La Dạ xa xăm…

NGUYỄN TRI THỨC |

Chúng tôi đến xã La Dạ, vùng đất xa xăm của huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận khi vụ đánh tráo nông cụ phát cho hộ nghèo vẫn chưa lắng xuống. Không chỉ có thế, dù đổi thay đã nhiều nhờ có sự đầu tư từ các chương trình lớn, ý nghĩa của Đảng và Nhà nước, La Dạ vẫn còn những vệt buồn xa xăm, đặc biệt là về đời sống của không ít đồng bào địa phương thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn này…

Đáng quên, nhưng cần phải nhớ

Cuối năm 2016, theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 306 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và các hộ nghèo khác ở xã La Dạ - một trong những xã nghèo nhất tỉnh Bình Thuận - được xét duyệt hỗ trợ hơn 1,5 tỉ đồng để mua nông cụ phục vụ sản xuất.

Ý tưởng mua nông cụ trao đến tay bà con (theo nhu cầu người dân đăng ký), thay vì phát mỗi hộ 5 triệu đồng tiền mặt là tốt. Nhưng buồn thay, điều không hay đã xảy ra vào đầu năm 2017, khi UBND xã La Dạ tiến hành trao nông cụ cho dân. Lập tức, nhiều bà con ở cả 4 thôn của xã nghi ngờ, bức xúc cho rằng, thay vì họ được nhận máy phát cỏ, máy bơm nước, máy xịt thuốc đeo vai của Nhật Bản, thì chỉ có thùng đựng máy là xịn, còn máy móc lại là hàng có xuất xứ… Trung Quốc. Các sản phẩm cũng không có giấy hướng dẫn sử dụng, bảo hành. Nhiều người mang về không thể sử dụng vì thiếu phụ kiện. Nhiều người nghi ngờ, giá trị của máy nông cụ mà họ được hỗ trợ không đến 5 triệu đồng, thậm chí chỉ là 2 - 3 triệu đồng/loại máy… Khi người dân thôn 4 thắc mắc, chủ cơ sở cung cấp máy nông cụ đã cam kết khắc phục những hậu quả gây ra, như cấp phát bổ sung những cuộn dây tưới, máy cắt cỏ Trung Quốc… Tuy nhiên, các hộ ở thôn khác thì chưa được hưởng những gì họ đáng được… Vụ tai tiếng lan rộng, và tỉnh, huyện phải vào cuộc, lập đoàn kiểm tra vụ đánh tráo nông cụ ở La Dạ.

Ông Huỳnh Thúc Mẫn - Chủ tịch UBND xã La Dạ - cho rằng, dù đã kiểm tra khi nhận máy móc đã phát cho bà con, nhưng vì không có kiến thức chuyên môn, không rành về máy móc nên mù mờ… “Tiền của hộ nghèo tuyệt đối chúng tôi không đụng vào. Chúng tôi cũng mong làm rõ để xử lý chứ không mang tiếng lắm”, ông Mẫn nói. Giữa tháng 3.2017, khi chúng tôi đến, những công việc khắc phục vẫn đang được tiến hành, bởi sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Bình Thuận điều tra, báo cáo vụ việc trước ngày 10.2, nhưng vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tiếp tục điều tra, xử lý, báo cáo vụ việc trước ngày 1.5.2017.

Sự việc này đáng quên, nhưng cần phải nhớ, không chỉ cho riêng xã La Dạ, đặc biệt khi các hộ bị ảnh hưởng thuộc diện ưu tiên, rất dễ gây ra những điều tiếng không hay, không chỉ riêng với uy tín của tỉnh Bình Thuận… Nhưng cũng không vì thế mà quên đi những kết quả đã đạt được của địa phương với nhiều chính sách hỗ trợ bà con vùng cao, vùng sâu của Đảng và Nhà nước...

