“Nở rộ” gameshow âm nhạc trên truyền hình:

“Khát” tài năng, thừa scandal!

Bích Hà |

Trong khi các nhà sản xuất tiếp tục đổ tiền tỉ để “nhập” thêm những gameshow truyền hình mới, nhất là các cuộc thi ca hát, thì ở trong nước, không ít sân chơi âm nhạc có tiếng đang phải “chật vật” tìm kiếm tài năng. Dù mỗi năm đều có hàng trăm ca sĩ bước ra từ truyền hình thực tế, nhưng không có mấy quán quân tỏa sáng, có chỗ đứng trong showbiz và hiếm có chương trình nào “thoát bóng” scandal.

Lò đào tạo “ngôi sao mùa vụ”

Tính đến thời điểm này, cuối năm 2016, các cuộc thi âm nhạc đình đám trên truyền hình từ Vietnam Idol, Nhân tố bí ẩn, The Remix, Giọng hát Việt nhí… đều đã kết thúc chặng đường tìm kiếm tài năng của mình. Khi giải thưởng, danh hiệu được trao cũng là lúc nhà sản xuất hoàn thành nhiệm vụ  tìm kiếm tài năng. Bất cứ cuộc thi âm nhạc nào trên truyền hình cũng đều gắn mác như thế. Nhưng thực tế là, truyền hình thực tế đang đào tạo nên một lớp “ca sĩ thời vụ”, tức là nổi tiếng trong cuộc thi, nhưng ngày càng “lặn mất tăm” khi bước chân vào showbiz.
Bằng chứng là, nếu như ở thời điểm năm 2007, số lượng gameshow truyền hình thực tế chỉ đếm trên bàn tay thì  10 năm sau, ước tính con số đó đã lên tới vài chục show lớn nhỏ, dành cho người lớn cũng có mà trẻ con cũng nhiều. Nhưng có điều vẫn “bói không ra” tài năng mới nào để lại dấu ấn và đủ sức hút “soán ngôi” được thế hệ trưởng thành từ sân chơi âm nhạc từ những năm trước như Trọng Tấn, Tùng Dương, Uyên Linh…  Cho đến nay, họ vẫn là những cái tên đi đầu trong nhóm thành công với chuyên môn. Họ được học hành bài bản, kỹ thuật vững vàng và gây dựng được thương hiệu. Còn càng về sau, các quán quân của cuộc thi âm nhạc trên truyền hình, hoặc không thuyết phục được công chúng, hoặc loay hoay tìm chỗ đứng, hoặc mượn đến scandal để nổi danh.
Hai năm nay, hàng chục quán quân của các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình chất lượng như Sao Mai hay Vietnam Idol, Giọng hát Việt… đều gần như bốc hơi khỏi bản đồ nhạc Việt. Nhiều quán quân Sao Mai khán giả không nhớ tên và đa phần trong số đó giã từ nghiệp hát, xem ngôi quán quân như một kỷ niệm đẹp đã qua. Hữu Kiên – chàng luật sư tập sự đã trở về nghề cũ sau khi đoạt giải nhất Vietnam’s Got Talent, Quán quân Ngôi sao Việt Thanh Tùng, quán quân The Winner Is 2014 Lan Anh cũng gần như bị khán giả quên tên. Những tên tuổi mới như Vũ Thảo My hay Đức Phúc – quán quân Giọng hát Việt, Minh Như – quán quân Nhân tố bí ẩn 2016 – tính đến nay vẫn chưa có hoạt động nào nổi bật trong làng nhạc.
Không tìm ra những tên tuổi thực sự có sức hút cho làng nhạc Việt, nhưng dường như tất cả các cuộc thi âm nhạc bây giờ đều gắn với không ít ỳ xèo, dù vẫn với công thức chung: Bên này bên kia tố cáo nhau, “nghi án” dàn xếp kết quả, bình chọn ảo, dùng đời tư thí sinh hay ban giám khảo để câu khách. Đến như chương trình Nhân tố bí ẩn 2016, được kỳ vọng là bước đột biến khi nhà sản xuất hướng đến chất lượng, mời các giám khảo coi trọng chuyên môn như Thanh Lam, Tùng Dương tham gia, nhưng cuối cùng cuộc thi vẫn vào vòng quẩn quanh với đủ các scandal vì chuyện rating, lợi nhuận. Và cuộc thi kết thúc trong những tranh cãi nảy lửa của các huấn luyện viên, từ trên sóng truyền hình, báo chí ra đến mạng xã hội.

