Cổ vật triều Nguyễn - chuyện chưa kể

Hoàng Văn Minh |

Những ngày cuối năm 2021, giới buôn bán và thưởng ngoạn cổ vật, văn hoá triều Nguyễn trong và ngoài nước xôn xao khi chiếc mũ quan hàm chánh nhất phẩm triều Nguyễn được bán đấu giá ở Tây Ban Nha với giá bán cuối cùng là 650.000 Euro chưa tính thuế và phí. Đây là một mức giá không tưởng, gây choáng váng nhiều người bởi lâu nay, cổ vật triều Nguyễn vốn không được giới chơi cổ vật để ý và thường được mua bán với mức giá khá “bèo”.

Đồng loạt giá cao

“Bom tấn”! Đó là chữ dùng của giới nghiên cứu và sưu tập cổ vật sau phiên đấu giá chiếc mũ quan hàm chánh nhất phẩm còn nguyên vẹn của triều Nguyễn của Nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) hôm 28.10.2021.

Bom tấn, vì theo TS Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, đây là chiếc mũ quan văn thời Nguyễn còn nguyên vẹn nhất mà ông nhìn thấy được từ trước tới nay. Nhưng theo kinh nghiệm về nghiên cứu và mua bán cổ vật lâu năm của mình, TS Trần Đức Anh Sơn đoán chiếc mũ quan này được bán với giá chỉ tầm 30.000 Euro (giá khởi điểm là 600 Euro). Nhiều người mua bán cổ vật ở Việt Nam quan tâm và tham gia đấu giá lúc đó cũng “định giá” chiếc mũ quan này tầm giá dao động từ 30-50.000 Euro. Thậm chí, hai ngày trước phiên đấu giá chính thức, khi giá chiếc mũ quan được “gõ” giá 40 rồi 70.000 Euro, nhiều người đã không tin vào mắt mình và cho rằng, chiếc mũ này đang bị “làm giá”.

Để rồi như trong một vở kịch, cảm xúc của người tham gia được đẩy lên đỉnh điểm theo cách không ai tưởng tượng ra khi trong phiên đấu giá chính thức sau gần 1 giờ đồng hồ rất căng thẳng, chiếc mũ đươc chốt với mức giá 650.000 Euro (hơn 16 tỉ đồng) chưa tính thuế và phí.

Mũ quan triều Nguyễn được bán với giá không tưởng là 650.000 Euro chưa tính thuế phí. Ảnh: H.V.M
Mũ quan triều Nguyễn được bán với giá không tưởng là 650.000 Euro chưa tính thuế phí. Ảnh: H.V.M

Nhà nghiên cứu cổ vật Trần Đình Sơn - tác giả nhiều sách về cổ vật Việt và là một nhà sưu tầm cổ vật lớn trong nước - nhận xét khi giá mũ còn ở mức 42.500 euro: “Giá chiếc mũ quan mà cao đến như vậy thì tôi cũng không thể hiểu nổi”.

Và sau khi nhà đấu giá “gõ búa”, ông nghẹn lời: “Không bao giờ tưởng tượng được giá của chiếc mũ lên đến mức như vậy. Đến như những hiện vật tương tự của Trung Quốc cũng khó đạt giá cao đến như vậy”.

Điều thú vị nữa là cũng trong phiên đấu giá đó, cùng với chiếc mũ quan còn có thêm 2 chiếc áo cũng có nguồn gốc triều Nguyễn, cũng được bán với mức giá cũng gây choáng váng giới nghiên cứu và mua bán cổ vật. Đó là một chiếc Mãng bào của quan chánh nhị phẩm được chốt với giá 35.000 Euro (gần 950 triệu đồng) chưa thuế phí. Chưa hết, một chiếc áo Nhật Bình đã có phần sờn rách hôm đó cũng được chốt với giá 160.000 Euro.

Và trước đó, ngày 30.9, trong phiên đấu giá của nhà Aguttes (Pháp) cũng đã “gõ búa” nhiều tác phẩm mỹ thuật và cổ vật Việt Nam với giá rất cao. Trong đó, món đồ khiến hầu hết nhà sưu tầm cổ vật trong nước ngạc nhiên vô cùng chính là tô sứ ký kiểu Tam Thai thính triều. Đó là hiện vật vẽ cảnh chùa Non Nước (Đà Nẵng) kèm bài thơ của chúa Minh - Nguyễn Phúc Chu đường kính 19,5cm, do triều chúa đặt làm ở Trung Quốc về dùng này có giá sàn 3.000 Euro, ban đầu được giới sưu tầm trong nước đoán giá không quá 800 triệu đồng. Thế nhưng, giá “gõ búa” lên đến 67.000 Euro (khoảng 1,8 tỉ đồng), chưa kể thuế phí, khiến giới cổ ngoạn trong nước chới với.

