Học phí với con công nhân: Nỗi lo mùa khai trường

Kim Anh - Lê Tuyết |

“Dù có vất vả bao nhiêu chăng nữa, tôi cũng chịu được hết, miễn là các con được đến trường. Cuộc đời làm công nhân của mình, có cái gì đáng giá ngoài con cái”. Tâm sự của chị Nguyễn T.N (33 tuổi, công nhân KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) cũng là tâm trạng chung của những ông bố, bà mẹ là công nhân mà chúng tôi đã tiếp xúc ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Họ phải vượt qua bao nỗi lo toan, gắng gượng đóng đủ các khoản phí học đường để con cái cắp sách đến trường cho bằng bạn, bằng bè.
Chạy sấp ngửa lo tiền cho con đến trường
“Cứ mỗi độ thu sang/Bố mẹ lại quáng quàng/Tiền trường, tiền quỹ lớp/Sợ thay lúc thu sang…” - chị Ngọc Anh - công nhân Cty SMY (huyện Hóc Môn, TPHCM) - buột miệng đọc mấy câu thơ do chị “chế” lại khi nói về tiền học phí của cô con gái vừa lên lớp 10. Rồi chị thở dài, giọng buồn buồn: “Nhớ khi mình còn nhỏ, mùa khai trường chỉ cần có cuốn sách Tiếng Việt, Toán và một cuốn vở, bố mẹ làm nông cũng đâu đến nỗi đau đầu như mình. Bây giờ, mùa khai trường gắn liền với hàng trăm nỗi lo, những gia đình công nhân như mình chật vật vô cùng”.

Mấy hôm nay, chị Anh ngược xuôi tìm việc mới vì công ty cũ ngừng hoạt động, bà giám đốc “biến mất” mang theo 2 tháng tiền lương của công nhân. Không những chị Anh, mà gần 150 công nhân khác cũng đang điêu đứng vì bị nợ lương. “Những công nhân độc thân thì đỡ, còn như mình vừa chồng ốm, con lại vào năm học mới, hoàn cảnh của tôi còn hơn cả… ngồi trên đống lửa”. Chồng chị bị thoái hóa đốt sống lưng, gai cột sống, phải nằm bệnh viện điều trị dài ngày. 

Tiền thuốc thang cho anh, tiền trọ, tiền ăn, tiền học phí cho con, đều một mình chị gồng gánh, lo toan. “Con gái vào lớp 10, đi học từ đầu tháng 8. Năm đầu cấp tốn kém nhiều chi phí. Vừa rồi, may cho con gái bộ áo dài, suýt nữa là con không được mặc vào ngày khai giảng, vì không có tiền lấy. Định là ngày 28.8 nhận lương, sẽ cho con gái tiền, thì ngày đó bà giám đốc cũng biến mất. Tôi vừa thương con, vừa chán cái cảnh của mình, may mà còn có các dì. Mấy hôm nay để có tiền vừa lo cho con, vừa lo cho chồng, tôi đã vay nóng mấy chỗ. Chỉ thương con gái, mới đầu năm học cũng chịu cảnh nợ nần học phí. Tủi thân” - chị Anh tần ngần

 

 

Trong những lần hỏi chuyện, “tủi thân” là từ mà nhiều chị em công nhân nhắc đi nhắc lại khi nói đến chuyện đi học của con mình. Chiều 9.9, chúng tôi đến nhà chị P - công nhân Cty Dio (huyện Hóc Môn, TPHCM) - gặp lúc gió thốc từng cơn làm mái tôn rung lên bần bật, mưa tạt ướt cả một góc phòng. Chị P sống một mình, con trai chị vừa vào lớp 4 Trường Tiểu học Tam Đông (Hóc Môn). Thường ngày, chị tăng ca tới 18h30 mới về, con trai đi học về phải ghé qua nhà hàng xóm trong khu trọ chơi. Chiều nay trời mưa to, vừa đi làm về chị chạy sấp, chạy ngửa gọi con ý ới. 

Qua bà chủ trọ tốt bụng giới thiệu, chị mới chịu gặp chúng tôi. Mấy tháng rồi công ty thiếu đơn hàng, công nhân ít việc nên chỉ được nhận 70% lương cơ bản, vào khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. “Một mình nuôi con vất lắm” - chị đưa tay vuốt má con, khẽ nựng - “từ đầu tháng 7 cháu đã học hè, với mức 250.000 đồng/tháng, tuần học 3 buổi. Cuối tháng 8 thì đi học chính thức. Vì nhà neo người nên tôi cho cháu học bán trú, tiền ăn mỗi ngày 25.000 đồng, chưa kể phí phục vụ, chén đũa, bàn ghế… Trung bình mỗi tháng 800.000 đồng, bằng tiền phòng trọ của hai mẹ con. Chủ nhật vừa rồi, họp phụ huynh, trường thông báo đóng hơn 1,5 triệu đồng. Thu nhập từng đó, học phí của con, chưa kể tiền ăn của mẹ, tiền nhà trọ, chưa gì đã thấy âm. Mình phải tự mà xoay, vay nóng, vay nguội, tới đâu hay tới đó” - chị phân trần.

