Uống rượu vô tội vạ
Nếu là khán giả của phim Hàn, bạn chắc chắn đã quá quen thuộc với hình ảnh những mỹ nhân, tài tử cứ thất tình hay buồn chán sẽ lập tức rủ nhau đến quán rượu và say khướt.
Gần nhất, trong bộ phim đang gây sốt “Chuyện tình chốn công sở”, dù mới chỉ lên sóng 4 tập đầu, 2 nữ chính đã kịp uống rượu say khuấy đảo màn ảnh, mà không cần có lý do.
Nếu có cuộc thi “Ai diễn cảnh say rượu đạt nhất”, tất cả dàn mỹ nhân, tài tử của cả nền công nghiệp phim ảnh Hàn Quốc đều có thể tham gia. Ai trong số họ có lẽ cũng diễn cảnh say ít nhất một lần trong đời.Từ phim hành động, tâm lý tình cảm, phim hài, ma kinh dị, đến phim phá án gay cấn, các đạo diễn, biên kịch Hàn luôn nghĩ ra được những tình huống để nhân vật phải say, uống rượu vô tội vạ.
Cùng nhau chạy dưới mưa
Hiếm có nền điện ảnh nào, giới làm phim lại “thản nhiên” sử dụng những tình huống lặp đi lặp lại, từ phim này qua phim khác, như các đạo diễn Hàn Quốc.
Bất kỳ bộ phim tâm lý tình cảm nào cũng sẽ có cảnh hai nhân vật nam, nữ chính cùng trùm đầu một chiếc áo sơ mi và chạy dưới mưa. Từ phim điện ảnh như “The Classic” đến những phim truyền hình: “Chuyện tình bác sĩ”, “Thư ký Kim sao thế”, “Anh hàng xóm”, “Người vợ thân quen”... Cảnh chạy mưa được dàn dựng giống hệt nhau.
Trong hầu hết phim tâm lý tình cảm Hàn Quốc, xe đạo cụ tạo mưa sẽ phải làm việc vất vả, vì nếu không có cảnh chạy mưa, nhất định cũng sẽ có cảnh dầm mưa, đứng che ô dưới mưa, cùng nhảy múa dưới mưa... của hai nhân vật chính.Việc lặp đi lặp lại những tình tiết giống hệt nhau ở các phim khiến nhiều dự án phim Hàn bị chê lười sáng tạo, nghèo ý tưởng.
La hét, quát tháo
Nếu bạn đam mê những “drama” Hàn có tính đối kháng mạnh, giữa các tuyến nhân vật liên tục xảy ra tranh cãi, chắc chắn bạn sẽ bị đau đầu.
Tất cả diễn viên Hàn Quốc đều có một cách biểu cảm khi tức giận và khi cãi vã. Họ sẽ trợn mắt, la hét, quát to nhất có thể vào mặt bạn diễn. Những bộ phim dày đặc “drama” sẽ khiến diễn viên kiệt sức vì la hét, và khiến khán giả kiệt sức vì đau đầu.
Giới phê bình từng cho rằng, ở thực tế, người dân Hàn Quốc cũng có thói quen “ăn to nói lớn”, họ luôn phát ngôn với âm lượng trên trung bình, tình tính nóng nảy, dễ to tiếng khi tranh cãi. Những đặc trưng tính cách của người Hàn đã được giới làm phim đưa lên màn ảnh.Bộ phim liên tục xảy ra cãi vã từng khiến khán giả khiếp sợ có thể kể đến “Penthouse” (tựa Việt: Cuộc chiến thượng lưu).
Mỗi lần bật màn hình là mỗi lần khán giả chứng kiến dàn diễn viên la hét, gào thét vào mặt nhau, điều này đã giúp “Penthouse” được bình chọn là bộ phim ồn ào nhất.
Ăn mì gói, kim chi
“Không ăn mì, không ăn kim chi, không phải phim Hàn Quốc” – đây là lời bình đã trở thành “chân lý” với khán giả. Việc cài cắm những món ăn đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc vào phim từng giúp những sản phẩm này xuất khẩu khắp Châu Á.
Làn sóng Hallyu của điện ảnh Hàn Quốc đã giúp kim chi, mì gói, tokbokki, kimbap... trở thành những món ăn được yêu thích và quen thuộc ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.