“Báo động đỏ” cứu sống nhiều mạng người

KHƯƠNG QUỲNH |

“Báo động đỏ” - một cơ chế hợp tác liên viện, hội chẩn đột xuất, tại chỗ xuất phát từ thực tiễn cứu người tại các BV ở TP.HCM đã trở thành hình mẫu của ngành y tế. Một quy trình đơn giản không tiêu tốn thêm một đồng nào, không đòi hỏi thêm nhân lực, nhưng, nhờ cơ chế phối hợp linh hoạt đã cứu sống thêm biết bao nhiêu người trong tình trạng thập tử nhất sinh, những trường hợp mà trước đây gần như “bác sĩ bó tay”... Bộ Y tế đã đưa quy trình “báo động đỏ” vào tiêu chí chất lượng bệnh viện 2016, triển khai cho toàn bộ hệ thống của ngành y tế cả nước.

Rút dao xuyên não bé 11 ngày tuổi

Trong căn nhà nhỏ cấp 4 mới xây ở tỉnh Vĩnh Long, chị Võ Thị Hồng Duyên tất bật chuẩn bị bữa cơm trưa cho chồng con nhưng không lúc nào rời mắt khỏi cậu con trai Dương Minh Phát. Phát ngoan ngoãn ngồi trên chiếc xe tập đi, mắt tròn xoe như tò mò với thế giới của mẹ, chốc chốc lại nhoẻn miệng cười tươi: “Thằng bé lâu lâu còn đá lông nheo nữa cơ, nay biết gọi ba, mẹ rồi. Thấy ghét lắm. Cu cậu hiếu động nên chẳng lúc nào chị dám rời mắt khỏi nó cả” - chị Duyên “nói xấu” con trai, giọng đầy tự hào, hạnh phúc. Với tất cả những gian nan đã trải qua, Phát là thiên thần nhỏ, là tất cả niềm vui lẫn nỗi lo lắng của chị Duyên, anh Tiền - cha của bé Phát.

BS Đào Trung Hiếu thăm bé trai bị hàng rào đâm thủng tim phổi sau ca phẫu thuật.

Ký ức kinh hoàng xảy ra vào một buổi sáng đầu tháng 8.2015 chưa thể nào nguôi ngoai như cháy lên trong mắt người mẹ trẻ. Phát sinh ngày 28.7.2015, niềm vui đón con trai đầu lòng chưa trọn vẹn thì “tai bay vạ gió” ở đâu bỗng ập đến với gia đình nhỏ. Khi cậu bé được 11 ngày tuổi và đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long thì bỗng nhiên bị một người phụ nữ lạ mặt dùng dao đâm thẳng vào hốc mắt. Nghe tiếng khóc xé màn đêm của con, thấy con dao cắm vào trán thằng bé, chị Duyên ngất xỉu. Bé Phát được các bác sĩ sơ cứu, băng bó cố định con dao, cầm máu và lập tức chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cấp cứu.

Với các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, ca phẫu thuật và hậu phẫu cho bé Phát không thể nào quên được. “Nhìn con dao bẩn, dài 26cm đâm xuyên vào não một em bé 11 ngày tuổi, chúng tôi chỉ dám nghĩ còn nước còn tát”. ThS - BS Đào Trung Hiếu - Phó Giám đốc bệnh viện - người trực tiếp rút con dao ra khỏi não bé Phát bộc bạch.

Bé Dương Minh Phát khỏe mạnh sau sóng gió bị dao đâm xuyên não.

Ảnh: K.Q

Bệnh viện tiếp nhận bé vào lúc 6h30’ sáng 8.8.2015 trong tình trạng suy hô hấp, dao xuyên qua đầu, có dấu hiệu thiếu máu. Nhận được thông tin, ban giám đốc bệnh viện đã khởi động quy trình cấp cứu báo động đỏ. Bác sĩ giỏi nhất các chuyên khoa có mặt dù đây là ngày cuối tuần. Chẩn đoán hình ảnh, kết quả cho thấy bé Phát bị lưỡi dao dài 26cm đâm xuyên từ hốc mắt trái lên đến đỉnh não phải. Phần lưỡi dao xuyên sọ và đi vào não dài 11cm gây tổn thương toàn bộ mô não nơi nó đi qua.

