Phóng sự dự thi:

“Trâu trắng đầu đàn” trên đỉnh Tơ Phồ Xa

Tuấn Ngọc |

Người Hà Nhì đỉnh Tơ Phồ Xa (thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) gọi Co Gió Sì là người hùng, là “trâu trắng đầu đàn” khi anh đã không quản hiểm nguy, dũng cảm cứu sống hơn 50 người bị mắc kẹt 3 hôm trên núi tuyết vào những ngày giá lạnh nhất cuối năm 2013. Không chỉ có vậy, Co Gió Sì còn là một tấm gương của nghị lực vươn lên thoát nghèo, góp phần giúp nhân dân Lao Chải có cuộc sống ấm no hơn.
Cứu người trên đỉnh núi tuyết

Lao Chải là thôn duy nhất của xã Trịnh Tường có 100% đồng bào dân tộc Hà Nhì sinh sống, nằm cheo leo trên lưng núi Tơ Phồ Xa bốn mùa mây phủ. Tôi gặp Co Gió Sì khi anh vừa đi cày trên ruộng bậc thang về, mồ hôi còn nhễ nhại trên mặt, trên cổ và ướt đầm lưng áo. “Người hùng” của bản Lao Chải không to cao, vạm vỡ, nhưng chắc nịch như cây lim trên núi và nước da sạm đen vì mưa nắng. 

“Hôm đó là ngày 15.12.2013” - Co Gió Sì nhớ lại khi tôi nhắc về chuyện cứu người - “Bà con thôn Lao Chải đang làm cỏ nương xuyên khung trên đỉnh Tơ Phồ Xa thì xảy ra trận mưa tuyết. Chỉ sau 1 đêm tuyết đã dày gần 2m. Khi đó, gạo, thức ăn, nước uống, củi để sưởi ở một số lán đã dùng gần hết. Bên ngoài tuyết vẫn rơi, gió rít ầm ầm, tiếng cây đổ răng rắc. Trong các lều lán, mọi người co rúm lại vì rét và lo sợ, trẻ con, người già đều khóc, không ai dám ra ngoài tìm lối về vì sợ lở tuyết, lạc đường, chết đói chết rét giữa rừng già”.

 Co Gió Sì đưa bà con xuống núi (ảnh chụp bằng điện thoại)

Nhìn mọi người sợ hãi và tuyệt vọng, Co Gió Sì nghĩ không thể cứ ngồi ở đây chờ chết được. Anh gọi điện về thôn thông báo tình hình và động viên bà con đừng quá lo lắng, rồi cùng đồng chí công an viên của thôn là Lý A Pò bất chấp nguy hiểm, quyết tâm tìm đường để đưa bà con xuống núi. Theo kinh nghiệm đi rừng, anh xác định phương hướng, rồi cứ nhằm về phía những ngọn cây to đang nghiêng ngả trong gió tuyết trên lối mòn đã bị tuyết lấp mà đi. Mất hơn 1 tiếng tìm đường, hai người quay trở lại để đưa bà con xuống núi. 

Đường về dài hơn 30km ngập trong tuyết phủ, Co Gió Sì và mấy anh em phải thay nhau dìu, dắt, cõng những người già, trẻ nhỏ qua từng đoạn đường khó. Có người không may bị thụt xuống hố tuyết sâu, phải bới tuyết, dùng dây thừng buộc ngang người hoặc dùng gậy kéo lên. 

Cả đoàn 26 người dầm trong mưa tuyết, đến khoảng 17h mới về tới thôn an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người ở các lán phía trên đỉnh núi chưa thể xuống được, tính mạng đang gặp nguy hiểm... Lúc đó, một số cán bộ biên phòng, công an, dân quân xã đã có mặt tại thôn, họp bàn phương án lên núi cứu người, nhưng không thể lên núi ngay được, vì đêm tối đã sập xuống cộng với sương mù dày đặc, không nhìn thấy đường đi.

Sáng hôm sau, dù vẫn còn mệt mỏi rã rời, mắt thâm quầng vì hai đêm không ngủ, nhưng Co Gió Sì vẫn tình nguyện đưa đoàn đi giải cứu người dân còn trên núi tuyết. Co Gió Sì kể tiếp: “Đi được nửa đường, một vài người không đủ sức đi tiếp, phải quay trở lại. Mình động viên anh em đừng bỏ cuộc, rồi cứ thế tiến lên. Khi đến đỉnh núi đã 3 giờ chiều, đoàn chỉ còn 5 người, phải chia nhau, đi tìm các lán đã ngập trong tuyết để đưa mọi người ra. 

Tất cả còn 27 người, toàn đàn bà và trẻ em, sau hơn 2 ngày đêm chịu đói rét, một số người đã lả đi. Chúng tôi phát mì tôm, bánh mì, lương khô và nước uống cho mọi người ăn để lấy lại sức rồi khẩn trương xuống núi. Trời tối mịt đoàn mới về đến thôn...”.

