Phóng sự dự thi:

Ông Bảy “khùng” ở rạch Cầu Mé

Lê Tuyết |

Về Bình Thới (quận 11, TPHCM) hỏi nhà ông Bảy Tân nửa đời vớt rác trên kênh ai cũng biết. Sau khi cẩn thận đưa tay chỉ rẽ trái, rẽ phải rồi rẽ trái..., người ta còn khuyến mãi thêm một loạt nhận xét về ông Bảy: “Lúc trước có người còn gọi ông Bảy Tân là ông Bảy “khùng”, vì chẳng ai như ông, một mình làm đủ chuyện bao đồng lại tự nguyện đội nắng, đội mưa, lội bùn sình, bất chấp mùi hôi thối để vớt rác trên con kênh đen ngòm”.
Con hẻm 104/45 Lạc Long Quân (quận 11) nằm sau một khu chợ dân sinh và là “hè sau” của Công viên nước Đầm Sen. Là “sân sau” của “hai tổ hợp” trên, lại không thuộc phạm vi hoạt động của nhân viên vệ sinh, nhưng con hẻm này lại sạch sẽ, thoáng mát. Con hẻm là sân chơi của trẻ con, là nơi trai thanh gái tú tụ hội “chém gió”... “Có được không gian ấy, công đầu phải nhờ đến ông Bảy Tân” - bà Ba Phương, chủ quán nước ngay đầu hẻm nói. Bà tiếp lời: “Cầu Mé khang trang, mặt đường láng sạch, đèn đường sáng rực, rạch Cầu Mé bớt rác, nước chảy được... đều do một tay ông Bảy”.
“Khùng” ra chuyện hay
Thoạt nghe, cứ nghĩ ông Bảy là đại gia nào đó lắm tiền, thích làm từ thiện nhưng ông Bảy Cầu Mé, ông Bảy mà người dân đang nhắc đến với lòng biết ơn là một ông già đã ngấp nghé tuổi 75. Ông Bảy tên đầy đủ là Phạm Văn Tân, trước làm nghề thu mua phế liệu dạo, nay phụ vợ gắn cần thắng xe đạp, dán nhãn chì màu. Hôm nào không mỏi mắt, đau lưng, cặm cụi cả ngày, hai ông bà cũng kiếm được 50 ngàn, “đủ lo cá mắm”. Hỏi ông Bảy tiền đâu sửa cầu, tiền đâu làm đường, bắt điện...? Ông cười: “Những cái đó không làm bằng tiền, mà làm từ cái tình người”.
Cái tình của ông là khi còn khỏe đôi bàn chân, sáng đôi con mắt, ông làm nghề thu gom mua phế liệu. Những năm 1999-2000, sắt thép phế liệu gần như là thứ vứt đi, chịu khó đạp xe, kéo xe cả ngày, ông Bảy cũng kiếm được chút đỉnh. “Tiền mình kiếm được cũng là nhờ người ta cho, bán rẻ phế liệu mà có, tôi không thể giữ làm của riêng. Phải làm cái gì đó để trả lại cho đời. Việc đầu tiên là sửa lại cây Cầu Mé. Mặt cầu nằm sát mép rạch, không có thành cầu, mặt cầu lại lõm chõm, mỗi khi trời mưa, cây cầu chìm vào dòng nước kênh đen ngòm, mất hút khiến nhiều người gặp nạn” - ông Bảy kể.

Nói là làm, hôm nào mua phế liệu gặp được sắt tốt ông lại để dành, dư chút tiền ông mua sắt, đá, ximăng, được ít tiền kha khá, ông bung ra thuê thợ làm cầu. Có được cây cầu khang trang, ông lại tính đến chuyện trám lại những chỗ lồi lõm của mặt đường. Vì không có đèn đường, con hẻm quanh khu nhà ông lúc nào cũng tối om om tạo cơ hội cho bọn trộm cướp, hút chích hoạt động, ông lại dành dụm tiền mua dây điện, bóng đèn về đấu nối thắp sáng.