Phương Mỹ Chi thời gian qua đã chịu nhiều áp lực dư luận khi kết hợp hát nhạc Bolero với ca sĩ trẻ Trung Quang.

Dùng thí sinh ngoại quốc để “hút” khách

Bên cạnh việc đào tạo ra một lớp “ngôi sao mùa vụ”, thì một điểm chung của các gameshow âm nhạc ở Việt Nam hiện nay là đều có sự xuất hiện của các thí sinh nước ngoài. Họ có thể là người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam, hoặc người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước khác. Họ tìm tới các cuộc thi âm nhạc ở Việt Nam để thử sức mình. Điều này đã giúp các chương trình mở rộng biên độ tìm kiếm tài năng âm nhạc, tăng yếu tố cạnh tranh, sức hút giữa thời bão hòa chương trình truyền hình như hiện nay.
Vietnam’s Got Talent 2016 được chú ý hơn bởi những thí sinh đến từ Ấn Độ và cô gái sở hữu giọng hát mạnh mẽ, truyền cảm người Philippines. Vietnam idol Kids 2016 cũng “gây bão” với sự xuất hiện của cậu bé Jayden Trịnh, chơi được 14 loại nhạc cụ, mang hai dòng máu Singapore và Việt Nam. Một chương trình kết thúc cách đâu không lâu với kết quả gây nhiều ồn ào là Vietnam Idol, cũng có sự xuất hiện của thí sinh người nước ngoài, thậm chí còn lên ngôi cao nhất. Không thể phủ nhận Janice Phương đã “cứu vãn” một mùa tìm kiếm thần tượng âm nhạc không nhiều ấn tượng. Trong khi các thí sinh Việt Nam không để lại dấu ấn, cả về tài năng và cách tạo hiệu ứng với truyền thông, thì Janice Phương được xem là “cơn gió lạ”. Cũng không thể phủ nhận rằng, làn gió mới từ dàn thí sinh “ngoại” đã góp phần không nhỏ trong việc giữ chân khán giả. Tuy nhiên, việc Janice Phương đăng quang cuộc thi Vietnam Idol đã tạo ra một nghịch lý, chúng ta đi tìm kiếm tài năng Việt nhưng lại phát hiện ra những tài năng “ngoại”.
Không ít nhà chuyên môn đã cho rằng sức hút của Vietnam Idol ngày càng hạ nhiệt. Trải qua 7 mùa thi, Vietnam Idol 2016 đã đánh mất vị trí của một “tâm bão” về âm nhạc, với việc tìm ra những quán quân đủ sức với thu hút đám đông như: Phương Vy, Uyên Linh… Thậm chí càng về, sự tai tiếng với scandal đời tư của Yasuy, sự loay hoay chưa khẳng định được tên tuổi của Quốc Thiên, phong độ thất thường của Trọng Hiếu đã khiến cuộc thi này càng thêm nhạt.  Và dù các nhà sản xuất vẫn nỗ lực thay máu bằng việc mời thật nhiều giám khảo nổi tiếng, dùng đời tư người nổi tiếng để câu kéo người xem, nhưng rõ ràng có một thực trạng đang xảy ra: Làng nhạc Việt luôn trong tình trạng “khát” tài năng mới, dù cơn bão mang tên “thi hát “ liên tục càn quét trên truyền hình.

