Thủy Tùng - những cá thể cuối cùng

HỮU LONG |

Chưa một nhà nghiên cứu nào giải thích rõ loài thực vật cổ sinh thông nước (thủy tùng) ở Đắk Lắk tồn tại và phát triển ra sao suốt hàng triệu năm qua. Mãi đến khi loài cổ sinh vật này đứng trên bờ tuyệt chủng - chỉ còn 161 cá thể, công tác bảo tồn loài thủy tùng mới được chính quyền đặt ra dù khá muộn...

Nứt vỡ trong buôn làng

Tôi tìm xã Ea Ral, huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) một tuần sau khi sự kiện cây thủy tùng gần 500 tuổi bị 7 đối tượng người địa phương cưa trộm lấy tiền tiêu xài.

Về buôn A Riêng, đề cập chuyện thanh niên, thiếu niên cưa trộm thủy tùng, người dân ai cũng xót xa vì một phút nông nổi khiến các thanh niên này dính vào vòng lao lý. Nhà có khách, nhưng mãi gần nửa tiếng sau, Buôn trưởng Y Mna Ksor (SN 1943) mới lững thững quay về tiếp chuyện. Hỏi ra mới hay, ông Y Mna phải hòa giải một vụ mâu thuẫn nhỏ của vài dân trong buôn.

Nhắc chuyện cây thủy tùng bị cưa trộm vừa xảy ra, ông Y Mna nói tránh: “Ngày xưa bà con trong buôn thiếu cái ăn cái mặc nhưng đoàn kết một lòng. Bây giờ, cuộc sống hiện đại, văn minh thì sự kết nối giữa người dân trong buôn không còn khăng khít như trước...”.

“Đoàn kết một lòng” theo lời Buôn trưởng Y Mna là giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Quan trọng hơn, đó là đoàn kết bảo vệ rừng thủy tùng hàng ngàn năm tuổi của bao thế hệ người Ê Đê. Mà một khi sự đoàn kết bị rạn nứt thì cái xấu trỗi dậy. Lật cuốn sổ ghi chép kiểm tra, ông Y Mna cho biết, thời gian tới buôn làng sẽ tổ chức họp dân để tuyên truyền, giáo dục cho người dân những truyền thống của người Ê Đê trước đây và vai trò của rừng thủy tùng trong đời sống người dân.

Tìm về nhà anh Y Mít Ksor (SN 1977), nơi còn lưu giữ tấm E Ban (tấm phản - PV) bằng gỗ thủy tùng duy nhất trong buôn, chúng tôi được biết, phản gỗ thủy tùng được sử dụng trong các dịp lễ hội lớn của người Ê Đê. Xưa, chỉ buôn trưởng hoặc người có địa vị mới được vào rừng xăm tìm những thân thủy tùng chôn sâu dưới sình lầy về chế tác. Tuyệt nhiên không có việc chặt hạ thủy tùng nếu không được phép.

Nghi lễ tiếp theo trước khi vào rừng xăm tìm thủy tùng là gia chủ phải mổ bò, trâu cúng trời đất, thần rừng. “Thời đó đồng bào tuân thủ thực hiện nghiêm quy định để gìn giữ rừng già” - anh Y Mít ngày nhỏ được cha tự hào khi nhắc như vậy ý thức của người dân trong buôn trong việc gìn giữ rừng thủy tùng.

“Vậy điều gì đẩy thủy tùng đến nguy cơ tuyệt chủng?”, tôi hỏi. Giữa gian nhà sàn đang rôm rả cười nói của các thanh niên, không khí bỗng chùng xuống. Nhấp chén rượu cần, anh Y Mít kể, thủy tùng đối với đồng bào Ê Đê ít có giá trị vì gỗ mềm, dễ bén lửa nên không ai chọn làm nhà.

Rồi độ năm 2000 trở đi, giới chơi gỗ rộ tin đồn gỗ thủy tùng chữa bệnh ung thư, gỗ thủy tùng vân đẹp có mùi thơm nếu trưng trong nhà có thể trừ tà ma(!?) Những tin đồn kiểu vậy khiến giá gỗ thủy tùng đẩy lên cao.

“Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ xô về xã Ea Ral xăm tìm, đốn hạ thủy tùng với mộng đổi đời. Rừng bị tàn sát không thương xót…” - anh Y Mít chua xót.

Suốt cuộc trò chuyện ở nhà anh Y Mít, Buôn trưởng Y Mna ít nói hẳn. Ông ngồi dựa lưng vào tấm E Ban, mắt nhắm chặt sau mỗi hớp rượu cần. Giọng ông Y Mna bỗng cất lên khiến mọi người chăm chú: “Trước giai đoạn Y Mít kể, đó là những năm 90 trở về trước, hàng ngàn cây tại rừng Ea Ral thuộc xã Ea Ral, bị chặt hạ chôn vùi dưới lòng hồ của công trình thủy lợi trên địa bàn”.

Thêm hớp rượu vào người, Buôn trưởng Y Mna sang sảng: “Giá mà thời điểm đó chúng ta nghĩ tới việc làm thế nào hài hòa giữa xây dựng đập thủy lợi với bảo tồn thủy tùng thì giờ đâu đến nỗi!”.

