Tiếp theo việc thông báo thu hồi một số sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo (Hao Hao Sour-Hot Shrimp Flavour Instant Noodle Dish) và miến ăn liền hương sườn non nhãn hiệu Good (Good Spare Ribs Flavour Instant Noodle Dish) của Công ty Cổ phần ACECOOK Việt Nam do Cơ quan An toàn thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo vì phát hiện thuốc bảo vệ thực vật Ethylene Oxide, ngày 28.8.2021, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp tục nhận được thông tin cảnh báo về việc Liên minh Châu Âu (EU) đã thu hồi sản phẩm mì khô vị bò gà có tên tiếng Anh “Dried noodles with chicken – and beefspices”, nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Thực phẩm Thiên Hương (địa chỉ: Số 1 Lê Đức Thọ, khu phố 02, Tân Thới Hiệp, Quận 12, TP.HCM) tại thị trường Na Uy do có chứa 0,052 mg/kg - ppm ethylene oxide (Vi phạm Chỉ thị của EU số 91/414/EEC).
Trước thông tin nêu trên, các cơ quan chức năng đang phối hợp kiểm tra, xác minh làm rõ để kịp thời thông báo tới người tiêu dùng.
Một số cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) đã thu hồi một số sản sản phẩm mì ăn liền hương tôm chua cay nhãn hiệu Hảo Hảo do có thành phần Ethylene Oxide, trong đó có sản phẩm miến và mì tôm chua cay Hảo Hảo của Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Hiện Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngày 28.8, Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế và Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương và Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương về cảnh báo của Liên minh Châu Âu đối với sản phẩm mì khô vị bò gà.
Văn phòng SPS Việt Nam đề nghị 2 cơ quan trên chỉ đạo kiểm tra, xác minh và yêu cầu Công ty CP Thực phẩm Thiên Hương có giải pháp khắc phục ngay vi phạm (nếu có) để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, tránh ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, từ đầu năm 2021 đến nay đã nhận được 26 cảnh báo từ EU đối với các sản phẩm Việt Nam do có vi phạm ở các mức độ khác nhau. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý rà soát toàn bộ quy trình chế biến, kiểm tra nguyên liệu đầu vào để tìm ra nguyên nhân sản phẩm có chứa các chất trên. Bởi, khi thị trường nhập khẩu phát hiện vi phạm, cảnh báo có thể nâng tần suất kiểm tra thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam.