Nhà tạo mẫu tóc André Lecharoux: “Khách hàng cần tôi, chứ tôi không cần khách”

Lê Quân |

“Lương 5 triệu hay 50 triệu, diva hay không diva thì cũng đều là người cả. Vấn đề là ai đến trước. Tùng Dương hay ai đó được cho là VIP thì cũng vậy thôi, em làm ơn ngồi đó trật tự đi!” - Một chân dung thú vị nhất tôi từng biết: Nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng Andre’ Lecharoux, người nắm giữ “cái góc con người” của không ít nghệ sĩ nổi tiếng và là chủ nhân đêm diễn nghệ thuật “Chuyện hoa hướng dương”, dự kiến diễn ra vào ngày 12.7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
“Lênin trong hiệu cắt tóc”
André thuộc kiểu người có thể gây được ấn tượng mạnh ngay trong lần đầu tiếp xúc, dù anh không chủ ý. Nhà sư phạm “số má” của ngành tóc Việt Nam, chủ nhân salon tóc nổi tiếng Hà thành với nhiều khách hàng “ruột” là các nghệ sĩ, doanh nhân tên tuổi này sở hữu một phong cách rất “nghệ”, từ cách ăn vận chẳng giống ai đến kiểu nói năng tưng tửng, chả sợ gì ai.
Một hiệu cắt tóc vui vẻ nhất mà tôi từng biết: “Bác thợ cả” có thể vừa làm vừa... hát, thậm chí còn gần như minh họa luôn cho chủ đề khách đang nói đến. Một pha “tiến thoái lưỡng nan” nào đó trong sự hữu hạn và đánh đố của đời sống - chẳng hạn, thì y như rằng, André bèn cao hứng “xúi dại”: “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ...”.
Xui người khác thế thôi, nhưng đến lượt mình thì lại “hững hờ” ra phết! Lịch làm việc đôi khi được sắp xếp theo hứng, cuối tuần là cữ đông khách nhất thì có khi lại tự cho phép mình được ngủ nướng, hoặc nhận khách hạn chế. Tiền không kiếm lúc này thì kiếm lúc khác, không cần bằng mọi giá và mọi lúc. Rất chăm làm từ thiện nhưng nhất định phải bằng “tiền sạch”, do chính tự tay mình làm ra chứ không tranh thủ những nguồn tiền không rõ nguồn gốc.
Cửa hiệu thu hút rất nhiều khách VIP, nhưng trong đầu ông chủ của nó lại chẳng hề có khái niệm khách VIP. “Lương 5 triệu hay 50 triệu, diva hay không diva thì cũng đều là người cả, tại sao lại bắt người khác phải chờ, còn mình thì không? Vấn đề là ai đến trước. Tùng Dương hay ai đó được cho là VIP thì cũng vậy thôi, em làm ơn ngồi đó trật tự đi (cười)!” - André cho biết nguyên tắc đó của anh được duy trì suốt gần 20 năm nay, từ ngày mở cửa hiệu.
Hỏi André đã từng đọc đến câu chuyện “Lênin trong hiệu cắt tóc” chưa, thì anh bảo chưa. “Nhưng nếu vậy thì trong cửa hiệu của tôi cũng luôn có những “ông Lênin” như thế (cười). Ai cũng như ai cả, đều cần được đối xử công bằng, ngay cả ở một cửa hiệu làm tóc. Ngoại lệ duy nhất ở đây là các bà mẹ bỉm sữa, vì nếu phải ngồi chờ quá lâu, họ sẽ bị căng tức sữa, tôi rất thông cảm cho điều đó.
Còn nếu như có ai đó cố tình nói dối hoặc làm khó tôi bằng một lý do nào đó thì câu trả lời của tôi luôn là: “Vậy anh chị làm việc quan trọng đó trước đi! Cắt tóc có thể làm sau”. Ở cửa hiệu của tôi luôn có từ “Cảm ơn”, “xin lỗi”, nhưng không có từ “ưu tiên”, “làm trước”. Thú thực là tôi đã mất kha khá khách VIP vì nguyên tắc đó. Nhưng không sao cả, vẫn luôn có những vị khách “mê” mình đến mức không thể rời bỏ mình được, và vì thế, họ sẵn lòng chấp nhận nguyên tắc đó. Khách hàng cần tôi, chứ tôi không cần khách” - André “thẳng ruột ngựa”.
André bảo, nếu như 20 năm trước, khi anh mở hiệu tóc của mình tại Hà Nội, cả thành phố chỉ có chừng 17 tiệm tóc thì giờ đã có tới hơn 6.200 tiệm, trong tổng số 32.000 tiệm trên cả nước. “Nhưng lại không có lấy một Viện đào tạo đủ uy tín để cấp chứng chỉ hành nghề một cách bài bản. Tôi rất hổ thẹn cho ngành tóc Việt Nam về điều đó”, nhà tạo mẫu tóc hàng đầu nói.
Phá cách trong sáng tạo, nhưng một mặt, André cũng đề cao sự hài hòa. “Nếu sở hữu 2 cái đẹp thiếu hài hòa trên cơ thể thì thà không có cái nào đẹp còn hơn. Một cái đầu quá “long trọng” trên một bộ quần áo không ăn nhập sẽ khiến cho cái mặt trở nên “thất thủ”. Ở mình hay có xu hướng phức tạp hóa mọi sự chỉ để chứng tỏ mình có tay nghề, trong khi bao cái đẹp giản dị gần kề lại bỏ qua. Nghệ sĩ không thể là một anh chàng Thiên Lôi, sai đâu đánh đó mà phải là người biết tạo ra xu hướng và thổi hồn vào tác phẩm của mình”.