 Nhắc lại những chuyện cũ, ông cười cười, chỉ lên tấm bằng khen “Hiệp sĩ giao thông” được “người ta” tặng năm 2012. “Lúc mình làm mình có nghĩ là để được người ta biểu dương, khen tặng gì đâu. Lần đó, người ta đánh giấy, mời tôi lên thành phố để nhận thưởng. Tôi thấy ngộ quá, chắc là họ nhầm nên tôi không đi. Hôm sau người ta mang bằng khen về tận nhà” - ông Bảy nhớ lại.

Đang nói chuyện thì trời ầm ầm chuyển mưa. Ông chỉ kịp xỏ cái áo, cài hai nút nhưng trễ trên trật dưới, rồi tất bật chạy ra rạch. Ông nói “trời sắp mưa, phải quét dọn rác trên đường trước khi nó theo nước mưa chảy xuống rạch”. Liền tay, ông tất tả ra con rạch vớt rác. Dụng cụ vớt rác gắn bó hơn 30 năm với ông vẻn vẹn gồm ba cái móc có chiều dài từ 2 đến 5 mét, tùy đoạn kênh, rác ở xa hay gần mà dùng loại phù hợp. Rác được chất đống hai bên rạch, có đụn cao quá đầu người đợi xe đến hốt.

Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, thấy tôi che mũi, ông phẩy tay: “Cô chịu được ra tới đây vậy là giỏi. Hôm trước có đài truyền hình tới đây quay phim, đúng lúc trời chuyển mưa như hôm nay, mùi xú uế nồng nặc, họ chịu không nổi nên không quay phim, ghi hình gì luôn”. “Vậy sao ông chịu được?” - tôi thắc mắc mà không giấu nỗi ái ngại khi nhìn một cụ ông mắt đã lèm nhèm, tay chừng run run đang cố hết sức lôi tấm nệm ngấm nước, rong rêu xanh rờn từ dưới rạch lên bờ. 

“Cô là người thứ 1001 hỏi tôi câu này rồi. Tôi làm việc này hơn 30 năm, không quen cái mùi này thì làm sao đặng. Bà Bảy ban đầu cũng phản ứng dữ dội khi tôi vớt rác, tôi nghe lời bà ấy, không vớt chừng 1 tuần, rác gần như ngập kênh, nghẹt cống, nước không thoát được tràn vào các nhà quanh đây. Mặc bà ấy cằn nhằn, tôi vác sào ra móc rác. Dầm mưa làm liên tục nhiều giờ liền thì cống cũng thông, nước rút dần, từ đó bà ấy không nói ra nói vào nữa. Bây giờ, không thấy tôi đi móc rác, dọn kênh, bà ấy lại nhắc, như nhắc một việc làm cho gia đình mình vậy...”.

Ông Bảy “khùng” không còn đơn độc

“Ông vớt rác đã 30 năm, ông làm mỗi ngày nhưng sao con kênh này vẫn đen, rác vẫn nhiều, vẫn có mùi xú uế?” - tôi lại thắc mắc. Ông Bảy thở dài thườn thượt: “Tại con rạch Cầu Mé này nằm ở vị trí đắc địa quá! Ngay sau khu vui chơi, lượn qua các khu dân cư, hàng ngàn người xả rác mà chỉ có một mình tôi vớt nên con rạch này không bị lấp bởi rác thải đã là điều may mắn”. 

Nghe ông nói, bà Bảy nãy giờ im lặng bỗng lên tiếng: “Tôi nhớ khoảng những năm 1970, con rạch này rộng lắm, tàu nhỏ, ghe lớn vào đây bán củi, bán than được. Tôi đi chợ về, chỉ cần mua rau, ông Bảy thả câu, đặt lờ chốc lát là có cá nấu canh chua. Những khi nước lên, đánh cá đem đi bán được. Con kênh hồi đó nuôi sống cả gia đình 7 người nhà tôi”.

