Truyền hình trực tuyến: "Hãy vào cuộc mạnh hơn vì sự an toàn của cán bộ y tế”

PV |

Trước tình trạng gia tăng nhanh chóng các vụ hành hung, tấn công cán bộ y tế, Báo Lao động điện tử - Laodong.vn tổ chức buổi truyền hình trực tuyến với chủ đề "Hãy vào cuộc mạnh hơn vì sự an toàn của của cán bộ y tế”.

Chương trình truyền hình trực tuyến của báo Lao Động kết thúc. Với chương trình hôm nay, Báo Lao Động và Công đoàn Y tế Việt Nam mong muốn góp thêm một tiếng nói để thức tỉnh mọi người hãy cùng quyết tâm đấu tranh, cùng vào cuộc mạnh mẽ hơn để mang đến sự an toàn cho các cán bộ y tế.

Bảo vệ người lao động, đặc biệt những cán bộ y tế luôn là mục tiêu mà Báo Lao Động hướng tới. Báo Lao Động sẽ sát cánh cùng Công đoàn Y tế Việt Nam để cùng chung tay trong cuộc chiến chống nạn bạo hành y tế.

10h40: MC: Những vụ hành hung bác sĩ vẫn liên tiếp xảy ra mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Những thầy thuốc đang cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống lại nạn bạo hành y tế, có bác sĩ đã thốt lên rằng việc chống bạo hành phải chăng đã thất bại? Thưa Ths Phạm Đức Mục, đã đến lúc chúng ta cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ sự an toàn cho những người thày thuốc. Ông có nghĩ như vậy không?

Ths Phạm Đức Mục: Tôi khẳng định nếu chỉ có ngành y tế vào cuộc, thay đổi một chiều hành vi của cán bộ y tế, chắc chắn việc ngăn chặn bạo hành y tế sẽ không thành công. Ngay cả những quốc gia có hệ thống pháp lý đầy đủ để phòng chống bạo hành y tế, điều này cũng vẫn xảy ra. Nên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

MC: Tại Mỹ có Viện Quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp để bảo vệ bác sĩ, chúng ta đến nay chưa có cơ quan nào đảm bảo an toàn nghề nghiệp đặc biệt như nghề y. Theo Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế Bộ Y tế, chúng ta nên có một cơ quan để bảo vệ thầy thuốc không?

 
Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế Bộ Y tế.  

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh: Về vấn đề này, chúng ta phải xem xét những cơ sở pháp lý của việc ra đời, cũng như chức năng nhiệm vụ cơ quan này. Về mặt chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay là cần tinh giản biên chế, vì một vấn đề này mà chúng ta đề xuất một cơ quan mới là không khả thi và hợp lý, nhất là hiện đang có một loạt cơ quan có thể thực hiện việc này.

Thứ nhất về cơ quan chuyên môn cung cấp bằng chứng về mức độ tổn hại với nhân viên y tế bị bạo hành, mức độ tổn hại với cơ sở y tế khi xảy ra vụ việc, đặc biệt vấn đề tổn hại của người bệnh khi mà nhân viên y tế bị bạo hành, thì đó chính là Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế. Rất tiếc từ trước đến giờ, đơn vị này tập trung nhiều về môi trường tự nhiên, mà ít quan tâm đến môi trường xã hội của nhân viên y tế khi bị hành hung. Vì thế chúng ta nên tiếp tục giao cho họ chức năng này.

Bên cạnh đó, chúng ta có các tổ chức nghề nghiệp, ví dụ Hội Điều dưỡng, Tổng hội Y học VN, ở đó có rất nhiều hội chuyên ngành được tồn tại và phát triển để bảo vệ lợi ích của hội viên.

Vấn đề ở chỗ chúng ta giao chức năng, nhiệm vụ cho họ. Văn bản pháp lý hiện nay chúng ta có đầy đủ hết, quan trọng hơn giao cơ chế để các hội nghề nghiệp có thể thực hiện được, như việc giám sát các quy định về khám chữa bệnh, các cơ sở y tế đã thực hiện đúng các quy định của Luật Lao động chưa, Luật Khám-chữa bệnh chưa?

Cơ sở pháp lý chúng ta có hết, nhưng hiện nay chưa link lại với nhau, để định hướng hoạt động cho các cơ sở y tế.

10h20: MC: Các BV đã có các giải pháp chống nạn bạo hành nhân viên y tế như lắp chuông báo động hay lắp camera. Việc làm này chỉ giải quyết tình thế, tức là sau khi bạo hành đã xảy ra, việc bấm chuông thì còn khó hơn, có khi còn chưa kịp bấm chuông thì đã bị hành hung. Là lãnh đạo bệnh viện, ông có đề xuất giải pháp nào hữu hiệu hơn không, thưa ông Trần Ngọc Cường?

 
BS CKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông. Ảnh: Sơn Tùng 

BS Trần Ngọc Cường trả lời: Việc lắp camera và bấm chuông chỉ giúp các cơ quan pháp luật có những chứng cứ để giải quyết vụ việc. Tại bệnh viện, khoa cấp cứu là điểm nóng nhất, hay xảy ra bạo hành, thường ở những nơi này, đã có lực lượng an ninh cùng trực với cán bộ y tế. Nếu tình trạng xảy ra thì phải có cửa thoát hiểm cho cán bộ y tế.

Ngoài ra, cách làm việc của chúng ta là quản lý trên mạng, nên cũng cần có thời gian để máy chạy. Vì vậy cũng mong người nhà bệnh nhân thông cảm.

Từ thực tiễn, chúng tôi cũng tổng kết có ba đối tượng có thể gây bạo hành với cán bộ y tế là chính bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và các băng nhóm có xảy ra mâu thuẫn, xô xát, rồi cùng đưa vào bệnh viện để chữa. Chúng tôi luôn chuẩn bị những kíp trực thay thế, trong trường hợp kíp trực trước bị hành hung.

10h17: MC: Ở một số bệnh viện trung ương, hiện đã có đội ngũ công an trực cùng bác sĩ tại các phòng cấp cứu- điểm nóng của bệnh viện. Tuy nhiên việc hành hung nhân viên y tế vẫn có thể xảy ra ở bất cứ ở đâu trong bệnh viện. Làm sao để ngăn chặn nạn bạo hành y tế, chẳng lẽ khó đến mức chúng ta không thể làm được gì? Thưa Ths Phạm Đức Mục, có phải về mặt pháp luật chưa đủ các quy định để bảo vệ nhân viên y tế?

Ths Phạm Đức Mục: Trước tiên chúng ta nhìn nhận vấn đề bạo hành y tế là vấn đề toàn cầu. Nguyên nhân dẫn đến bạo hành y tế thì rất nhiều. Nguyên nhân từ phía cán bộ y tế chỉ là một trong rất nhiều nguyên nhân.

