Làng chài thờ hai chữ Tổ Quốc

Thanh Hải |

Làng là một đất nước, một tổ quốc thu nhỏ. Làng - tổ quốc luôn nằm trong tâm thức mỗi người dân. Đó là lý do làng chài Xuân Dương (TP. Đà Nẵng) thờ 2 chữ Tổ Quốc.
Làng biển cổ

Cầu đường sắt Nam Ô bắc qua đoạn cuối của sông Cu Đê, đổ ra vịnh Đà Nẵng có những nhịp cong cổ kính, đẹp như cầu Trường Tiền, nổi bật trên nền núi Hải Vân. Nhưng cái độc đáo của cầu Nam Ô là bắc qua nơi hoang sơ cửa biển. Phía bờ nam là mõm Lỗ Hạc với nhiều ghềnh đá, hang động thâm u, ẩn núp dưới cánh rừng nguyên sinh, nhô ra tận biển. Bờ bắc là núi Hải Vân hùng vĩ, quanh năm mây trắng lững lờ.

Lối mòn ra mõm Lỗ Hạc chừ lắt léo trong xóm Vực, bởi dải đất cách mép sông, bờ biển chừng hơn 100 mét đã bị nhà nước thu hồi, giao cho Tập đoàn Trung Thủy làm dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Dự án được cho là đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, xây dựng gần 100 căn biệt thự hiện đại có hướng (view) ra biển. Tuy vậy, được triển khai từ năm 2012 đến nay, dự án này cũng chỉ mới giải toả, đập tan hoang nhà dân, rồi rào thép B40 để đó, xí phần đất. Lão ngư Nguyễn Heo ngồi bó gối nhìn xa xa về phía biển. Thấy khách lạ cũng chẳng buồn đứng dậy, bởi tưởng chúng tôi là những cán bộ ban giải toả đền bù. Ông lắc đầu ngán ngẩm: “Bao năm nay, người dân đã mất đường ra biển, con dân ở xóm Vực đang trước nguy cơ không có việc làm, thiếu đói”.

Ở tuổi 83, ông Heo vẫn vạm vỡ, ăn sóng nói gió. Ông kể, quanh mõm Lỗ Hạc có 3 xóm thuộc 2 làng là Xuân Dương và Nam Ô vốn là vùng đất hiểm trở sát chân đèo Hải Vân, nhưng sơn thủy hữu tình. Từ xa xưa, vùng đất này là cảng thị sầm uất của người Chiêm thành. Tại đây còn lưu dấu nhiều di tích vật thể như đền chùa, giếng vuông và cả những câu chuyện huyền sử mang đậm dấu ấn mở cõi về phương nam của nước Đại Việt. Nhưng đến đời cha ông mà chúng tôi biết được, thì Nam Ô, Xuân Dương vẫn chỉ là những làng chài nghèo với các tên nghe đã thấy… nghèo: Xóm Vực, Xóm Núi, và Xóm Vịnh.

“Nghèo nhưng không đói, chưa bao giờ đói. Nam Ô, Xuân Dương nổi tiếng với nghề làm pháo nổ trước đây, nghề làm nước mắm truyền thống và hấp dẫn bởi nhiều thủy hải sản tươi ngon. Nhưng bây giờ, cũng vì vị trí đẹp mà hàng ngàn hộ dân đang trước nguy cơ phải bỏ làng chài với hàng trăm năm truyền thống của mình để nhường đất cho phát triển du lịch. Mà cũng đúng thôi, vùng đất đẹp, sơn thủy hữu tình thì ai cũng thích đến ở mà thưởng ngoạn thiên nhiên kỳ thú này. Trước đây, cha ông chọn vị trí thuận lợi, hợp phong thuỷ để lập làng, giữ đất cho con cái sinh sôi. Nay, nhà đầu tư, doanh nghiệp nhòm ngó, chiếm dụng là lẽ đương nhiên rồi”. Ông Heo chua xót.

