cửa nhà/ Vu vơ thế/ Lại chẳng là vu vơ/ Người nghe thổn thức giông mưa/ Tóc chiều bay rối/ Sương xòa ướt vai/ Cây ám ảnh/ Gió thở dài/ Tâm tình ta/ Nỗi lòng người .../ Vu vơ...”.

Càng ngày, thơ Trần Thị Mỹ Hạnh càng mờ hơn, ảo hơn và tới gần với thân phận hơn. “Tuổi heo may” là một bài lục bát sâu sắc, hay: “Tôi đi vào tuổi heo may/ Nhớ nồm ấm áp xuân đầy xa xanh/ Chạm thu lạnh vấp bước mình/ Tàn đông lá rụng đan cành khẳng khiu/ Mơ hồ tôi khẽ mang theo/ Chút vàng nắng quái cuối đèo sương buông/ Vầng trăng lơ đãng mầu non/ Bầu trời cốm mới con đường tình yêu/ Dòng sông nước cạn gió nhiều/ Vườn tan rớt bão bóng chiều hao hanh/ Khẽ khàng mở cửa lòng mình/ Heo may chín ngọt thúc xanh nụ mầm”.

Cảm giác được mát dịu đã đến với tôi trong một ngày nóng nực khi đọc hết tuyển tập thơ Trần Thị Mỹ Hạnh. Mát dịu thực sự khi nhận ra ở đấy những gì trải nghiệm, những gì xa xót, những gì vui buồn đều được xuyên chiếu lên chân thực đến cảm động. Đâu cần gì cách tân. Đâu cần gì cầu kỳ gọt rũa. Cứ thế, giọng thơ Trần Thị Mỹ Hạnh đầy tin cậy lay thức người đọc: “Những câu thơ như lưỡi dao nhát cuốc/ Là niềm tin, tiếng hát tình yêu/ Dù nhọc nhằn kham khổ bao nhiêu/ Chúng tôi viết, nén thở dài rồi viết/ Chấp nhận lấy những gì khắc nghiệt”.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.