Ví dụ tình trạng thiếu nhân lực, một bác sĩ phải khám và điều trị cho vài chục người bệnh một ngày. Tiếp nữa là thủ tục khám rườm rà của bảo hiểm y tế, chính cán bộ y tế lại là người phải hứng chịu những vấn đề thuộc về lỗi này.

10h10: MC: Có một số bạn đọc hiến kế, bác sĩ giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, cần phải học võ để bảo vệ tính mạng cho mình, bởi hiện nay, kể cả về phương tiện bảo vệ cho đến luật pháp, nhân viên y tế không có bất cứ công cụ gì để bảo vệ cho mình. Quan điểm của BS Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông về vấn đề này thế nào?

BS Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông: Trong quá trình hành nghề, ngoài việc khám chữa bệnh cứu giúp người bệnh thì đội ngũ cán bộ y tế còn phải có những chương trình học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Bác sĩ cũng có cuộc sống đời thường, chứ không thể có thời gian để đi học võ.

Chúng ta phải phân tích được nguyên nhân đến từ hai phía, cả cán bộ y tế và bệnh nhân, để có một nếp sống văn minh ở nơi công sở. Đội ngũ cán bộ y tế cũng phải luôn trau dồi kiến thức, chuyên môn, để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

10h: 3 khách mời là Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế Bộ Y tế. Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam và BS CKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông, trả lời các câu hỏi tại buổi truyền hình trực tuyến.

MC: Một điều dưỡng than thở rằng: Tôi từng bị người nhà bệnh nhân xúc phạm, chửi bới, sự việc đã được báo lên công an phường và đối tượng cũng đã bị đưa lên phường. Nhưng mấy hôm sau, tôi tiếp tục gặp đối tượng đó vào bệnh viện đi lại ngênh ngang, thách thức. Điều này đã khiến bản thân tôi và các đồng nghiệp lo sợ, bất an trong khi điều trị bệnh nhân. Nếu tôi bị trả thù thì ai sẽ bảo vệ tôi?

 
Ths Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam trả lời câu hỏi: Ảnh: Sơn Tùng 

Ths Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam: Chửi cán bộ y tế, lăng mạ cán bộ y tế là hành vi phạm pháp. Đáng tiếc đây lại là dạng bạo hành thường gặp nhất.

Ở Việt Nam, cán bộ y tế bị lăng mạ là điều không hiếm. Hành vi chửi cán bộ y tế chưa đủ để áp dụng việc bắt giam, xử lý.

Tôi nghĩ cán bộ y tế lúc này không thể tự bảo vệ được họ. Sứ mệnh của thầy thuốc là cứu bệnh nhân thì phải có một lực lượng để bảo vệ thầy thuốc.

Chúng ta phải có một hệ thống luật pháp bảo vệ và cần có chế tài để xử lý, cần coi bệnh viện là một điểm nóng của xã hội. Ở đâu có đông người thì cần có lực lượng an ninh, tôi nghĩ công an cần hiện diện nhiều hơn ở bệnh viện để có biện pháp bảo vệ.

Bệnh viện phải tăng cường hệ thống camera giám sát, tăng cường lượng lực an ninh để bảo vệ cán bộ y tế. Đấy là những giải pháp thực tiễn hơn.

9h50: MC: Trước những vụ việc thầy thuốc bị hành hung ngày một nhiều, dư luận cho rằng Bộ Y tế cần sớm có những đề xuất cứng rắn hơn nữa để bảo vệ thầy thuốc. Thưa Ths Cao Hưng Thái, ông có đồng tình với đề xuất này không?

Thạc sĩ Cao Hưng Thái trả lời: Trong thực tế, khi đi giải quyết những vụ việc bạo hành ở bệnh viện, chúng tôi có được nghe một cán bộ nói điều này: Các đồng chí ở Cục Khám chữa bệnh phải tư vấn để Bộ trưởng Bộ Y tế xây dựng một hàng rào bảo vệ cán bộ y tế.

Đầu tiên là Bộ y tế phải ban hành đầu đủ các quy định về chuyên môn để cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ.

Nếu cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ đúng với các quy định của ngành, thì đó là hàng rào đầu tiên để tự bảo vệ mình.

Thứ hai là tăng cường đảm bảo an ninh trật tự cho cán bộ y tế làm việc trong các bệnh viện.

Nếu chúng ta tạo ra môi trường vừa có chuyên môn, văn hóa, pháp luật thì việc bạo hành sẽ giảm đáng kể.

 
Các khách mời tại buổi truyền hình trực tuyến.  Ảnh: Sơn Tùng 

9h45: MC: Có lẽ chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng là việc “không có lửa mà lại có khói” là có thật. Bộ Y tế đã đưa ra nhiều chỉ thị chấn chỉnh thái độ ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh. Vậy với tư cách là chủ tịch Công đoàn y tế, bà đánh giá thế nào về thái độ ứng xử của nhân viên y tế hiện nay, đã thực sự được cải thiện hay chưa?

Bà Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế VN trả lời: Chúng ta phải thấy rằng, tinh thần phục vụ cán bộ y tế rất trách nhiệm. Qua khảo sát ở một số đơn vị, mỗi cán bộ y tế, đơn vị, cấp ủy, lãnh đạo, công đoàn đều nhận thức rằng việc nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ là yêu cầu rất quan trọng.

Tôi tin tất cả các cán bộ y tế trên mọi miền tổ quốc đều mong mình trở thành thầy thuốc giỏi, cứu chữa bệnh cứu người bệnh. Chúng tôi luôn thực hiện nhiệm vụ của mình với phương châm: “Bệnh nhân đến đón tiếp niềm nở, bệnh nhân ở chăm sóc tận tình, bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.

9h40: MC: Một bạn đọc gửi câu hỏi thắc mắc rằng: Tại sao các vụ bạo hành toàn xảy ra ở các bệnh viện công; còn các BV tư, BV có yếu tố quốc tế chưa khi nào xảy ra chuyện này? Với tư cách là Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, ông có thể lý giải câu hỏi này giúp bạn đọc?
 
Ths. Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế

Ths Cao Hưng Thái trả lời: Đối với bệnh viện tư hiện nay tỉ trọng rất thấp so với bệnh viện công. Nhu cầu điều trị vào khám chữa bệnh ở bệnh viện tư rất thấp so với bệnh viện công. Tuy nhiên, bệnh viện công có đặc điểm khác với bệnh viện tư.

Bệnh viện công hiện nay là do nhà nước đầu tư, tình trạng quá tải bệnh viện rất cao. Vụ bạo hành đa phần xảy ra ở khu vực nhạy cảm là khu vực cấp cứu, có đông người đến điều trị, quá tải.

Khu vực bệnh viện tư có nhiều điều kiện nổi trội hơn, như thu tiền việc phí cao hơn, để lấy tiền đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ bệnh nhân. Còn bệnh viện công tình trạng quá tải còn cao, cơ sở vật chất còn hạn chế…

Chúng tôi khẳng định phần đông cán bộ y tế có tinh thần trách nhiệm rất cao, trách nhiệm, chỉ có một số rất ít có những hành xử chưa đẹp, nhưng gây ra tác động rất lớn. Vì vậy tôi mong truyền thông nhìn nhận vấn đề một cách khách quan hơn, trên tinh thần chia sẻ.