 Ông Sim Bốn và tác giả trong căn nhà mới xây năm 2016, sau khi trúng vụ điều . Ảnh: LÂM QUÂN

Đã khởi sắc, nhưng còn trở trăn

Dọc con đường đến xã đã được trải nhựa gần hết đoạn tuyến, đôi chỗ còn lồi lõm khó đi, thấy những đoạn rừng khô xác xơ, khẳng khiu cây nhỏ trơ trụi lá, cây leo, cây dại. Thấy những đồi trọc hoác trống, hoặc mới trồng càphê nên còn tươi màu đất. Thế nhưng ông ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận - bảo, “phải giữ lắm mới được thế này đấy”. Cũng một phần là nhờ việc bà con nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng, được giao đất trồng càphê, điều cho thu hoạch khá nên nạn phá rừng giảm đi, chứ trước đây, nạn phá rừng ở các huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc là rất đáng báo động…

Chúng tôi hỏi những ngôi nhà xây kiên cố ngay sát đường nhựa nhưng lại bị bỏ hoang, ông Hòa cho biết, khi quy hoạch khu tái định cư, chính quyền đã không tìm hiểu hết nguyện vọng của dân, nên nhiều hộ dù vẫn nhận nhà nhưng bỏ trống và làm những nhà sàn truyền thống để ở, vì tâm lý, tập tục đã quen, không thích ở nhà xây. Tất nhiên, có nhiều hộ gia đình vẫn ở. Và họ không chỉ quen, mà còn trở thành những điểm sáng trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Phạm Đức Mạnh - Phó Trưởng phòng Chính sách nghiệp vụ, Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận - cho rằng: “Với việc lồng ghép các chủ trương của Trung ương và địa phương, nhiều hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số đã thể hiện tính năng động, ý chí vươn lên thoát nghèo và hướng đến làm giàu”. Ông Bờ Đan Vương - Bí thư Đảng ủy xã La Dạ - cho biết, Nhà nước đã đầu tư rất lớn cho địa phương, đặc biệt là xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, trường học, điện…), cấp đất sản xuất, tạo điều kiện giúp đời sống bà con được nâng lên, hộ nghèo giảm, hộ đói không còn. Tuy nhiên, bà con sống chủ yếu bằng nghề nông, phụ thuộc vào thời tiết, vẫn thiếu nước sinh hoạt, trình độ dân trí, văn hoá thấp hơn mặt bằng. Đội ngũ cán bộ được đầu tư, đào tạo, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Mặt khác, tư duy, tập quán sản xuất của bà con còn chậm. Kinh nghiệm trong làm ăn kinh tế không nhiều, thiếu tính toán, tích luỹ… Một bộ phận còn mang tâm lý ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước...Toàn xã có 869 hộ, 3.584 nhân khẩu, thì có đến 286 hộ nghèo (32,9%), 183 hộ cận nghèo (21%).

Hôm chúng tôi đến, nhà ông B’Rông Xam ở thôn 1 đang chuẩn bị lễ “bắt rể”. Căn nhà xây rộng thênh ngay sát mặt đường ồn ào tiếng nói cười, vì có đến hơn chục người đang túm tụm gói bánh tét để mang đến nhà trai “bắt rể”. Được biết, nhà ông gói khoảng 50kg gạo nếp, tổng tiền cưới hết khoảng 60 - 65 triệu đồng, chưa kể rượu cần, bia… Tất nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế để “bắt rể” với số tiền lớn như vậy. Có những gia đình vẫn tiến hành “bắt rể”, nhưng được nhà trai cho nợ, sau này nếu làm ăn được thì trả sau… Chính nhà ông B’Rông Xam cũng có một con trai đã về bên nhà vợ, nhưng gia đình ông không đòi hỏi gì, chưa nhận lại gì cả, bởi nhà gái chưa có điều kiện.

Ông B’Rông Xam trước làm công tác ở xã hơn 20 năm, sau khi làm xã đội, ông có hơn 15 năm làm công tác chữ thập đỏ và hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ xã. Nhà có điều kiện kinh tế khá, bởi ông chịu khó, lam lũ làm việc. Mỗi năm, từ 2ha caosu, 3 ha điều, nhận khoán bảo vệ 40 mẫu rừng, rồi làm nương, chăn nuôi, gia đình ông thu được khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Vào mùa thu hoạch, gia đình ông phải thuê người làm, ngày cao điểm thuê khoảng chục người, nam giới làm những việc nặng hơn thì trả công 200.000 đồng/ngày, còn phụ nữ 150.000 đồng/ngày. Những người làm chủ yếu là bà con, anh em. Ông cho biết, mỗi thôn còn khoảng chục người nghèo, nguyên nhân chủ yếu do không có đất, ốm yếu, chồng mất không có con cái nuôi…Tôi đùa có phải ông thuộc hộ giàu nhất xã không, khi 2 năm mà “bắt rể” cho 2 cô con gái đã hết hơn 100 triệu đồng, lại vừa “bắt” chiếc xe máy giá 45 triệu, ông B’Rông Xam cười cười, “xã mình cũng vậy vậy, không có ai giàu nhất hết, chủ yếu những người chịu khó làm ăn, học hỏi...”.

