Người nhặt rác trên sa mạc Gobi

KỲ QUAN |

Từng chạnh lòng khi bước chân trên nhiều bãi biển tuyệt đẹp, nhưng đầy rác ở Việt Nam, tôi đã ngỡ ngàng như không tin vào mắt mình trước cảnh sa mạc cát rộng mênh mông, đầy người và lạc đà, nhưng tuyệt nhiên không một miếng rác hay phân gia súc. Tôi tự hỏi, những người có trách nhiệm ở đó đã có biện pháp thần kỳ nào để làm sạch rác? Và tôi đã tìm được câu trả lời khi gặp một người nhặt rác trên sa mạc...
Kỳ tích sa mạc

Đường đến sa mạc Gobi thật cam go: Khởi hành từ Hà Nội, phải dừng chân ở 3 sân bay, mất gần 1 ngày trời, đoàn chúng tôi mới đến được TP. Đôn Hoàng ở vùng tây bắc Trung Quốc, giáp với nước Mông Cổ. Cũng giống như hàng triệu du khách đến đây mỗi năm, đoàn chúng tôi hăm hở đi tham quan sa mạc Gobi. Thật ra chỉ là một góc nhỏ của sa mạc, vùng núi Minh Sa (Minh Sa Sơn), trong sa mạc Gobi lớn nhất Châu Á, trải rộng trên lãnh thổ 2 nước Mông Cổ và Trung Quốc.

Sau khi vào cổng với giá vé 120 nhân dân tệ (NDT, tương đương khoảng 400 ngàn đồng Việt Nam), khách buộc phải làm một việc trước khi đặt chân lên cát sa mạc: Mang “bao chân” kín tới đầu gối. Nó giống như chiếc ủng bằng vải mềm, màu cam, có dây rút buộc chặt ngang đầu gối. Người ta giải thích rằng mang “bao chân” để cát sa mạc không len vào giày, vào quần, vào kẻ chân du khách. Đến khi bước đi trên biển cát sạch tinh tươm, tôi thầm nghĩ: Người ta bày ra chuyện mang “bao chân” không phải vì sợ “một hạt cát chui qua kẽ chân làm cản trở cuộc hành trình”, mà vì sợ đôi giày, bàn chân du khách làm bẩn cát trên sa mạc.

Tiến vào sa mạc, du khách có hai sự lựa chọn: Đi bộ hoặc cưỡi lạc đà. Đi bộ trong cát quãng đường 5 - 7 cây số, dưới trời nắng chói chang, có lẽ chỉ dành cho số ít người thích vận động. Vì vậy mà hầu hết khách đều chọn cưỡi lạc đà, chúng tôi cũng vậy, sau khi mua “vé lạc đà” giá 100 NDT. Tại bãi lạc đà nằm cả trăm con chờ đợi du khách.

Theo người phụ trách khu du lịch, tổng số lạc đà phục vụ đưa rước khách ở đây lên đến cả ngàn con. Mỗi khách một con lạc đà, theo hàng một tiến vào sa mạc. Nhìn hình ảnh đàn lạc đà nối bước nhau đổ bóng xuống sa mạc, tôi chợt liên tưởng tới cảnh lạc đà chở hàng hóa của lái buôn rong ruổi trên “con đường tơ lụa” nổi tiếng từ vùng phía đông Trung Quốc, qua Trung Á, tới Địa Trung Hải cách đây hàng nghìn năm. Từ nỗ lực của nước sở tại khôi phục “con đường tơ lụa” phục vụ du lịch, du khách đến TP. Đôn Hoàng tăng rất nhanh trong những năm gần đây.

Vừa đặt chân đến Đôn Hoàng, chúng tôi được “chủ nhà” tiếp đón chu đáo và cung cấp nhiều thông tin thú vị. Thành phố hơn 200.000 dân này trong năm 2015 đã đón 6,6 triệu lượt khách du lịch và dự kiến trong năm 2016 sẽ đón 8 triệu lượt du khách. Trong 5 năm qua, GDP của thành phố đã tăng gấp khoảng 2 lần, đến năm 2015 đạt 11,5 tỉ NDT (tương đương khoảng 1,8 tỉ USD), trong đó những nguồn thu liên quan tới du lịch đóng góp đến 60%.