9h30: MC: Một bạn đọc thẳng thắn nói: Các y bác sĩ ở các BV lớn bây giờ mặt lạnh như tiền, luôn coi mình là bề trên, bệnh nhân muốn được chữa trị phải xin xỏ… Không ít bệnh nhân đã chết oan. Chứng kiến người thân ra đi như thế, không phát điên mới là lạ và trong lúc đau đớn đó, họ không kiềm chế, dẫn đến bạo lực. Vậy tại sao lãnh đạo các BV lại không giải quyết thấu đáo từ gốc của vấn đề? Xin TS Hùng giải đáp thắc mắc của khán giả?

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai
TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai. Ảnh: Sơn Tùng

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai: Hệ thống y tế hết sức tốt, nhân đạo, đội ngũ y tế đã và đang thầm lặng cống hiến. Không chỉ vì một vài hiện tượng nhỏ lẻ mà kết luận ngành y tế là như thế.

Chúng tôi làm nhiều việc từ tâm, như hiến máu cứu người, nhưng có báo chỉ đưa một chiều, không tuyên truyền những việc tốt của y bác sĩ.

Còn một vài hiện tượng xấu, như bác sĩ của chúng tôi mệt mỏi, gác chân lên bàn, báo chí đưa tin và dư luận lên án rất gay gắt. Chúng tôi mong mỏi, nếu báo chí phản ánh thì hãy đưa thông tin công bằng, có cái nhìn thân thiện hơn với đội ngũ y-bác sĩ.

9h20: Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam: Nhân viên y tế gặp rất nhiều áp lực, về chuyên môn, luôn phải tỉ mỉ, chính xác, đảm bảo an toàn và tính mạng cho người dân. Cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp các ngành; đồng thời, người dân cũng cần nâng cao ý thức để cán bộ y tế được làm việc trong một môi trường an lành.

Ths Cao Hưng Thái nêu ý kiến: Về tình trạng bạo hành nhân viên y tế, nguyên nhân hết sức quan trọng là nhận thức và văn hóa ứng xử của cả nhân viên y tế và người nhà là không đẹp. Chúng ta chưa xem xét sự việc một cách khách quan đã có những hành xử chưa đẹp.

Cơ sở vật chất của các cơ sở y tế vẫn còn khó khăn, trong khi đó mong muốn của người bệnh là được điều trị nhanh hơn. Đối tượng phục vụ của nhân viên y tế hết sức đa dạng. Nhân viên y tế phải làm quá sức, thêm giờ, nên hết sức mệt mỏi.

Khi xảy ra những vụ việc như vậy, nhân viên y tế là người yếu thế, họ chẳng có gì trong tay. ‘

Ngoài ra còn ra hệ thống pháp luật của chúng ta chưa có những chế tài đủ sức để răn đe. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị, để tạo ra dư luận lên án mạnh mẽ hành vi chưa đúng.

9h15: Thưa Ths. Cao Hưng Thái, ông có nghĩ rằng xã hội đang đối xử bất công với nhân viên y tế. Có ý kiến cho rằng Bộ Y tế chưa lên án thực sự mạnh mẽ vấn nạn này?

 
Ths. Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế trả lời câu hỏi. Ảnh: Sơn Tùng 

- Ths. Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế: Trước đây, tình trạng cán bộ y tế bị bạo hành rất hiếm, nhưng gần đây lại xảy ra rất nhiều. Người nhà người bệnh có những thái độ lăng mạ, hành hung cán bộ y tế gây thương tích, có những trường hợp tử vong. Hành vi ngoài đường phố đã xâm lấn vào các khu vực, cơ quan y tế.

Chúng tôi rất lo lắng rằng nếu chúng ta không có giải pháp manh mẽ hơn thì câu chuyện này sẽ đi đến đâu. Ai sẽ bảo vệ đội ngũ cán bộ, y bác sĩ?

Chúng tôi kiến nghị rằng, nếu cán bộ y tế vi phạm kỷ luật, có hành vi sai trái, người đứng đầu cơ cở y tế sẽ xử lý nghiêm, nhưng đồng thời nếu những đối tượng là người nhà bệnh nhân có những hành vi hành hung, lăng mạ cán bộ y tế, thì các cơ quan chức năng liên quan cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

9h: Buổi truyền hình trực tuyến bắt đầu.

MC: Thưa bà Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, bà có suy nghĩ gì khi xem những hình ảnh nhân viên y tế bị đánh đập trong lúc cứu chữa người bệnh?

 
Bà Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam trả lời tại buổi truyền hình trực truyến.  Ảnh: Sơn Tùng
 

BS CKII Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam: Bạo hành cán bộ y tế là vấn đề nhức nhối trên nhiều nước trên thế giới. Khi chứng kiến cảnh cán bộ y tế bị hành hung, chúng tôi rất đau xót.

Cán bộ y tế ngoài việc phải thành nhiệm vụ chuyên môn thì còn có nguy cơ bị hành hung bất cứ lúc nào.

Bạo hành ở đây thể là bạo hành về mặt tinh thần, như bị chửi rủa, mắng nhiếc, xúc phạm, bị dùng bạo lực. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe, tính mạng của cán bộ y tế.

Chúng ta có hành lang pháp lý, nhưng điều cần nhất là cần tuyên truyền để cán bộ y tế biết cách để tự bảo vệ mình. Đồng thời các cơ sở y tế cũng phải tìm cách để bảo vệ cán bộ y tế của mình.

 
Tổng biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển tặng hoa các khách mời tham dự buổi truyền hình trực tuyến. Ảnh: Sơn Tùng
 

8h55: Trước khi bắt đầu buổi giao lưu trực tuyến, thay mặt Ban biên tập và cán bộ phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động gửi lời cảm ơn tới các khách mời đã tham dự buổi truyền hình trực tuyến hôm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hiển cũng khẳng định, cùng với đội ngũ cán bộ công nhân viên chức, người lao động trên khắp cả nước, thì đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cũng chính là đối tượng mà Báo Lao Động bảo vệ.

Thông qua buổi truyền hình trực tuyến hôm nay, các chuyên gia sẽ gợi mở ra những giải pháp để việc bảo vệ nhân viên y tế được tốt hơn.

Bà Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam – thay mặt cán bộ, nhân viên công tác trong ngành y tế cũng gửi lời cảm ơn tới đội phóng viên, biên tập viên Báo Lao Động đã đồng hành với ngành y tế, phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam trong việc bảo vệ đội ngũ y-bác sĩ, để các y bác sĩ, nhân viên y tế được làm việc trong môi trường bình yên.

