Voi nhà Đắk Lắk trước ngưỡng cửa suy vong

Khánh Tường |

Nếu như giai đoạn 1975 - 1978, Đắk Lắk có trên 250 con voi nhà; từ năm 1979 - 1985 sụt xuống dưới 200 con thì đến thời điểm này, thống kê mới nhất của cơ quan chức năng cho thấy, đàn voi nhà ở địa phương này chỉ còn 45 cá thể. Đáng báo động là trong số 45 con voi hiện còn, không có con nào là không bị xâm hại, nhất là phần lông đuôi của chúng hầu hết đều không còn nguyên vẹn. Nhiều con bị cụt đuôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và mọi hoạt động liên quan đến quá trình sinh tồn của từng cá thể voi.

Voi là biểu tượng đặc trưng của vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Hoạt động săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở đây từ lâu đã trở thành vốn văn hóa đặc sắc của các tộc người bản địa. Trong tập chuyên khảo về Đắk Lắk (Monographie de la Province du Darlac), xuất bản vào năm 1931, học giả A.Monfleur đã mô tả sự giao thương kinh tế, văn hóa của các tộc người này hết sức sinh động, đặc biệt là đời sống săn bắt, thuần dưỡng và mua bán voi rừng ở Buôn Đôn diễn ra nhộn nhịp, tấp nập vào những thập niên cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Những gì A.Monfleur  viết trong tập chuyên khảo còn cho thấy người Lào trước khi đến sinh cơ lập nghiệp ở Buôn Đôn, họ là những thương hồ từ vùng Đông Nam Lào xuống buôn bán, trao đổi lâm thổ sản với các sắc dân tại chỗ. Con đường cũng như phương tiện giao thương buổi ấy chủ yếu là thuyền và voi theo dòng Sêrêpốk tập kết đến Buôn Đôn, sau đó tỏa đi khắp nơi trên cao nguyên Đắk Lắk và những vùng lân cận.

Nơi bán voi cho xứ sở “Triệu Voi”

Voi thời điểm đó được xem như những “container” vận chuyển hàng hóa hữu hiệu, phục vụ cho việc giao thương hai chiều giữa các tộc người thuộc các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia. Nhận thấy vai trò quan trọng của voi trong đời sống như vậy, nên một số nhóm thương hồ người Lào đã nhanh nhạy nhận ra Buôn Đôn là vùng đất nhiều voi và có thể săn bắt, thuần dưỡng chúng để phục vụ cho mình - và hơn thế là để cung cấp, bổ sung voi thường xuyên cho xứ sở được mệnh danh là “triệu voi” cũng như những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Myanmar và cả Malaysia... Thế là họ định cư ở đây để cùng với người M’nông, Êđê, Jarai săn bắt, thuần dưỡng và buôn bán voi ngay bên dòng Sêrêpốk.

Vào những thập niên 50 - 70 của thế kỷ XIX, Buôn Đôn trở thành trung tâm trao đổi thương mại, buôn bán voi lớn nhất Đông Nam Á. Theo khảo tả của A.Monfleur, hằng ngày có hàng chục con voi được các nhóm thương hồ trong vùng thay nhau đưa đi cung cấp cho nhiều quốc gia trong khu vực. Cũng do nhu cầu nhiều và ngày càng tăng nên hầu hết gia đình người dân tộc thiểu số ở đây đều biết săn bắt, thuần dưỡng voi và coi đó như một sinh kế hàng đầu. Ngoài người Lào ra, từ cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 70 của thế kỷ 20, ở Buôn Đôn đã hình thành những gia tộc danh giá với nghề này, gắn với nhiều tên tuổi như Y Thu Knul (được Vua Xiêm phong tặng danh hiệu Khunjunop - Vua săn voi), Y Prông Êban, Y Soát Byă... là những guru (dũng sĩ) lừng danh với chiến tích trong đời đã từng săn bắt và thuần dưỡng từ 100 - 280 con voi rừng, góp phần làm nên những huyền thoại cho vùng đất giàu bản sắc này.