Tôi tự hỏi, nhờ đâu mà Đôn Hoàng hấp dẫn du khách đến vậy. Tất nhiên là nhờ sa mạc Gobi và hang Mạc Cao, một di chỉ Phật giáo hàng ngàn năm tuổi. Còn điều gì nữa? Và tôi đã tìm ra câu trả lời khi đi trên sa mạc Minh Sa. Sa mạc rộng mênh mông hầu như không có màu xanh cây lá mà chỉ có màu vàng nhạt của cát. Khu vực Minh Sa Sơn lúc nào cũng có hàng ngàn du khách và lạc đà, nhưng tuyệt nhiên không thấy một mẩu rác hay phân lạc đà. Tôi để ý, không có bất cứ tấm biển “Cấm xả rác” nào trên suốt cuộc hành trình. Người ta đã áp dụng biện pháp “thần kỳ” nào để làm sạch cả sa mạc?

Ông Wang Xin nhặt rác trên sa mạc.

Người nhặt rác

Không phải tất cả du khách đến Minh Sa Sơn đều có ý thức giữ vệ sinh chung. Khi vừa vào sa mạc, tôi đã bắt gặp một người khách vô ý vứt rác xuống cát, dường như là mấy cái vỏ hạt hướng dương. Tức thì, không biết từ đâu, một người đàn ông đã già, đến dùng dụng cụ chuyên dùng để nhặt rác.

Ông dùng chiếc vợt có cán dài, lưới bằng thép, trông giống như dụng cụ chiên xào của đầu bếp, để múc phần cát vừa bị vấy bẩn. Cát chảy hết xuống kẽ vợt, rác nằm lại trên vợt, người đàn ông cho cát vào chiếc túi mang theo người. Ông làm việc một cách bình thản, không chút khó chịu với người khách vừa xả rác, thậm chỉ còn nhoẻn miệng cười thân thiện. Tôi tin chắc rằng, người khách vô tình kia sẽ không còn vứt rác xuống cát trong suốt cuộc hành trình.

Nhờ cô bạn cùng đoàn làm phiên dịch, tôi lân la làm quen người đàn ông nhặt rác trên sa mạc. Ông tên là Wang Xin, 65 tuổi, người dân địa phương. Trước đây ông làm tài xế đưa rước khách du lịch, giờ đã nghỉ hưu, ông đi làm thêm nghề dọn sạch rác trên sa mạc, kiếm thêm mỗi tháng 1.300 NDT. Công việc của ông khá đơn giản, đó là dùng những dụng cụ thô sơ để nhặt rác, làm sạch sa mạc, đôi khi cũng dọn cả phân lạc đà.

“Công việc cũng khá vất vả vì thời tiết nắng nóng, nhưng thu nhập như vậy không phải là tồi”, Wang vui vẻ nói.

Ông Wang cho biết, ông chỉ có một đứa con trai đang làm nghề lái xe giống như ông hồi trước, cuộc sống gia đình ông tạm ổn. Ông đi làm thêm nghề dọn sạch rác trên sa mạc chủ yếu không vì tiền, mà với ý nguyện giữ cho cát luôn sạch sẽ, có như vậy mới thu hút du khách, mà có du khách thì thành phố quê hương ông mới sung túc lên được.

Tôi đinh ninh phải có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người nhặt rác như ông Wang mới “địch” nổi hàng chục ngàn du khách mỗi ngày cùng khoảng 1.000 con lạc đà. Vì vậy mà tôi khá bất ngờ khi biết cả khu Minh Sa Sơn chỉ có vài chục người nhặt rác, hầu hết là người già.

