Gặp cô bé hạt tiêu “ngửi chữ” với ước mơ trở thành luật sư

Hoàng Phương |

Sau nhiều ngày túc trực tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Liên Chiểu, Đà Nẵng), chúng tôi đã may mắn tìm được cô bé khiếm thị đầy nghị lực Huỳnh Thị Lộc (SN 1998, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam), khi em vừa kết thúc buổi thi cuối cùng trong kì thi THPT Quốc gia năm 2017.

Cuộc sống màu đen của cô học trò khiếm thị

Với dáng người nhỏ bé, chỉ cao 1m40, nặng chưa đầy 40kg, chúng tôi dễ dàng nhận ra Lộc giữa một tốp sĩ tử vừa bước ra khỏi cổng trường. Trò chuyện cùng Lộc trong căn phòng trọ chỉ bằng “hộp diêm” trên đường Phạm Như Xương, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về em. Mắt phải mất thị lực hoàn toàn, mắt trái một màu trắng đục, lờ mờ, nhưng từ nhỏ, Lộc đã phải sống xa gia đình.

Lộc vui vẻ ra về sau khi buổi thi cuối cùng kết thúc. Ảnh: Hoàng Phương

Năm 6 tuổi, em được bố dẫn ra Trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu gửi học. Suốt những năm học từ lớp 1 đến lớp 5, Lộc luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi. Cấp 2 và cấp 3, Lộc chuyển ra ở trọ và theo học trường trên địa bàn. Với kiến thức ngày càng nhiều, cộng với đôi mắt mỗi ngày một mờ yếu, Lộc gặp không ít khó khăn. Vì không nhìn rõ nên em đọc bài, chép bài chậm hơn các bạn. Bài tập cô giáo ghi trên bảng Lộc hoàn toàn không nhìn thấy. Nhiều lần, cô giáo đọc nhanh, Lộc không chép bài kịp đành mượn vở bạn bè về chép lại.

Khi đọc sách, Lộc phải đưa sách sát mắt mới nhìn thấy được chữ. Ảnh: Hoàng Phương

Tuy chậm vậy nhưng Lộc chưa hề bỏ một bài nào. Vở của em trang nào trang nấy sạch sẽ, thẳng hàng răm rắp, nét chữ tròn trịa, sạch đẹp. Bất kể là lúc học bài, chép bài hay đọc sách, Lộc đều cúi người, úp mặt sát vào vở, sách mới thấy được chữ. Chính vì thế, bạn bè trong lớp gọi Lộc bằng biệt danh thân mật “cô bé ngửi chữ”.

Kể cả lúc viết bài, em cũng phải cúi sát vở. Ảnh: Hoàng Phương

Tận mắt chứng kiến cuộc sống hằng ngày của em, chúng tôi thật sự nể phục. Dù đôi mắt chỉ nhìn được một bên, lờ mờ nhưng Lộc đã có 12 năm sống xa nhà hoàn toàn tự lập. Từ giặt quần áo, rửa chén đến đi chợ, nấu ăn, Lộc tự tay làm tất. Cũng vì không nhìn thấy rõ mà không ít lần nấu ăn, Lộc bị dao cắt vào tay chảy máu, đồ ăn bị cháy khét phải đổ bỏ. Sau những lần ấy, Lộc quyết định không nấu ăn nữa mà chuyển qua… ăn mì tôm ngày 3 bữa để sống cho tiết kiệm.

Suốt 12 năm liền, Lộc tự đi bộ đến trường. Trong kì thi quan trọng này, Lộc cũng tự mình đi thi vì bố mẹ ở xa, không có điều kiện đưa đón. Ảnh: Hoàng Phương

Con đường từ nhà trọ đến trường của Lộc dài gần 1km. Hằng ngày, Lộc phải thức dậy từ lúc sáng sớm để đến trường. Bằng thứ ánh sáng lờ mờ từ con mắt còn lại, Lộc phải dò dẫm từng bước để không đụng phải xe cộ trên đường.

