“Hình sự” việc dồn điền...

XUÂN HÙNG |

Thôn Quản Xá 2, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) ngày trung tuần tháng 7.2017. Từng tốp đàn ông, đàn bà tụm dưới gốc cây ven đê sông Mã thì thào bàn tán, bức xúc chuyện dồn điền sắp diễn ra. Thấy nhà báo đến hỏi chuyện, một vài người cẩn thận bỏ đi, vài người khác ngó dọc ngang rồi mới cởi mở...

Từ chủ trương làm ăn lớn...

Xã Thiệu Hợp là xã mới đạt chuẩn nông thôn mới. Việc dồn điền đổi thửa đã được thực hiện ở đây rất sớm và tương đối hiệu quả. Theo đó, đến nay đã có 2 lần thực hiện. Lần thứ nhất vào năm 1997 và lần thứ hai năm 2007. Qua 2 lần chuyển đổi đã giảm được từ 12.300 thửa xuống còn 2.029 thửa, giảm 83,5%. Hiện nay số thửa bình quân trên hộ còn 1,25 thửa/hộ; diện tích bình quân đạt 1.372m2/thửa. Theo Đảng uỷ xã Thiệu Hợp, kết quả 2 lần dồn điền trên “đã quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông, thuỷ lợi nội đồng đảm bảo cho sản xuất, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất”. Theo cách chia ruộng này, đồng ruộng của xã đã được chia làm 3 loại. Loại 1 là chân ruộng tốt, gần đường, màu mỡ; loại 2 trung bình, còn loại 3 xa và đất xấu. Mỗi khẩu được chia 1 sào ruộng (500m2). Hộ gia đình nào đông người, có từ 5 sào trở lên sẽ nhận 2 thửa, một thửa đất tốt (loại 1) và một thửa loại 3; hộ nào chỉ có 5 sào trở xuống thì nhận 1 thửa. Cách chia này đã có từ 10 năm trước và sản xuất ổn định lâu nay. Thực tế, nhiều địa phương đến nay mới thực hiện được theo phương án này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Huyện uỷ Thiệu Hóa, việc sử dụng đất như vậy vẫn chưa thực sự hiệu quả nên ngày 30.8.2016, Huyện ủy đã ra Nghị quyết số 06-NQ/HU về việc tiếp tục vận động chuyển đổi ruộng đất theo nhóm hộ. Theo đó, sẽ nhóm mỗi hộ gia đình chỉ còn một thửa duy nhất, sau đó tiếp tục nhóm các hộ ở gần nhau thành các thửa lớn hơn nhằm đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng, phát huy áp dụng khoa học kỹ thuật và tiến lên sản xuất lớn; dồn được ruộng của các hộ không có nhu cầu sản xuất, đi làm ăn xa nhưng lại không trả lại ruộng cho Nhà nước thành một khu, sau đó cho DN thuê hoặc đấu thầu tránh để không ruộng đất, khi nào hộ gia đình có nhu cầu sẽ trả lại. Dồn đất ngân sách đang tản mát ở các xứ đồng về trung tâm xã, trung tâm các làng, thôn để phù hợp với quy hoạch sử dụng đất lâu dài.

Trong gần 30 lá đơn bà con thôn Quản Xá 2 gửi đến Báo Lao Động, cũng như tất cả những người nông dân nơi đây khi tiếp xúc với PV đều cho rằng, qua 2 lần dồn điền đến nay, bà con đang sản xuất ổn định, có hiệu quả và nếu chia ruộng theo phương án mới sẽ gây khó khăn cho sản xuất vì nếu hộ gia đình bắt thăm trúng chỉ một thửa ở chân ruộng loại 3 sẽ rất khó cho sản xuất, sẽ gây mất công bằng. Họ cho rằng chủ trương dồn điền là đúng nhưng dồn như lâu nay là được rồi, việc chia lại ruộng lần 3 theo nhóm hộ là chưa cần thiết, chưa phù hợp. Các ý kiến nhân dân nói trên đều cho rằng mục đích chính dẫn đến việc chia lại ruộng lần này là nhằm dồn ruộng công ích vào các khu ven đường, ven đê để bán. Vì chưa thông, không đồng tình nên tất cả các cuộc họp thôn, các tổ chức đoàn thể trong thôn đều thất bại.

Giấy mời, giấy triệu tập Công an xã Thiệu Hợp gửi ông Khảm. Ảnh: X.H

... đến cách nửa đêm mời bà già lên xã

Nghị quyết số 06 của Huyện uỷ Thiệu Hoá đã ghi rõ nguyên tắc: “Chuyển đổi ruộng đất lần này phải giao đúng đối tượng, đủ diện tích đất (...) nhưng phải được bàn bạc, đồng thuận của nhân dân”. Vậy nhưng cách “vận động” của xã Thiệu Hợp khiến nông dân đã bức xúc càng bức xúc hơn. Bà Quản Thị Sợi (62 tuổi) cố giữ 2 đứa cháu yên lặng để “giãi bày bức xúc với nhà báo” - lời bà Sợi. “Tôi nói với nhà báo bữa ni ra răng thì mấy bữa trước tôi cũng nói với cán bộ xã, tại các cuộc họp như rứa” - bà Sợi bắt đầu. Theo bà Sợi, bà cũng như nhiều người dân thôn Quản Xá 2, Quản Xá 1 (xã Thiệu Hợp) đang rất bức xúc. “Dồn điền đổi thửa là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc từ 10 năm trước, hà cớ gì dân bây tui (chúng tôi) đang làm ăn yên ổn lại xóc đi làm lại?”. Bà Sợi bức xúc nhất là việc bà bị công an xã mời lên làm việc lúc nửa đêm.