“Quan trọng là giữ thật sạch ở “cửa ngỏ”, khách vào thấy cát sạch tinh tươm, ít ai nỡ xả rác”, ông Wang nói. Du khách thì vậy, còn lạc đà thì sao, nó đâu ý thức được như người? Tôi nêu thắc mắc.

Ông Wang giải thích: “Người chủ lạc đà có cách làm cho nó biết phải làm gì trước khi rời khỏi nhà. Nhưng cũng có những lạc đà “vô kỷ luật”. Trong trường hợp đó chúng tôi phải ra tay dọn dẹp thật nhanh để trả lại sạch sẽ cho cát”. Ông Wang đưa túi “chiến lợi phẩm” lên khoe với chúng tôi: Suốt mấy tiếng đồng hồ ông chỉ “đãi” được một bụm rác!

Nghĩ về rừng ngập mặn

Tôi hỏi một đồng nghiệp người Hà Nội: “Nếu anh đã từng đến sa mạc và cũng đã đến rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long quê tôi, sau này nếu được lựa chọn, anh sẽ chọn lại đi chơi sa mạc hay rừng ngập mặn”. Anh bạn trả lời ngay: “Đi du lịch rừng ngập mặn ở miền Tây, với điều kiện phải sạch sẽ, thân thiện…”.

Không khác suy nghĩ của tôi, anh bạn giải thích: Trong đời, ai cũng muốn một lần đến sa mạc. Nhưng ngoài sa mạc nóng bỏng toàn cát, ít có sản phẩm du lịch kèm theo. Còn vùng rừng ngập mặn miền Tây quê tôi, ngoài cảnh quan thiên nhiên, còn có sông nước mát mẻ, chèo xuồng trên sông, bao sản vật từ rừng, từ sông nước… Vậy mà, cả ĐBSCL quê tôi với bạt ngàn rừng ngập mặn, mỗi năm chỉ đón số khách du lịch từ bên ngoài rất khiêm tốn. Đúng là quê tôi còn nghèo, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn khiêm tốn… Vậy phải làm thế nào để thu hút du khách?

Tôi chợt nhớ đến câu nói, đến ý tưởng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi ông đến dự lễ khai mạc “Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - ĐBSCL” được tổ chức tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang vào tối 10.4 vừa qua.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng nhìn nhận du lịch Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh trong thời gian qua, nhưng cũng thẳng thắn thừa nhận du lịch Việt Nam vẫn còn thua kém không ít nước có lợi thế về thiên nhiên, văn hóa tương tự.

Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, từ bài học thành công ở nhiều nước, chỉ cần làm tốt 2 điều là “sạch sẽ và thái độ” cũng khiến du khách hài lòng hơn rất nhiều. Hai điều này không cần trường lớp lớn, cũng chưa cần giỏi ngoại ngữ. Tất cả mọi nơi, mọi thứ từ to tới nhỏ đều phải sạch sẽ, thật sạch sẽ. Tất cả mọi lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười... đều thể hiện, khởi phát từ tấm lòng tôn trọng khách.

Phó Thủ tướng tin rằng, bằng hành động thiết thực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, du lịch Việt Nam trong đó có vùng ĐBSCL sẽ có bước phát triển ấn tượng trong năm 2016, tạo đà cho một thời kỳ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn...

KỲ QUAN
TIN LIÊN QUAN

Cảm ơn ông tây nhặt rác

LÊ THANH PHONG |

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có một hành động rất đẹp, đến thăm, trò chuyện và cảm ơn “ông tây nhặt rác”. Ông tây nhặt rác đó là James Joseph Kendall (quốc tịch Mỹ), người sáng lập nhóm Vì Hà Nội sạch (Keep Hanoi Clean).

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Cảm ơn ông tây nhặt rác

LÊ THANH PHONG |

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có một hành động rất đẹp, đến thăm, trò chuyện và cảm ơn “ông tây nhặt rác”. Ông tây nhặt rác đó là James Joseph Kendall (quốc tịch Mỹ), người sáng lập nhóm Vì Hà Nội sạch (Keep Hanoi Clean).