Thờ 2 chữ Tổ Quốc

Ông Lê Chướt, dẫn chúng tôi lên đình làng Xuân Dương, một chỉ dấu văn hoá vật thể lâu đời để giới thiệu về lịch sử làng. Bước lên những bậc tam cấp đầu tiên của đình làng, đập vào mắt chúng tôi là những phiến đá Chăm cổ. Ngay Trưởng Ban đình làng Lê Chướt cũng không biết những phiến đá đó có ý nghĩa gì, xuất hiện niên đại nào.

Ông thuyết minh, đình làng Xuân Dương được xây dựng từ năm 1837 nhưng đơn sơ. Đến thời kỳ Tự Đức 1848-1884 mới được đại tu, và đến năm Thành Thái thứ 12- 1900 thì mới xây lại bằng những kết cấu sườn gỗ vững chãi mãi đến bây giờ. Trong sổ ghi chép làng có mô tả, khi xây dựng đình làng, người dân đã đào được những phiến đá Chăm cổ dưới nền móng. Vì không biết người xưa làm vật thờ cúng gì, có linh thiêng hay không, để tránh mạo phạm, dân làng đã đặt để phía ngoài sân đình.

Cũng theo ông Chướt, ngày truyền thống lễ hội của làng Xuân Dương là định kỳ vào rằm tháng 2 âm lịch. Đấy là ngày lễ hội lớn nhất trong năm. Ngoài các lễ nghi cúng kính linh đình, tại đình làng còn có 2 đêm hát bội (hát bộ). Đây còn là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng, tổ chức việc làng... như một đơn vị hành chính nhà nước cấp thấp nhất. Nói chung, đình làng là nơi thiêng liêng nhất…

Tháng 1 năm 1946, đình làng Xuân Dương là địa điểm tổ chức bầu cử Quốc Hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà cho cả vùng. Điều đặc biệt là đình làng thờ 2 chữ Tổ Quốc. Đây có lẽ là làng chài duy nhất trên đất Việt thờ 2 chữ Tổ Quốc, đặt trang trọng trên bức hoành phi ở chánh điện. Ngay những người cao tuổi nhất làng hiện nay như cụ Lê Trọng Bính, cụ Huỳnh Hỷ cũng không rõ lý do vì sao làng chài này lại thờ 2 chữ Tổ Quốc. Họ chỉ biết là trong lần trùng tu vào tháng 5 năm Giáp Thìn - 1964, thì bức hoành phi có 2 chữ Tổ Quốc mới được tiến cúng để thờ tự.

Giữ được làng nhờ 2 chữ Tổ Quốc

Ông Đặng Dùng, một người “viết sử” ở làng Nam Ô lý giải: “Nếu có niềm tin thì sẽ linh thiêng. Làng là một đất nước, một tổ quốc thu nhỏ. Làng - Tổ quốc luôn nằm trong tâm thức mỗi người dân, thờ tự là đương nhiên”. Nhưng dường như có sự ngẫu nhiên thú vị ở đình làng Xuân Dương này là nhờ vào 2 chữ Tổ Quốc thờ trong chánh điện mà đình làng này không bị xoá sổ. Đó là vào những năm đầu thập niên 60, khi xây dựng hạ tầng cơ sở tại Đà Nẵng, đặc biệt là xây dựng sân bay quân sự, một công ty của Mỹ đã mua trọn gói núi đá Xuân Dương.

Làng Xuân Dương đương nhiên là được lệnh giải toả trắng để họ nổ mìn, phá đá. Tuy nhiên người dân đã đấu tranh quyết liệt. Và chính vì “vướng” 2 chữ Tổ Quốc mà nhà cầm quyền lúc đó đã chịu nhường nhịn, làng được giữ lại. Vì vậy người dân càng tin vào sự linh nhiệm của 2 chữ Tổ Quốc. Đặc biệt, tết Mậu Thân 1968, khi giao tranh ác liệt, Mỹ đã ném liên tiếp 4-5 quả bom xuống làng Xuân Dương. Nhưng điều kỳ lạ, không thể giải thích được là tất cả các quả bom lúc ấy đều không phát nổ. Làng bình yên và đình còn nguyên vẹn.

