Ông Sự “Hội An”

NGUYỄN TRUNG HIẾU |

Ông tâm sự sau một tuần “lùm xùm” trên báo chí vì chuyện “treo ấn từ quan”: “Tôi buồn đến mức không muốn tiếp xúc với ai cả, đóng điện thoại, tắt TV, để không nghe thêm từ nào nữa liên quan đến câu chuyện về hưu sớm”. Ông cho rằng đó là một “bi kịch” vì xã hội ta đang quá thiếu sự kiện và truyền thông đã biến cái bình thường thành bất thường. Việc ông nghỉ, có gì đâu để biến thành trăm bài báo; rồi suy diễn, đưa đẩy nó đi quá xa với bản chất. Tính ông là vậy! Giản dị, cương trực, nhưng cũng nhạy cảm...

Có một “bàn tay sắt”

“Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc / Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” (đại ý biết đủ là đủ, biết nhàn là nhàn). Có thể dùng hai câu thơ trong bài “ Chữ Nhàn” của Nguyễn Công Trứ mà tổng kết cuộc đời “làm quan” của ông Nguyễn Sự. Và đây cũng là điều ông tâm đắc nhất trong những cuộc trò chuyện với bạn bè thân thiết. Vì vậy, còn một tháng nữa ông nghỉ chức Bí thư Thành uỷ, 2 năm tới đủ tuổi về hưu, ông xin nghỉ sớm thì cũng chẳng có chi lạ để mà gán cho ông bốn chữ “treo ấn, từ quan”. Ông nói, biết là anh em thương mình, rồi cũng nói quá lên một chút! Tôi nghĩ: “thương nhau như thế, bằng mười hại nhau”.

 

 Ông Nguyễn Sự (phải) và tác giả bài viết trong một lần công tác.

Ông Nguyễn Sự có một ưu thế lớn, đó là giữ chức vụ cao nhất của thành phố Hội An (trước đây là thị xã) hơn 20 năm, báo chí yêu ông đến độ, không chỉ có những bài báo, thước phim đầy ắp tình cảm, mà ai cũng có thể tự nhận mình là bạn thân nhất với ông mà không chút băn khoăn. Họ yêu vì sự chính trực, lương thiện của ông và cả trong những quyết sách xuất phát từ ông, có tầm ảnh hưởng đến hiện tại và tương lai của cái di sản văn hoá quý báu bậc nhất, nhì thế giới này.

Nhớ những năm đầu thập niên 90, ông mới từ phòng tài chính thị xã về làm Chủ tịch, lúc này du khách các nơi bắt đầu tìm đến Hội An. Từ nông thôn đến thành thị theo đó cũng rần rần chuyện dịch vụ “mát xa, mát gần”… Ông ban hành hẳn một chỉ thị nghiêm cấm các điểm dịch vụ nghỉ ngơi mở dịch vụ tẩm quất, tắm hơi… Và hơn thế, tại Hội An, “nam chỉ được hớt tóc nam, nữ hớt tóc nữ” chứ không lẫn lộn. Tôi nửa đùa nửa thật: “Anh làm rứa là vi phạm nhân quyền đó nghe!”. Ông vặc lại liền: “Mi ưa rứa thì ra ĐN hay đi vô TK, chớ ở đây là chỉ có du lịch sạch sẽ, không có đất cho tệ nạn”. Nghe vậy, tôi và nhiều nhà báo khác cũng đành làm thinh ủng hộ, vì biết, ông nói cũng có phần đúng, cần vì hàng chục vạn du khách mang theo nền văn hoá riêng của họ đang tràn về Hội An. Nếu không có một “bàn tay sắt” thì lúc này khó có thể giữ được nó trong lành.

Có lần, ông gọi tôi đi “nhậu”. Chuyện lạ! Biết nhau bao nhiêu năm, chưa từng thấy ông nhấp giọt rượu nào. Vậy mà đêm đó tôi, ông và hai cán bộ văn hoá đến một quán nhậu ngồi nói chuyện tào lao, bên… chai nước ngọt đến khi quán đóng cửa. Lòng cứ nhấp nhỏm thắc mắc với cuộc “nhậu” kỳ quặc này. Hôm sau mới hay, đó là quán bia ôm, và đêm qua ông ngồi đó để “dằn mặt” cả chủ lẫn khách. Hôm sau quán đóng cửa luôn...

Lúc này “kết quả biện minh cho phương tiện” - không có sex nhưng du khách vẫn cứ ào ào đến Hội An.

Biết đủ là đủ...

