Những "Tấm lòng vàng" kịp thời tiếp sức cho người vùng lũ

Hoàng Văn Minh |

Hơn 1,2 tỷ đồng – con số tạm thời - của Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động đến với người dân Bình Định trong dịp này cũng không phải là ít, nhưng vẫn chỉ là muối bỏ bể so với những mất mát và khó khăn mà người dân ở đây đã và đang chịu đựng. Sẽ là một mùa Tết đói kém của người dân vùng rốn lũ Bình Định và miền Trung. Nhưng có thể, sắp tới sẽ là một mùa Tết ấm áp và hạnh phúc nếu có nhiều hơn những “tấm lòng vàng”, nhiều hơn những tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước…
Thay vì hối hả với bánh mứt chuẩn bị cho cái Tết đang cận kề như mọi năm, những ngày này, người dân rốn lũ Bình Định lại hối hả dọn lụt hoặc đếm mất mát, thẫn thờ với những ngày mai nhiều bất trắc trong khi ngồi chờ nước rút. Một mùa Tết thiếu đói là điều có thể dự báo trước…
Con heo sót lại
Bà Nguyễn Thị Sáu đứng tần ngần trước ngôi nhà nay đã thành một đống đổ nát của mình ở thôn Lộc Thượng (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định), nửa muốn dọn dẹp thứ gì đó, nửa muốn buông xuôi vì không biết phải bắt đầu từ đâu. Bà kể, đợt lũ trước, nước lên đánh sập phân nửa ngôi nhà. Chưa kịp dọn dẹp gì thì nước lại lên, đánh sập nốt phần còn lại. Lần nào sập nhà, bà cũng thoát chết trong gang tấc.
Hỏi hai lần chạy nhà sập có kịp mang theo được vàng bạc gì không? Bà Sáu móm mém cười: “Làm chi có vàng bạc mà mang hở chú”. Lại hỏi chẳng lẽ ngoài tấm thân già ra bà không còn gì khác? Bà lại cười, cầm tay chúng tôi kéo ra phía sau, chỉ tay vào một con heo đang bị buộc chặt lên tảng đá. “Hắn là tài sản duy nhất của tui còn sót lại, là niềm hy vọng duy nhất cho những ngày Tết sắp tới”. Chúng tôi nhẩm tính, “hắn” giá khoảng hơn 2 triệu đồng. Bà kể nhưng suýt nữa mất trắng bởi nhà sập cũng là lúc hắn xổng chuồng bơi loạn xạ. “Phải năn nỉ mấy người biết bơi trong xóm ra quây hắn lại, rồi buộc chặt cho đến bây giờ”.
Chồng mất sớm từ cách đây 8 năm, hai con gái lớn lấy chồng ra riêng, con gái út vừa tốt nghiệp đại học đang lang thang tìm việc ở Sài Gòn. Bà Sáu nói đại ý mấy hôm nay phải ở nhờ nhà hàng xóm để chờ những ngày mai, nhưng không biết là ngày mai nào, rồi bà cười. Lạ nhưng mà quen, bởi người vùng lũ, ở đâu cũng thế, họ chỉ khóc khi người thân bỗng dưng bị lũ cướp đi, còn lại, nụ cười luôn phải thường trực trên môi thì mới chống chọi được với thiên tai và nhân tai ngày mỗi khắc nghiệt.
Tài sản duy nhất còn sót  lại của bà Sáu sau lũ. Ảnh: H.V.M

Thống kê từ Ban chỉ huy PCBL&TKCN tỉnh Bình Định cho biết, đến thời điểm này (21.12.2016), tổng thiệt hại ước tính do lũ gây ra trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 2.000 tỷ đồng; số nhà bị sập hoàn toàn do lũ như của bà Sáu là 551; số nhà bị tốc mái là 398 và số nhà bị chìm ngập trong nước 97.309 nhà.