Nhà ông Sim Bốn cũng nằm ngay sát mặt đường nhựa ở thôn 1, với căn nhà ngói khang trang, nhưng xây ngay bên cạnh là ngôi nhà sàn truyền thống. Nhà có 4 con trai đã theo vợ trong khi 4 cô con gái cũng đã “bắt rể” về ở cùng. Năm 2016 rồi, trúng mùa điều được 60 triệu đồng, ông Sim Bốn làm lại căn nhà đã xây từ năm 1978. Ông cũng chia cho 4 cô con gái 4 mảnh đất ở xung quanh, và những vườn điều, caosu, mảnh rừng nhận khoán bảo vệ để sinh cơ lập nghiệp. Thu nhập từ điều, caosu, ruộng nương, chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, nhận khoán bảo vệ rừng… cũng “sống được”, khoảng 60 triệu đồng/năm. Ông Sim Bốn nhớ lại: “Ngày chưa có cao su (trước năm 2002), bà con khó khăn lắm. Bây giờ, caosu năng suất không bao nhiêu, giá thấp, nhưng đủ ăn lai rai”. Cái ngày chưa có caosu, chưa có điều, chưa biết chăn nuôi ấy, bà con kéo từng sợi mây, chặt từng gốc măng, đường không có mà đi, chỉ đi bộ. Bây giờ, mỗi hộ 2 - 3 cái xe máy, đường trải nhựa phẳng lỳ… Hỏi bà con có kiến nghị gì không, ông Sim Bốn nói, “bà con nhờ Nhà nước hỗ trợ giá cả ổn định thôi, nhất là caosu. Giá giờ thấp quá, nhưng phải chịu thôi chứ không chê trách gì”.

Chia tay La Dạ, chợt thấy bớt những xa xăm, mịt mờ, dẫu cho vụ đánh tráo nông cụ vẫn chưa khép lại…

NGUYỄN TRI THỨC
TIN LIÊN QUAN

Ánh mắt cầu cứu của “biểu tượng Đà Nẵng”

HOÀNG VĂN MINH |

Có người bảo Đà Nẵng có ba nơi nhạy cảm. Một là bờ biển thì coi như đã “xong”. Hai là bờ sông Hàn hiện cũng đã “hòm hòm”. Điểm còn lại là Sơn Trà, hiện đang “dậy sóng” bởi dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng của Cty Cổ phần Biển Tiên Sa cùng với “quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nếu đề án này thành hiện thực, Sơn Trà sẽ “nát như tương” và những đàn voọc chà vá chân nâu - biểu tượng của Đà Nẵng tại APEC 2017 tới đây sẽ không còn đất sống.

Nước mắt và nụ cười trong kỳ phát lương “vô tiền khoáng hậu”

LÊ TUYẾT |

Sau 5 năm kiên trì đeo bám, chạy ngược chạy xuôi theo đuổi vụ kiện doanh nghiệp FDI nợ lương công nhân rồi “biến mất”, vừa qua, LĐLĐ huyện Củ Chi (TPHCM) đã thắng kiện, đòi lại được hơn 4 tỉ đồng tiền lương cho 677 anh chị em. Trong buổi phát lương, những nụ cười, và nhiều nước mắt của CN đã rơi, vì thông cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của nhau. Có thể coi đây là kỳ phát lương “không tiền khoáng hậu”, một sự kiện đặc biệt trong lịch sử hoạt động của tổ chức công đoàn.

“Giết” suối Củn và hơn thế nữa...