Người dân, bạn bè còn yêu quý ông Nguyễn Sự vì đức tính chính trực và liêm khiết. Những câu chuyện từ chối thẳng băng những phong bì hàng trăm ngàn đô đối với ông Nguyễn Sự không thiếu trong những kỳ lễ tết. Tết năm 2012, tôi tình cờ chứng kiến cuộc “trả giá” giữa ông Nguyễn Sự với một chủ doanh nghiệp tại nhà riêng. Hai phong bì mấy chục ngàn đô la Mỹ được mang tận tay đến ông để “cảm ơn” về phi vụ chuyển nhượng thành công một resort ven biển. Kẻ đưa, người chối, giằng co và cuối cùng một giải pháp được đưa ra. Ông Sự nói: “Tôi không nhận tiền này, hai ông thêm tiền vào và mua một cái máy chẩn đoán hình ảnh tặng cho Bệnh viện Hội An”. Và sau tết một máy scan chẩn đoán hình ảnh mới tinh đã được đưa đến đúng địa chỉ.

Năm 1999, đầu tháng 11 mưa như cầm chĩnh đổ. Khuya ông gọi cho tôi: “Nước lên quá mi ơi! Có bánh mì, xôi, đậu chi mang vô giúp dân khẩn cấp với”. Ông nói trong tiếng máy nổ của chiếc ca nô, lẫn tiếng gió. Tôi gọi báo anh Phạm Huy Hoàn - lúc này là Tổng Biên tập Báo Lao Động. Anh Hoàn nói ngay và gọn: “Hỗ trợ tối đa”. Lúc này Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động vừa mới thành lập, chưa có mấy đồng trong quỹ, nhưng trong tấm lòng nhân hậu, anh Hoàn sau này nói với tôi: “Lúc đó nếu thiếu, anh sẽ lấy tiền riêng hay trích phúc lợi báo ra mà lo”. Vững tâm, tôi đặt ngay một ngàn ổ bánh mì và mấy trăm thùng nước tinh khiết, sáng sớm tất tả đưa ngay vào bến Bạch Đằng - Hội An. Xe vào đến nơi, trời tờ mờ sáng đã thấy ông cùng các cán bộ cứu hộ có mặt để đón hàng cứu trợ. Trông ông “giang hồ” trong cái áo bộ đội bạc phếch, dưới thì… quần đùi; đầu đội mũ kết.

Đủ và nhàn

Hôm ấy, sau một ngày quần quật từ Cẩm Kim qua tới Ngọc Thành… tôi và ông mệt mỏi lội nước về tới, thì ngôi nhà tranh cửa chống của gia đình ông ở xã Cẩm Thanh, nước cũng lên tới sát nóc. Ông ôm cha mẹ già đang rét run, mà nước mắt lưng tròng. Chị Tâm, vợ ông ôm hai đứa nhỏ ướt mẹp. Cả năm người trong đêm, lội trong nước lũ qua trú nhờ nhà hàng xóm. Từ khi lũ vừa lên đến mép chùa Cầu thì ông đã ra bến sông, biền biệt trong các chuyến cứu hộ các xóm dân. Chỉ có mỗi chị ở nhà vừa dọn dẹp, vừa bồng ẵm dắt díu cha mẹ chồng, hai đứa con nhỏ qua ngôi nhà xây bên cạnh để né lũ. Chị giận chồng không nói lời nào. Ông quay qua nói với tôi: “Tao có lỗi với ở nhà quá mi ơi! Nhà mình không lo được, mà nói lo cho dân sống đàng hoàng, ăn ngon mặc đẹp là nói láo”.

Nhưng cũng phải mấy năm sau ông mới đủ sức tích góp, rồi vay thêm ngân hàng 30 triệu đồng, xây ngôi nhà cấp 4 kiên cố vững chãi cho cha mẹ già, con thơ yên tâm trong mỗi mùa bão lũ. Trước đó một nhóm bạn bè, báo chí TP. Hồ Chí Minh gợi ý sẽ hỗ trợ ông số tiền làm nhà nói trên nhưng ông từ chối. Đến hôm nay, có lẽ ông là một trong số không nhiều cán bộ cao cấp của địa phương, vẫn ở nhà cấp 4 tuềnh toàng, trên đất riêng của ông cha tạo lập từ trước. Trả lời nhiều ý kiến thắc mắc của bạn bè về cuộc sống thanh liêm cả đời làm “quan”, ông lấy câu thơ của Nguyễn Công Trứ thay câu trả lời: “Tri túc, tiện túc…”.