Phẫu thuật rút dao khỏi não là phương án duy nhất để cứu bé. Sau thời gian chuẩn bị, BS Đào Trung Hiếu, đã nín thở, từ từ dùng một tay cầm cán dao rút con dao ra khỏi đầu bé. May mắn, mọi thao tác diễn ra suôn sẻ. Phòng mổ im phăng phắc bắt đầu có những tiếng thở phào. Sau ca mổ, bé Phát được chuyển đến điều trị tại khoa Hồi sức sơ sinh của bệnh viện. Phát mạnh mẽ vượt qua được những lần nguy hiểm nối tiếp vì nhiễm trùng, viêm não… Tin cậu bé khỏe mạnh xuất viện khiến nhiều người vui sướng, thán phục.

Tấm lòng nhân hậu, phóng khoáng đậm chất miền Tây của vợ chồng chị Duyên chẳng còn trách cứ người phụ nữ bị tâm thần đã ra tay tàn độc với con trai. Cuộc sống bình yên, giản dị trở lại với gia đình nhỏ. Sáng sáng, khi anh Tiền đã rời khỏi nhà và bắt đầu công việc với những chuyến xe ôm, Phát được mẹ dắt ra con đường tráng bêtông phía trước nhà để tập đi. Thấy những em bé khác, Phát “hòa nhập” ngay, tìm cách làm quen và chơi chung rất nhanh. Ở lớp học vật lý trị liệu, cậu bé cũng đã có bạn thân. Chị Duyên cùng những người mẹ khác có lúc cười ngất khi nhìn mấy nhóc tì trao đổi với nhau bằng ngôn ngữ mà người lớn chẳng ai hiểu được.

Hội chẩn trên bàn mổ

Khi đặt tính mạng bệnh nhân lên đầu, hàng chục bác sĩ đến từ nhiều bệnh viện, đôi khi không thân thiết bỗng chốc trở nên ăn ý hợp sức với nhau. Ca mổ cứu bé H.V.N.M của các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất phối hợp cùng Bệnh viện Nhi Đồng 1 là một ví dụ.

Kể về ca cấp cứu này, GS - BS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất kể: “Đêm 26.10.2016, tôi có người nhà bị bệnh nên ở lại bệnh viện. Khi vô tình đi qua khoa Cấp cứu, tôi thấy một ông bố trẻ khóc lóc thảm thiết, nên chạy vào xem đang có chuyện gì”. Vào đến phòng cấp cứu, BS Công phát hiện một bé trai tầm 5 tuổi đang hoảng loạn, sốc và mất máu nghiêm trọng do nhiều vết thương, trong đó có một vết thương xuyên ngực. Bố bé trai kể trong tiếng khóc, bé vừa bị ngã từ lầu 2, rớt xuống thanh sắt hàng rào cổng nhà.

Không chần chừ, BS Công yêu cầu chuyển em bé tới phòng phẫu thuật, liên hệ với các bác sĩ chuyên phẫu thuật tim - phổi tại bệnh viện tới phòng mổ ngay lập tức. Vì không có chuyên khoa nhi, không có dụng cụ lẫn kinh nghiệm xử lý cho em bé, nhiều bác sĩ đề nghị vị giám đốc chuyển viện cho bé. Nhưng BS Công kiên quyết không chuyển viện. Ông cho rằng, bé có thể chết ngay trên xe cấp cứu. Trong đêm, hơn 20 bác sĩ đến từ nhiều chuyên khoa của bệnh viện này được điều động khẩn cấp đến phòng mổ. Dù nhiều bác sĩ không nằm trong ca trực.

Các bác sĩ đã phải tận dụng những dụng cụ nhỏ nhất để nhanh chóng khâu các vết thương hở, hồi sức tích cực, liên tục tiếp tổng cộng 5 đơn vị máu cho bé. Có thời điểm, tim bé đã ngừng đập nhưng nhờ bóp bóng kịp thời nên hoạt động trở lại. Trong những giây phút nghẹt thở đó, BS Nguyễn Đức Công không ngần ngại bấm số, gọi điện cho BS Đào Trung Hiếu của Bệnh viện Nhi Đồng 1 qua hỗ trợ khẩn cấp. Lúc này, BS Đào Trung Hiếu đang trên taxi đi công việc riêng. Nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp, ông bảo taxi chuyển hướng, tăng tốc hướng về Bệnh viện Thống Nhất: “Qua điện thoại, tôi hình dung được tình trạng nguy cấp của bệnh nhân nên quyết định hoãn chuyến đi của mình và đến thẳng bệnh viện”.

