Anh Chế “lưỡi cày”

Dương Hà |

Đó là biệt danh của bà con nông dân huyện Nam Sách - Hải Dương ưu ái đặt cho anh Nguyễn Văn Chế - nhà “khoa học nông dân” chính hiệu mới chỉ học hết lớp 7.
Chiếc lưỡi cày của anh nhìn khá đơn giản, gọn gàng, các chi tiết không quá cầu kỳ được gắn sau máy phay đất và làm nên một điều kỳ diệu: Lên đều tất cả các luống đất chỉ trong khoảng 10 phút (cho mỗi sào ruộng). Đất tơi xốp, các luống đất vun đều, không rơi vãi và không hề mất thêm bất cứ nhân công nào cho việc làm đất.

Duyên nợ với cây hành

Xã Nam Trung (huyện Nam Sách - Hải Dương) nổi tiếng là vùng đất trồng hành lâu năm ở miền Bắc. Hành được xem là sản phẩm cây vụ đông chủ lực của nhiều bà con tại đây, sau cây lúa. Câu chuyện với nông dân Nguyễn Văn Chế được bắt đầu rất giản dị bằng cây hành - thứ hoa màu mang lại thu nhập chính cho gia đình anh: “Bản thân loại rau này rất kén chọn đất, nghĩa là đất phải tơi xốp, lên luống đều, có độ dốc luống vừa phải thì cây mới phát triển tốt. Mỗi vụ hành, chúng tôi đầu tư rất nhiều công sức và thời gian cho việc làm đất, lên luống, có khi mất cả tháng trời mới lên luống xong mấy sào ruộng”.

Gia đình “truyền thống” mấy đời làm nông, người đàn ông sinh năm 1962 này cùng vợ đã cày ải trên một mảnh đất vườn cùng 4 sào ruộng, gối vụ nhau để nuôi sống 5 miệng ăn trong gia đình. Quần quật hết mùa lúa đến mùa hành, đầu tư nhiều công sức tiền của nhưng năm nào cũng chỉ đủ ăn.

Anh tính, mỗi sào hành, chưa kể tiền giống, phân bón, riêng tiền thuê máy phay đất và nhân công làm đất đã ngốn khoảng 1 triệu đồng/sào. Đất sau khi được máy phay làm tơi đều được anh thuê thêm máy cày ải và nhân công để vun luống. Bốn sào hành cần đến 4 - 5 nhân công cùng sức kéo trâu bò, phải mất gần một tháng trời để hoàn thành khâu làm đất, lên luống.

“Mệt mỏi ở chỗ là hôm nay lên xong mấy luống thì ngày mai đã mưa dầm dề, đất lại nhão nhoét ra cả. Dây dưa cả tháng mới làm xong đất, có khi vào vụ muộn quá lại chẳng đủ thời gian để trồng hành nữa, coi như bỏ luôn mùa hành, phải thay các cây khác, nhọc nhằn vô cùng”.

Tốn tiền thuê nhân công đã đành, việc tìm được người để làm đất cũng nan giải, bởi thanh niên trong làng đều kéo nhau lên phố kiếm việc làm thêm. Mỗi sào hành thu hoạch rộ mang lại cho gia đình anh khoảng 8 triệu đồng thì chi phí đã mất già nửa.

“Đã có lúc hơn 200ha đất trồng hành toàn xã phải bỏ trống gần một nửa vì không kịp làm đất, nhân công thì thiếu, rất lãng phí. Vì gối vụ nên dù muốn hay không cũng chỉ có 3 tháng để trồng hành (tháng 9 - 12) sau đó còn cấp tập vào vụ lúa. Mỗi lần đến mùa, bà con như chạy đua với thời gian, đất vì thế cũng không chất lượng để mang lại hiệu quả lớn nhất cho cây trồng. Có năm phải ngậm đắng nuốt cay bán lỗ vì cây kém chất lượng”.

Ba năm… “đẽo” cày

Tôi cắt lời anh Chế và chỉ vào chiếc lưỡi cày lên luống trước mặt: “Vậy là chiếc lưỡi cày này đã giải quyết tất cả mọi khó khăn mà anh vừa kể?”. Anh Chế gật gù: “Sự vất vả ám ảnh tâm trí tôi mỗi khi vào vụ hành đã khiến tôi quyết tâm làm ra sản phẩm này”. Lòng quyết tâm đó được thử thách trong vòng... 3 năm, từ 2008 - 2011.

Chừng ấy thời gian đồng nghĩa với việc sắt phế thải cứ chất cao thành đống trong căn nhà vốn dĩ chẳng rộng rãi gì của vợ chồng anh. Ý tưởng về một chiếc lưỡi cày có thể tách luống đất ngay sau khi phay đất đã được ấp ủ, nhưng bắt đầu từ đâu, như thế nào thì đến bây giờ vẫn là sự tò mò bất tận của tôi dành cho người đàn ông đặc chất nông dân này.

“Là lưỡi cày nhưng không phải là cày ải thông thường, làm thế nào để có thể lên luống đất với độ dốc vừa tầm, thẳng luống và đất không bị rơi vãi đã khiến tôi tốn không biết bao nhiêu sắt mà kể”.