Gia đình ông Bảy về định cư ở khu vực rạch Cầu Mé từ năm 1967, ông bảo chỉ từ năm 1985, con rạch này mới bắt đầu bị đầu độc vì các nhà máy nhuộm xả thải trực tiếp ra rạch, dân cư đông lên, rác thải vứt trực tiếp xuống rạch. Con rạch chết dần, chết mòn và bây giờ thì thoi thóp, tồn tại được là nhờ cả vào ông Bảy. “Tôi không thể làm con rạch sạch được như xưa, nhưng những việc mình làm sẽ làm dòng chảy được lưu thông, rác không ùn ứ, không tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi, bớt được phần nào mùi hôi thối, để con rạch trong xanh ngày xưa không trở thành nỗi ám ảnh của người dân hôm nay” - ông Bảy trầm ngâm.

Câu chuyện của ông Bảy có nhiều đoạn chắp nối, rời rạc theo đúng kiểu “nhớ trước quên sau” của một người tuổi đã xế chiều, nhưng ông không quên nhắc đi nhắc lại rằng điều ông vui nhất là cái việc bao đồng, “khùng khùng” của ông bây giờ có lắm người ủng hộ. 

Nếu ngày trước, khi vớt rác, ông phát hiện ra có một xác người trong tư thế chết ngồi dưới kênh, bùn sình lấp lên, ông phải cho tiền thì “mấy cậu thanh niên mới đến phụ một tay đưa người xấu số lên bờ”; hay khi sửa sang lại Cầu Mé, ông cũng phải bỏ tiền thuê thợ... thì nay, rác ông vớt lên đã có người đến chở, các bóng đèn ông lắp giờ bị hư thì người dân tự góp tiền vào thay thế sửa chữa. 

Người ta khi thấy một ông già ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ngày ngày vớt rác trên kênh, mỗi người lại chung một tay, chia sẻ. Như cô bán nước ở cuối hẻm, mỗi ngày đi ngang qua chỗ ông đều nằng nặc ép ông lấy chai nước mà uống, cái bánh mà ăn. Sợ ông ngại thì cô viện lý do “ông nhẹ vía, mở hàng thì cô bán đắt”...

Tại lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” do UBND TPHCM và UBMTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức vừa qua, ông Bảy Tân là một trong 92 cá nhân được tuyên dương và là một trong ba nhân vật được mời lên giao lưu. Trong phần giao lưu, người dẫn chương trình tỏ ý trách ông vì không tài nào liên lạc được với ông qua điện thoại. Ông thật thà bảo, cả đời ông không biết điều khiển cái xe máy là sao, điện thoại thì không xài vì cả ngày cứ cúi xuống kênh vớt rác, làm rớt không biết bao nhiêu cái nên ông không xài. Giờ ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” càng không biết đến xe máy, điện thoại.

Lời bình:
Đọc phóng sự của người trẻ Lê Tuyết thấy mừng vì chữ nghĩa, bút lực này rõ là của một người đọc sách nhiều. Chị kể chuyện thanh thoát, vẻ như có thế nào tôi “ghi lại” thế đó, nhưng tinh ý sẽ nhận ra sự sắp xếp khá mẹo mực. Thực ra, môtíp “ăn cơm nhà đi vác tù và” như ông Bảy “khùng” là không mới, không lạ, vậy nhưng đọc Ông Bảy “khùng” ở rạch Cầu Mé vẫn cuốn hút, thích thú vì “tính Nam Bộ” của cả “người khùng” lẫn người viết, và đốm sáng Bảy “khùng” đã thức tỉnh nhiều người khác quan tâm, cùng “khùng” cho đời đẹp hơn...
Nếu tác giả vẫn tiếp tục đọc nhiều, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với “binh chủng đặc biệt” của báo chí này, tôi tin Lê Tuyết sẽ còn đi xa hơn với phóng sự!
LÂM CHÍ CÔNG

 

 

 
Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.