André ví sự phát triển của thời trang tóc ở Việt Nam không khác gì... “giao thông Việt Nam giờ tan tầm, mạnh ai nấy chạy”, “nhà nhà người người người đổ xô theo mốt mà không cần biết có phù hợp với mình hay không”.
“Tôi không cắt tóc theo xu hướng mà là theo tình huống. Tôi không quan trọng bạn mong muốn gì mà là bạn cần sở hữu điều gì. Tôi luôn dạy học trò của mình rằng, đừng bao giờ coi mái tóc là một cái “hợp tác xã” mà phải là một “bộ ngoại giao” của chủ nhân. Một mái tóc đẹp cũng ngầm chứa trong nó một ẩn dụ sống: Có tĩnh có động, có cương có nhu, có lùi có tiến... Người làm tóc có tầm vì vậy phải biết ứng xử với nó trong cảm hứng của một họa sĩ để làm ra một bức tranh tóc, mang hồn cốt của người sở hữu nó, chứ không chỉ đơn thuần là một kiểu đầu hợp mốt”...
“Cái răng, cái tóc không hẳn là góc con người”
Sinh ra ở Sài Gòn, lớn lên ở Canada, từng “khăn gói quả mướp” sang London học nghề tại trung tâm đào tạo về tóc hàng đầu thế giới Tony&Guy, nhưng khi về nước, André lại chọn Hà Nội làm nơi lập nghiệp. Từng tham gia ca đoàn ở nhà thờ từ lúc còn bé, về sau mở cửa hiệu lại thu hút được nhiều khách hàng “ruột” là những ca sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Tùng Dương, Tuấn Hưng..., nên cái sự “dan díu” với nghệ thuật của nhà tạo mẫu tóc này mỗi lúc lại càng khăng khít tợn!
Lần đầu tiên có một đêm diễn nghệ thuật đồng thời là chương trình thiện nguyện ở Hà Nội mà chủ nhân của nó là một nhà tạo mẫu tóc: “Chuyện hoa hướng dương”, sẽ diễn ra vào ngày 12-7 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, nghệ sĩ piano Phó An My, nghệ sĩ múa Duy Thành, MC Phan Anh... Nhưng là lần thứ 9 André tổ chức một chương trình từ thiện kiểu này (trước đây là ở các tỉnh thành khác): Tự bỏ tiền túi từ A đến Z và mời những nghệ sĩ cùng chí hướng với mình cùng tham dự. Nó không giống một show trình diễn tóc thông thường, với sự góp mặt của những người mẫu và logo của các nhãn hàng tóc.
“Nhân vật chính của đêm diễn thật ra không phải là tôi mà là “hoa Hướng Dương” - nhân vật mang trong mình một niềm tin yêu mãnh liệt vào tình người và cuộc sống. Những gì diễn ra trên sân khấu chắc chắn sẽ chạm được vào trái tim khán giả, trong đó có những “Mạnh thường quân” vốn dĩ là khách hàng thân thiết của tôi”.
Nhà tạo mẫu tóc có tiếng “sang chảnh” này không cho rằng mình là một tay sang chảnh, như lời đồn. Ông chủ một salon tóc, nhưng lại quyết không chọn lối sống “salon”: “Nếu ưa sang chảnh, thì với thương hiệu và thu nhập rất tốt của mình, cộng với quốc tịch Canada, tháng đôi lần tôi đã có thể đi du lịch nước ngoài, kết giao với người này người nọ. Nhưng thay vì thế, tôi lại tìm đến những phố gầm cầu, những khu nhà ổ chuột, đánh bạn với những người đạp xích lô hay nhặt phế liệu để xin phép được giúp đỡ họ; hoặc ra tận huyện đảo Lý Sơn, ăn những bữa ăn đạm bạc cùng dân chài và nghỉ trong những căn phòng trọ bình dân giá chỉ 120 nghìn cho 4 người...”.
Có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người”, nhưng André bảo, với anh, “cái góc” quan trọng nhất ở một con người không gì khác chính là trái tim của họ. “Có khai tâm rồi mới khai nhãn. Giá trị cốt lõi nhất của con người là cho đi chứ không phải nhận lại. Tâm không sáng thì đừng mong nghề sáng!”
“Không chỉ là khách hàng ruột mà còn là chỗ bạn bè thân thiết, nhưng mỗi lần đến làm tóc ở chỗ André, bao giờ tôi cũng phải đặt lịch trước, bằng không sẽ phải xếp hàng ngồi đợi như bao khách hàng thân, sơ khác. Thay vì phật lòng, tôi thấy tôn trọng nguyên tắc làm nghề đó của André. Nghề nào muốn đi đường dài cũng cần có những tôn chỉ, nguyên tắc nhất định. Cách André tôn trọng khách hàng cũng như cách tôi tôn trọng khán giả vậy, tôi đồng cảm và thậm chí học hỏi thêm ở anh thái độ ấy. Đó, theo tôi, cũng là một biểu hiện của sự say nghề”. (Ca sĩ Tùng Dương)
Lê Quân
TIN LIÊN QUAN