Trong số những cái tên vừa kể, ông Y Thu Knul được xem là truyền nhân của một gia đình đã “khai sinh” ra Bản Đôn cũng như nghề săn voi ở xứ này. Theo ông Trương Bi - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Đắk Lắk, lịch sử của mảnh đất Buôn Đôn được bắt đầu bằng cái tên Y Thu Knul - đến từ đất nước Triệu Voi (Lào). Ngày ấy, cha của ông Y Thu Knul từ Lào xuôi thuyền theo dòng sông Mêkông, rồi ngược dòng Sêrêpôk đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với các tộc người sống dọc sông Sêrêpôk. Thấy vùng đất này phong cảnh hữu tình, đất đai mênh mông, trù phú, người dân lại chân tình mến khách, nên cha ông Y Thu đã chọn vùng đất này làm nơi cư trú và “bị” một cô gái M’nông bản địa “bắt” lấy làm chồng theo truyền thống mẫu hệ.

Bấy giờ, không chỉ Buôn Đôn ngày nay mà cả một vùng đất mênh mông rộng lớn (gồm cả các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Krông Buk...) đều thuộc quyền cai quản của một người phụ nữ bản xứ tên là Yă Wăm (bà Vằm). Bà Vằm thấy cha của Y Thu Knul khỏe mạnh, giỏi nghề buôn bán, lại bị “bắt chồng” nên đã chia cho ông vùng đất dọc ven sông để lập làng. Lúc đầu, ông chọn một số cồn đất nổi bên sông để lập làng, đặt tên là Bản Đon (theo tiếng Lào, Bản Đon có nghĩa là làng đảo), về sau mọi người quen gọi là Bản Đôn - Buôn Đôn. Cũng từ đó, người Lào có mặt ở Buôn Đôn.

Còn nhiều tranh cãi, nhưng nhiều tài liệu khẳng định, từ ngày lập nên Làng Đảo, cha của Y Thu Knul bỏ nghề buôn bán trên sông nước mà theo các chàng trai M’nông đi săn voi. Dần dần, ông trở thành người săn voi giỏi nhất vùng. Sau này, Y Thu Knul lớn lên nối nghiệp cha và trở thành người săn voi nổi tiếng của Tây Nguyên với danh hiệu Khun Ju Nốp (Vua voi). Với chiến tích bắt và thuần dưỡng khoảng 400 con voi (có tài liệu ghi là 500 con), đặc biệt là con voi trắng và mang biếu vua Thái Lan, ông Y Thu Knul đã đi vào huyền thoại như một biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của người Tây Nguyên. Khi vua voi Y Thu Knul mất, chính người Pháp và Vua Bảo Đại đã xây mộ cho ông để tỏ lòng thành kính.

Những chú voi chờ đến lượt phục vụ khách ở hồ Lắk. Ảnh: H.V.M
Những chú voi chờ đến lượt phục vụ khách ở hồ Lắk. Ảnh: H.V.M

Voi nhà suy giảm nhanh chóng

Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, cùng với sự giảm sút nhanh chóng của đàn voi rừng ở Đắk Lắk, đàn voi nhà trên địa bàn Buôn Đôn và Lắk chỉ còn 45 cá thể. Ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - đánh giá: Đây là thực trạng đáng báo động, bởi con số này trong giai đoạn 1975 - 1978 là trên 250 con, sau đó từ năm 1979 - 1985 sụt xuống dưới 200 con và trong những năm tiếp theo, số lượng đàn voi nhà ở đây giảm dần với tốc độ đáng kinh ngạc. Đáng báo động là trong số 45 con voi hiện còn, không có con nào là không bị xâm hại, nhất là phần lông đuôi của chúng hầu hết đều không còn nguyên vẹn. Nhiều con bị cụt đuôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và mọi hoạt động liên quan đến quá trình sinh tồn của từng cá thể voi.