Tháng rồi, ông quyết định gửi đơn xin thôi làm Bí thư TP. Hội An và nghỉ hưu luôn (trước hai năm). Tuy vậy, tổ chức yêu cầu ông vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị Thường vụ Tỉnh uỷ và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố cho hết nhiệm kỳ. Ông nói: “Tôi không muốn làm một tàu lá chuối. Tôi nghỉ lúc này là hơi muộn. Không có gì băn khoăn cả. Ở lâu trên cương vị thì có nhiều kinh nghiệm nhưng sẽ không còn nhanh nhạy, chậm theo kịp cái mới. Mình tiếp tục ngồi lại khiến thế hệ sau không có cơ hội thử sức, sáng tạo, cống hiến và phát triển”.

Thật ra, từ năm 2013, khi hai con trai ông thành gia thất và ông có cháu nội, ông đã muốn về nghỉ ngơi, nhưng việc cứ kéo dài nên nhân tháng 7 này ông sẽ thôi chức bí thư theo quy định, ông dứt khoát “cáo hưu” về vui thú điền viên. Trước khi gửi đơn xin nghỉ, ông tổ chức một chuyến tham quan Cù Lao Chàm cho 60 doanh nghiệp du lịch, đồng thời để bàn việc phát triển Cù Lao Chàm với họ. Tắm biển xong, mọi người ngồi bên mép sóng mà bàn công việc. Vì vậy ông gọi vui là hội nghị “quần đùi, áo may ô”. Kết luận cuộc gặp, ông lại đọc bài thơ “Chữ Nhàn” của Nguyễn Công Trứ: “Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn” như câu chia tay với các doanh nhân...

Ngày 13.6, Đảng bộ TP. Hội An đã bầu Bí thư Thành ủy mới thay ông Nguyễn Sự sau khi ông thôi chức bí thư. Ông Nguyễn Sự đã lần lượt giữ chức vụ Chủ tịch thị xã Hội An 10 năm, 10 năm làm Bí thư Thành ủy (trước đó là thị xã) Hội An. Trong thời gian ông làm Chủ tịch Hội An đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (1999) và bản thân ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2005; và nhiều giải thưởng lớn vì sự nghiệp bảo tồn, văn hóa, giáo dục của các tổ chức văn hóa như UNESCO, Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh vì những hoạt động tiêu biểu góp phần bảo tồn di sản văn hóa nước nhà.

 

 

 

 

 
NGUYỄN TRUNG HIẾU
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn trên đường Hồ Chí Minh ngày đầu xuân

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn tại tuyến đường Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Công Thương: Năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn với kinh tế Việt Nam

Cường Ngô |

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2023 tiếp tục là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, do kinh tế thế giới có xu hướng tăng chậm lại. Do đó, cần thực hiện tổng thể các giải pháp căn cơ để tháo gỡ.

Săn tour du lịch giá rẻ, coi chừng rơi vào bẫy lừa đảo

Quang Việt |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người du xuân, tìm kiếm các tour du lịch giá rẻ hợp với túi tiền, song cơ quan chức năng cảnh báo cần cẩn trọng để tránh sập bẫy tội phạm lừa đảo.

Vỡ mộng làm giàu, nhà đầu tư tìm cách bán nhanh đất nền

ANH HUY |

Khi thị trường khó khăn, mọi giao dịch gần như đóng băng, không ít các nhà đầu tư đất nền đang có dấu hiệu “xuống sức” do chịu cảnh chôn vốn, gồng mình trả lãi, buộc phải rao bán nhanh để thu tiền về dù phải chịu lỗ.

Giới chuyên môn nói gì về thành tích phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành?

DI PY |

Với doanh thu gần 120 tỉ đồng của "Nhà bà Nữ" sau 4 ngày công chiếu, giới chuyên môn đặt nhiều kỳ vọng về một cú hích đưa điện ảnh Việt trở lại mạnh mẽ sau khoảng thời gian khó khăn năm 2022.

Bản tin công đoàn: Quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu của NLĐ

Nhóm PV |

Bản tin công đoàn hôm nay có những nội dung chính sau: Mong năm mới được tăng ca để có tiền về quê; Kết thúc năm đầy biến động của thị trường lao động TPHCM; Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu...

Interactive: Bạn có am hiểu về các lễ hội đầu xuân?

Nhóm PV |

Cùng với không khí vui tươi phấn khởi của năm mới, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về mọi người lại nô nức tham dự những lễ hội truyền thống được trải khắp 3 miền đất nước. Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Toàn cảnh đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao sau gần 30 năm quy hoạch

Anh Tú |

TPHCM - Sau gần 30 năm quy hoạch, đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức, TPHCM) mọc lên nhiều công trình giao thông, nhà cao tầng hiện đại quy mô, nhưng xen lẫn các quỹ đất trống vẫn còn nhiều.