Chương trình truyền hình trực tuyến vào lúc 9h00 ngày thứ tư 27.9.2017. Toàn bộ nội dung cuộc giao lưu được phát trực tiếp trên Laodong.vn, Cổng Thông tin điện tử công đoàn Việt Nam – Congdoan.vn, Công đoàn y tế Việt Nam và fanpage của báo Lao Động.

Khánh mời tham gia chương trình gồm:

1. BS CKII Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế VN

2.Ths. Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế

3. Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam

4. Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Y tế

5. TS. Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai

6. BSCK2 Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc BV đa khoa Hà Đông

Xin mời các bạn cùng theo dõi chương trình truyền hình trực tuyến.

* Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Y tế: Ngành y tế đang tích cực vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ

* Viện chiến lược vừa thực hiện một cuộc khảo sát về tình trạng bạo hành y tế trên toàn quốc. Xin bà cho biết kết quả của cuộc khảo sát?

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Y tế: Cuộc khảo sát này được thực hiện với 2.400 nhân viên y tế thuộc 3 tuyến trung ương, tỉnh, huyện ở khắp các vùng miền trong phạm vi toàn quốc. Có rất nhiều con số phản ánh về thực trạng bạo hành đối với nhân viên y tế, cũng như nguyên nhân, hậu quả và giải pháp khắc phục. Tôi xin nêu ra một số số liệu ấn tượng như sau:

Trên 35% nhân viên y tế được phỏng vấn cho biết đã từng ít nhất bị một lần bạo hành. Bạo hành ở đây được định nghĩa: Nhẹ nhất là thái độ miệt thị, nặng hơn là khủng bố về tinh thần như chửi bới, thóa mạ, đe dọa. Cao hơn nữa là sự xâm phạm về thể chất.

Trong số những người từng bị bạo hành, có 10,7% bị bạo hành về thể chất (tương đương khoảng 4% số nhân viên y tế được hỏi) và 66% bị bạo hành về tinh thần (tương đương khoảng 25% nhân viên y tế được phỏng vấn). Tỷ lệ bạo hành ở điều dưỡng cao hơn so với bác sĩ, kỹ thuật viên (37,9%), nhất là với điều dưỡng có trình độ dưới đại học (40%).

Thời điểm bị bạo hành phổ biến vào các ca trực đêm. Đối tượng gây bạo hành cho nhân viên y tế số đông là người nhà bệnh nhân (55% với bạo hành thể chất, 66% với bạo hành về tinh thần).

 
Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Y tế. Ảnh: Sơn Tùng 

* Hiện nay, nhân viên y tế đang đứng trước rất nhiều áp lực của cuộc sống, nguy cơ bị bạo hành từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, sức ép từ định kiến của dư luận xã hội. Họ cần được bênh vực, bảo vệ. Theo bà, ngành y tế cần làm gì để bảo vệ họ?

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Y tế: Áp lực của nhân viên y tế nhất là tại các cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến trên đó là sự quá tải bệnh viện. Ngành y tế hiện đang có nhiều giải pháp đồng bộ để từng bước khắc phục tình trạng này.

Cũng tại thời điểm này, vào sáng nay (27.9), Bộ trưởng Bộ Y tế đang triển khai với các ngành, địa phương về Đề án nâng cao chất lượng y tế cơ sở  để góp phần giảm tải cho tuyến trên. Ngoài ra, chúng tôi còn có Đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh, đề án giảm tải bệnh viện để góp phần giảm bớt áp lực công việc cho nhân viên y tế tại các bệnh viện tuyến trên.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cần có sự hợp tác, ủng hộ của cộng đồng. Mỗi người dân hãy trở thành người sử dụng y tế thông thái: Thứ nhất cần có kiến thức, kỹ năng để chủ động dự phòng bệnh tật cho bản thân; thứ 2 phải có những kiến thức để sớm nhận biết các dấu hiệu bệnh tật; thứ ba, các cơ sở có đủ khả năng chữa trị, để có thể tiếp cận nhanh chóng, đỡ chi phí, tốn kém nhất khi mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là không phải bệnh nào cũng phải lên tuyến trên mới giải quyết được.

Số liệu nghiên cứu của Viện chúng tôi cho thấy, 2/3 số bệnh nhân sử dụng dịch vụ tại các bệnh viện tuyến trung ương hoàn toàn có thể điều trị được tại tuyến dưới.

Áp lực thứ 2 về nguy cơ bị bạo hành bởi bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Đây là vấn đề mới xuất hiện trong những năm gần đây với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trên phạm vi toàn cầu, vấn đề này cũng chỉ được quan tâm trong vòng 20 năm trở lại đây.

Trước sự cấp bách của vấn đề hiện nay, ngành y tế đang tích cực vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ như: Với cách tiếp cận “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng tôi hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh, nhân viên y tế tự xem xét lại mình, xem xét lại quy trình khám, chữa bệnh để phát hiện ra những bất cập, triển khai kịp thời các giải pháp làm gia tăng sự hài lòng của người bệnh (như đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, đổi mới quy trình khám chữa bệnh, tăng cường tính minh bạch thông tin về thủ tục khám chữa bệnh, hình thành phòng công tác xã hội hỗ trợ chăm sóc người bệnh, triển khai các giải pháp dự phòng và kiểm soát nguy cơ bị bạo hành).

Cùng với đó, chúng tôi cũng hợp tác với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cùng hỗ trợ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất kiện toàn hành lang pháp lý để tăng thêm sức mạnh pháp lý, bảo vệ quyền lợi, tính mạng cho nhân viên y tế khi bị bạo hành như đề xuất sửa đổi một số nội dung trong Luật khám bệnh, chữa bệnh, một số Điều trong Bộ luật Hình sự sửa đổi…

Với áp lực bởi những định kiến về nhân viên y tế trong dư luận xã hội, chúng tôi rất mong đợi các cơ quan thông tin báo chí hãy cảm thông, chia sẻ và đồng hành trước những khó khăn trong hành nghề của nhân viên y tế (áp lực quá tải, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị hành nghề chưa đảm bảo, chế độ đãi ngộ chưa tương thích…).

Hãy cùng với ngành y tế truyền tải nhiều hơn những hình ảnh đẹp, tấm gương quên mình vì người bệnh của nhiều nhân viên y tế trên cả nước. Với một số sự cố y khoa, mong các cơ quan truyền thông hãy bình tĩnh, tỉnh táo chờ kết luận của hội đồng chuyên môn trước khi đăng tin rộng rãi trong dư luận. Có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, trung thực khi truyền thông về hoạt động của ngành y tế và nhân viên y tế, góp phần tạo dựng đúng hình ảnh và vị thế của người thầy thuốc trong cộng động. Mong rằng truyền thông nói chung và báo Lao Động nói riêng sẽ có nhiều hoạt động đồng hành cùng ngành y tế như chủ đề tọa đàm của Báo Lao Động  hôm nay.

* Bà có cho rằng tình trạng bạo hành y tế của Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực không?