Ngoài giờ học, Lộc tranh thủ gấp ngôi sao, hạt giấy, làm hoa voan bán kiếm tiền. Ảnh: Hoàng Phương

Sau giờ học, Lộc tranh thủ làm hoa voan, thắt ngôi sao, hạt giấy bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Tết vừa rồi, em làm được 57 chậu hoa voan, bán được 5 triệu đồng. Số tiền ấy em gửi biếu bố mẹ một ít, số còn lại em để dành trả tiền phòng trọ, mua mì tôm về dự trữ để ăn dần” – Lộc hào hứng khoe.

Ước mơ trở thành luật sư để bảo vệ lẽ phải

Khi hỏi về ước mơ lớn nhất trong đời, Lộc không giấu nổi cảm xúc: “Lúc nhỏ, khi chưa biết mình bị bệnh, em thích tìm hiểu về vũ trụ, các vì sao và ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà thiên văn học. Càng lớn, em nhận thức được đôi mắt mình không bình thường như các bạn, nên em dần từ bỏ ước mơ ấy vì thấy nó quá sức với mình".

Nhiều năm liền, cô bé "hạt tiêu" nhận được giấy khen của trường. Ảnh: Hoàng Phương

"Bây giờ, nguyện vọng lớn nhất của em là thi đỗ vào Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh để sau này khi học xong, em có thể trở thành một luật sư giỏi. Em thích những điều thuộc về lẽ phải, những điều đúng nên em mong mình sẽ là người bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý cho những người gặp oan sai”, Lộc chia sẻ.

Mặc dù cuộc sống chìm trong bóng tối nhưng Lộc lại có một ước mơ ngời sáng - trở thành luật sư để bảo vệ lẽ phải. Ảnh: Hoàng Phương

Chia tay cô bé Lộc với ước mơ thật đẹp, chúng tôi ra về khi mặt trời đã buông những tia nắng cuối cùng. Lần mò trở lại căn phòng trọ chật chội, ẩm thấp, Lộc lôi mớ giấy đủ màu sắc trên kệ sách xuống, gấp hình những con hạc giấy, ngôi sao để kịp giao cho khách tuần tới. Bữa tối hôm nay của em hình như là gói mì tôm chay giá 2.500 đồng mà chúng tôi thấy em đã để sẵn trên bàn…

Hoàng Phương
TIN LIÊN QUAN

Ước mơ trở thành phóng viên của nữ sinh có đôi chân khuyết tật ở Đà Nẵng

Xuân Hậu |

Gặp chúng tôi sau khi kết thúc môn thi tiếng Anh của kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, Trần Thị Mỹ Hạnh (lớp 12/13, trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) không giấu được niềm vui vì làm bài khá tốt. Theo Hạnh, tiếng Anh là một trong những môn thi Hạnh đặt mục tiêu cao và cố gắng nhất để hướng đến ước mơ trở thành sinh viên ngành Báo chí của trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Một học sinh bỏ thi vì nhập viện cấp cứu

Hoàng Phương |

Sáng 23.6, tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Liên Chiểu, Đà Nẵng) một thí sinh dự thi kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 đã bỏ thi 2 môn vì phải nhập viện cấp cứu gấp.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ước mơ trở thành phóng viên của nữ sinh có đôi chân khuyết tật ở Đà Nẵng

Xuân Hậu |

Gặp chúng tôi sau khi kết thúc môn thi tiếng Anh của kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2017, Trần Thị Mỹ Hạnh (lớp 12/13, trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) không giấu được niềm vui vì làm bài khá tốt. Theo Hạnh, tiếng Anh là một trong những môn thi Hạnh đặt mục tiêu cao và cố gắng nhất để hướng đến ước mơ trở thành sinh viên ngành Báo chí của trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng.

Đà Nẵng: Một học sinh bỏ thi vì nhập viện cấp cứu

Hoàng Phương |

Sáng 23.6, tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Liên Chiểu, Đà Nẵng) một thí sinh dự thi kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017 đã bỏ thi 2 môn vì phải nhập viện cấp cứu gấp.