Hàng loạt trường hợp bị lừa đảo qua Telegram
Công an TP Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, rất nhiều người dân bị lừa đảo qua Telegram. Cụ thể, anh N.V.T (sinh năm 1973, Hà Nội) được mời tham gia nhóm “Tình 1 đêm” trên Telegram. Sau khi cung cấp khu vực sinh sống, anh T được đối tượng gửi danh sách các “em”, bảng giá của Câu lạc bộ và yêu cầu mở thẻ hẹn hò để “em” đến phục vụ.
Sau khi đăng ký tài khoản xong, anh T được yêu cầu xác thực để hoàn thành nhiệm vụ, nhận “hoa hồng” bằng cách truy cập vào đường link và nộp tiền theo hướng dẫn của hệ thống.
Anh T lựa chọn gói dịch vụ, nộp tiền, thực hiện các nhiệm vụ và nhận “hoa hồng” thành công. Sau khi chuyển thêm tiền, các đối tượng vẫn thông báo lỗi và đưa ra nhiều lý do để dụ người tham gia nộp tiền thêm nhiều lần với giá trị ngày càng cao để chiếm đoạt. Chỉ trong vòng 2 ngày, anh T đã chuyển hơn 600 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng.
Hay một trường hợp khác bị lừa đảo trên nền tảng này là anh T.V.H (trú tại Hà Nội). Anh H từng nhận được tin nhắn của một đối tượng giả mạo của Telegram và yêu cầu click vào đường link do đối tượng cung cấp trên tin nhắn, nếu không tài khoản sẽ bị buộc hủy trong vòng 24-48 giờ.
Do lo lắng bị mất tài khoản, anh đã thực hiện theo hướng dẫn của các đối tượng. Khi truy cập thành công vào tài khoản của anh H, đối tượng đã gửi tin nhắn cho người thân anh H vay hơn 200 triệu đồng rồi chiếm đoạt số tiền trên. Chỉ khi người thân gọi điện thoại trực tiếp cho anh H mới nhận ra mình bị chiếm đoạt số tiền.
Viện Kiểm sát TP Vũng Tàu cho biết, một người dân tại đây cũng từng bị lừa đảo qua nền tảng này với hình thức làm cộng tác viên mua bán hàng online.
Cụ thể, chị N.T.T.H (TP Vũng Tàu) nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên bán hàng online nhóm thời trang để hưởng hoa hồng.
Khi chị H thực hiện nhiệm vụ mua hàng và chuyển tiền, các đối tượng báo lại đây là nhiệm vụ “liên đơn” nên phải mua hàng 3 lần mới được hoàn tiền và nhận hoa hồng.
Chị H tiếp tục chuyển tiền mua hàng, nhưng tiền hoàn và hoa hồng không thấy đâu mà các đối tượng lại đưa ra nhiều lý do như sai cú pháp, sai nội dung chuyển tiền, hết hạn mức phải nạp thêm tiền để tăng hạn mức, chưa hoàn thành nhiệm vụ…. để từ chối hoàn tiền lại cho chị.
Bảo vệ tài khoản Telegram
Để bảo vệ tài khoản Telegram, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân một số thao tác bảo mật tài khoản Telegram như sau:
1. Bật tính năng xác thực hai yếu tố: Bật tính năng này cho tài khoản Telegram bằng cách vào Settings - Privacy and Security - Two-step Verification.
2. Telegram có tính năng thông báo đăng nhập, khi người dùng bỗng dưng nhận được thông báo đăng nhập lạ, đó có thể là tin tặc. Thường xuyên kiểm tra các thiết bị đang đăng nhập tài khoản (Settings - Devices) để kiểm tra cũng như xóa ngay những thiết bị không phải do mình đang sử dụng.
3. Nên tắt thông báo nhận tin nhắn từ người lạ để tránh các tin nhắn lừa đảo (Settings - Privacy and Security - New chats from unknown users - Archive and Mute). Tính năng chỉ có sẵn trên Telegram Premium. Nếu không cần thiết, hãy giấu số điện thoại cá nhân trên Telegram bằng cách sau: Vào Settings - Privacy and Security - Phone number Privacy - Nobody. Ngăn không cho người lạ tự ý thêm mình vào các group bằng cách Settings - Privacy and Security - Group & Channel - My contacts.
4. Tắt chế độ tự động download file từ các group để tránh tải phải những file có chứa mã độc: Settings - Data and Storage - Tắt: Auto-Download Media.
Ngoài ra, người dân cần đề cao cảnh giác khi “bỗng dưng” nhận được đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, cần phải xác minh thông qua việc gọi điện thoại trực tiếp đến người vay bằng số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội Telegram, Zalo, Facebook…
Đặc biệt, khi phát hiện trường hợp nghi vấn, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.