Nguyên nhân một phần là vì không được bổ sung từ đàn voi rừng hằng năm do Nhà nước nghiêm cấm săn bắt loài động vật này từ những năm 1997; phần do công tác quản lý, giám sát không tốt, thậm chí còn buông lỏng nên để xảy ra vấn nạn xâm hại voi bất hợp pháp tồn tại trong từng gia đình và cả cộng đồng sở hữu đàn voi. Thêm vào đó, vấn đề đáng quan ngại nhất vẫn là tình trạng khai thác voi một cách bất chấp, vô tội vạ của chủ voi lẫn người sử dụng voi trong hoạt động du lịch hiện nay. Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, đàn voi nhà được sử dụng, khai thác trong lĩnh vực này từ lâu đã vượt ra khỏi sự kiểm soát, quản lý của cơ quan có trách nhiệm.

Hiện ở Đắk Lắk có hai điểm du lịch đang khai thác voi là Buôn Đôn và hồ Lắk dưới hình thức “bắt” voi chở du khách dạo chơi trong những cánh rừng, lội sông, vượt suối... Chỉ cần bỏ ra 200.000- 800.000 đồng/bành voi là du khách được trải nghiệm cái thú ngất nghểu trên lưng voi dạo chơi từ 15 phút đến 1 giờ đồng hồ. Tất nhiên, voi cũng mang lại thu nhập khá lớn cho chủ voi lẫn đơn vị du lịch sở hữu dịch vụ này với bình quân từ 2 - 5 triệu đồng/ngày. Voi là sinh kế của người dân cũng như nhiều đơn vị làm du lịch ở đây nên nhiều năm nay bị “khai thác” đến cạn kiệt sức lực. Bắt đầu là năm 2001, con voi Pạc Ngui của gia đình Y Thên Byă (buôn Trí A, xã Krông Na) đã gục xuống vì quá lao lực. Từ đó đến năm 2017, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, đã có ít nhất 13 con voi nhà bị khai thác và xâm hại cho đến chết. Trong đó, đau lòng nhất là cái chết của con voi Pắk Cú ở Trung tâm Du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Đôn. Được biết, sau nhiều năm bị “bóc lột” sức lực quá mức để phục vụ cho hoạt động du lịch trên địa bàn, cuối năm 2013, một đêm con voi ốm yếu này bị cùm chân thả trong rừng Yok Đôn và bị kẻ gian sát hại bằng nhiều nhát chém vào lưng, đùi mà không thể chống đỡ. Tiếp đó, từ năm 2014 - 2016, trên địa bàn Buôn Đôn, liên tiếp nhiều voi nhà (voi H’Yaly của ông Y Bít Byă, voi Năng Liêng của anh Y Tim Byă, voi H’Lưm của bà Kan La, voi Buôn Nhang của anh Y Ka Tứk...) lần lượt ngã xuống khi đang chở khách du lịch, hoặc trong lúc bị xích thả trong rừng để kiếm ăn. Tại Khu du lịch Hồ Lắk cũng diễn ra hệ lụy tương tự, đã có 2 con voi nhà (voi Y Chum của ông Đàng Năng Long và voi Bok Khăm của anh Y On Tên) không sống nổi vì quanh năm “tận tụy” phục vụ khách du lịch.

Những tin vui yếu ớt

Hồi tháng 7.2019, tin vui là có hai con voi già yếu có tên là P’Lú (60 tuổi) và Bun Kon (37 tuổi) được thả vào thiên nhiên để chăm sóc, cải thiện sức khỏe theo một thỏa thuận giữa Tổ chức Động vật Châu Á với Công ty TNHH Ánh Dương (Buôn Đôn, Đắk Lắk). Theo thỏa thuận, Tổ chức Động vật Châu Á sẽ trả cho chủ voi một khoản kinh phí, đổi lại hai con voi cái P’Lú và Bun Kon của Công ty Ánh Dương sẽ được đưa vào Vườn quốc gia Yok Đôn tự do sinh sống, không phải chở du khách nữa. Điều này giúp voi cải thiện thể trạng, sống lâu hơn, tăng khả năng sinh sản, tránh nguy cơ tuyệt chủng voi nhà tại Đắk Lắk. Mới nhất, Tổ chức Động vật Châu Á đã tài trợ cho Dự án bảo tồn voi Việt Nam tại Đắk Lắk 60.000 USD nhằm nâng cao nhận thức chăm sóc, bảo vệ loài động vật này với thông điệp rõ ràng: Thay đổi cách hành xử với voi theo hướng chia sẻ, thân thiện hơn trong mọi hoạt động liên quan, nhất là du lịch voi được doanh nghiệp móc nối, liên kết với chủ voi tổ chức, khai thác ngày càng đa dạng hơn trên địa bàn tỉnh.

