20 năm, và những bài học đầu tiên

Hoàng Văn Minh |

Thú vị là khi Lao Động tròn 90 tuổi thì tôi cũng tròn 20 năm làm phóng viên bổn báo. 20 năm, đủ để thi thoảng tôi tự hỏi rằng vì sao mình lại có thể làm việc ở một nơi lâu đến thế? Nhưng 20 năm, cũng chỉ là một cái chớp mắt thoáng qua như một giấc mộng hoang đàng đầy luyến nhớ…

Suýt chết vì… thiếu hiểu biết

Đó là một ngày cuối tháng 11.1999 - mở đầu cho trận lũ lịch sử ở Huế làm hơn 500 người chết. Lúc đó tôi mới tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm cộng tác viên tại Văn phòng Huế của Báo Lao Động được hơn 3 tháng. 9h sáng, trời vẫn nắng đẹp như mọi hôm và tôi đang uống càphê thì bất ngờ nước ở đâu từ dưới đất dâng lên ào ạt như vỡ đê. Cả thành phố nhìn đâu cũng thấy nước và nước.

Tôi chạy vội về văn phòng dọn dẹp máy tính và tài liệu. Đang loay hoay thì sếp Nguyễn Trung Hiếu ở Đà Nẵng (lúc đó là Phó Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại miền Trung), nghe tin Huế đang lụt to nên điện bảo “Minh chạy đi chụp cho anh mấy cái ảnh về lũ, chụp ảnh đẹp nghe”. Tôi thưa “em không có máy ảnh, em lại chưa chụp ảnh bao giờ, chừ làm răng”?. Sếp Hiếu nói: “Không có máy thì chạy ra ngoài nhờ ai đó chụp cho mấy cái”. Hồi đó mới đi làm, chưa biết mô tê chi cả nên sếp nói sao nghe và làm thế. Lúc đó nước đã tràn vào nhà ngang đầu gối, nhưng tôi vẫn bỏ dở việc dọn dẹp, xắn quần, lội nước đi ra ngoài đường xem có ai không để nhờ... chụp ảnh!

Lội nước khoảng 2km thì đến một ngã tư, ở đó có một tiệm chụp ảnh cưới. “Chú ơi, cháu ở Báo Lao Động, nhờ chú chụp giúp cho cháu mấy tấm ảnh nước đang lên”. Ông chủ tiệm đang loay hoay dọn lụt thều thào mắng: “Mi có điên không thằng tê? Báo với chí, ảnh với yết. Mi không thấy tau đang dọn lụt trối chết đây à?”.

Bị mắng hoảng quá, cộng với việc nước càng lúc càng lên cao nên buộc phải quay về. Vừa đi được mấy mét thì hỏng chân nghe ầm một tiếng, toàn thân lọt tỏm xuống cái hố đang thi công dở dang bên đường. Sau một hồi vùng vẫy, tôi cũng lóp ngóp ngoi lên được với cái bụng no nước.

Lội được về văn phòng thì nước đã lên cao quá nửa thân người. Lúc đó, thay vì đi trốn nước lại sợ nước ngập ướt hết máy móc, tài liệu.., sợ sau đó các sếp la, nên tiếp tục kê bàn, dọn cho mọi thứ cao hơn một tí. Đến hồi nước lên tới cổ, giật mình nghĩ đến thân mình thì cánh cửa thoát hiểm duy nhất lại không mở được. Đúng lúc vừa loay hoay vừa nghĩ đến việc mình sẽ chết thảm mà chưa kịp ký tên mình trên bản tin nào, nước mắt tuyệt vọng rơi xuống cũng là lúc đẩy được cánh cửa để lách ra ngoài. Và tôi đã không chết.

Lá thư của biên tập viên

Cũng nhờ bận đó không chết mà sau này tôi quen biết, làm việc và thọ giáo được với nhiều bậc thầy trong nghề báo và cũng khó mà quên được nhiều chuyện. Tròn 20 năm, nhưng bây giờ mỗi lần bắt tay thân mật với Lê Thanh Phong mà tôi vô cùng yêu quý và biết ơn là lòng vẫn dậy lên những đợt sóng... ấm ức.