Chuyện đã qua khá lâu, nhưng bà Sò Sà Bơ (65 tuổi) vẫn rưng rưng khi nhớ lại: “Hôm đó nếu không có Co Gió Sì dũng cảm tìm đường đưa bà con về thì chỉ có chết trên núi tuyết thôi...”. Trưởng thôn Lao Chải Lý Giá Xe rít điếu thuốc lào, nhả khói trắng đặc sệt, giọng khảng khái: “Trong hiểm nguy, Gió Sì không lo cho bản thân mà dũng cảm cứu dân. Sì đúng là “Trâu trắng đầu đàn” của thôn Lao Chải ta đấy”.
Giúp dân thoát nghèo

So với những thôn, bản khác trên địa bàn xã Trịnh Tường, thì Lao Chải không chỉ là thôn xa, đi lại vất vả nhất, mà đời sống người dân cũng khó khăn nhất. Co Gió Sì bảo: “Cách đây chục năm, nhà mình cũng nghèo lắm, thóc không đủ ăn, đến tháng giáp hạt phải chạy vạy ngược xuôi để vay từng bát gạo. Khổ nhất là lúc con ốm mà không có tiền mua thuốc...”. Làm thế nào để thoát nghèo là câu hỏi luôn ám ảnh trong đầu Co Gió Sì. 

Co Gió Sì trong vườn cây xuyên khung. 

Và đến một ngày: “Mình quyết định đi học lớp xóa mù chữ để đọc được sách báo, xem ở nơi khác người ta trồng cấy thế nào. Mình mở thêm ruộng bậc thang, trồng lúa lai, trồng ngô hàng hóa. Ngày trước, người dân ở đây còn trồng cây xuyên khung trên núi để bán củ làm thuốc. Nhưng một vài năm không thấy ai thu mua nữa nên ít người trồng. 3 năm qua, củ xuyên khung lên giá, mỗi kilogram bán được 70.000 - 90.000 đồng. Mình gùi gạo lên núi Tơ Phồ Xa ở cả tháng, bạt núi phá đá, mở thêm đất trồng cây xuyên khung, tích cực chăm sóc cho củ nhanh to để bán. Bây giờ cuộc sống cũng bớt khó khăn rồi...”.

Nhờ chăm chỉ làm ăn, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giờ đây gia đình Co Gió Sì không chỉ thoát nghèo, mà còn trở thành hộ khá giả nhất nhì thôn Lao Chải. Co Gió Sì có nương thảo quả rộng với hơn 50.000 gốc. Năm được mùa, gia đình anh thu khoảng 6-7 tạ thảo quả, bán được khoảng 70 triệu đồng. 

Từ nương xuyên khung, trừ chi phí, mỗi năm Co Gió Sì lãi được 35 - 40 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi vụ, gia đình anh thu hoạch trên 4 tấn thóc, hàng tấn ngô lai, nuôi thêm đàn trâu, đàn ngựa... Tổng thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Thấy nhà Co Gió Sì làm ăn ngày càng khấm khá, nhiều hộ trong thôn cũng bắt chước làm theo. Co Gió Sì luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con để cùng nhau phát triển kinh tế. Anh còn cho các hộ Co Thò Giờ, Sần Sà Nhò... hàng chục cân giống cây xuyên khung để trồng mà không lấy đồng tiền nào. Đến vụ trồng cấy, các hộ Lý Thò Giờ, Phàn Sừ Xử, Lý Xe Có không đủ tiền mua phân bón, Co Gió Sì vui vẻ rút tiền túi cho mỗi nhà vay 2 -3 triệu đồng không tính lãi, khi nào thu hoạch ngô lúa thì trả. 

Do đó, mấy năm qua, tỉ lệ hộ nghèo ở thôn Lao Chải không còn cao như trước nữa. Chỉ vào dàn máy xay xát gạo còn mới tinh, Co Gió Sì bảo: Cách đây 2 tháng mình mua cái máy này với giá hơn 30 triệu. Có máy, vừa phục vụ gia đình, vừa xay xát gạo giúp bà con trong thôn để bà con đỡ phải mang đi xa vất vả. Mình biết bà con còn khó khăn, nên mỗi lần xay xát gạo chỉ lấy tiền dầu thôi...

Cuộc sống no ấm hơn, Co Gió Sì đầu tư cho các con ăn học để sau này có tương lai tốt đẹp. Anh tâm sự, dù nghèo khó mấy cũng phải cho các con đi học đại học, cao đẳng để sau này có công việc ổn định. Hiện nay, con cả anh là Co Mè Thó đang học lớp 9, con thứ hai là Co Sá Có đang học lớp 6, còn con út là Co Sá Gơ học lớp 4. Các cháu đều chăm ngoan, đạt nhiều thành tích trong học tập. Co Gió Sì cười tươi: “Giàu có mấy cũng không vui bằng con cái học hành thành đạt”.