LÃNG QUÂN |

Xác lợn chết trải đầy đèo Bông Lau, trải từ Lạng Sơn sang Cao Bằng, từ Phú Thọ lên Tuyên Quang, Hà Giang. Những con lợn bị cho uống thuốc an thần, nằm ngất ngư trong xe, đi hàng nghìn cây số “vượt biên” đã chết thảm. Những xác lợn chết bị vứt bừa bãi, “bức tử” môi trường...

Ngư dân Quảng Nam đón giao thừa trên biển: Nhớ nhà, nhớ con lắm chứ

Nguyễn Linh |

Những ngày cận tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các ngư dân Quảng Nam hối hả chuyển lương thực, nước uống xuống tàu để chuẩn bị một chuyến vươn khơi xuyên Tết.

Kỳ vọng về những thay đổi trong chính sách bán lẻ xăng dầu

Anh Tuấn |

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự báo 2023 sẽ là năm tiếp tục khó khăn với thị trường xăng dầu nên chúng ta cần có giải pháp ứng phó mang tính dài hạn và bền vững để tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Trong đó, mấu chốt là cần phải thay đổi những chính sách bán lẻ xăng dầu.

Đề xuất sửa đổi một số thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip

Việt Dũng |

Trong dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Bộ Công an đã đề xuất thay đổi một số thông tin trên mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước.

Loạt cửa hàng ăn uống tại TPHCM phục vụ xuyên Tết

NGỌC LÊ |

TPHCM - Thời điểm này, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ tại TPHCM đã bắt đầu nghỉ bán. Tuy nhiên, một số quán cà phê, quán kinh doanh đồ ăn thức uống ở thành phố vẫn mở bán xuyên Tết để phục vụ khách du xuân.

Nghệ An: Nhất chi mai ế ẩm, chủ vườn lo âm vốn

Quỳnh Trang |

Nhất chi mai là một loài mai thuộc top “thập đại danh hoa” nổi tiếng đẹp bậc nhất. Tính đến thời điểm hiện tại (29 tết) thị trường hoa Tết ở Nghệ An loài hoa này chưa đủ cạnh tranh với các loài hoa khác nên rất ít người quan tâm.

Ánh mắt cầu cứu của “biểu tượng Đà Nẵng”

HOÀNG VĂN MINH |

Có người bảo Đà Nẵng có ba nơi nhạy cảm. Một là bờ biển thì coi như đã “xong”. Hai là bờ sông Hàn hiện cũng đã “hòm hòm”. Điểm còn lại là Sơn Trà, hiện đang “dậy sóng” bởi dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng của Cty Cổ phần Biển Tiên Sa cùng với “quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia Sơn Trà, TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nếu đề án này thành hiện thực, Sơn Trà sẽ “nát như tương” và những đàn voọc chà vá chân nâu - biểu tượng của Đà Nẵng tại APEC 2017 tới đây sẽ không còn đất sống.

Nước mắt và nụ cười trong kỳ phát lương “vô tiền khoáng hậu”

LÊ TUYẾT |

Sau 5 năm kiên trì đeo bám, chạy ngược chạy xuôi theo đuổi vụ kiện doanh nghiệp FDI nợ lương công nhân rồi “biến mất”, vừa qua, LĐLĐ huyện Củ Chi (TPHCM) đã thắng kiện, đòi lại được hơn 4 tỉ đồng tiền lương cho 677 anh chị em. Trong buổi phát lương, những nụ cười, và nhiều nước mắt của CN đã rơi, vì thông cảm, chia sẻ với hoàn cảnh của nhau. Có thể coi đây là kỳ phát lương “không tiền khoáng hậu”, một sự kiện đặc biệt trong lịch sử hoạt động của tổ chức công đoàn.

“Giết” suối Củn và hơn thế nữa...

LÃNG QUÂN |

Xác lợn chết trải đầy đèo Bông Lau, trải từ Lạng Sơn sang Cao Bằng, từ Phú Thọ lên Tuyên Quang, Hà Giang. Những con lợn bị cho uống thuốc an thần, nằm ngất ngư trong xe, đi hàng nghìn cây số “vượt biên” đã chết thảm. Những xác lợn chết bị vứt bừa bãi, “bức tử” môi trường...