Ths. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách Y tế: Bạo hành nhân viên y tế là vấn đề toàn cầu. Kết quả nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho thấy, nhân viên y tế bị bạo hành tại nơi làm việc nhiều hơn gấp 16 lần so với các ngành nghề khác. Điều dưỡng và nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà bị tấn công gấp 10 lần so với các lĩnh vực lao động khác. Trên toàn cầu, tỷ lệ nhân viên y tế bị bạo hành là hơn 40%, Thái Lan 54%, Australia 61%,… Như vậy, so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực, tỷ lệ bạo hành với nhân viên y tế ở nước ta thấp hơn. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, chế tài xử phạt đối với hành vi gây bạo hành cho nhân viên y tế còn chưa được quy định rõ ràng và nghiêm minh, nhất là với bạo hành về tinh thần.

Vì vậy trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức đối vấn đề này thì rất có thể tình trạng bạo hành nhân viên y tế sẽ ngày càng tăng, và hậu quả không chỉ gây ảnh hưởng đến quá trình hành nghề của nhân viên y tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả khám, chữa bệnh của cơ sở y tế, và đặc biệt việc chăm sóc người bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng, bất lợi.

* Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam: Cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng

* Việc người nhà bệnh nhân dùng bạo lực tấn công bác sĩ là việc làm không thể chấp nhận được. Nguyên nhân nào xảy ra tình trạng này, có phải do nhận thức pháp luật hay ý thức chấp hành pháp luật của người dân đang đi xuống?

Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam: Bạo hành y tế là vấn đề đang có xu hướng gia tăng và gây sự chú ý của nhân viên y tế. Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến bạo hành y tế có rất nhiều. Có cả nguyên nhân chủ quan đến từ cán bộ y tế. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là những vấn đề về luật pháp và những giải pháp phòng ngừa bạo hành cho cán bộ y tế.

Thứ nhất, nguyên nhân từ bệnh nhân. Họ đang tổn thương về thể chất và tâm lý. Họ thiếu sự kiên nhẫn do tác động của bệnh tật. Khi đến bệnh viện, ai cũng mong muốn được phục vụ trước. Nhưng về nguyên lý của y tế, nhu cầu của người bệnh cao hơn khả năng đáp ứng của bất kỳ cơ sở y tế nào. Do sự mất cân đối giữa cung-cầu làm khởi phát những hành vi, câu nói dẫn đến bạo hành y tế.

Thứ hai, hệ thống y tế hiện còn nhiều khó khăn để tạo điều kiện cho cán bộ y tế phục vụ người bệnh tốt nhất. Ví dụ tình trạng thiếu nhân lực. Một bác sĩ khám, chữa bệnh cho 40-50 bệnh nhân/ngày, thậm chí cao hơn ở bệnh viện tuyến trên. Một điều dưỡng trong một đêm trực phải chăm sóc cho 20 bệnh nhân. Do đó, nhu cầu của người bệnh như thay băng, tiêm truyền, xử lý ca bệnh… không được nhanh chóng như mong muốn của người bệnh. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khởi phát hành vi bạo hành.

Thứ ba, do thiếu nhân lực nên cán bộ y tế chỉ tập trung vào công tác chuyên môn mà thiếu tư vấn, hướng dẫn, đặc biệt cung cấp thông tin cần thiết cho người bệnh. Thiếu thông tin cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến bức xúc của người bệnh.

Thứ tư, liên quan đến chính sách y tế, đặc biệt là BHYT đang gây nhiều bức xúc của người bệnh. Thủ tục hành chính trong BHYT và những hạn chế trong quyền lợi của người bệnh nên người bệnh đã đổ lỗi cho bác sĩ và bệnh viện.

Thứ năm, nguyên nhân về truyền thông. Bình quân mỗi năm có 20 triệu bệnh nhân nội trú và hơn 200 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú. Những thành công trong y tế rất lớn nhưng vẫn còn những mặt xấu của ngành y xuất hiện trên truyền thông. Người dân thấy hình ảnh xấu của y tế nhiều hơn hình ảnh đẹp.

Thứ sáu, sự phối hợp liên ngành. Bạo lực y tế không thể chỉ có Bộ Y tế giải quyết mà cần nhiều lực lượng hơn.

 
Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam. Ảnh: Sơn Tùng 

* Điều dưỡng, y tá là người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, người nhà bệnh nhân. Họ chủ yếu là phụ nữ, khi bị chửi bới xúc phạm thường rất yếu thế chứ chưa nói đến chuyện bị hành hung. Vậy Hội Điều dưỡng có hướng dẫn gì cho hội viên các kỹ năng xử lý tình huống đó không?

Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam: Theo nghiên cứu của các quốc gia, đối tượng bị bạo hành nhiều nhất trong ngành y tế là điều dưỡng do đây là lực lượng đông đảo và thời gian tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất. Vì vậy, những búc xúc được tích luỹ đổ lên đầu điều dưỡng. Hội điều dưỡng VN và các tổ chức hội ở các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp giúp người điều dưỡng đương đầu và ứng xử hiệu quả với các tình huống đó. Ví dụ, hội điều dưỡng đã ban hành chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên Việt Nam. Theo đó, chuẩn đạo đức điều chỉnh hành vi của người điều dưỡng với người bệnh theo hướng thân thiện, tôn trọng và chuyên nghiệp. Hội điều dưỡng đã tổ chức nhiều khoá đào tạo về kỹ năng giao tiếp cho cán bộ y tế, trong đó lực lượng đông nhất là điều dưỡng.

Hội điều dưỡng cũng có những văn bản đề nghị cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Sở Y tế trong việc giải quyết các tình huống giải quyết và xác định trách nhiệm khi có bạo hành y tế xảy ra một cách công bằng, sao cho điều dưỡng được bảo vệ tốt nhất.

* 15% số vụ bạo hành là đối tượng điều dưỡng. Ông có nghĩ là con số này con xa với thực tế không?

Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam: Gần đây, Trung Quốc có thực hiện nghiên cứu phỏng vấn trên gần 1.000 cán bộ y tế. Kết quả cho thấy 12% bị bạo hành về thể chất; 46% trả lời bị bạo hành bằng chửi bới, lăng mạ làm tổn hại đến nhân phẩm; 85% họ nói rằng rất lo lắng về sự an toàn ở nơi làm việc. Thậm chí, nhiều gia đình ở Trung Quốc ân hận đã cho con chọn ngành y vì nạn bạo hành y tế. Trong số những cán bộ y tế bạo hành, điều dưỡng chiếm số lượng lớn bởi họ trực tiếp, thường xuyên liên hệ với bệnh nhân.

Tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu để đưa ra bằng chứng mang tính đại diện. Nhưng tôi nghĩ rằng, con số 15% số vụ bạo hành là đối tượng điều dưỡng là thấp. Thực tế còn cao hơn nữa.

