Tập trung nguồn lực, khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN |

Sáng 15.9, cơn bão số 10 với sức gió giật cấp 15 đã đổ bộ vào vùng ven biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Tâm bão số 10 quét qua TX.Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) gây thiệt hại nặng nề nhất. Nhiều gia đình trắng tay sau cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Tan hoang vì bão giật

Từ lúc 10h, ngày 15.9, mưa lớn tăng dần rồi gió rít mạnh, cây cối, cột điện, mái tôn, ngói nhà dân dọc các xã Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Nam... đổ ngan ngát. Bão quần thảo suốt khoảng 5 giờ đồng hồ sau đó mới giảm sức gió dần. Sau bão, hiện trường đổ nát, đường điện, cây cối, mái tôn rơi ngổn ngang khắp đường làng ngõ xóm. Nhiều tuyến bị cây chắn ngang không thể qua lại.

cvbn
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thị sát, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 10 tại TP. Đồng Hới (Quảng Bình) tối 15.9. Ảnh: VGP

Dù bão đã đi qua, nhưng vào chiều 15.9, mưa gió ở thị xã Kỳ Anh vẫn rất dữ dội. Từ TP.Hà Tĩnh đi vào Kỳ Anh, ngay qua cầu Rác, đã thấy cảnh tượng tàn phá của thiên nhiên. Cây cối đổ ràn rạt, gác lên cả đường quốc lộ.

Các thành viên của cơ quan chức năng đội mưa, hối hả cưa, chuyển cành, để xe cộ lưu thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mái tôn nằm rải rác trên đường, có cả dây điện bắc qua, do cột điện đã bị gãy đổ. Hai bên đường, nhà dân tốc ngói, mái tôn bị thổi bay nhiều không kể xiết. Thậm chí có cả bình đựng nước hàng nghìn lít cũng chỏng chơ trên đường.

Một số đoạn quốc lộ đi qua thị xã Kỳ Anh nước đã ngập, nhìn ra xa, nước băng đồng, một số nhà dân bị chìm sâu, nước ngập lên tận mái nhà. Rất may là những hộ dân thuộc vùng nguy hiểm đã được sơ tán kịp thời. Tổng cộng, có hơn 3.500 nhân khẩu được các cơ quan chức năng hỗ trợ sơ tán trước bão. Không chỉ lâm cảnh màn trời, chiếu đất, mà lúc này toàn bộ thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh đang mất điện khiến người dân rất khổ sở, không thể dọn dẹp nhà cửa.

Lúc 16h, cả dãy xe ôtô mắc kẹt nối dài ở bắc đèo Ngang (nối Hà Tĩnh với Quảng Bình). Một chiến sĩ CSGT đang hướng dẫn xe chạy lên đèo Ngang, cho biết, một xe container bị lật trước cửa hầm, 2 xe chết máy trong hầm nên tắc đường hầm.

vcb Cổng chào đổ sập ở TP.Đồng Hới (Quảng Bình) tối 15.9. Ảnh: ĐẶNG TÀI

Không để dân thiếu đói

Đến khoảng 15h, mặc dù gió còn rít lớn, nhưng người dân từ nơi tá túc sau sơ tán đã bắt đầu trở về nhà. Ông Nguyễn Đình Chẻo (65 tuổi, trú thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam) đi liêu xiêu trong mưa, gió từ trụ sở UBND xã ra, giọng yếu ớt, nói: "Khiếp quá, cơn bão mạnh, tàn phá chưa từng có. ở đây hàng loạt nhà tốc mái thế này thì chắc chắn nhà tôi cũng hỏng rồi. Tôi về nhà xem thế nào đây".

Trước, trong và sau bão, toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng, lực lượng công an, quân đội, biên phòng thường trực 24/24h, để ứng phó bão, trợ giúp dân. “Nhờ thực hiện tốt các giải pháp phòng chống, toàn dân không chủ quan, lơ là, đến thời điểm bão đi qua, không có thương vong về người. Đây là điều rất đáng mừng” - Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Phan Duy Vĩnh thở phào.

Lực lượng chức năng có sự động viên rất lớn, khi cơn bão chưa qua, trong chiều 15.9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn, lãnh đạo thị xã Kỳ Anh đã trực tiếp kiểm tra, động viên các lực lượng chức năng và bà con chống bão.