Sau 10 phút nhận được điện thoại, BS Hiếu có mặt ở phòng mổ. Cuộc hội chẩn diễn ra trong một phút trên bàn mổ. Không cần qua bước chẩn đoán hình ảnh, nhìn vết thương và sắc mặt em bé, ông dự đoán bé bị thủng tim. Ông yêu cầu mở ngực em bé ngay để can thiệp.

Đúng như dự đoán, khi mở ngực, máu trong cơ thể em bé nhanh chóng trào ra rất nhiều từ vết thủng tim. BS Hiếu không ngần ngại dùng ngón tay chèn vào lỗ thủng, ngăn máu chảy và yêu cầu đồng nghiệp tiến hành khâu vết thương tim cho bé. Sau đó, êkíp phẫu thuật tiếp tục khâu 2 vết thủng phổi, xử lý tràn dịch màng phổi bằng cách đặt ống dẫn lưu. Sau khi khâu tất cả vết thủng tim, phổi, bé qua được cơn nguy kịch. Cháu bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nơi có nhiều kinh nghiệm và trang thiết bị y tế cho trẻ em để tiếp tục hồi sức. Sau ca mổ sinh tử đó, bé M. đã dần hồi phục. 3 tuần sau, bé được xuất viện, vô cùng khỏe mạnh trong sự vui mừng khôn xiết của gia đình và các bác sĩ.

Từ nỗi sợ cái chết

Được Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM áp dụng từ năm 2008, và cứu sống vài bệnh nhi nguy kịch, song, quy trình “báo động đỏ” bắt đầu lan tỏa hơn từ khi Bệnh viện Nhi Đồng 1 bật quy trình này và cứu sống hai anh em 6 tuổi và 2 tuổi bị nam thanh niên chán đời đâm liên tiếp 11 nhát tại một chung cư ở quận 5. Đây là một vụ án gây chấn động Sài Gòn vào tháng 6.2013. Mới đây, quy trình này đã giành giải cao nhất về chất lượng bệnh viện ở TP.HCM. Đây là một kết quả không thể tranh cãi và cũng không gây bất ngờ cho các bệnh viện bạn. Bởi suốt 8 năm trời, quy trình này đã chứng minh được tính hiệu quả của nó, đã có ít nhất 30 bệnh nhân tiên lượng tử vong được cứu sống. Quy trình

“báo động đỏ” lan tỏa, nhiều bệnh viện đã không ngần ngại áp dụng.

Người được xem là “cha đẻ” của quy trình “báo động đỏ” là PGS.TS - BS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM. Chính nỗi sợ cái chết của bệnh nhân khiến ông nghĩ ra mô hình này: “Những năm trước đây, khi còn là Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong các cuộc họp giao ban buổi sáng hằng ngày, tôi thấy các bác sĩ báo cáo rất nhiều bệnh nhi tử vong ngay tại khoa Cấp cứu. Mặc dù các cháu đã được bác sĩ chẩn đoán ra, mặc dù đã hội chẩn tích cực nhưng bệnh nhân không qua khỏi vì diễn tiến bệnh quá nhanh. Vì vậy, tôi trăn trở làm thế nào để phối hợp nhanh hơn, bỏ bớt đi công đoạn theo quy định, tập trung cứu người. Sau cấp cứu khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch thì có thể bổ sung những thủ tục hành chính theo quy định”.

Với quy trình khám, chữa bệnh thông thường, một trường hợp vào cấp cứu vẫn phải mất nhiều thời gian cho các bước mời các khoa hội chẩn, rồi thông báo phòng mổ xếp phòng, đăng ký máu. Trình tự này đã làm vuột mất “thời gian vàng” để cứu sống bệnh nhân. Quy trình “báo động đỏ” cho phép bác sĩ bỏ qua các giai đoạn như hội chẩn, các xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán hình ảnh... mà chuyển thẳng bệnh nhân từ phòng cấp cứu lên phòng mổ. Khi nhận được tín hiệu, các êkíp gây mê, hồi sức, phẫu thuật, ngân hàng máu... đồng thời tốc lực vào cuộc, ưu tiên chạy đua với thời gian để xử trí nhanh nhất.

KHƯƠNG QUỲNH
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm khách Việt có mặt ở Thái Lan cổ vũ trận chung kết AFF Cup

Ý Yên |

Từ 17h, không khí bên ngoài sân vận động Thammasat đã nóng lên với tiếng reo hò cổ vũ của hàng trăm cổ động viên trước trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.