Nguyễn Trường Tộ trong con mắt người Pháp

Hoàng Hằng - Hồng Nhung |

Nguyễn Trường Tộ là một nhân vật được nhắc đến khá nhiều trong lịch sử. Hầu hết các sách báo từ trước đến nay đều thống nhất nhận định: Ông là người có tài và có tâm huyết, từng vạch ra nhiều kế hoạch canh tân giúp dân giúp nước nhưng không gặp thời nên hầu hết những đề nghị cải cách của ông không được thực hiện. Do vậy, ông đã thực sự không đóng một vai trò nào trong lịch sử ngoài sự ghi nhận về tấm lòng của một con người luôn trăn trở với vận nước.

Đó là ở Việt Nam, vậy với các học giả người nước ngoài thì họ nhìn nhận và đánh giá thế nào về nhân vật này? Để độc giả có thêm thông tin, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của một học giả người Pháp trên Tuần báo Đông Dương (Indochine Hebdomadaire lllustré), số 216 ra ngày 19.10.1944 với tiêu đề “Nguyễn Trường Tộ, nhà yêu nước lỗi lạc” (Nguyen Truong To, patriote éclairé). Tài liệu này hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.

Cuộc đời

Nguyễn Trường Tộ sinh năm Minh Mạng thứ 9 (1828) tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Thuở thiếu thời, ông đam mê học chữ Hán và sớm tỏ ra là người thông minh, có đầu óc phê bình và trí nhớ phi thường. Không chỉ giỏi sáng tác văn thơ, Nguyễn Trường Tộ còn nổi tiếng là người có khí tiết và có quan điểm sống rõ ràng. Tiếc rằng vì là người Công giáo nên ông không được tham gia bất cứ kỳ thi tuyển nào.

Năm Tự Đức thứ 11 (1858), giáo khu Tân Ấp cho mời ông tới dạy chữ Hán cho học sinh. Tại đây, ấn tượng trước khả năng thiên bẩm của Nguyễn Trường Tộ, giám mục người Pháp tên là Gauthier đã khuyên, dạy ông học tiếng Pháp và một số khái niệm cơ bản về bộ môn khoa học thường thức của phương Tây.

Hai năm sau, Nguyễn Trường Tộ tới Châu Âu cùng giám mục Gauthier - người phải trở về Pháp do bị các tín đồ đạo Cơ đốc tìm cách truy hại. Chuyến kinh lý tại Châu Âu đã góp phần mạnh mẽ vào việc hình thành tri thức cũng như nhân cách của nhà nho theo chủ nghĩa truyền thống này. Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình là nước Ý. Tại đây, ông được Giáo hoàng Pie IX tiếp đón và ban tặng khoảng trăm cuốn sách. 

 Trang đầu bài viết về nhân vật lịch sử Nguyễn Trường Tộ đăng trên Tuần báo Đông Dương.

 

Sau đó, Nguyễn Trường Tộ tới và lưu trú ở Paris trong 3 năm. Tại kinh đô ánh sáng, ông thường xuyên tới thư viện, nghiên cứu các môn khoa học chính trị, nghệ thuật quân sự, kiến trúc, triết học; tham quan nhà máy, công xưởng; quan sát con người và sự vật, nhất là những thứ đem lại sự canh tân cho xứ An Nam. Sau đó, ông đã tới Trung Quốc, tham quan các thành phố của Hồng Kông và Quảng Châu, nơi ông có dịp làm quen với nhiều chính trị gia và nhân sĩ.

Năm 1863, khi trở về nước, trái tim ông quặn đau khi chứng kiến cảnh nước nhà đang phải gánh chịu hậu quả của một chính sách cực đoan và gắng gồng mình thoát khỏi cơn bĩ cực, các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở khắp nơi: Cuộc khởi nghĩa Tam Dương tại Thái Nguyên, cuộc nổi dậy của Cai tổng Vàng tại Bắc Ninh, sự chiếm đóng của quân Cờ Đen và Cờ Vàng tại khu vực thượng du Bắc Kỳ... 