Trực tiếp kiểm tra cột truyền hình của thị xã Kỳ Anh bị đổ gãy, Phó Thủ tướng chia sẻ, rất may cột truyền hình này đổ mà không gây thương vong cho nhân dân. Báo cáo Phó Thủ tướng, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hà cho biết, cột truyền hình cao hơn 100m, trị giá 10 tỉ đồng, bị đổ lúc 11h11, do bão quật gãy. Trước đó, đã tiên lượng được tình hình, nên thị xã đã tổ chức sơ tán các hộ dân trong khu vực xung quanh cột truyền hình. Bích Hằng - Phó Trưởng đài Truyền hình thị xã Kỳ Anh - thốt lên: “Bình thường, cột truyền hình vươn cao là biểu tượng của thị xã, nay bão quật đổ, em thấy hụt hẫng”.

Dù mưa còn rất lớn, Phó Thủ tướng và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã đến thăm một số nhà dân ở phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh bị tốc mái. Tại đây, Phó Thủ tướng đã chia sẻ, động viên bà con cố gắng sớm khắc phục thiệt hại, sửa sang lại nhà để ổn định cuộc sống.

Trao đổi với lãnh đạo địa phương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần đặc biệt lưu tâm bảo đảm an toàn cho người dân, không để người dân thiếu đói sau bão, và có các giải pháp để sớm phục hồi sản xuất.

Đến 18h, toàn tỉnh vẫn mất điện. “Bà con chạy bão quá vất vả, lại thêm nỗi điện mất, đường sá nhiều nơi bị phong tỏa. Tuy nhiên hiện nay không thể đóng điện vì quá nguy hiểm. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương liên tục cập nhật, rà soát, nắm bắt tình hình, quán triệt không được để người dân thiếu đói. Đặc biệt là các hộ già cả, neo đơn, các gia đình có công. Trong hoàn cảnh hiện nay, đòi hỏi sự hy sinh của cán bộ, đảng viên” - ông Phan Duy Vĩnh chia sẻ.

Hai năm liên tiếp, Hà Tĩnh nói riêng và thị xã Kỳ Anh, gặp khó khăn, một do nhân tai, và một do thiên tai. Khó khăn chồng chất như thử thách bản lĩnh, ý chí của người dân Hoành Sơn, dù gian nan đến mấy cũng không bị khuất phục, nỗ lực vươn lên để xây dựng cuộc sống. Kỳ Anh cũng rất cần sự chung tay, của cả cộng đồng.

Thủ tướng Chính phủ tới Quảng Bình chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 10

Ngay sau khi dự và phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 (SMEMM 24) tại TP.Hồ Chí Minh , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ vào tối 15.9 đã ra Quảng Bình để kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả cơn bão. Theo dự kiến ban đầu, máy bay chở đoàn công tác sẽ bay thẳng ra Đồng Hới (Quảng Bình), nhưng do điều kiện thời tiết không cho phép, máy bay đã hạ cánh xuống Đà Nẵng và từ đó, đoàn đi đường bộ ra Quảng Bình. Đoàn xe chở Thủ tướng và đoàn công tác đã đi qua các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và hiện đã có mặt tại Quảng Bình, thị sát tình hình thiệt hại và khắc phục hậu quả bão tại thành phố Đồng Hới. T.L

Hoàn lưu bão cũng rất nguy hiểm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, trưa 15.9 bão số 10 đã đi vào khu vực các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sau khi vào miền Trung, bão di chuyển theo hướng tây-tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sang khu vực Trung Lào và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Ở Thanh Hóa, các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La từ chiều 15.9 đến hết ngày 16.9 có mưa vừa, mưa to đến rất to (50-150mm, có nơi trên 200mm).  KH.V

Cảnh báo nguy cơ lũ quét tại nhiều tỉnh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, từ 15-17.9, trên các sông từ Thanh Hóa - Thừa Thiên-Huế sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức báo động (BĐ) 2, 3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế lên mức BĐ1 và trên BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế. Đặc biệt là các huyện: Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Châu, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp (Nghệ An); Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình); Đăkrông, Hướng Hoá, Hải Lăng (Quảng Trị); A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế).