Bạo hành có nhiều hình thức như chửi, lăng mạ, làm tổn hại đến hình ảnh. Bạo hành còn là hành vi đe doạ như đưa nắm đấm. Bạo hành còn là tấn công thể xác như đánh, dùng các vật dụng tấn công. Cao hơn là sát thương bằng dao, vật dụng khác. Thực tế, đã có cán bộ y tế bỏ mạng vì bị bắn chết.

Những người gây bạo hành với bác sĩ là ai? Không phải chỉ là người liên quan đến các tệ nạn xã hội như đối tượng nghiện hút mà thậm chí có cả những người có học, có vị trí trong xã hội.

Phạm vi của bạo hành y tế mang tính xã hội. Do đó cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng như công an, chính quyền địa phương cấp xã phường.

* Ông có đồng tình với ý kiến cho rằng, khi thấy có dấu hiệu của bạo hành thì y tá điều dưỡng cần lánh mặt để an toàn cho chính mình?

Ths. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam: Người điều dưỡng nói riêng và thầy thuốc nói chung luôn luôn có nghĩa vụ kép khi làm nhiệm vụ thường trực tại bệnh viện. Đầu tiên là sự an toàn của người bệnh. Sau đó là sự an toàn của chính bản thân họ với nạn bạo hành như hiện nay. Luật khám, chữa bệnh cho phép cán bộ y tế được tạm thời rời vị trí làm việc khi tính mạng của họ bị đe doạ. Tuy nhiên, họ cần báo cáo lãnh đạo bố trí người thay thế, nhưng không phải lúc nào cũng có người thay thế.

Trong thực tế, bản thân tôi khi còn làm chuyên môn đã từng gặp bệnh nhân tâm thần dùng súng bắn vào cán bộ y tế và bệnh nhân. Lúc đó, chúng tôi không dám bỏ nơi trực bởi còn nhiều bệnh nhân nặng không đi lại được, cần sự giúp đỡ của nhân viên y tế. Lúc đó, chúng tôi phải động viên nhau ở lại chấp nhận rủi ro để bảo vệ người bệnh. Nhưng đáng tiếc..., một bệnh nhân đã bị đối tượng tâm thần bắn chết. Thật đau lòng! Những tình huống như thế này không phải hiếm bởi số bệnh nhân nặng tại các bệnh viện có số lượng lớn cần sự chăm sóc của nhân viên y tế.

* BSCKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông: Bác sĩ cần tinh tế, có kinh nghiệm trong ứng xử với bệnh nhân

* Bệnh viện (BV) của ông từng xảy ra những vụ nhân viên y tế bị đánh đập không thưa ông? Lực lượng bảo vệ có làm tốt nhiệm vụ của họ không? Thực tế có BV xảy ra tình trạng bảo vệ đứng nhìn cán bộ y tế bị hành hung?

BSCKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông: Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trước đây đã xảy ra một số vụ xô xát tại khoa cấp cứu. Cụ thể trường hợp là có đối tượng say rượu, va chạm giao thông được đưa vào cấp cứu. Tuy nhiên, trong khi kíp trực đang xử lý, các đối tượng đưa nạn nhân vào khám thì vừa câu trước câu sau đã doạ và tát bác sĩ Phạm Hữu Hiển. Sau đó, mọi người kịp thời can ngăn và mời công an vào giải quyết vụ việc.

BV cũng ký hợp đồng với công ty vệ sĩ để phối hợp với tổ bảo vệ bệnh viện ngăn chặn, xử lý những tình huống như trên xảy ra. Ngoài ra, công an của phường đóng gần BV cũng đã xử lý rất nhanh khi vụ việc xảy ra.

Một trường hợp khác là 2-3 nhóm đánh nhau ngay tại phòng cấp cứu, chúng tôi đã phải mời công an vào can thiệp khi xảy ra tình trạng nhóm này không cho bác sĩ cấp cứu nhóm nạn nhân kia.

BS CKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông. Ảnh: Sơn Tùng
BS CKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Hà Đông. Ảnh: Sơn Tùng

* Nếu đặt mình vào trường hợp bác sĩ bị tấn công chấn thương, ông có nghĩ rằng vì lý do bạo hành mà bác sĩ bỏ nghề?

BSCKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông: Thực ra, có nhiều nhân viên y tế nghe thông tin y, bác sĩ bị bạo hành họ cũng ngao ngán và chán chường. Tuy nhiên, tôi đã chọn nghề mình học, phấn đấu rèn luyện để có chuyên môn vững vàng. Ngành y thi đầu vào rất cao và khó, ngặt nghèo nên khi đã quyết tâm, say nghề thì tôi không thể từ bỏ nghề vì lý do như vậy. Tôi dù làm công tác quản lý nhưng vẫn tham gia chuyên môn bởi vì có người lớp trước tham gia, người lớp sau cũng yên tâm.

Việc bạo hành, theo tôi, thường xảy ra ở một số y bác sĩ còn thiếu kinh nghiệm ứng xử, chưa tinh tế để thuyết phục người nhà bệnh nhân… Ở BV tuyến dưới thành phố nhưng lại gần BV trung ương, nhiều trường hợp chưa vào đến nơi đã đòi chuyển viện. Nhưng không phải trường hợp nào cũng chuyển viện được, vì chúng tôi đã được phân cấp để điều trị. Trong trường hợp, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhất định đòi cho đi, nếu không cho chuyển viện họ rất bức xúc vì vậy người bác sĩ cần giải thích, và đặc biệt phải tin vào kinh nghiệm của mình và thuyết phục, giải thích cho bệnh nhân, người nhà của họ rằng tuyến của mình có máy móc gì, sẽ chữa trị được cho họ để họ tin tưởng ở lại.

* Một nữ bác sĩ trẻ bị người nhà bệnh nhân tát, đánh liên tiếp vào đầu đã suy sụp trong thời gian dài. Nếu là nhân viên của BV ông, ông sẽ có cách nào để giúp bác sĩ này vượt qua sang chấn tâm lý nặng nề đó?

BSCKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông: Trước tiên, phải cho bác sĩ này kiểm tra sức khoẻ chu đáo để loại trừ thương tích do hành hung gây ra, để họ và gia đình yên tâm như trường hợp bác sĩ bị đánh chấn thương sọ não. Đồng thời, bác sĩ này cần được tạo điều kiện tốt nhất để bình phục sức khoẻ.

Ngoài việc đoàn thể, bạn bè, đồng nghiệp động viên tinh thần thì cần lắng nghe nguyện vọng của bác sĩ đó trong công việc, giúp họ giải toả stress. Nếu họ không có nguyện vọng làm chuyên môn nữa thì phải tạo điều kiện cho họ một việc làm phù hợp để dần dần họ lấy lại niềm vui trong công việc. Khi say mê công việc trở lại, họ sẽ làm đúng vị trí công việc chứ không ép buộc.

