Những khúc khải hoàn ngày ấy

NGUYỄN THỤY KHA |

Đã 43 năm qua, nhưng cứ mỗi lần nhớ về mùa xuân năm 1975, trong tôi vang lên âm hưởng những khúc khải hoàn ngày ấy…

“Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương/ Biển lại hát tình ca. Biển kể chuyện quê hương” từ bài hát “Biển hát chiều nay” của Hồng Đăng.

Quê ta giải phóng rồi

Hầu như những ngày đầu xuân, lòng người lính Tây Nguyên được tưới đẫm bởi ca khúc “Sông Đắc Krông mùa xuân về” của Tố Hải do Kiều Hưng thể hiện qua làn sóng phát thanh. Có một dự cảm gì không rõ rệt cứ liếm lan như lửa, nhất là sau chiến thắng Bình Long như một lời từ giã mùa đông miền chiến khu giá buốt.

Bây giờ, giở lại nhật ký ngày ấy, tôi không hiểu sao mình lại viết được những câu thơ như thế ngay sau chiến thắng Bình Long, có lẽ là nghe những lời đồn đại thầm thì với nhau của lính Tây Nguyên: “Sẽ là tiếng hò reo - Lời từ giã mùa đông là lời chào xuân tới - Là tiếng súng diệt thù giục trăm miền nổi dậy - Bắt đầu từ trận thắng cuối đông”. 

Có thể là sự rò rỉ từ “chiến dịch 275” khiến cho tưởng tượng của người lính càng thêm phong phú. Mà quả thật, đánh đùng một cái là đòn điểm huyệt ở Buôn Ma Thuột đã khơi nguồn cảm hứng cho các nhạc sĩ suốt từ thời điểm đó cho đến tận mùa xuân năm 1975 - Tết Thống nhất đầu tiên.

Khởi nguồn cho những khúc khải hoàn ngày ấy, là những ca khúc của các nhạc sĩ quân đội viết về chiến thắng Tây Nguyên. Chắc là phòng thu thanh Đài Tiếng nói Việt Nam ngày ấy bận rộn suốt đêm ngày, bởi vì chỉ ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột, lính Tây Nguyên đã nghe đến nóng cả đài bán dẫn Li Đô những giai điệu như “Đường về rộn tiếng chim ca” của Huy Du: “Chào đường về Tây Nguyên - Quê ta giải phóng rồi - Chim rừng nghe suối hát - Theo đàn T’rưng ríu rít…”.

Rồi đến khi đối phương rút chạy khỏi Tây Nguyên sau một tuần thất thủ Buôn Ma Thuột thì lại nghe tiếp “Bài ca Tây Nguyên giải phóng” của Nguyễn Đức Toàn, “Hát trên Tây Nguyên giải phóng” của Trọng Loan, “Hát về Tây Nguyên” của Nguyên Nhung: “Hãy cùng với núi ngàn xa - Hãy cùng với suối chan hòa - Ta nâng đàn ngợi ca - Tây Nguyên thân yêu giải phóng…” .

Tôi lúc đó tuy là kỹ sư thông tin nhưng đã được đơn vị yêu cầu thành lập gấp một đội tuyên văn và phải có ngay bài hát ca ngợi đường dây thông tin chiến lược xuyên Trường Sơn góp phần vào chiến thắng. “Quân lệnh như sơn”, tôi nhận nhiệm vụ mới tréo ngoe với nghề của mình mà lo ngay ngáy. May sao, chiều lại được ăn cơm với một du kích già người Gia Rai tên là Siu Phich.

Ông khoe ông là bố của ca sĩ Rơ Chăm Pheng. Lúc đó, ai biết Rơ Chăm Pheng là ai, đâu như bây giờ cô đã là ca sĩ thượng thặng và rất thân với tôi. Nhưng kết quả của gặp gỡ là những âm hưởng Tây Nguyên mà tôi đề nghị ông hát cho nghe đã giúp tôi viết được ca khúc “Mùa xuân đường dây qua Tây Nguyên”: “Mừng mùa xuân hân hoan trên Tây Nguyên - Mừng đường dây ta băng qua Tây Nguyên - Mang chiến công về - Trên đất anh hùng - của Ma Trang Lơn”.