Số là sau khi tôi thoát chết được mấy ngày, Lê Thanh Phong từ TP Hồ Chí Minh được toà soạn cử về Huế để tăng cường làm thông tin và chuyển hàng cứu trợ của Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động. Ngày đầu tiên, Lê Thanh Phong dùng xe máy chở tôi đi một vòng quanh thành phố để xem các sinh viên tình nguyện dọn bùn trong các khu di tích. Trưa về tới văn phòng, “lão” nói: “Chiều anh có chút việc nhà, Minh viết bài phóng sự về những gì anh em mình đã thấy sáng nay. Viết xong mang lên nhà anh xem...”. “Lão” nói, tôi dạ, dạ tới mô mặt tái tới đó vì từ ngày bước chân vào nghề báo cho tới lúc đó mới chưa đầy hai tháng, tin mấy chục chữ còn chưa viết được lấy mô ra chữ và viết phóng sự đến mấy nghìn chữ? Nói vậy chứ nguyên một buổi chiều hì hục trên máy tính, cuối cùng tôi cũng in ra được 4 trang giấy A4 chi chít chữ với hai chữ “phóng sự”.

Hôm ấy lúc chạng vạng, trời lại mưa lâm thâm. Đúng hẹn, tôi mang bài nhà Lê Thanh Phong ở khu nhà thờ Phủ Cam. Lúc đó Lê Thanh Phong đang ngồi uống rượu với mấy người anh em. Rượu và toàn món ngon. “Lão” cầm lấy 4 trang A4 của tôi, từ tốn đeo kính, rồi rút trong túi ra một cây bút đỏ. Trời đất như đổ sập trước mắt tôi khi đọc tới đâu, “lão” lấy bút gạch tới đó. Vừa gạch vừa lầm bầm mắng: “Viết như ri mà mi cũng viết được à?”. Chưa hết, “ghét” nhất là lâu lâu “lão” lại tạm dừng việc gạch đỏ và mắng tôi để uống một ly rượu. Sau khi gạch đỏ 4 trang giấy, lão bảo “mang về viết lại, viết ri chưa ra phóng sự”!

Thật ra, “tác phẩm” báo chí đầu tiên mà tôi gởi về Văn phòng Báo Lao Động tại miền Trung là một bài… tản văn kể một câu chuyện tình cảm trên một triền cát ở một đêm trăng! Hai hôm sau, tôi nhận được một bức thư của nhà văn Vĩnh Quyền (lúc đó là Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại miền Trung) gởi ra từ Đà Nẵng. Đó là một bức thư viết tay bằng mực xạ, chữ to như con gà mệ. Vĩnh Quyền viết: “Kính gởi anh Hoàng Văn Minh, tôi là Vĩnh Quyền, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Lao Động tại miền Trung. Tôi đã nhận và đọc bài tản văn của anh. Đây là một bài tản văn rất hay, nhưng không phù hợp để đăng trên Báo Lao Động…”. Lúc đó tôi vừa xấu hổ vừa cảm động. Tôi đã từng gởi bài cộng tác với rất nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc, nhưng Mệ Quyền là biên tập viên đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này viết thư trả lời tôi - một cộng tác viên chưa bao giờ thấy mặt, nghe tên một cách trân trọng và có trách nhiệm như vậy.

Tôi nhớ mãi ngày thứ 2 đi làm, Lâm Chí Công (lúc đó đang phụ trách Văn phòng Huế) đưa cho tôi một giấy mời đi dự triển lãm tranh. Về tới văn phòng, anh quẳng cho tôi một chồng Báo Lao Động, nói “em chịu khó đọc tất cả các tin vắn ở trang 5 (trang văn hoá) rồi viết cho anh một bản tin giống như vậy về cuộc triển lãm chiều nay”. Tôi đã đọc gần 20 tờ báo, gần như thuộc hết tất cả các bản tin “con ruồi” ở trang 5, nhưng sau đó tôi viết đến 7 lần, Lâm Chí Công vẫn lắc đầu nói “vẫn chưa thành tin”. Tôi thất vọng về mình vô cùng nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi có một niềm tin sắt đá rằng: “Thơ khó thế mà tôi còn làm được thì trên đời này, không có gì là tôi không làm được”! Và cuối cùng, tôi cũng viết được cái tin đầu tiên đăng trên Báo Lao Động với bút danh: H.V.M.

Những chuyện tôi vừa kể, thời cuộc và nghề báo đã đổi thay, giờ nhiều thứ đã thành mộng, có khi chẳng ai tin là thật. 90 năm lịch sử là sự cộng sinh giữa hai chữ Lao Động và lớp lớp nhiều thế hệ con người. Và tôi luôn nhớ mình đã may mắn như thế nào khi ở Báo Lao Động đã gặp được những “đại sư phụ”, “thợ cả” như Vĩnh Quyền, Lâm Chí Công, Trần Đăng, Lê Thanh Phong, Nguyễn Trung Hiếu… Họ không chỉ dạy cho tôi những kỹ năng của nghề làm thông tin mà còn dạy tôi cách sống và làm một người lương thiện…

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.