* Bà đã khi nào đến tận giường bệnh thăm một bác sĩ hay 1 điều dưỡng bị bạo hành đến mức nguy hiểm tới tính mạng? Khi đó bà chia sẻ những gì với người gặp nạn đó? 

BS CKII Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế VN: Cá nhân tôi không những đi thăm cán bộ y tế bị hành hung mà cả những cán bộ y tế gặp rủi ro do thiên tai bão lũ, tai nạn, ốm đau, bệnh hiểm nghèo,… chia sẻ những khó khăn mà cán bộ y tế phải đối mặt, kêu gọi các đồng nghiệp hãy cùng nhau đoàn kết khắc phục khó khăn. Tôi mong rằng, cần có sự vào cuộc tích cực hơn của các cấp, các ngành để nhân viên y tế được an toàn khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

BS CKII Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế VN
BS CKII Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế VN

Với chức năng nhiệm vụ của mình, công đoàn y tế Việt Nam đã tích cực với Bộ Y tế, các đơn vị liên quan cùng tìm ra những giải pháp để bảo vệ cán bộ y tế. Chúng tôi còn phối hợp với báo Lao động truyền thông tới cộng đồng và mong nhận được sự chia sẻ của người dân về những khó khăn, vất vả và cả sự rủi ro của cán bộ y tế khi thực hiện nhiệm vụ. 

Chương trình truyền hình trực tuyến hôm nay cũng là mong muốn của công đoàn y tế Việt Nam vì sự an toàn của cán bộ y tế. 

Ví dụ: vụ việc tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, công đoàn y tế đã cử cán bộ lên làm việc với Sở Y tế Hoà Bình, BV Đa khoa tỉnh Hoà Bình. Chúng tôi rất đau lòng khi chứng kiến sự việc. 

Nếu vì trường hợp bất khả kháng tôi không đi thăm hỏi, động viên được các trường hợp không may mắn tôi cũng giao cho các đồng chí trong thường trực, thường vụ.

* Nếu một nam bác sĩ khi bị hành hung ngay lập tức xông vào đánh lại thì hành động này là tự vệ, nhưng có vi phạm quy định của BV không, thưa ông?

BSCKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông: Với hành vi trên, người bác sĩ đã vi phạm quy tắc ứng xử vì khi đó bác sĩ đang làm nhiệm vụ, mặc áo blue, thì không có một quy định nào cho phép họ đánh lại bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân.

Trong tình huống này, bác sĩ chỉ nên tránh không để họ bị đánh vào nơi nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Đồng thời, bác sĩ nên có giải pháp như đi ra ngoài để người khác vào giải quyết. Ngoài ra, khi có sự việc như vậy xảy ra, các lực lượng chức năng sẽ giải quyết chứ bác sĩ không nên phản ứng kiểu đối kháng như vậy.

* Theo ông những vụ việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế được xử lý trên thực tế ra sao? Liệu có thể có 1- 2 công an ở BV không vì khi có bóng dáng công an, có lẽ những kẻ côn đồ ít dám manh động?

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai: Tôi nghĩ rằng việc có bảo vệ, công an hay camera an ninh ở bệnh viện rất cần thiết, tuy nhiên điều này cần nhưng chưa đủ.

Điều quan trọng nhất khi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào bệnh viện khám chữa bệnh cần nhận thức đúng đắn hơn. Tôi không hiểu tại sao họ lại bạo lực với cán bộ, nhân viên y tế. Việc giải quyết bằng “nắm đấm” có giải quyết được những bức xúc của họ, có cải thiện được chất lượng y tế không? Nếu phát hiện những sai phạm hay bất cập của bệnh viện, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hãy báo cho bộ phận chuyên trách của bệnh viện để kịp thời điều chỉnh.

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai. Ảnh: Sơn Tùng
TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai. Ảnh: Sơn Tùng

* Là bệnh viện lớn của cả nước, số lượng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra vào viện rất đông. BV Bạch Mai đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo đảm an ninh BV. Ông có thể cho biết các vụ bạo hành tại BV Bạch Mai trong thời gian gần đây đã giảm chưa?

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai: Cách đây 2 năm BV Bạch Mai đã đưa được đối tượng hành hung cán bộ, nhân viên y tế ra pháp luật chịu trách nhiệm trước hành vi của mình.

Do tính chất phức tạp của bệnh viện đa khoa khi số lượng cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân rất đông, cho nên Bệnh viện Bạch Mai đã trang bị nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Nhưng như đã nói, điều quan trọng nhất là phải giáo dục ý thức cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi vào viện khám chữa bệnh. Đó là điều kiện tiên quyết để giải quyết mọi vấn đề.

* Các bác sĩ thường mách nhau rằng, khi có kẻ côn đồ hung hăng vào BV hăm dọa thì cách tốt nhất là tránh đi. Khi nào mọi chuyện được trật tự trở lại, bác sĩ mới quay về vị trí làm việc. Ông có đồng ý với cách xử lý này không? Nếu trong lúc đó, có bệnh nhân đang cần cấp cứu kịp thời mà bác sĩ chạy trốn như vậy có vi phạm quy định không?

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai: Trước những nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của cán bộ, nhân viên y tế, việc tránh đi là hành xử khôn ngoan. Bởi lẽ thời điểm đó, cán bộ, nhân viên y tế không có các biện pháp bảo vệ, chính vì vậy, họ phải tự bảo vệ mình, điều này không vi phạm pháp luật.

Vấn đề bạo hành ở bệnh viện ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc bệnh nhân của các cán bộ, nhân viên y tế ở bệnh viện.

* Mới đây công an tỉnh Nghệ An đã kết luận vụ hành hung bác sĩ tại BV đa khoa Nghệ An chỉ xử phạt hành chính vì bác sĩ không bị thương tật, không giám định sức khỏe. Bà có đồng ý với hình thức xử lý này không?

BS CKII Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế VN: Tôi cảm thấy chưa có cái nhìn công bằng với cán bộ y tế. Như ở Mỹ, việc hành hung một y tá đang làm việc được quy là tội nghiêm trọng, hoạt động bảo vệ được giao cho các nhân viên phản ứng nhanh. Năm 2016, Bộ luật hình sự bảo vệ đã được mở rộng phạm vi bao gồm bất kể nhân sự chăm sóc y tế nào miễn là đang thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh…

Tôi nghĩ rằng, cần có chế tài mạnh hơn đủ sức răn đe những kẻ đã hành hung nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ, cùng một hành vi bạo lực mà hành vi đó làm tổn thương nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ thì mức độ phạm tội được kết luận tăng lên. Và phải xem đây là tội nghiêm trọng.

* Ông có cho rằng, những đối tượng hành hung bác sĩ chỉ bị xử lý phạt hành chính là quá nhẹ không? Theo ông, những kẻ côn đồ cần phải bị xử lý thế nào mới thỏa đáng?