 Viết xong tôi mừng quá, vừa tập cho tốp nam của đội hát, vừa gửi quân bưu ra Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (chương trình quân đội). Ca khúc đã được Quý Dương thu thanh và hát trên làn sóng. Chính sự kiện này đã dẫn tôi đến quyết định bỏ kỹ thuật, đi làm thơ và nhạc.

Đến ngày Huế giải phóng 26.3.1975, cũng lại nghe vang “Huế của ta ơi” của Thanh Phúc, “Hát trên sông Hương” của Trọng Loan và ấn tượng nhất là “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương” của Văn An (thơ Tạ Hữu Yên): “Gió sông Hồng gọi nắng sông Hương - Như người thương nhắn gửi người thương - Hà Nội chào cố đô giải phóng - Tiếng hát reo vui vang khắp phố phường”.

Và Huế rợp cờ chính phủ cách mạng lâm thời trong hành khúc “Chào Huế anh hùng” của Nguyễn Đức Toàn. Chính ngày ấy, tôi được phong thiếu úy.

Cùng với Huế, Quảng Ngãi và Tam Kỳ cũng thất thủ tạo thế gọng kìm uy hiếp Đà Nẵng từ Bắc vào và Nam ra. Không cần lâu, chiều 29.3.1975, ta đã giải phóng Đà Nẵng. Ngay sau ngày giải phóng, Thuận Yến (quê Quảng Nam) đã có “Đà Nẵng kiên cường chiến thắng vẻ vang” được tung lên làn sóng phát thanh.

Lão tướng Phan Huỳnh Điểu thì lấy ngay chủ đề “Đoàn giải phóng quân” khi xưa làm cho chủ đề ca khúc Đà Nẵng chiến thắng: “Đà Nẵng thân yêu hôm nào ta ra đi…”. Nhưng bài hát vừa trữ tình vừa hào sảng và được hát ngay giữa thành phố Đà Nẵng là “Sông Hàn vang tiếng hát” của Huy Du phổ thơ Dương Hương Ly (Bùi Anh Quốc).

Bài thơ được viết năm 1968 nhưng đến bây giờ phổ nhạc thấy rất đắc địa, phù hợp: “Ôi biển xanh biển xanh - Ôi trời mây bát ngát - Đây bến Tiên Sa ta cúi hôn bờ cát - Phố phường ơi tiếng hát lại trong lành…” Bài hát vừa được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam, vừa được các nghệ sĩ Đà Nẵng biểu diễn liên tục.

Trong những ngày tháng 4.1975, khi bức điện lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi theo những đơn vị chiến đấu: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” thì dọc đường chiến thắng qua những tỉnh Trung Trung bộ và cực Nam Trung bộ, những giai điệu mới lại tiếp tục làm nức lòng người lính như “Những bước chân thần tốc” của Văn An, “Chúng ta đang sống những ngày đẹp nhất” của Vĩnh Cát.

Thủ lĩnh làng nhạc là nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát thì lại có một điệu hò chiến thắng “A li hò lơ”: “Sau hơn vạn ngày theo lời Bác dạy, chẳng ngại hy sinh quên mình chiến đấu…”.

Đất nước trọn niềm vui

Trận Xuân Lộc cửa ngõ Sài Gòn diễn ra ác liệt từ ngày 9 đến ngày 21.4.1975. Chiều 26.4.1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu khởi sự. Các quân đoàn từ các hướng tấn công tràn qua các tỉnh quanh Sài Gòn.

Đến chiều 29.4.1975, các hướng tấn công đều đã áp sát Sài Gòn, thì ở Hà Nội, tại Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam có hai nhạc sĩ bắt tay vào viết những giai điệu cho ngày đại thắng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên thì viết một hành khúc dành cho tập thể hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. 

Lập tức bản hành khúc được phối khí và đồng ca Đoàn ca nhạc Đài tập dượt và thu thanh ngay lập tức để kịp phát trên làn sóng điện vào chiều 30.4.1975 giải phóng Sài Gòn.