Bí ẩn triệu năm chưa có lời giải

Trước nguy tuyệt diệt loài 2 quần thể thủy tùng, năm 2012, UBND tỉnh Đắk Lắk công bố quyết định thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước để quản lý, bảo tồn loài thực vật cổ sinh này. Thời điểm tiếp nhận, 161 cây thủy tùng phân bố rải rác ở hai huyện Ea H’leo và Krông Năng rộng lớn nên dự án phải lập 2 trạm và chia lực lượng canh chừng. Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi có mặt tại Trạm Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Ea Ral (Trạm QLBT) tại thôn 4, xã Ea Rah, huyện Ea H’leo để tìm hiểu về công tác bảo tồn 161 cá thể cây cuối cùng tại Việt Nam.

Ông Võ Thành Tám - Trạm trưởng Trạm QLBT Ea Ral - dẫn chúng tôi ra khu vực vạt rừng chếch hướng tây - nơi cây thủy tùng gần 500 tuổi vừa bị cưa trộm. Tại khu vực này trong tháng 10 vừa rồi, 7 đối tượng xấu lợi dụng thời tiết mưa bão, đêm khuya lẻn vào rừng dùng cưa tay cưa trộm thủy tùng. Sau khi các đối tượng đang dùng xe rùa di chuyển ra khỏi rừng thì bị lực lượng chức năng bắt giữ sau đó.

Ông Tám thừa nhận thời điểm cây bị chặt hạ, đơn vị có sơ hở, chủ quan. Từ bài học vừa qua, ông chia sẻ, qua đó đơn vị sẽ tăng cường cảnh giác và chấp nhận hình thức kỷ luật của cấp trên đưa ra thời gian tới.

Qua nhiều ngày khảo sát và trò chuyện với đồng bào địa phương, tôi nghe mọi người rỉ tai nhau việc lực lượng chức năng đã cấy “chíp” theo dõi vào 161 cây thủy tùng. Việc cấy “chíp” mục đích để lực lượng giữ rừng phát hiện và bắt giữ ngay khi lâm tặc ra tay...

Đến ngã tư giữa rừng, ông Tám rẽ ngoặt bên trái đi thẳng về một chòi canh của anh em trong trạm giữa rừng. Chòi canh được dựng khá kiên cố cạnh cây thủy tùng gần ngàn tuổi. Tôi quan sát cây cổ thụ này cao chót vót phải 4 người ôm không xuể thân cây. Phía trên, tán lá cây cổ thưa thớt nhưng tỏa hương thơm thoang thoảng.

Ông Tám dùng rựa phát quang bụi rậm xung quanh, để rễ thở (giúp cây hô hấp trên mặt nước - PV) cao khuất đầu gối người lớn. Lội xuống sình tiếp cận những rễ thở này có thể quan sát chồi non xanh đang đâm chồi vươn cao. Hiểu sự tò mò của khách, ông Tám giải thích, trước nguy cơ tuyệt chủng của thủy tùng trong tự nhiên, nhiều năm qua đơn vị triển khai phương pháp ghép chồi non vào rễ thở của cây lớn tuổi để cây con phát triển.

Tôi thắc mắc phải chăng loài thủy tùng không tự thụ phấn được nên phải ghép chồi non. Ông Tám cười bí ẩn. Chưa vội trả lời, ông tìm một nhành cây gãy có hoa thủy tùng rồi tách nhỏ bên trong cánh hoa cho mọi người xem. Lúc này, ông giải thích, thủy tùng là loài thực vật cổ sinh hiện chỉ ghi nhận tồn tại ở Việt Nam, Trung Quốc và Lào. Riêng thủy tùng tại Việt Nam vô cùng đặc biệt vì hoa không có hạt. Mà không có hạt thì cây không thể thụ phấn.

“Nếu thủy tùng ở Việt Nam không thụ phấn thì chúng từ đâu đến và phát triển như thế nào. Tại sao lại có một quần thể hàng ngàn cây tại Đắk Lắk mà không phải địa phương khác” - câu hỏi của ông Tám cũng là câu hỏi khiến nhiều nhà nghiên cứu đến nay đang đau đầu chưa tìm được lời giải.

Ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước Đắk Lắk - cho biết, trong khi đợi lời giải thích từ các nhà khoa học về sự hình thành, phát triển của thủy tùng, đơn vị đã phối hợp với các nhà nghiên cứu trên địa bàn nghiên cứu nhân giống và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

“Bên cạnh việc ghép chồi vào rễ thở, BQL cũng đang cùng các nhà nghiên cứu nuôi cấy mô và giâm hom. Chưa thể khẳng định những phương pháp có thành công hay không nhưng qua đó cũng mở ra hy vọng khôi phục lại rừng thủy tùng trong tương lai” - ông Phước nói.

HỮU LONG
TIN LIÊN QUAN

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Ngắm nhìn những chậu lan hồ điệp trị giá vài chục triệu đồng tại Hải Phòng

Lương Hà |

Hải Phòng - Những chậu lan hồ điệp, có kích thước lớn, được sắp xếp khéo léo, có giá trị vài chục triệu đồng được người dân Hải Phòng đặc biệt chú ý và quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán này.