Tài năng nhí bị “gặt non”

Việc các cuộc thi âm nhạc của người lớn ngày càng bão hòa, vì không tìm được thí sinh chất lượng, đã khiến các nhà sản xuất chuyển hướng sang “tấn công” trẻ con. Trong 2, 3 năm trở lại đây, nhiều “phiên bản nhí” của các chương trình dành cho người lớn được phát triển. Có những em nhỏ chỉ mới 3, 4 tuổi cũng được đưa lên sân khấu. Công bằng mà nói, truyền hình thực tế đã góp phần phát hiện không ít tài năng nhí, với những tung hô rầm rộ trên truyền thông, nhưng có một điểm chung là, “tài năng nhí” đều bị “gặt non”. Và trong thời buổi “ra ngõ gặp ca sĩ”, để thành danh còn phải cần nhiều yếu tố, từ tài năng, ngoại hình và phẩm chất. Thiếu một trong những điều kiện này thì dù họ có được tạo bệ phóng hay được khen tặng những lời có cánh sau chiến thắng cũng không thể giúp họ có được thương hiệu cho riêng mình. Thậm chí nhiều ca sĩ nhí sớm nổi tiếng khi tuổi đời còn quá trẻ lại chính là một áp lực đối với họ.
Hiện tượng Phương Mỹ Chi là một điển hình. Em đã đổi đời từ sau khi tham gia chương trình Giọng hát Việt nhí, nhưng việc chạy show quá mức đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của em. Thời điểm em bày tỏ bị khản giọng, tắt tiếng, nhiều khán giả đã lo ngại sợ em mất giọng hát vì bị “gặt non tài năng”. Chưa kể, việc bước vào showbiz sớm cũng khiến Phương Mỹ Chi phải đối diện với không ít áp lực từ phía dư luận. Mới đây nhất, ngay cả việc hát nhạc người lớn ở tuổi 13 cũng bị đưa ra mổ xẻ, săm soi, khiến “Cô bé dân ca” ngày nào phải gồng mình chống đỡ.
Dù bài học nhãn tiền đã thấy, nhưng không ít ông bố, bà mẹ vẫn có nhu cầu cho con nổi tiếng và lấy truyền hình thực tế làm bàn đạp. Họ đưa con tham dự hết cuộc thi này đến cuộc thi khác, nhằm tìm kiếm cơ hội nổi tiếng. Nếu như các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc của người lớn đang rơi vào lối mòn, khi “hoán đổi” thí sinh từ cuộc thi này sang cuộc thi khác, thì với các sân chơi âm nhạc cho con trẻ cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Quanh đi quẩn lại vẫn vài ba gương mặt, các giọng ca nhí “gây bão” trên truyền hình mùa gameshow vừa qua như Bảo Trân, Nhật Minh, hay Gia Khiêm thì thi từ Đồrêmi, đến Giọng hát Việt nhí, rồi qua Vietnam idol Kids. Riêng Hồ Văn Cường được coi là phát hiện, là nhân tố trẻ cho làng nhạc Việt, nhưng không tránh tình trạng “gặt non”.
Từ sau khi đăng quang quán quân, cậu bé đi diễn nhiều hơn, liên tục phải di chuyển từ tỉnh này qua thành phố khác. Dù gia đình ưu tiên cho việc học, nhưng khó tránh việc bị ảnh hưởng. Xem những video mới nhất trên Youtube và trang cá nhân của em, vì không có nhiều thời gian tập luyện, khi biểu diễn trong chương trình Nhạc tình muôn thuở 2 tại Đà Nẵng, cậu bé đã liên tục mắc lỗi quên lời - điều tối kỵ với một ca sĩ khi biểu diễn trên sân khấu. Không ít khán giả đã lo lắng, sợ Hồ Văn Cường sẽ giẫm vào lối mòn mà Phương Mỹ Chi và nhiều ngôi sao nhí khác đã trải qua, khi sớm bước vào showbiz nhiều ồn ào và cạm bẫy.  

Bích Hà
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.