Nguy cơ cao xảy ra ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn như: TP.Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Trị, Đông Hà (Quảng Trị), TP.Huế (Thừa Thiên-Huế).  L.V

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo chống bão

Trưa 15.9, sau khi nghe ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Ủy viên Thường trực BCĐ - báo cáo tình hình công tác điều hành ứng phó của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai và các bộ ngành thông qua cuộc họp của Ban thường trực sáng 15.9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã xem các dự báo đường đi của bão thông qua phần mềm Windy.com và gọi điện chỉ đạo trực tiếp cho các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để cập nhật tình hình bão đổ bộ.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các địa phương phải tuyệt đối chấp hành các nguyên tắc ứng cứu, hỗ trợ người dân, tuyệt đối coi việc đảm bảo an toàn tính mạng của người dân là ưu tiên hàng đầu.

Đã có 3 người chết!

Tại “rốn bão” số 10 là huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết, cơn bão số 10 đổ bộ thẳng vào đèo Ngang (cấp 11-15), ảnh hưởng lớn nhất là tỉnh Hà Tĩnh. Cơn bão số 10 kéo dài 6 tiếng, từ 9 giờ, hậu quả làm 3 người chết, 6 người bị thương. Tuy nhiên, số lượng nhà bị thiệt hại rất lớn, hiện có 80-90 nhà bị tốc mái, hàng nghìn cột điện bị đổ.

“Rất may hàng nghìn hécta lúa hè thu và lúa mùa đã thu hoạch được 85%, không bị ảnh hưởng. Các tỉnh cũng tổ chức di dời được 18.000 tàu thuyền an toàn nên không có người bị thương vong trên biển; tổ chức di dời cho 30.000 hộ; 155 khẩu được sơ tán đến nơi an toàn nên không bị thiệt hại về người” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, ngày 15. 9, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hải quân Vùng 3 đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định triển khai lực lượng, phương tiện tiếp cận, lai dắt 1 tàu với 8 lao động về nơi an toàn và cứu vớt đưa 12 người trên 3 tàu bị chìm, gồm: QNg 98687TS: 2 người, QNg 94628TS: 7 người và QNg 44011TS: 3 người. KH.V

Quảng Trị: Caosu tan hoang do ảnh hưởng bão số 10

Tại tỉnh Quảng Trị, dù chỉ ở “rìa” của cơn bão số 10, nhưng địa phương bị thiệt hại nặng về cây trồng, đặc biệt là cây caosu, nhiều nhà của người dân cũng bị hư hại nặng.

Theo báo cáo sơ bộ, toàn tỉnh có gần 500 nhà dân bị tốc mái, 6 nhà dân bị sập xiêu vẹo hoàn toàn, không có thiệt hại về người; riêng thiệt hại về cây trồng thì chưa có số liệu tổng hợp.

Huyện Vĩnh Linh là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất, nên trong chiều 15.9 ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đã đi kiểm tra thiệt hại, động viên nhân dân khắc phục, ổn định cuộc sống. Thống kê ban đầu cho thấy, ở huyện Vĩnh Linh có trên 500ha caosu bị hư hại, trên 300 nhà dân bị tốc mái, gần 120ha hồ tiêu bị ảnh hưởng. Tại thôn Vịnh Mốc, có hơn 40ha caosu bị bão bẻ gãy.

Tại những nơi đến thăm, ông Nguyễn Đức Chính đã trao từ 1-3 triệu đồng cho những gia đình bị tốc mái nặng. Còn những hộ dân bị thiệt hại caosu, hồ tiêu, sau khi có số liệu chính xác, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ có hỗ trợ.

Tại các huyện miền núi Hướng Hóa và Đak Rông, nhiều bản làng bị chia cắt vì nước ở các sông suối dâng cao. Ở tuyến vùng Lìa (7 xã của huyện Hướng Hóa) giao thông bị chia cắt, nước ở các cầu tràn chảy xiết, rất nguy hiểm.   HƯNG THƠ

Quảng Bình: 11 người thương vong, 1.500 nhà bị ngập

Tại Quảng Bình, trong ngày 15.9 đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ 200-300mm, gió giật tại Đồng Hới cấp 12-13. Mực nước trên các sông đang lên nhanh, nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng.