Từ chỗ bức xúc, trong thôn có người làm đơn phản ánh lên cấp trên để giãi bày tâm tư nguyện vọng. Ông Nguyễn Văn Khảm cầm đơn đi xin ý kiến và chữ ký của người dân. Bà Sợi cũng như nhiều người khác đồng ý với đề nghị không nên chia ruộng lại nên ký vào. Vậy nhưng bà Sợi và nhiều người khác đã bị công an xã mời, triệu tập lên trụ sở phỏng vấn như... tội phạm.

Sau cuộc họp thôn vận động dồn điền bất thành, vào lúc 23h, một người cháu bà Sợi nằm trong cấp uỷ đến vận động bà lên trụ sở cho công an xã làm việc, bà Sợi nói bà ở một mình với cháu nhỏ nên để 7h sáng mai bà lên. Sau đó bà tắt đèn đi ngủ. Vừa mới tắt đèn, thì 3 người công an, trong đó có phó trưởng công an xã đến mời bà lên trụ sở xã làm việc. Trong cuộc làm việc, ông Lê Văn Thiết - Phó Trưởng Công an xã Thiệu Hợp và ông Đỗ Xuân Tươi - Trưởng Công an xã thay nhau hỏi bà Sợi về việc ai viết đơn, ai tuyên truyền. “Tôi chỉ nói là tôi không đồng ý thì tôi ký vào chứ bây tui không phải là con nít mà tuyên truyền với dụ dỗ” - bà Sợi cho hay. Bà Sợi tỏ ra khá bức xúc về việc bị mời lên làm việc giữa đêm. “Bây tui không phải tội phạm mà nửa đêm căn cắn triệu tập hay mời bây tui đi như rứa”.

Không chỉ bà Sợi mà hàng chục người khác như bà Thuật, bà Óng, bà Xuyên, bà Mai... cũng bị mời lên văn phòng công an xã làm việc, lấy lời khai với cùng nội dung: Ai xúi giục, ai kích động và tất cả đều trả lời: Không ai xúi giục hay kích động. Làm việc với Lao Động, ông Đỗ Xuân Tươi - Trưởng Công an xã Thiệu Hợp - xác nhận có sự việc trên.

... rồi liên tục triệu tập thương binh, cản trở nhà báo

Ông Nguyễn Văn Khảm là thương binh hạng 3/ 4, chân đi tập tễnh. Ông là người cầm đơn kiến nghị đi xin ý kiến bà con. Sáng 30.6, ông được công an xã đưa giấy mời lên làm việc. Ông Khảm phải làm việc với công an xã từ 7h30 đến 12h, chiều từ 14h đến 17h. Theo ông Khảm, tại đây, nhiều cán bộ công an xã đã trực tiếp chất vấn, ghi biên bản theo kiểu hỏi cung xem ai là người viết đơn, ai xúi giục. “Có thế nào tôi nói thế ấy, chúng tôi không bị ai xúi giục hay kích động, chúng tôi thấy cách chia ruộng như lâu nay vừa đúng chủ trương vừa hợp điều kiện sản xuất nên đồng tình kiến nghị chưa thực hiện chia lại” - ông Khảm khẳng định.

Ngày hôm sau (1.7), ông Đỗ Xuân Tươi - Trưởng Công an xã Thiệu Hợp - lại ra giấy triệu tập lần 1 “yêu cầu công dân Nguyễn Văn Khảm” lên trụ sở làm việc. Ông Khảm không đi vì cho rằng mình không phạm tội gì mà phải bị triệu tập. Ngày 2.7, ông Đỗ Xuân Tươi lại ký giấy triệu tập lần 2. Ông Khảm vẫn không đi. Ngày 3.7, ông Tươi lại ký giấy triệu tập lần thứ ba. Ông Khảm vẫn không đi vì vẫn một mực khẳng định mình không làm gì vi phạm pháp luật, việc đi lấy chữ ký bà con đề đạt nguyện vọng là quyền công dân. Công an xã đã mời làm việc, ông đã đi và trình bày hết rồi.

Làm việc với Lao Động, ông Tươi xác nhận sự việc trên và cho rằng, trước khi ký giấy triệu tập ông Khảm và một số công dân khác liên quan sự việc ông đã xin ý kiến chỉ đạo của Công an huyện. Ông Tươi còn khẳng định: “Hồ sơ của tôi đủ để kết tội ông Khảm chống lại chủ trương...”. Khi PV đề nghị xem hồ sơ, ông Tươi không đồng ý.

Tuy nhiên, trung tá Bùi Ngọc Thành - Phó Trưởng Công an huyện Thiệu Hoá phụ trách điều tra - khẳng định không có chuyện ông Tươi gọi điện xin phép trước khi ký các giấy triệu tập. Ông Thành cũng cho rằng cách làm của ông Tươi, của Công an xã Thiệu Hợp khi liên tục ra giấy triệu tập ông Khảm là chưa hợp lý, chưa cần đến công an làm việc này vì phải kiên trì vận động, thuyết phục trước đã.

PV Báo Lao Động làm việc với nhân dân ở nhà ông Khảm được ít phút thì 2 công an viên là Quản Đình Tám và Nguyễn Văn Dũng có mặt “mời” nhà báo lên uỷ ban. Chúng tôi giải thích sẽ lên làm việc với uỷ ban, công an không cần mời và không được cản trở tác nghiệp của báo chí. Tuy nhiên, ông Tám vẫn cố tình ngăn cản. Không muốn rắc rối, chúng tôi đã theo ông Tám về làm việc với lãnh đạo xã. Vừa đến cổng, công an viên Quản Đình Tám đã... báo công với ông Lê Hồng Lan - Chủ tịch UBND xã: Em đã mời được các nhà báo về trụ sở.

XUÂN HÙNG
TIN LIÊN QUAN

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.