Cơ cấu xã hội do Gia Long ra sức xây dựng đang có nguy cơ sụp đổ, ông viết: “Tôi nguyện hiến dâng trọn vẹn con tim và khối óc mình cho tổ quốc. Tôi không thể thản nhiên trước cảnh nước mất nhà tan, đồng bào đau khổ. Vì vậy, với chút tài mọn này, tôi không ngần ngại tâu lên đức vua tiếng nói của mình”. Trong đoạn cuối bức thư gửi cho Phạm Phú Thứ, ông viết: “Hoà bình với nước Pháp là lối thoát duy nhất, giúp nước An Nam hồi sinh và thích nghi với cuộc sống hiện đại”. Kiên định với tư tưởng trên, Nguyễn Trường Tộ nhận lời làm phiên dịch trong các cuộc thương thuyết giữa Pháp với triều đình Huế, theo đề nghị của Đô đốc Charner. Ông nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước Pháp-Việt xích lại gần nhau, tạo nên bầu không khí tin tưởng và hoà hảo lẫn nhau, nhưng kết quả đạt được lại không như mong đợi. Vài tháng sau đó, ông viết đơn từ chức.

Sau khi thôi việc, Nguyễn Trường Tộ dồn hết tâm trí vào việc thảo kế hoạch cải cách gửi lên Vua Tự Đức.

Năm 1866, Vua Tự Đức cử Nguyễn Trường Tộ tới Pháp cùng Giám mục Gauthier để trưng mua một số loại sách chuyên luận về vật học, vật lý, hải quân và đạn dược. Trở về nước, ông tiến hành thí nghiệm phương pháp khai thác than đá và làm kim loại nóng chảy, theo lệnh của vua. Năm 1868, Vua Tự Đức cử một phái bộ gồm Nguyễn Trường Tộ và 16 thành viên khác sang Pháp. 

  Tượng Nguyễn Trường Tộ tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Tp.Vinh (Nghệ An).

 

Nhân dịp này, Nguyễn Trường Tộ đã đưa một nhóm giáo viên và kỹ sư người Pháp tới An Nam và được nhà vua tiếp kiến tại triều đình. Vua Tự Đức viết: “Do chúng ta mời họ tới, chúng ta cần sử dụng họ và không được lừa dối họ. Chúng ta phải mở một xưởng - trường cạnh Đại sứ quán”. Tuy nhiên, các bậc đại thần trong triều cho rằng kinh phí cho việc này quá lớn và yêu cầu nhà vua đưa ra một thoả thuận chung liên quan đến dự án. 4 năm sau, Vua Tự Đức triệu hồi Nguyễn Trường Tộ về triều để dẫn một nhóm học sinh sang Pháp. Nhưng khi tới Huế, ông lâm bệnh nặng và buộc phải khước từ vinh dự này.

Có thể thấy Nguyễn Trường Tộ rất được nhà vua sủng ái và coi trọng. Các kế hoạch cải cách của ông luôn được nhà vua tán thành, ủng hộ. Tuy nhiên, với bản chất thiếu quyết đoán và bảo thủ, Vua Tự Đức dễ dàng bị quan lại trong triều gây ảnh hưởng, mọi dự định tốt đẹp của nhà yêu nước vĩ đại này lần lượt bị họ tìm cách phá hại. Bên cạnh nhà vua có quá nhiều người thân cận, cuối cùng ông phải thốt lên rằng: “Nguyễn Trường Tộ đã quá chắc chắn về những gì mình đề xuất, nếu thực sự cần cải cách, chúng ta chỉ nên tiến hành một cách từ từ. Tại sao ta lại vội vàng đến như vậy khi mà chỉ cần những phương pháp xưa cũ cũng đủ để điều hành cả vương quốc rồi?”.

Những năm cuối đời, Nguyễn Trường Tộ vẫn thường xuyên gửi thư lên Vua Tự Đức nhằm giúp vua nhìn nhận đúng vận mệnh của đất nước lúc bấy giờ và sự cần thiết phải tiến hành cải cách. Những nét chữ của ông chứa đầy cảm xúc với tiếng kêu đơn chiếc tuyệt vọng và cả sự phẫn nộ: “Dù thân có bị liệt, nằm lưng xuống dưới, ta vẫn phải có bổn phận viết thư gửi đức vua... Cách đây 7 năm, thần đã trình đức vua đơn xin cải cách khẩn cấp. Triều đình cũng không để tâm xem xét. Vậy ta còn trông mong gì ở 100 năm nữa?”.