Còn nhớ, từ đầu năm 2010, trong một hoạt động “Tuần lễ Văn hóa voi” được tổ chức tại Đắk Lắk, trong đó vùng đất nổi danh về nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng Buôn Đôn được chọn làm tâm điểm, ban tổ chức đã kêu gọi hãy thay đổi cách hành xử với đàn voi nhà (cũng như voi rừng) bằng cách khai thác, giới thiệu và quảng bá văn hóa voi trong đời sống các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ thông qua các nghi thức, nghi lễ (cúng sức khỏe cho voi, tái hiện lễ voi nhập buôn, kể công voi, khóc voi gắn với việc thực hành văn hóa, luật tục liên quan) thay vì chỉ chăm chăm “bóc lột” voi trong hoạt động du lịch như hiện nay.

Tiếc là, thông điệp ấy, những quyết sách đi kèm, cũng như những tin vui yếu ớt vừa kể, gần như không được đón nhận, hoặc nếu có cũng chưa đủ để ngăn chặn thực trạng đàn voi nhà bị “bóc lột” đến kiệt quệ. Ngay cả Công ước CITES và Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đều nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại với các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, mọi hành vi cấm vẫn đang còn là lý thuyết nằm trên giấy!

Khánh Tường
TIN LIÊN QUAN

Đắk Lắk: Voi “bảo mẫu” rơi vào tình trạng báo động đỏ

Bảo Trung |

Đắk Lắk là ‘thủ phủ’ voi của cả nước với số lượng hơn 140 con (cả voi hoang dã lẫn voi nhà). Tuy vậy, số lượng voi “bảo mẫu” ở tỉnh này đang ở mức báo động, ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn và cải thiện số lượng đàn voi của tỉnh này...

Xúc động nghi lễ an táng voi của người Tây Nguyên

BẢO TRUNG |

Khi chú voi bảo mẫu H'Băn không may qua đời ở tuổi 57, anh Y winh Êung, dân tộc M'nông R'lâm (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) bần thần, nghẹn ngào thương nhớ...

Voi “bảo mẫu” H’Băn qua đời

Hữu Long |

Sáng 11.12, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, chiều hôm qua, voi cái H’Băn (59 tuổi) vừa qua đời tại huyện Lắk. Ít ai biết, H’Băn chính là voi “bảo mẫu” đầu tiên ở Việt Nam được lựa chọn để chăm sóc cho một cá thể voi nhà khi mang thai.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Đắk Lắk: Voi “bảo mẫu” rơi vào tình trạng báo động đỏ

Bảo Trung |

Đắk Lắk là ‘thủ phủ’ voi của cả nước với số lượng hơn 140 con (cả voi hoang dã lẫn voi nhà). Tuy vậy, số lượng voi “bảo mẫu” ở tỉnh này đang ở mức báo động, ảnh hưởng lớn đến việc bảo tồn và cải thiện số lượng đàn voi của tỉnh này...

Xúc động nghi lễ an táng voi của người Tây Nguyên

BẢO TRUNG |

Khi chú voi bảo mẫu H'Băn không may qua đời ở tuổi 57, anh Y winh Êung, dân tộc M'nông R'lâm (ngụ thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) bần thần, nghẹn ngào thương nhớ...

Voi “bảo mẫu” H’Băn qua đời

Hữu Long |

Sáng 11.12, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, chiều hôm qua, voi cái H’Băn (59 tuổi) vừa qua đời tại huyện Lắk. Ít ai biết, H’Băn chính là voi “bảo mẫu” đầu tiên ở Việt Nam được lựa chọn để chăm sóc cho một cá thể voi nhà khi mang thai.