Tối 15.9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết, bão số 10 đã làm 1 người chết là ông Nguyễn Văn Hoa (50 tuổi, ở thôn Minh Tiến, Quảng Minh, thị xã Ba Đồn). Toàn tỉnh có 10 người bị thương (trong đó huyện Tuyên Hoá có 2 người, huyện Bố Trạch có 4 người, huyện Lệ Thủy có 3 người và TP.Đồng Hới có 1 người); có 14 nhà bị sập hoàn toàn; 51.124 nhà bị tốc mái; 1.500 nhà bị ngập; ước tính thiệt hại sơ bộ đến chiều 15.9 tại Quảng Bình là gần 3.500 tỉ đồng. Con số thiệt hại sẽ còn tăng cao do chưa có thống kê đầy đủ. Đến hết tối 15.9 ở Quảng Bình tiếp tục có mưa to đến rất to trên diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 200-300mm/đợt, có nơi lớn hơn 400mm. Từ nay đến hết ngày 16.9 trên các sông khu vực Quảng Bình khả năng xuất hiện một đợt lũ.     LÊ PHI LONG

Thừa Thiên - Huế: 608 ngôi nhà bị gió lốc tàn phá

Do ảnh hưởng cơn bão số 10, trong hai ngày 14 và 15.9 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có những thiệt hại đáng kể về người và tài sản.

Toàn tỉnh có 608 ngôi nhà bị hư hỏng, tập trung chủ yếu ở thị xã Hương Thủy. 35 căn nhà bị hư hỏng do gió lốc ở huyện Phong Điền cũng đã được chính quyền cử lực lượng về sửa chữa nhà cho dân vào sinh sống. “Riêng trường hợp cháu bé bị mất tích trên biển, hiện tại lực lượng chức năng và người nhà vẫn đang tìm kiếm. Các trường hợp bị tử vong do mưa bão cũng đã được chính quyền đến thăm và động viên người nhà” - ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền - thông tin. Do mưa bão, bờ biển tại thôn An Dương bị sạt lở 3 điểm, sâu từ 5-7m, trên chiều dài 30m. Mưa bão cộng triều cường và sóng lớn đã đánh chìm 2 thuyền cá của ngư dân ở huyện Phú Vang. Tại huyện miền núi Nam Đông do mưa lớn, đất đá ở đường cao tốc La Sơn - Túy Loan sạt lở rơi xuống ảnh hưởng đến 12 hộ dân tại khu vực thị trấn Khe Tre.  ĐẮC THÀNH

Thanh Hoá: Bão không lớn, triều dâng cao đột ngột

Khoảng 10h30 ngày 15.9, gió bão mới bắt đầu nổi ở Thanh Hoá, đến chiều tối, gió chỉ ở mức cấp 7-8. Tuy nhiên, triều lên cao bất thường khiến ngư dân vất vả chống chọi. Mưa lớn xảy ra trên diện rộng. Tại Sầm Sơn, sóng lớn cộng nước triều dâng đánh mạnh lên đường Hồ Xuân Hương khiến cả con đường ven biển này thành sông. Nhiều thuyền ngư dân đã cẩn thận đưa lên đường, cột vào cột đèn cũng nổi lên và có nguy cơ trôi xuống biển. Trên toàn tỉnh, các điểm xung yếu đều được bố trí các lực lượng chủ động đối phó. Đê biển xã Hải Hà (Tĩnh Gia) bị tràn, các lực lượng đã tích cực nâng cao nền, chống tràn. Đến 17h ngày 15.9, trên địa bàn Thanh Hoá chưa có thiệt hại nào lớn, chỉ có tàu của ông Nguyễn Văn Tuy ở Ngư Lộc với 10 lao động mất liên lạc từ ngày 13.9 đến nay dù trước đó, liên lạc với ông vẫn thông suốt.    X.HÙNG

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN
TIN LIÊN QUAN

Xe khách đâm nhau trên cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Những hòn đảo Châu Âu sở hữu vẻ đẹp “cách ly” với thế giới

Thảo Phương |

Bên cạnh những địa điểm du lịch sôi động, Châu Âu còn nổi tiếng với một số hòn đảo giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên.