Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 năm 2012, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang một kỷ nguyên mới. Trong thập kỷ đầu tiên của kỷ nguyên mới, Trung Quốc đã đề xuất và áp dụng triết lý phát triển mới và tập trung vào thúc đẩy phát triển chất lượng cao.
Thành công của Trung Quốc trong phát triển kinh tế chất lượng cao tạo nền tảng và mở rộng con đường hiện đại hóa của đất nước, đồng thời đưa Trung Quốc vào một hành trình mới xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt.
Thành tựu kinh tế đi vào lịch sử như một câu chuyện thành công
Theo CGTN, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng từ 54.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 7.390 tỉ USD) vào năm 2012 lên 114.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 15.600 tỉ USD) vào năm 2021, với tỉ trọng trong nền kinh tế thế giới tăng từ 11,3% lên 18,5%.
Cũng trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2021, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc tăng từ 6.300 USD lên hơn 12.000 USD, vượt qua GDP bình quân đầu người của thế giới.
Là cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới, giá trị gia tăng của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc tăng từ 17.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2.300 tỉ USD) lên 31.400 tỉ nhân dân tệ (khoảng 4.300 tỉ USD) - tăng từ 22,5% lên gần 30% tổng giá trị sản xuất của thế giới.
Từ năm 2017 đến năm 2021, Trung Quốc duy trì vị trí là quốc gia thương mại hàng hóa hàng đầu thế giới trong 5 năm liên tiếp.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo lớn nhất trong lịch sử nhân loại, với tất cả 832 huyện nghèo đói ở Trung Quốc đã thoát nghèo. Gần 100 triệu người nghèo nông thôn theo tiêu chuẩn hiện tại đã thoát nghèo và hơn 9,6 triệu người nghèo đã được di dời đến các khu vực dễ tiếp cận.
Trung Quốc đã đạt được những thành tựu lịch sử trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói tuyệt đối, đóng góp đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo toàn cầu.
Thành quả phát triển kinh tế chất lượng cao
Trong thập kỷ đầu tiên của kỷ nguyên mới, Trung Quốc đã áp dụng đầy đủ và trung thành triết lý phát triển mới trên tất cả các mặt và nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao.
Lấy đổi mới là động lực chính để phát triển và các biện pháp sâu rộng để thực hiện chiến lược phát triển theo định hướng đổi mới, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu mới và những tiến bộ lớn trong việc xây dựng một đất nước đổi mới.
Theo Chỉ số Đổi mới Toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ 12 vào năm 2021 từ vị trí thứ 34 của năm 2012.
Xây dựng một Trung Quốc tươi đẹp đã trở thành chính sách quốc gia quan trọng, với những thay đổi mang tính lịch sử trong nỗ lực bảo vệ môi trường.
Năm 2021, mức tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc thấp hơn 26,4% so với năm 2012, với mức giảm trung bình hàng năm là 3,3%.
Trung Quốc cũng coi trọng khái niệm phát triển chung, để thành quả của sự phát triển mang lại lợi ích cho tất cả mọi người một cách công bằng hơn. Bằng cách xóa bỏ tình trạng nghèo đói tuyệt đối, Trung Quốc đã xây dựng một xã hội thịnh vượng vừa phải về mọi mặt và cải thiện cuộc sống của người dân Trung Quốc trên mọi mặt.
Hệ thống kinh tế có khả năng chống chịu
Trong một thế giới ngày càng linh hoạt và thay đổi, kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ mới thường xuyên gặp phải những cú sốc từ bên ngoài. Hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008; căng thẳng thương mại Mỹ-Trung từ năm 2018; đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và xung đột Nga-Ukraina đã gây ra những cú sốc mới và kéo dài cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, trước những bất ổn gia tăng do các cú sốc bên ngoài thường xuyên gây ra, nền kinh tế Trung Quốc đã chứng tỏ khả năng phục hồi mạnh mẽ, nhờ hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng thuận tiện, thị trường trong nước mạnh mẽ và sự năng động của thị trường rộng lớn, do đó tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Từ năm 2013 đến năm 2021, đóng góp trung bình của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu vượt đạt trên 30%, đứng đầu trên thế giới. Bất chấp tác động của đại dịch, nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi và năng động mạnh mẽ.
Năm 2020, GDP của Trung Quốc tăng 2,3%, trở thành nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương sau đại dịch. GDP của Trung Quốc tăng 8,1% vào năm 2021, tiếp tục nằm trong số các nền kinh tế lớn hoạt động tốt nhất.
Ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái và phục hồi nhẹ trong năm nay, kinh tế Trung Quốc vẫn là một điểm sáng. Trong 8 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Trung Quốc là 4.190 tỉ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; giải ngân vốn nước ngoài đạt 138,4 tỉ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là chỉ dấu tốt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục lạc quan trên thị trường Trung Quốc. Với sự hỗ trợ của một hệ thống kinh tế linh hoạt, các nguyên tắc cơ bản duy trì sự phát triển lâu dài của Trung Quốc sẽ không thay đổi.
Trong báo cáo trước Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chỉ ra các yếu tố thiết yếu của con đường hiện đại hóa Trung Quốc bao gồm chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, theo đuổi phát triển chất lượng cao và đạt được sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người.
Thành tựu của Trung Quốc về phát triển kinh tế chất lượng cao đã và đang củng cố và mở rộng con đường hiện đại hóa của Trung Quốc.
Với hai kỳ tích lớn là phát triển kinh tế nhanh chóng và ổn định xã hội lâu dài, Trung Quốc chứng minh cho thế giới thấy rằng nước này đã thành công trong việc tìm ra con đường hiện đại hóa. Con đường này sẽ đi vào lịch sử như một sự lựa chọn đúng đắn dành cho người dân.