Nghệ sĩ Tuyết Minh: Rồi sẽ đến lúc, nghệ sĩ múa sống được bằng nghề!

Đặng Chung (thực hiện) |

Một cuộc trò chuyện nhiều cung bậc cảm xúc, đôi mắt thoáng ngấn nước, Tuyết Minh chia sẻ về cái nghề đã khiến chị khóc - cười và những dự án dài hơi đang ấp ủ, để đưa múa đến gần hơn với công chúng.

Nghệ sĩ, người nổi tiếng ra tòa: Người đòi công bằng, người mong trắng án

Minh Thi |

Hai phiên tòa diễn ra sáng 22.6 thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Một là vụ nghệ sĩ Ngọc Trinh kiện Nhà hát kịch TP. Hồ Chí Minh, hai là vụ ông Cao Toàn Mỹ kiện người đẹp, hoa hậu Phương Nga.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy: “Cảm ơn con vì đã đến thật đúng lúc!”

Nguyễn Lê |

Cậu trai “cổ đeo nơ”, có bờ má phụng phịu tỳ bên cây vỹ cầm năm xưa, giờ đã kịp làm bố sau 10 năm mong ngóng và trở thành vị PGĐ trẻ nhất trong lịch sử 60 năm của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Nghệ sĩ Tuyết Minh: Rồi sẽ đến lúc, nghệ sĩ múa sống được bằng nghề!

Đặng Chung (thực hiện) |

Một cuộc trò chuyện nhiều cung bậc cảm xúc, đôi mắt thoáng ngấn nước, Tuyết Minh chia sẻ về cái nghề đã khiến chị khóc - cười và những dự án dài hơi đang ấp ủ, để đưa múa đến gần hơn với công chúng.

Nghệ sĩ, người nổi tiếng ra tòa: Người đòi công bằng, người mong trắng án

Minh Thi |

Hai phiên tòa diễn ra sáng 22.6 thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Một là vụ nghệ sĩ Ngọc Trinh kiện Nhà hát kịch TP. Hồ Chí Minh, hai là vụ ông Cao Toàn Mỹ kiện người đẹp, hoa hậu Phương Nga.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy: “Cảm ơn con vì đã đến thật đúng lúc!”

Nguyễn Lê |

Cậu trai “cổ đeo nơ”, có bờ má phụng phịu tỳ bên cây vỹ cầm năm xưa, giờ đã kịp làm bố sau 10 năm mong ngóng và trở thành vị PGĐ trẻ nhất trong lịch sử 60 năm của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam.