VN-Index giảm mạnh 36,7 điểm (-2,86%) xuống mức 1.245,32 điểm với sự xuất hiện cây nến đỏ có thân dài cho thấy tâm lý rất lo lắng của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch đang duy trì dưới mức trung bình 20 ngày chứng tỏ dòng tiền vẫn chưa phục hồi trở lại.
Hiện tại, việc khối ngoại liên tục bán ròng mạnh sẽ càng ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của chỉ số trong thời gian tới. Tổng cộng cả tháng 6, khối ngoại đã bán ròng 436,69 triệu đơn vị, tổng giá trị bán ròng đạt gần 16.800 tỉ đồng, chỉ thua tháng kỷ lục vừa được thiết lập vào tháng 5 khi bán ròng hơn 19.000 tỉ đồng.
Trong báo cáo phân tích về thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2024, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán TPS vẫn đánh giá còn có nhiều yếu tố hỗ trợ cho việc quay trở lại đà tăng điểm của thị trường.
TPS dự kiến lượng vốn vay margin trong nửa cuối năm sẽ tăng lên đáng kể khi trong giai đoạn cuối 2023 và nửa đầu năm, hàng loạt công ty chứng khoán đều đã thông qua kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ trong 2024. Điều đó cho thấy dư địa cho vay margin trong thời gian tới sẽ còn rất lớn và sẽ hỗ trợ cho đà tăng thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, hai quý cuối năm sẽ là giai đoạn tiền đề cho xu hướng Uptrend của thị trường từ câu chuyện nâng hạng thị trường đang sáng hơn; hệ thống KRX đang gấp rút hoàn thiện, kỳ vọng được triển khai từ tháng 9.2024.
Công ty Chứng khoán TPS đưa ra kịch bản tích cực nhất cho thị trường đó là thanh khoản vẫn duy trì ở ngưỡng trung bình của 20 tuần gần nhất (trên đồ thị tuần). Việc này cho thấy thị trường chỉ cần giữ vững được vùng trên 1.270 - 1.280 điểm, tích lũy và sau đó tìm động lực bật tăng với điều kiện thanh khoản tuần bùng nổ phải cao hơn ít nhất 20% so với ngưỡng trung bình của 20 phiên trước đó.
Nếu kịch bản này xảy ra thì đà tăng của VN-Index sẽ dễ gặp rung lắc ở vùng 1.320 điểm và 1.350 điểm, nhưng cũng có khả năng có một nhịp kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.300 điểm một lần nữa trước khi chính thức tạo đáy và bắt đầu một xu thế tăng mới.
Ở kịch bản này, thanh khoản là yếu tố quan trọng nhất để khẳng định được xu thế tăng đó có bền vững hay không. Nếu thị trường tăng mạnh về giá nhưng thanh khoản không tăng tương ứng thì đà tăng khó có thể duy trì được lâu dài và dễ dẫn đến việc bên bán thực hiện chốt lời gây ra tâm lý bán mạnh trên thị trường chung.
Ở kịch bản tiêu cực, thanh khoản trong các phiên giảm điểm càng mạnh thì nhịp điều chỉnh sẽ kết thúc nhanh. Ngược lại, nếu thanh khoản giảm nhẹ kèm giá giảm nhẹ tương ứng thì thị trường sẽ mất nhiều thời gian để hấp thụ hết lượng bán nhỏ giọt này.
TPS đánh giá kịch bản tiêu cực một không dễ xảy ra ở giai đoạn hiện tại. Làn sóng bán tháo mạnh này thường sẽ kéo theo việc call margin và tiếp tục đẩy giá xuống những vùng giá thấp hơn. Vùng giá 1.180 điểm (+/- 20 điểm) là vùng giá TPS kỳ vọng thị trường sẽ không phá vỡ và VN-Index có thể tạo đáy được quanh vùng giá này.