Giữa chiều đông, gió miền sơn cước thổi từng cơn lạnh buốt, anh Y winh vẫn miệt mài chăm bẵm chú voi Y Khăm Sen Êung (còn lại là Khăm Sen) có tuổi còn lớn hơn tuổi đời của tôi, 27.
Anh Y winh tâm sự, gia đình tôi đã nuôi voi trên 10 đời, lâu nhất trong vùng. Tôi đã ngồi trên lưng voi hơn 20 năm nay, chứng kiến nhiều cái chết của voi (từ lớn đến nhỏ). Mỗi lần nghe ‘hung tin’ của chúng, tôi lại hết sức đau đớn, thắt cả ruột gan. Với tôi, voi như một người bạn, người thân, quyến luyến khó tách rời. Rất khó để cắt nghĩa cụ thể tình cảm dành cho voi, nhưng có lẽ số phận đã sắp đặt để tôi có một mối ‘duyên lành’ với loài vật này.
“Những nhà nuôi voi ở khắp Tây Nguyên đều xem nó như là một thành viên trong gia đình, nâng niu, trân quý và yêu thương đúng mực. Khi voi qua đời, nghi lễ an táng voi được gia chủ làm rất chu đáo, không khác người thân trong gia đình.
Voi qua đời, người chủ và các thành viên trong gia đình sẽ chọn một mảnh đất tốt trong rừng để an táng voi, thường là đất bằng phẳng, địa thế đẹp. Ngày hạ huyệt, người nhà sẽ đổ một cốc rượu xuống đất để xin thổ thần cho voi được an nghỉ tại đó.
Tiếp đến, một bộ quần áo của voi cũng sẽ được táng theo (vì lúc còn sống voi thường có một bộ đồ tượng trưng), bên cạnh một số vật dụng khác như nia, vòng đồng…Tất cả số đó sẽ theo voi về thế giới bên kia”.
Người M'nông R'lâm theo chế độ mẫu hệ nên những người phụ nữ trong gia đình sẽ đi bộ từ 2 đến 3 vòng quanh mộ voi để chào tạm biệt nó. Khung cảnh lúc đó hết sức tang thương, mọi thành viên trong gia đình đều khóc vì thương nhớ.
Bao nhiêu lần chứng kiến nhiều cảnh hạ huyệt chôn voi là bấy nhiêu lần tâm hồn anh Y winh lại bị dày xéo bởi vô vàn những cung bậc cảm xúc khó nói thành lời.
“Sau khi voi 'mồ yên mả đẹp', người nhà sẽ tiếp tục cắt cử vài thành viên ở lại mộ voi để đốt củi sưởi ấm từ 2 đến 3 ngày có khi đến cả tuần, để bày tỏ tình cảm quyến luyến, thương tiếc và cũng có lẽ để voi cảm thấy ấm áp hơn khi sang thế giới bên kia.
Chủ voi và các thành viên trong gia đình khi trở về nhà sẽ làm một mâm cơm rượu, ngồi quây quần bên nhau, một phần thức ăn (chuối, mía...) sẽ được dành ra, để ở nơi trang trọng nhất trong nhà sàn, dành riêng cho con voi vừa qua đời.
Khoảng 1 tuần sau khi voi mất, ngày mở cửa mã, gia đình sẽ đến tạ mộ, chủ voi sẽ đứng trước mộ để nhắn nhủ đôi lời, ôn lại những kỷ niệm giữa người và động vật trong suốt một thời gian dài gắn bó bên nhau...”. Y winh trầm ngâm nhìn về Khăm Sen, cười gượng.
Trước đó, khoảng 4h sáng ngày 10.12, voi cái bảo mẫu H'Băn ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk qua đời ở tuổi 59, chủ voi đã an táng voi theo đúng nghi lễ truyền thống của người dân trong vùng. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn khoảng hơn 40 cá thể voi, Trung tâm bảo tồn voi tỉnh này đã và đang có nhiều biện pháp để bảo vệ đàn voi, cải thiện khả năng sinh sản của chúng vì hiện đang có rất nhiều cá thể voi đã quá tuổi sinh sản. Trên địa bàn huyện Lắk hiện đang còn 16 con voi, trong đó 12 con được dùng để làm du lịch.