Lời bình:

Một phóng sự có cái để đọc. Đáng đọc. Nhân vật chính là chàng trai Hà Nhì làm ăn giỏi, có thu nhập khá cao ở lưng núi; chưa hết, anh còn động viên mọi người trong bản học chữ, kỹ thuật trồng thảo quả, xuyên khung, rồi anh được đi báo cáo thành tích, được khen thưởng tíu tít... Chỉ riêng chuyện xẻ đá làm giàu từ tay trắng cũng đủ giúp anh được dân phong là anh hùng, là "Trâu trắng" của bản.

Nhưng còn một chuyện cũng đáng viết riêng một phóng sự nữa, đó là anh xả thân trong hai đợt cứu người mắc kẹt trong một cơn bão tuyết, một loại thiên tai hiếm hoi ở miền núi nước ta. Văn phong của tác giả là lạ, vì có âm hưởng mộc mạc của tiếng dân tộc, chút nghiêm ngắn của miền xuôi, lại pha lẫn từ ngữ hiện đại... Tiếc là tác giả chưa mạnh mẽ chọn cho mình một cách viết chủ đạo, mà cách viết, suy cho cùng, vốn là cái đủ bên cạnh cái cần của một phóng sự thời nào cũng thế...
Huỳnh Dũng Nhân

 

 
Tuấn Ngọc
TIN LIÊN QUAN

Lên phố xem bắn pháo hoa Hồ Gươm, "méo mặt" giá gửi xe máy 100.000 đồng

Nhóm PV |

Càng gần giao thừa, lượng người đổ về các điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội càng lớn. Lượng người càng tăng, các điểm trông giữ xe càng đua nhau tăng giá, có nơi còn báo giá 100.000 đồng/xe. Còn người dân thì đành phải ngậm ngùi cho qua vì có muốn cũng chẳng còn lựa chọn khác.

Tết ở Cấp cứu A9 Bạch Mai: Buồn và lo lắng, mong ước hai chữ đoàn viên

Thuỳ Linh - Đức Mạnh |

Thay vì đón Tết sum vầy quanh gia đình thì những nhiều người lại đang túc trực ở nơi không ai muốn - Trung tâm Cấp cứu A9 tại bệnh viện Bạch Mai. Nhiều giọt nước mắt đã rơi, Tết năm nay chắc hẳn sẽ khó quên với họ.

Xa gia đình, 6.000 cán bộ đường sắt phục vụ trên những chuyến tàu xuyên Tết

BÙI THƠM - HẢI DANH- Hải Nguyễn |

Mặc dù xa gia đình, người thân vào thời khắc giao thừa thiêng liêng nhưng với 6.000 nhân viên cán bộ ngành đường sắt, niềm vui và tự hào cảm xúc nhiều hơn cả. Bởi sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, vận tải đường sắt đã có nhiều khởi sắc trở lại.

Linh vật mèo sen trên Đất Sen Hồng

Lục Tùng |

Đồng Tháp – Tận dụng lá sen tại quê nhà, tỉnh Đồng Tháp - Đất Sen Hồng, đã tạo ra linh vật mèo vô cùng độc đáo.

Để 2023 may mắn, tham khảo ngay điểm đến cho 12 con giáp

Ý Yên |

Chọn hướng xuất hành may mắn có thể giúp bạn mở ra một năm 2023 hanh thông. Hãy tham khảo gợi ý hướng xuất hành theo tuổi cho hành trình du xuân Quý Mão.

Tết ở Cấp cứu A9 Bạch Mai: Những giọt nước mắt chiều cuối năm

Thùy Linh- Đức Mạnh |

30 Tết - Trung tâm Cấp cứu A9- Bệnh viện Bạch Mai vẫn hối hả người ra kẻ vào. Các y bác sĩ chạy đôn chạy đáo, khẩn trương cấp cứu, dùng hết khả năng của mình, kéo những người bệnh trở về từ cõi chết. Những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gương mặt những người nhà bệnh nhân.

Đường phố chật cứng, chợ Tết tấp nập ngày cuối cùng của năm

Văn Đức |

Yên Bái - Khu vực chợ trung tâm huyện Văn Yên vẫn tấp nập, đường phố chật cứng người mua sắm trong ngày 30 Tết.

Hoa quả độc lạ cho mâm cúng gia tiên ngày Tết Nguyên đán

Minh Hà - Việt Anh |

Dịp Tết năm nay, tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên (Hà Nội) xuất hiện nhiều loại nông sản độc lạ. Trong số đó không thể thiếu những loại trái cây tạo hình.