Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 28.5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Sau đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chiều cùng ngày, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có nhiều điểm mới, đưa ra những cơ chế vượt trội để Hà Nội có thể phát triển...
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều. Dự thảo luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên một số lĩnh vực.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dự thảo luật đã tập hợp, bổ sung, sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc và các nội dung cụ thể về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo luật do Chính phủ trình.
Từ đó quy định thành một điều riêng, bảo đảm rõ ràng về chủ thể, đối tượng, nội dung và trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền thay thế cho việc áp dụng các quy định về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trao đổi với Lao Động bên hành lang Quốc hội ngày 27.5, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Thủ đô lần này thể hiện mong muốn tạo ra khuôn khổ pháp lý mang tính chất vượt trội, đặc thù để phát triển được Thủ đô thực sự là đại diện cho cả quốc gia.
Đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để khu vực nào đúng nghĩa là khu bảo tồn sẽ được bảo vệ giá trị lịch sử về Thăng Long - Hà Nội hay các công trình kiến trúc quan trọng, có yếu tố lịch sử.
Còn lại, các khu khác phải đưa ra mô hình đầu tư cải tạo theo hướng đô thị hiện đại, chứ không thể để Thủ đô phát triển tự phát; người dân tự xây dựng theo ý chí chủ quan, không theo tiêu chuẩn quy hoạch của đô thị lớn.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề xuất hướng xử lý với những khu dân cư đã tồn tại lâu đời, có mật độ xây dựng cao, thiếu không gian công cộng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn khi có cháy.
Theo đó, đối với những khu vực không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, không có không gian cho cứu nạn, cứu hộ, hay không có không gian cho sinh hoạt công cộng phải đưa vào phương án cải tạo, giải quyết tất cả những bức xúc đang tồn tại theo hướng phát triển văn minh, hiện đại.
"Điều này hoàn toàn có thể làm được vì phần lớn những khu chúng ta nói tới đang lộn xộn, nhếch nhác, lại nằm giữa khu vực trung tâm nhất của Thủ đô. Nếu cải tạo tốt sẽ tạo ra các khu có giá trị, kinh tế cao" - đại biểu Hoàng Văn Cường nói.