Xử lý trách nhiệm cá nhân hay cơ quan nếu bỏ lọt sai phạm?
Sáng 5.6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực kiểm toán.
Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) cho biết, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện rất nhiều những tồn tại, hạn chế, sai phạm của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư.
Trong trường hợp khi KTNN thực hiện kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng sau đó các cơ quan khác lại phát hiện ra sai phạm, vậy trách nhiệm của KTNN trong trường hợp này sẽ như thế nào? Sẽ xử lý trách nhiệm của cá nhân hay xử lý trách nhiệm của cơ quan trong trường hợp này?
Trả lời nội dung này, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, điều 68 Luật Phòng chống tham nhũng tiêu cực đã quy định rất rõ trách nhiệm của cơ quan thanh tra kiểm toán vào cuộc nếu không phát hiện sai phạm.
Theo ông, với báo cáo kiểm toán đã phát hành không phát hiện về sai phạm nhưng sau đó cơ quan chức năng vào làm cùng nội dung lại xác định có vi phạm. Trong trường này, sẽ tùy theo trách nhiệm mà xử lý hình sự hoặc hành chính. Khi đó sẽ làm rõ trách nhiệm tập thể hay cá nhân để xử lý.
"Thưa đại biểu, gần 30 năm qua, KTNN chưa có một trường hợp nào bị xử lý như vậy", ông Ngô Văn Tuấn nói.
67.000 tỉ đồng Kiểm toán kiến nghị chưa thể thu hồi
Đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho biết, Báo cáo số 599 của KTNN cho thấy, số tiền kiến nghị chưa thu được có nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán chiếm tỉ lệ còn cao (59%). Kết quả này cho thấy, việc chưa thực hiện nghiêm túc kết luận của đơn vị được kiểm toán.
Đại biểu đề nghị Tổng KTNN cho biết lý do; đồng thời, đề nghị nêu rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục của ngành cũng như kiến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận của kiểm toán trong thời gian tới.
Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn cho rằng, việc thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN được các cơ quan quan tâm. Tiến độ, ý thức chấp hành của các cơ quan đã cao hơn, song còn 67.000 tỉ đồng kiến nghị theo kết luận KTNN chậm được thu hồi.
Trong đó, nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán là hơn 59%. Ông Ngô Văn Tuấn cho rằng, việc này do ý thức, trách nhiệm của đơn vị chưa tổ chức thực hiện. Về khách quan, đơn vị khó khăn về tài chính, phụ thuộc hướng dẫn của cấp trên. Thậm chí có đơn vị đã giải thể, phá sản những vẫn đưa vào diện phải theo dõi.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 74 của Quốc hội đã nêu các nhóm nguyên nhân cụ thể là ý thức, năng lực, đùn đẩy trách nhiệm, vai trò người đứng đầu và công tác phối hợp.
Với KTNN, ông Ngô Văn Tuấn cho biết, sẽ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để kết luận được thực hiện nhanh hơn, tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề 19 vụ án được KTNN chuyển sang cơ quan điều tra vì có dấu hiệu tham nhũng. Từ những hạn chế trong thực tại của KTNN, giải pháp gì để khắc phục thời gian tới?
Ông Ngô Văn Tuấn cho hay, 5 năm qua, KTNN đã thực hiện kiểm toán và phát hành 1.345 báo cáo tài chính, trong đó kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan công an 19 vụ án.
"Phương châm của kiểm toán là thận trọng, phải chín, phải rõ mới chuyển, nhưng không có nghĩa vai trò phòng chống tham nhũng của kiểm toán bị giảm đi", ông Ngô Văn Tuấn cho biết, đồng thời nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng của KTNN là cùng cơ quan chức năng điều tra đưa ra ánh sáng các đối tượng vi phạm.