TS Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai: Vấn đề xử phạt như thế nào là do cơ quan pháp luật, lỗi đến đâu, xử đến đến, tất cả phải thượng tôn pháp luật. Tôi nghĩ rằng, đối với việc bạo hành cán bộ, nhân viên y tế, pháp luật phải đủ mạnh, nghiêm minh, để không còn tình trạng bạo hành trong ngành y tế.

* Trong bối cảnh quá tải, ứng dụng ngày càng nhiều các kỹ thuật khám chữa bệnh mới, có cần đặt ra bảo hiểm rủi ro cho nhân viên y tế? Quỹ bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp trong ngành y? Thành lập Hiệp hội bảo vệ cán bộ y tế?

Ths Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Theo Nghị định 102/2011/NĐ-CP về bảo hiểm trách nhiệm trong khám chữa bệnh y tế của Chính phủ đã quy định bảo hiểm đối với tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra bởi lỗi sơ suất, bất cẩn của người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gây ra cho người bệnh. Các trường hợp khác do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và doanh nghiệp bảo hiểm tự thỏa thuận.

Hiện nay, trong lĩnh vực y tế có rất nhiều tổ chức xã hội nghề nghiệp như Tổng hội Y học VN, Hội Dược học VN, Hội Điều dưỡng VN, Hội Tim mạch, Hội Lao và bệnh phổi, Hội Gây mê hồi sức… Đây là những tổ chức xã hội nghề nghiệp có tham gia vào bảo vệ quyền lợi các hội viên.

Về thành lập hội bảo vệ cán bộ y tế, đây là ý kiến rất mới, chúng tôi sẽ tiếp thu, ghi nhận để nghiên cứu, đề xuất về việc thành lập tổ chức đại diện để có những ý kiến bảo vệ cho các y bác sĩ.

Ths. Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế trả lời câu hỏi. Ảnh: Sơn Tùng
Ths. Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế trả lời câu hỏi. Ảnh: Sơn Tùng

* An ninh BV là vấn đề không mới, đã được cảnh báo nhiều lần, thậm chí là đã có những hội thảo về vấn đề này. Tuy nhiên, chưa có những biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng mất an ninh BV, ngược lại, những nguy cơ bị lăng mạ, đánh đập, hành hung đối với cán bộ y tế còn tăng lên. Là những người trong ngành ông cho biết cần làm gì để an ninh BV không còn nóng như thời gian qua?

Ths Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Từ năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 13.12.2011 về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám chữa bệnh.

Gần đây, Bộ Y tế có chỉ thị 03 về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự bệnh viện. Và hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Cục CS quản lý hành chính trật tự xã hội (C64) để xây dựng kế hoạch hợp tác với Bộ Công an; Có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, các sở y tế… tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong bệnh viện.

Chúng tôi thiết nghĩ, với các cơ sở khám chữa bệnh cần phải tiếp tục quán triệt phổ biến những chỉ đạo của ngành. Và có những kế hoạch cụ thể, để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý trường hợp bạo hành nhân viên y tế.

Chúng tôi hiện đang xây dựng hướng dẫn cho nhân viên y tế trong việc phòng và xử trí các nguy cơ bị bạo hành; xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự trong bệnh viện.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện lắp đặt hệ thống camera an ninh báo động khẩn cấp. Đối với lực lượng bảo vệ bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an trang bị công cụ hỗ trợ…

Đối với đội ngũ cán bộ y bác sĩ ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định phải trau rồi nghiệp vụ chuyên môn, kỹ thuật, đây là yếu tố quan trọng để các cán bộ y tế hoàn thành nhiệm vụ. Đây cũng chính là hàng rào kỹ thuật bảo vệ cho bản thân. Bên cạnh đó, y bác sĩ phải rèn luyện, trau rồi kỹ năng thái độ ứng xử phù hợp, chuyên nghiệp đối với người nhà bệnh nhân.

Đối với các cơ sở y tế địa phương có những phối hợp chặt chẽ đối với cơ quan công an địa phương để có phương án phòng ngừa cụ thể khi có bạo hành xảy ra. Khi có vụ việc xảy ra phải tìm nguyên nhân để xử lý đúng người.

Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, người dân thông qua thái độ dư luận xã hội lên án hành vi bạo lực trong bệnh viện.

Đối với, khi đưa người bệnh vào bệnh viện, chúng tôi biết những thân của họ rất lo lắng, mong muốn được cứu chữa kịp thời. Khi kết quả không được như ngoài ý muốn, thì người bệnh, người nhà người bệnh cần hết sức là bình tĩnh, kìm chế để tìm hiểu nguyên nhân để có ứng xử phù hợp vì công tác khám chữa bệnh có những đặc thù riêng. Nhiều khi cán bộ y tế thực hiện nhiệm vụ thực hiện đúng quy trình và có trách nhiệm đối với người bệnh, nhưng người nhà người bệnh không hiểu dẫn đến bức xúc và có thái độ không đúng.

Chúng tôi đã chứng kiến những trường hợp như người bệnh bị tai biến mạch máu não, khi đưa đến bệnh viện huyện để cấp cứu. Trong khi, bác sĩ thực hiện cấp cứu người bệnh, người nhà người bệnh liên tục đề nghị cho chuyển viện nhưng với những trường hợp tai biến như thế này cần được nằm bất động để xử lý đảm bảo an toàn sau đó mới chuyển viện nếu vượt khả năng của bệnh viện. Nhưng người nhà cho rằng, bệnh viện giữ bệnh nhân và thiếu trách nhiệm, không kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên.

* Mặc dù Bộ Y tế đã có các văn bản nhằm hạn chế tình trạng bất an trong BV nhưng tình trạng bạo hành vẫn diễn ra. Phải chăng những chỉ đạo chưa quyết liệt mà cần phải mạnh tay hơn để bảo vệ nhân viên của chính mình để bác sĩ yên tâm làm việc, tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra trong quá trình chữa bệnh?

Ths Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế): Như đã nói ở trên Bộ Y tế đã có chỉ đạo quyết liệt, phối hợp với các bộ ban ngành, tuyên truyền phổ biến giáo dục cán bộ nhân viên y tế. Tuy nhiên, vấn đề này hết sức là phức tạp, liên quan nhận thức và văn hoá ứng xử chung của người dân và cộng đồng.

Về phía ngành y tế, Bộ Y tế đã kiên quyết xử lý những cán bộ nhân viên y tế sai phạm nhưng những xử lý với đối tượng hành hung cán bộ y tế chưa quyết liệt (không xử lý hoặc chưa xử lý). Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan liên quan vào cuộc, xử lý đối tượng vi phạm, cũng như dư luận xã hội lên án mạnh mẽ hành vi bạo lực trong B

PV
TIN LIÊN QUAN

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Những công trình cổ xưa nhất thế giới hút du khách

Vân Hoa |

Bên cạnh Những bức tượng bí ẩn ở Đảo Phục Sinh hay Đại kim tự tháp Giza, nhiều công trình kiến ​​trúc thế giới vẫn đứng vững sau nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.