Đã nhìn thấy trước mắt một mùa Tết đau thương và đói kém, bởi có quá nhiều cái chết đau thương, tức tưởi. Bởi những làng hoa mang đến nguồn thu và công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình đã xác xơ, tan tát; những cánh đồng lúa đúng ra bây giờ đã nảy mầm đang ngập ngụa trong những biển nước không hẹn được ngày khô ráo. Bởi mẫu số chung cho những thân phận sập nhà, tốc mái hay ngập nước là hầu hết bị mất sạch, mất trắng tài sản.
Và may mắn khi nhà sập nhưng vẫn còn được con heo giá 2 triệu như bà Sáu là không nhiều hoặc phải trả bằng cái giá rất đắt là mạng sống như chị Thanh ở thôn Quang 1 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) chỉ để đổi lấy… 20 con vịt! “Năm này sẽ không có Tết” và “ngay mai không biết sẽ sống bằng gì” là những câu cảm thán mà chúng tôi nghe quen đến buồn và bất lực.
Những ngày ngược xuôi ở rốn lũ Bình Định, những bức ảnh hiếm của chúng tôi là ảnh chụp người dân tranh thủ trời hửng nắng đổ lúa mốc ra phơi cùng những nụ cười như ngày mùa lúa được giá. Hiếm là bởi tháng này trong năm, còn lúa để mà mốc thì chỉ có nhà khá giả! Và những câu chuyện khó tin nhất là hầu hết người dân vùng lũ đều thẫn thờ, mếu máo bảo họ đã trắng tay, mất sạch khối tài sản cuối cùng của mình là một con bò, một con heo, một đàn gà, mấy con vịt… mà đôi khi quy ra tiền còn chưa đủ cho bữa nhậu của giới thượng lưu ở trên thành phố.
Nụ cười của những người dân phơi lúa mốc ở vùng lũ. Ảnh: H.V.M

“Cũng chẳng có gì lạ lắm bởi sự thật là họ rất nghèo, sự thật là tài sản của họ chỉ có thế. Một mặt, những thứ đó đôi khi còn lớn tiền thật, đôi khi còn là biểu tượng của niềm hy vọng bởi trăm phương nghìn việc, từ ma chay cưới hỏi cho đến tiền học của con, nợ nần, sắm Tết… đều trông cả vào đó dù đôi khi chẳng làm được việc gì ra việc gì. Thật ra, cái họ mất không phải là tiền của mà là biểu tượng của niềm hy vọng”, anh Công – Chủ tịch xã Phước Thắng (Tuy Phước, Bình Định), người dẫn đường cho chúng tôi giải thích.