Ở thị trường mua bán cổ vật trong nước, cổ vật triều Nguyễn cũng giá tăng phi mã. Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Hữu Hoàng ở Huế cho biết, một cái tô thời Thiệu Trị vẽ rồng đường kính 15,5cm, cách đây 2 năm về trước giá chừng 120 triệu đồng, nay khoảng 400 triệu đồng. Một đĩa ký kiểu thời Thiệu Trị đường kính 14,5cm, 2 năm trước chừng 100 triệu đồng, nay giá hơn 350 triệu đồng...

“Đầu năm ngoái, có người mời tôi tám món đồ ký kiểu thời Thiệu Trị với giá gần 1 tỉ đồng, tôi lắc đầu. Giờ lô đồ ấy giá đã lên đến hơn 2,5 tỉ đồng, mà giới sưu tầm chắc chắn sẽ tranh mua” - ông Hoàng kể.

Bình thường và bất thường

Nghịch lý, không phải từ phiên đấu giá chiếc mũ quan triều Nguyễn vào cuối năm 2021 mà đã có từ 2 năm trở lại đây. Trong khi lâu nay, cổ vật triều Nguyễn thường không được chú ý nhiều, giá mua đi bán lại thường không cao, nếu không muốn nói là khá “bèo”. Thậm chí, có rất nhiều gia đình ở Huế và cả nước ngoài phải “bán tháo” cổ vật cho các nhà sưu tập vì rất nhiều lý do khác nhau.

Tuy vậy, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế - lại cho rằng, cổ vật triều Nguyễn tăng giá thời điểm này là chuyện bình thường.

Theo TS Phan Thanh Hải, cổ vật triều Nguyễn, dù không “cổ” bằng đồ Lê, đồ Lý nhưng lại ăn đứt ở độ phong phú, đẹp và tinh xảo, đặc biệt là đồ ngự. Do đó, gần đây, giới mua bán và sưu tập cổ vật trong, ngoài nước bắt đầu chuyển hướng quan tâm.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, trường hợp đồ sứ ký kiểu là loại hình cổ vật thực sự tiêu biểu, là đồ cao cấp nhất của Việt Nam đương thời. Dù đặt Trung Quốc làm nhưng mẫu mã, kiểu dáng và thơ văn do Hoàng triều Việt Nam đưa ra. Ngoài ra, kiểu thức của đồ sứ ký kiểu cũng thể hiện các dấu ấn đặc thù của các triều đại đương thời. Ví như: Các đồ án rồng phượng trên đồ ký kiểu của Việt Nam khác hẳn trên đồ sứ Trung Quốc. Hệ thống thơ văn bằng chữ Nôm của vua chúa lưu lại trên các hiện vật này hầu như không tìm thấy trên các sách sử “chính thống”.

Áo Nhật Bình thời Nguyễn được bán với giá 160.000 Euro. Ảnh: H.V.M
Áo Nhật Bình thời Nguyễn được bán với giá 160.000 Euro. Ảnh: H.V.M

Bất thường, vì theo các nhà nghiên cứu, sưu tập, trong thời gian gần đây, tại Việt Nam, ngoài giới sưu tập cổ vật chuyên nghiệp còn có rất nhiều đại gia đổ tiền vào việc mua cổ vật. Thậm chí, có nhiều người “mua gom” như một hình thức đầu tư để kiếm lợi nhuận, một phần để thể hiện “đẳng cấp” của mình. Lấy ví dụ, chiếc mũ quan triều Nguyễn, “bình thường, sẽ có rất ít người quan tâm đến chiếc mũ quan này. Nhưng khi thông tin được đăng tải công khai trên Báo Lao Động cùng với Facebook của TS Trần Đức Anh Sơn, tự khắc sẽ có nhiều người quan tâm bởi anh Sơn là một sự bảo chứng về chất lượng cổ vật. Bây giờ sẽ có nhiều người muốn sở hữu chiếc mũ này còn vì đây là món đồ nổi tiếng đang gây xôn xao dư luận, được nhiều người quan tâm” - một nhà sưu tập cổ vật giấu tên tham gia đấu giá mũ quan bất thành cho hay.