Cứ hết chiếc lưỡi cày này đến lưỡi cày khác ra đời, đến nỗi các hàng cơ khí “nhẵn” mặt anh Chế, chỉ cần anh xuất hiện là họ hiểu được ngay sự tình. Khi thì lưỡi quá nông, khi thì độ uốn quá cong khiến đất không thể thành hàng. Cứ mỗi lúc mang lưỡi cày ra đồng thử nghiệm, anh Chế lại hồi hộp và sau đó là thất vọng. Sắt vụn đã ngốn của anh phải đến vài chục triệu bạc, nhưng không vì thế mà anh nản chí.

“Nếu nản chí thì coi như thất bại, nếu không làm được chiếc lưỡi cày này thì sẽ không thể làm được bất cứ sản phẩm nào khác, và như một sự mắc nợ của mình trên chính mảnh đất trồng hành bao nhiêu năm nay” - anh Chế nhớ lại. Gần 3 năm, thử nghiệm đến nát cả đất ruộng, cuối cùng chiếc lưỡi cày được anh ưng ý nhất đã chính thức ra đời. Ngày mang lưỡi cày ra đồng, gắn ngay sau chiếc máy phay đất để thử nghiệm với một số anh em bạn hữu, thật đáng kinh ngạc là máy phay đất đến đâu, đất rẽ luống và vun cao đến đấy, thẳng hàng, gọn gàng. Mọi người vỡ oà lên sung sướng!

Sau thử nghiệm thành công, anh dùng lưỡi cày thực hành ngay trên chính 4 sào hành nhà mình. Thiết kế gọn nhẹ, gắn thẳng vào máy phay đất, 4 sào đất hành đã được xử lý, đồng thời phay đất và lên luống chỉ trong vòng 15 phút. Ngay sau khi lên luống, là có thể gieo hạt trồng luôn mà không hề cần đến bất cứ nhân công nào khác để làm luống, rẽ đất. Tất cả mọi chi phí về nhân lực, thời gian đều được giản tiện tối đa. Vụ hành đợt đó gia đình anh thu về hơn 32 triệu đồng, trong đó chỉ mất khoảng 8 triệu đồng cho tất cả các chi phí (thay vì chi phí hơn nửa số tiền thu về trước đây).

Lưỡi cày đi khắp Việt Nam

Bà con xã Nam Trung nghe tin nô nức đến đặt mua lưỡi cày nhà anh. Chỉ sau một vụ, hơn 200ha đất vụ đông toàn xã Nam Trung đều được phủ kín cây hành 100%. Chủ tịch UBND xã Nam Trung - ông Lê Công Hiền - phấn khởi: “Sản phẩm này đã được sử dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả to lớn, giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm tối đa chi phí làm đất. Riêng ở xã Nam Trung, với 200ha hành vụ đông mỗi năm, lưỡi cày đã giúp nông dân tiết kiệm trên 1 tỉ đồng công lao động, rút ngắn thời gian làm đất 10-15 ngày/vụ”.

Xưởng cơ khí của riêng mình giúp anh Chế (trái) thoả niềm đam mê sáng chế máy nông nghiệp. Ảnh: D.H

Tiếng lành đồn xa, lưỡi cày của anh Chế sau đó được khắp mọi nơi trên cả nước đặt hàng, làm không kịp bán. Lưỡi cày vào tận Bến Tre, lên tận Tây Nguyên xa xôi... và có thể lên luống cho bất cứ loại cây hoa màu nào. Cũng chính vì sự “nổi tiếng” bất đắc dĩ này mà không ít người đã âm thầm làm nhái sản phẩm của anh Chế để bán cho các vùng lân cận. Tuy nhiên, sau khi được phản hồi thì một sự thật là chưa một chiếc lưỡi cày nào có thể “qua mặt” được sản phẩm được làm ra từ đôi bàn tay anh Chế. Thứ thì luống cao, luống thấp, thứ thì rơi vãi đất, buộc phải vun luống lại.

“Quan trọng nhất là độ cong của chiếc lưỡi, nếu hai lưỡi không có độ cong giống nhau thì luống lên không đều. Và để tạo ra được độ cong của chiếc lưỡi thì phải hoàn toàn tán thủ công bằng tay” - anh cho biết.

Sau thành công của lưỡi cày, anh quyết định mở hẳn một xưởng cơ khí tại nhà để thoả sức thực hiện đam mê sáng chế của mình. Mỗi năm, anh Chế bán được hơn một trăm chiếc lưỡi cày (giá bán khoảng 1,5 triệu đồng/cái). Cứ thế anh mở rộng quy mô xưởng, hiện xưởng của anh có 5 công nhân với mức thu nhập khá ổn định.

Trước đó, anh còn có nhiều sáng chế hay, thiết thực với sản xuất nông nghiệp. Cách đây 6 năm, sản phẩm máy sấy hành sử dụng quạt gió tản nhiệt của anh đã giúp bà con làm hành sấy tiết kiệm lượng lớn nhiên liệu và thời gian so với các lò sấy thủ công truyền thống hay chiếc máy phay thái hành tỏi có năng suất phay thái từ 3-5 tạ/giờ, giúp thay thế hàng chục lao động thủ công...

Thành công giúp anh gặt hái nhiều giải thưởng, nhưng nhắc đến nó anh chỉ cười chất phác: “Quan trọng nhất là nhìn thấy bà con tiết kiệm được chi phí, thuận tiện trong sản xuất, thu hoạch bội thu. Đó là giải thưởng lớn nhất của tôi”.
Dương Hà
TIN LIÊN QUAN

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.