Những ngôi nhà không gác lửng
Ngạc nhiên nữa dành cho chúng tôi là sống trong vùng ngập lũ truyền đời, nhưng không giống với nhiều địa phương khác ở miền Trung, phần lớn những ngôi nhà ở vùng rốn lũ Tuy Phước của Bình Định, người dân đều không làm gác lửng để trốn lũ hoặc cất giữ đồ đạc, chỉ trừ số ít nhà mới xây gần đây nên nước dâng là ngập đều. Thắc mắc thì anh Công trả lời: “Tuy Phước là rốn lũ của Bình Định, nhưng bao đời nay, lũ chưa khi nào vượt quá mép nhà. Chỉ từ năm 2009 đến nay, khi các công trình thủy điện ở thượng nguồn các sông được hình thành cùng với việc thủy điện xã lũ đúng quy trình thì vùng này mới có tình trạng lũ ngập nhà có khi hơn cả mét nước”.
Chuyện đến đây bỗng lái sang “ông thủy điện”. Đã và đang có những tranh cãi chưa hồi kết về việc thủy điện xã lũ “đúng quy trình” có gây lũ chồng lũ làm tan hoang vùng hạ du hay không. Nhưng lý giải như thế nào đây với thực tế chỉ từ năm 2009 đến nay ở Tuy Phước mới có chuyện lũ ngập nhà, sập nhà, chết người và Bình Định thì lần đầu tiên trong lịch sử có chuyện lũ chồng lũ với 5 lần liên tiếp? Giải thích sao đây khi “đúng quy trình” mà dọc một dải miền Trung từ Nghệ An đến Ninh Thuận, nơi nào có thủy điện “quét qua” là nơi đó những năm gần đây luôn có “lũ bất ngờ” khiến người dân, thậm chí cả chính quyền địa phương còn không kịp trở tay ứng phó?
Nhớ mãi lời của anh Công hôm chúng tôi tìm cách “đột nhập” xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) để thăm một đám tang đã để 7 ngày rồi vẫn chưa di quan được vì không chỉ chung quanh mà cả nghĩa địa cũng mênh mông nước lũ. “Hậu quả như thế này là do chúng ta chẳng còn biết sợ trời đất”, anh Công thở dài bất lực. Nghe rồi giật mình, nghĩ, đất nước mình thực sự là rừng vàng biển bạc bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản giàu có. Và một thời rất dài, nó được bảo vệ nghiêm ngặt và khai thác hợp lý nhờ và phương thức “thiêng hóa” trong tri thức bản địa, luật tục, hương ước của các cộng đồng làng bản, thông qua hệ thống nghi lễ có tính ma thuật và huyền bí. “Rừng thiêng”, “sông thiêng”, “rú cấm”, “cấm địa”, “có ma”... là những giới hạn an toàn đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ cảnh quan môi trường, tái tạo nguồn sinh thái tự nhiên lẫn nhân văn.
Những cánh đồng lúa ở Bình Định nay đã thành những cánh đồng nước. Ảnh: H.V.M

Chính vì “biết sợ” trước Trời - Đất, lòng người và dư luận xã hội mà con người luôn hành động cẩn trọng, tránh tình trạng cực đoan thái quá, làm tổn hại đến môi trường sống cũng như lòng tự trọng cá nhân, thanh danh của cả dòng họ. Còn bây giờ, chúng ta sống quá hàm hồ, chẳng ai biết sợ gì cả bởi áp lực của việc phát triển nóng, của cuộc sống gấp gáp và thực dụng thái quá, dẫn đến sự thiếu hợp lý, mất cân đối… mà hậu quả tàn khốc, không chỉ là mạng người, lũ chồng lũ, lũ bất thường như hôm nay…

Có mặt kịp thời, tiếp sức cho người dân
“Bà cám ơn lắm, may mà có tấm lòng vàng…”, bà Trương Thanh Huệ, 76 tuổi ở thôn Lộc Thượng (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước” không nén được tiếng khóc khi nghe anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định giới thiệu rằng đây là quà của Quỹ từ thiện xã hội Tấm lòng vàng Lao Động của Tổng LĐLĐ Việt Nam và báo Lao Động gởi đến bà con vùng lũ.
Bà Huệ và chồng là thương binh, có duy nhất một con trai nhưng vừa qua đời do nhiễm chất độc da cam. Căn nhà tình nghĩa của hai vợ chồng già chẳng may bị sập một phần trong đợt lũ vừa rồi. Cầm những tờ tiền rút ra từ phong bì, bà Huệ cứ đếm tới đếm lui, soi tới soi lui như thể không tin rằng đây là chuyện có thật.
Chợt nghe vui lây với những giọt nước mắt hiếm hoi như sương mai của bà Huệ. Chợt nghe ấm lòng khi những ngày này, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động lại có mặt sớm nhất ở Bình Định để kịp thời tiếp sức cho người dân đang bải hoải sau thời gian liên tục chống chọi với thiên tai và “nhân tai” với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Tất cả số tiền này đều được phóng viên Báo Lao Động và LĐLĐ tỉnh Bình Định “trao tận tay” đến từng người thân của các nạn nhận bị chết, mất tích hoặc bị thương; những người bị sập nhà; bị chìm tàu cá…
Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.