Cuối cùng, vào năm 1871, Nguyễn Trường Tộ ra đi ở tuổi 43 mà không thực hiện được ước mơ của mình: Biến nước An Nam thành một nhà nước hiện đại, là bạn của nước Pháp.

Người có đầu óc thực tế

Nguyễn Trường Tộ là người đầu tiên chỉ ra những thiếu sót, khuyết điểm của chính quyền truyền thống. Ông bày tỏ: “Đã làm quan là phải thanh liêm, tích cực, nhiều kinh nghiệm để có thể hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời làm nhiều việc có ích cho dân. Ngược lại, họ xứng đáng hưởng lương cao và như thế nạn ăn hối lộ sẽ không tồn tại”. Mặt khác, ông mong muốn các quan lớn trong triều giao phó công việc hằng ngày cho cấp dưới để chú tâm tới những vấn đề chung liên quan đến đất nước hoặc quan hệ với các nước khác. 

Ông khuyên họ không nên có những động thái tiêu cực, cản trở sự phát triển của những tài năng thực sự. Ông cũng tìm cách để dân chúng có thể bày tỏ nguyện vọng. Ông viết: “Tôi mong muốn triều đình thường xuyên lắng nghe ý kiến của người dân thông qua các quan lại khu vực, lập một uỷ ban nghiên cứu phúc đáp và ghi nhận những sáng kiến hay”.

Mối liên kết giữa nhà cầm quyền với người bị cai trị tạo nên sức mạnh tinh thần lớn lao cho đất nước song lại không đủ để bảo vệ đất nước trong thời chiến. Do vậy, Nguyễn Trường Tộ đề nghị tổ chức lại quân đội. Ông yêu cầu triều đình chú trọng hơn nữa tới lực lượng binh sĩ nhằm khơi dậy lòng yêu nước và trung thành của họ, điểm khởi nguồn cho những cuộc đại thắng. 

Ông cho rằng việc mời chuyên gia Pháp đến dạy kỹ thuật cho quân đội và mở trường quân sự là điều cần thiết. Ông cũng chỉ rõ cách thức tổ chức một đội kỵ binh hùng hậu và một đội hải quân được trang bị theo kiểu Âu. Ông đã dự kiến những khoản chi lớn cho dự án canh tân này và gợi ý với nhà vua phương pháp khắc phục: “Tôi đề nghị Chính phủ chỉ định một số quan lại đàm phán với các nhà tài chính lớn của Hồng Kông. Những thương gia và kỹ nghệ gia lớn sẽ cho chúng ta mượn tiền, đổi lại chúng ta nhượng cho họ một số đặc quyền như: Trao đổi hàng hoá, tự do mậu dịch hoặc khai thác một số khu rừng”.

Để có kinh phí thường xuyên cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế đất nước, Nguyễn Trường Tộ đề xuất một số biện pháp khác theo mô hình của các nước hiện đại: Kêu gọi nước Pháp tham gia hiệp định về hợp tác kinh tế, đặc biệt là khai thác khoáng sản; phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp và ngoại thương; lập một số loại thuế mới liên quan đến rượu, thuốc lá, thuốc phiện, chè của Trung Hoa và hàng tơ lụa; thống kê dân số và ruộng đất của cả nước nhằm phát hiện hành vi khai man doanh thu, đồng thời tăng tiền thuế.

Đối với mỗi vấn đề dự kiến, ông đều chỉ rõ cách thức tổ chức.

Nhà giáo dục

Nguyễn Trường Tộ đặc biệt quan tâm đến giáo dục, rèn luyện con người và chuẩn bị cho thế hệ sau. Ông viết: “Mức độ văn minh của một dân tộc hoàn toàn phụ thuộc vào phương pháp giáo dục”. Như vậy, đứng lên trên mọi thế lực, ông phản đối nền giáo dục truyền thống cổ suý cho “thói quen xưa cũ với niềm đam mê mỗi môn văn học”. Rất nhiều lần ông nhấn mạnh đến lợi ích của bộ môn khoa học tự nhiên, sự cần thiết của việc đem đến cho thế hệ mới một nền văn hoá hiện thực và tích cực.