Đó là chưa nói đến những chiêu trò làm giá của người bán, người mua, rồi quân xanh, quân đỏ... trong các phiên đấu giá. Có thể kể đến các chiêu trò phổ biến như tự mình mua lại cổ vật của mình với mức giá rất cao để bán lại trong các phiên đấu giá sau; cho “quân xanh” vào mồi giá; tổ chức hoặc cá nhân mua một món cổ vật bằng mọi giá để phục vụ cho những mục đích khác...

Cổ vật triều Nguyễn nhiều đến mức nào?

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong hơn 140 năm tồn tại, từ năm 1802-1945, từ năm 1802-1883 là thời kỳ an bình thịnh trị nhất nên cổ vật phát triển nhiều nhất. Sự giàu có của cổ vật triều Nguyễn đến từ việc cung tiến của các địa phương. Ví như tại lễ tứ tuần đa của vua Khải Định (lễ mừng vua tròn 40 tuổi) vào năm 1924, cả 3 căn nhà lớn do triều đình dựng lên trước quảng trường Ngọ Môn thuộc Đại nội Huế đều chật kín các sản vật cung tiến. Đến từ việc các đội phụ trách trong cung đình tự làm ra để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của triều đình.

Mỗi đời vua có khoảng 60-70 nhóm nghệ nhân mà nhà Nguyễn đặt tên là Tượng cục, chuyên phụ trách sản xuất các đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của triều đình. Trong đó, mỗi Tượng cục được giao nhiệm vụ khác nhau, có nhóm phụ trách chế tác các loại sản phẩm từ vàng; nhóm làm sản phẩm áo quần, xe cộ đi lại cho vua chúa, hoàng thân. Khu hoàng cung là nơi xưa kia vua chúa, hoàng thân ăn ở và thờ tự của nhà Nguyễn. Những nơi thờ tự trong hoàng cung như Thái miếu, điện Phụng Tiên, Triệu miếu... là các kho chứa báu vật triều Nguyễn.

Tuy vậy, do những biến cố lịch sử, một lượng rất lớn cổ vật triều Nguyễn đã bị thất thoát. Nhiều nhất là sau sự kiện “thất thủ kinh đô” xảy ra vào ngày 5.7.1885. Sau khi chiếm được Kinh thành Huế, quân Pháp tràn vào các cung điện và thu được 10 triệu đồng, vô số vàng bạc, nhiều thỏi vàng. Theo một tư liệu tiếng Pháp có tên J. Chesneaux, Contribution à l’Histoire de la Nation vietnamienne xuất bản năm 1955, linh mục Père Siefert - người chứng kiến sự kiện cướp bóc này - cho biết, quân Pháp lấy đi mọi thứ của triều Nguyễn dù nhỏ nhất.

Áo Mãng bào của quan nhị phẩm triều Nguyễn bán giá 35.000 Euro. Ảnh: H.V.M
Áo Mãng bào của quan nhị phẩm triều Nguyễn bán giá 35.000 Euro. Ảnh: H.V.M

Ngay bản thân tướng De Courcy - người chỉ huy cuộc tấn công kinh đô Huế, vào ngày 24.7.1885 - đã gửi cho chính phủ Pháp một bức điện. “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bằng bạc giấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan. Đã khám phá thêm nhiều ấn tín và kim sách đáng giá bạc triệu. Xúc tiến rất khó khăn việc tập trung những kho tàng mỹ thuật. Cần cử sang đây một chiếc tàu cùng nhiều nhân viên thành thạo để mang về mọi thứ cùng với kho tàng” - De Courcy đề nghị.