Bản hành khúc súc tích, giản dị đã nhanh chóng lan truyền vào quần chúng nhân dân và trở thành một bài hát tập thể trong các buổi hội họp thay cho bài “Kết đoàn” được hát từ thời chống Pháp.

Nhạc sĩ Hoàng Hà thì thổi vào ý nghĩ “Đất nước trọn niềm vui” một hơi thở nhạc nhẹ trẻ trung. Ca khúc đã được ca sĩ Trung Kiên thu thanh ngay vào chiều 30.4.1975 và lan tỏa trên làn sóng phát thanh.

Còn vào lúc 11h 30 phút 30.4.1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng không điều kiện, thì trên Đài Phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát trực tiếp ca khúc “Nối vòng tay lớn” của mình và kêu gọi mọi người Việt Nam xích lại bên nhau cùng xây tương lai đất nước.

Giữa lúc giai điệu “Nối vòng tay lớn” vang lên thì vẫn còn một trận chiến ác liệt cuối cùng của tiểu đoàn 5 trung đoàn 24 sư đoàn 10 thuộc Quân đoàn 3 với đối phương chống trả quyết liệt tại khu vực Lăng Cha Cả. Mãi tới 12 giờ 40 trung đoàn 24 mới vượt qua đối phương vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Từ đây người biết quê người

Từ sau 30.4.1975, những khúc khải hoàn mừng thống nhất vẫn vang lên suốt không gian và thời gian trên đất nước. Người mến mộ hát vang “Đất nước, mùa xuân” của Nguyễn Đức Toàn: “Từ ngày hôm nay chỉ còn những tiếng ca”, “Trên đường hạnh phúc” của Văn An (thơ Tạ Hữu Yên): “Nào bên nhau cầm tay - ta lên đường hạnh phúc…”, “Việt Nam ơi, ta bước tiếp” của Huy Du: “Từ Việt Nam yêu thương - Đồi núi ngát thơm hương…”, “Từ mùa xuân nay ta hát chung bài ca” của Trọng Loan: “Từ mùa xuân nay, ta hát chung bài ca - Độc lập tự do trên khắp quê nhà ta...” .

Khi Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam vào Sài Gòn để có những đêm giao hưởng ở Sài Gòn và những đêm nhạc kịch đầy ấn tượng thì cũng là lúc nhiều giai điệu về ngày thống nhất lại tiếp tục vang lên như “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người” của Cao Việt Bách (lời Đăng Trung), “Tình ca đất nước” của Phan Nhân, “Bài ca thống nhất” của Võ Văn Di, đặc biệt là “Biển hát chiều nay” của Hồng Đăng: “Vùi sâu dưới đáy những gì đau thương - Biển lại hát tình ca - Biển kể chuyện quê hương”.

Đến dịp Xuân Thống nhất đầu tiên 1976, người ta lại say sưa hát “Tổ quốc yêu thương” của Hồ Bắc, “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” của Nguyễn Văn Thương (thơ Tố Hữu), “Hát mừng non nước hôm nay” của Trần Chung, “Mùa về trên quê hương” của Hoài Mai, “Tình ca mùa xuân” của Tôn Thất Lập và “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của Xuân Hồng lấy chủ đề từ “Nam bộ kháng chiến” của Tạ Thanh Sơn hồi chống Pháp.

Có một giai điệu mang tầm nhân loại của tác giả Quốc ca như để khép lại một chặng dài 30 năm: “Đoàn quân Việt Nam đi...”, đó là “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao in trên tờ “Sài Gòn giải phóng” với những ca từ trên chuyển điệu: “Từ đây người biết quê người - Từ đây người biết thương người - Từ đây người biết yêu người…”.

NGUYỄN THỤY KHA
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm khách Việt có mặt ở Thái Lan cổ vũ trận chung kết AFF Cup

Ý Yên |

Từ 17h, không khí bên ngoài sân vận động Thammasat đã nóng lên với tiếng reo hò cổ vũ của hàng trăm cổ động viên trước trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.