Một câu chuyện khác, ngoài chính sử được kể về người tiến cúng 2 chữ Tổ Quốc cho đình làng Xuân Dương. Ông Đặng Dùng nói, đây là câu chuyện mà ai ở trong làng cũng đều biết, nhưng họ chỉ xầm xì truyền miệng vì có sự hiềm khích giữa các họ tộc mà nhiều đời nay chưa hóa giải. Tác giả bức hoành phi là người văn hay, chữ tốt, làm nghề điêu khắc mộc ở làng Xuân Dương - ông Sáu Cân.

Nhưng, ý tưởng của 2 chữ Tổ Quốc để tiến cúng cho đình làng thờ lúc đó là của ông Đặng Xuân Thái. Khi trùng tu đình làng, các tộc họ Lê, Huỳnh, Nguyễn… trong làng đều bàn tính những vật phẩm thật xôm tụ để cúng khi khánh thành. Có họ sắm bộ lư đồng lớn, có nhà chuẩn bị cặp chim hạc, họ tộc khác thì đặt đúc cặp độc bình thật giá trị… Ai cũng muốn vật phẩm mình sẽ đặt trang trọng nhất trong chánh điện để tỏ lòng thành với tiền hiền, để được ghi công đức. Họ Đặng của ông Thái không có điều kiện kinh tế bằng người ta, nên ông buộc phải dụng trí.

Hai chữ Tổ Quốc ông Thái nghĩ đến chắc chắn sẽ là vật phẩm được chọn và đặt thờ nơi trang trọng nhất. Quả thật, vật phẩm tiến cúng nhân dịp khánh thành đình làng sau lần trùng tu năm 1964 của ông Thái đã được hội đồng các họ tộc của làng Xuân Dương bình chọn là có ý nghĩa nhất, được đặt nơi trang nghiêm nhất để thờ tự. Dẫu vậy, nhiều người trong làng vẫn không phục... Nhưng ý nghĩa 2 chữ Tổ Quốc lớn lao, xứng đáng để người làng tin yêu, luôn tâm nguyện tốt để bồi đắp cho quê hương mình.

Ông Dụng nói, giữ được làng truyền thống là giữ được văn hoá. Giữ được văn hoá thì giáo dục con người sẽ thành công. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, phải bảo tồn văn hoá, phải giữ làng. Nhưng điều tâm nguyện ấy dường như quá xót xa đối với người làng Nam Ô, Xuân Dương bây giờ. Hơn 200 hộ đầu tiên đã mất đất ở, nhường mặt tiền biển cho dự án du lịch. Số còn lại đang còn “treo”, chờ giai đoạn 2 của dự án.

Một làng chài có trên 400 năm lịch sử đang trước nguy cơ không còn dấu tích. Và những di sản vật thể này cũng sẽ sớm thành huyền sử, thành ký ức mờ xa của người Đà Nẵng mai sau.
Thanh Hải
TIN LIÊN QUAN

Nghiệp vớt xác thầm lặng của những người đàn ông ở làng chài nghèo

Phố Nhơn |

Nghe đến “câu kiều”, có lẽ những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó mà hình dung rằng đây là một ngư cụ dùng để đánh bắt cá. Bên cạnh việc dùng để đánh bắt cá, những người đàn ông khỏe mạnh ở thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) còn dùng câu kiều để tìm xác người bị chết ở các ao, hồ, sông... Họ làm công việc này một cách thầm lặng như chính sự bình dị của con người họ.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023 (ngoài cùng, bên phải). Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Vì sao Đại học quốc gia Hà Nội giới hạn thi đánh giá năng lực 2 lần?

Linh Chi - Dương Anh |

Từ năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) sẽ giới hạn mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi đánh giá năng lực tối đa 2 lần. Điều này được GS.TS Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐHQGHN lý giải là do muốn tạo công bằng cho các thí sinh.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Nghiệp vớt xác thầm lặng của những người đàn ông ở làng chài nghèo

Phố Nhơn |

Nghe đến “câu kiều”, có lẽ những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó mà hình dung rằng đây là một ngư cụ dùng để đánh bắt cá. Bên cạnh việc dùng để đánh bắt cá, những người đàn ông khỏe mạnh ở thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) còn dùng câu kiều để tìm xác người bị chết ở các ao, hồ, sông... Họ làm công việc này một cách thầm lặng như chính sự bình dị của con người họ.