Bây giờ thì cổ vật triều Nguyễn lên ngôi. Ngoài yếu tố “ngân lượng” thì những giá trị văn hoá của triều Nguyễn theo thời gian cũng đã được “trả lại” và nhìn nhận đúng mức. Tuy nhiên, những lời reo vui đã xen lẫn với những tiếng thở dài thườn thượt bởi sự giàu có của cha ông giờ chỉ còn trên giấy. Bởi cổ vật được hồi cố quy hương như chiếc mũ quan trong mấy chục năm qua cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bởi về phần con cháu triều Nguyễn, từ hàng chục năm nay cho đến bây giờ, do áp lực cuộc sống nên các gia đình này đã bán dần tài sản. Lúc đầu, họ chỉ bán các vật dụng, vàng bạc, tiếp đến là đồ thờ tự, các thứ vua ban và cuối cùng bán cả nhà cửa, chỉ giữ lại cho mình khoảnh đất nhỏ để mưu sinh...

Mong lắm thay, cổ vật triều Nguyễn hồi hương, được sưu tập và trưng bày để thế hệ con cháu không phải ngắm trên giấy những cổ vật - và cũng mang dáng dấp bảo vật quốc gia gắn với những giai đoạn lịch sử.

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Mũ quan triều Nguyễn và hành trình gian nan "hồi hương” của cổ vật lưu lạc

Nhóm PV |

Chiếc mũ quan triều Nguyễn đã không thể trở về Việt Nam khi kết thúc cuộc bán đấu giá vào tối 28.10. Một lần này Thừa Thiên Huế lại bỏ qua cuộc đấu giá chiếc mũ quan triều Nguyễn còn nguyên vẹn nhất từ trước tới nay ở Tây Ban Nha. Cũng như cách đây 11 năm Thừa Thiên Huế từng bỏ lỡ trong cuộc đấu giá mua bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi tại Pháp vì không đủ tiền. Và mũ quan triều Nguyễn, lần nữa cho thấy con đường “hồi hương” của cổ vật lưu lạc xứ người vô cùng lận đận.

Đấu giá mũ quan triều Nguyễn: Cơ chế nào để cổ vật "hồi hương"?

NHÓM PV |

HUẾ - TS Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu cổ vật triều Nguyễn, nguyên giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đề xuất Nhà nước cần sớm có các chính sách thông thoáng để "hồi hương" cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài nhân vụ đấu giá mũ quan triều Nguyễn ở Tây Ban Nha.

Cổ vật lưu lạc và nỗi lo bảo vệ di sản

Mai Hương |

Mới đây, sự việc một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn còn nguyên vẹn được Nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) chuẩn bị đấu giá với giá khởi điểm 500 Euro đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự kiện này đã làm dấy lên một câu hỏi: “Bằng cách nào, cổ vật của Việt Nam phải chịu cảnh lưu lạc ở nơi đất khách quê người?”.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Mũ quan triều Nguyễn và hành trình gian nan "hồi hương” của cổ vật lưu lạc

Nhóm PV |

Chiếc mũ quan triều Nguyễn đã không thể trở về Việt Nam khi kết thúc cuộc bán đấu giá vào tối 28.10. Một lần này Thừa Thiên Huế lại bỏ qua cuộc đấu giá chiếc mũ quan triều Nguyễn còn nguyên vẹn nhất từ trước tới nay ở Tây Ban Nha. Cũng như cách đây 11 năm Thừa Thiên Huế từng bỏ lỡ trong cuộc đấu giá mua bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi tại Pháp vì không đủ tiền. Và mũ quan triều Nguyễn, lần nữa cho thấy con đường “hồi hương” của cổ vật lưu lạc xứ người vô cùng lận đận.

Đấu giá mũ quan triều Nguyễn: Cơ chế nào để cổ vật "hồi hương"?

NHÓM PV |

HUẾ - TS Trần Đức Anh Sơn, nhà nghiên cứu cổ vật triều Nguyễn, nguyên giám đốc Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế đề xuất Nhà nước cần sớm có các chính sách thông thoáng để "hồi hương" cổ vật đang lưu lạc ở nước ngoài nhân vụ đấu giá mũ quan triều Nguyễn ở Tây Ban Nha.

Cổ vật lưu lạc và nỗi lo bảo vệ di sản

Mai Hương |

Mới đây, sự việc một chiếc mũ quan văn triều Nguyễn còn nguyên vẹn được Nhà đấu giá Invaluable ở Barcelona (Tây Ban Nha) chuẩn bị đấu giá với giá khởi điểm 500 Euro đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự kiện này đã làm dấy lên một câu hỏi: “Bằng cách nào, cổ vật của Việt Nam phải chịu cảnh lưu lạc ở nơi đất khách quê người?”.