Ông cho rằng chữ Hán quá khó đối với đại bộ phận dân chúng và gợi ý chính quyền nên sử dụng chữ Quốc ngữ không chỉ trong quan hệ thường nhật mà trong tất cả các giấy tờ hành chính. Ông tặng lại cho triều đình sách vở mua được tại Pháp và đề nghị để các nhà truyền giáo dịch sang chữ Quốc ngữ. Thậm chí, ông còn đề nghị cho đăng báo hoạt động của vua và những sự kiện chính diễn ra trong nước để công chúng biết. Ông cũng xin mở một số trường dạy luật, canh nông, cơ học và kỹ nghệ.

Để những thanh niên có tài năng thực sự học tập trong điều kiện tốt, ông đề nghị gửi họ sang các nước Châu Âu, đặc biệt là nước Pháp. Theo ông, muốn có kiến thức vững chắc, một người An Nam phải sống tại nước ngoài ít nhất là 8 hoặc 9 năm. Nguyễn Trường Tộ tin tưởng vào triển vọng của đất nước, bằng chứng là một trong những bức thư ông gửi cho triều đình, có đoạn viết: “Tôi có thể đảm bảo với các ngài rằng sinh viên của chúng ta sẽ đạt được kết quả tốt bởi qua những chuyến kinh lý tại các quốc gia Châu Âu, tôi nhận thấy người nước ngoài cũng không thông minh hơn chúng ta... Nếu chúng ta đi nhiều nơi và duy trì quan hệ với các nước khác, không ai có thể biết trước được tương lai của chúng ta sẽ rộng mở như thế nào”.

Nhà chính trị

Trong suốt cuộc đời, Nguyễn Trường Tộ chưa bao giờ ngừng thuyết phục triều đình Huế hợp tác với Pháp. Ông thường xuyên tấu xin nhà vua và triều đình tranh thủ tình hữu nghị của nước Pháp. Chỉ cần đọc qua trích đoạn bức thư ông gửi cho Phạm Phú Thứ, chúng ta sẽ hiểu được tư tưởng sáng suốt của ông:

“Điều mà người Pháp đòi hỏi ở chúng ta, đó là đất nước ta phải cởi mở với hoạt động thương mại cũng như tôn giáo của họ. Thương mại sẽ góp phần làm cho đất nước giàu mạnh và phồn thịnh. Về phía các giám mục, họ chỉ chú trọng tới truyền bá tôn giáo. Nếu họ có tình cảm khác, tại sao Vua Gia Long lại tiếp kiến họ tại triều đình khi mà không hiểu ý định của họ cũng như không cấm họ lưu trú tại An Nam?

Vì vậy, tôi khẩn cầu ngài bày tỏ suy nghĩ của tôi đến nhà vua để giúp vua hiểu rõ hoàn cảnh mà đồng bào ta đang phải hứng chịu...”.

Không kém phần thuyết phục, trong đơn thỉnh cầu Nguyễn Trường Tộ gửi Vua Tự Đức năm 1866, có một số câu như: “Nằm ở điểm giao nhau giữa phương Tây và phương Đông, đất nước chúng ta nằm một cách biệt lập, không có sự liên minh với các nước láng giềng. Vậy tại sao chúng ta không làm đồng minh với Pháp? Sức mạnh của nước Pháp giúp chúng ta thoát khỏi nguy hiểm và tình hữu nghị sẽ mang lại cho chúng ta nhiều thắng lợi?...”.

Nguyễn Trường Tộ không chỉ đề nghị triều đình thắt chặt quan hệ với nước Pháp, mà còn mở rộng quan hệ với các nước Châu Âu. Ông viết: “Chính người Hoa đã nhờ người Âu trợ giúp trong việc xây dựng nhà máy, thành lập các ngành kỹ nghệ và trấn yên bờ cõi. Chúng ta luôn tuân theo khuôn mẫu của Trung Hoa, vậy tại sao về phương diện này, ta lại không bắt chước họ?”.

Vị nho sĩ đáng kính này kế thừa hai nền văn hoá vững chắc, đó là văn hoá Pháp và văn hoá phương Đông. Nhà thông thái có đầu óc thực tế và sáng suốt đã nhiều lần giúp đất nước thoát khỏi sự trì trệ. Vị thiên tài này ra đi mang theo sự buồn rầu và nuối tiếc trước sự đổi thay quá chậm của nước nhà. Ông xứng đáng sống mãi trong sự biết ơn của người dân An Nam và được những người đấu tranh vì sự vĩ đại của nước Pháp, nước An Nam và vì nhân loại tôn kính.

Hoàng Hằng - Hồng Nhung
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.