Cô Nguyễn Thị Thành - chủ nhà trọ 32/4A ấp Đông 1, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM - chia sẻ, gần 20 năm cô mở nhà trọ cho thuê, người gắn bó lâu nhất với cô cũng đã gần 15 năm lập gia đình, sinh con. “Gia đình thì đông nhưng trẻ con đi học thì không nhiều, cả khu trọ gần 100 phòng, chỉ có 4 đứa trẻ đi học, 2 đứa lớp 6, 1 đứa lớp 1, 1 đứa lớp 4 và mấy đứa nhỏ. Ở đây học phí đắt đỏ, mấy đứa thường gửi con về quê, đi làm rồi gửi tiền về nuôi con. Lắm lúc, nhiều cặp vợ chồng kình cãi nhau chỉ vì không kiếm đủ tiền học phí cho con. Vợ chồng lục đục, cô lại đứng ra giảng hòa” - cô Thành kể.
Nơm nớp suốt năm học

Sau khi liệt kê một loạt các khoản học phí, chị P lại thở dài: “Bây giờ trường không thông báo đóng một lần như mấy năm trước nữa, mà sẽ chia nhỏ ra nhiều khoản. Cuối tháng 9, đầu tháng 10, trường lại tổ chức họp phụ huynh học sinh, khi đó trường sẽ thông báo các khoản như quỹ hội, đóng góp mua quạt, mua bảng tương tác... Con đi học mà nơm nớp lo sợ, mỗi lần trường thông báo họp phụ huynh học sinh là mình phải chuẩn bị tiền”. Chị Thanh Tâm - công nhân Cty Tân Hoàng Gia - tiếp lời: “Đó là chưa kể tiền học thêm. Nghe đến tiền học thêm mà mình khiếp luôn. Học tiếng Anh, học văn hóa, học bồi dưỡng, học kèm. Nếu con mình học bán trú thì mỗi tháng đóng thêm từ 800.000 - 1 triệu đồng, học thêm 300.000 đồng/tháng, tiếng Anh thì tùy nơi mình gửi con, tôi mới tìm hiểu thì vào khoảng 3,5 triệu đồng/khóa. Tôi đang tính cho con đi học tiếng Anh, còn học thêm thì thôi”.

 Chị Tâm tự hào khoe, con trai chị vừa vào lớp 4 trường Tam Đông, 3 năm liền đạt học sinh giỏi dù không học thêm môn nào. “Học thêm đắt quá. Mình dặn con, cái nào không hiểu thì con hỏi thầy. Nhà mình vừa không có tiền, bố mẹ lại thường xuyên tăng ca, không có thời gian để đưa đón con đi học thêm được. Không học thêm, con mình cũng gặp nhiều khó khăn như kiểm tra giữa kỳ, con có cố gắng thì cũng khó mà bằng bạn được. Thường thì cuối năm, tôi sẽ xin nghỉ tăng ca một tháng, đi xin thầy cô cho cháu học thêm tháng cuối cùng trước khi thi cuối học kỳ, về nhà mình kèm thêm cho con để con vững tâm đi thi” - chị Tâm chia sẻ.

Không chỉ lo các khoản tiền học phí, nhiều con công nhân bị cái “án trái tuyến” đeo bám và chi phí đóng cho “cái án” này cũng không phải ít. Nhìn dáng người gầy gò của chị Nguyễn T.N (33 tuổi, công nhân KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội), hiếm ai nghĩ chị đã 10 năm thâm niên làm công nhân, lại chịu khó tăng ca ngày đêm. Chị có 2 con. Con đầu năm nay vào lớp 2 Trường Tiểu học K.C (huyện Đông Anh, Hà Nội). Chị kể, từ đầu năm tới nay, chị phải nộp cho con đủ các thứ tiền gồm tiền trái tuyến và học hè mất 800.000 đồng. “Vậy mà hôm trước bà nội đi đón cháu về, cô giáo lại đưa thông báo một khoản phải đóng góp nữa, lên đến hơn 3 triệu đồng. Tôi thực sự choáng váng, cũng chỉ đọc lướt qua, vì dù sao thì mình cũng chưa có tiền đóng cho con. Nhưng tôi nhớ là có một loạt các đầu quỹ thu cho nhà trường, một loạt đầu quỹ khác do lớp thu… Lớp mẫu giáo của con bé thì mới đóng 500.000 đồng tiền trái tuyến, chưa họp phụ huynh nên chưa biết phải đóng thêm bao nhiêu nữa. Năm học vừa rồi là năm đầu tiên tôi xin học cho cháu ở Hà Nội, tất cả các khoản phải đóng góp cho trường là gần 3 triệu đồng. Trước sau gì thì tôi cũng phải xoay xở, vay mượn bằng được số tiền ấy để đóng cho con” - chị ngân ngấn nước mắt.
Nhưng có lẽ điều khiến chị bức xúc nhất là khoản tiền trái tuyến. Năm đầu tiên, cho dù mẫu giáo hay tiểu học, chị cũng đều phải đóng cho các con 1 triệu đồng. Các năm sau là 500.000 đồng cho lớp mẫu giáo và 300.000 đồng cho cấp tiểu học. “Chả lẽ, cái “án trái tuyến” cứ theo đuổi các con tôi đến hết cả mười mấy năm học hay sao? Cuộc sống nhập cư như chúng tôi đã gặp muôn vàn khó khăn: Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước giá cao… Thêm bất cứ một khoản chi tiêu nào, dù nhỏ, cũng là cả một vấn đề, huống chi... con đi học lại không được đối xử công bằng, phải đóng thêm tiền trái tuyến. Hai đứa con đi học, cứ mỗi đầu năm học là phải lo đóng các loại phí hàng dăm bảy triệu thế này” - chị nức nở.

Trong những câu chuyện của những người mẹ, người cha làm công nhân về các khoản tiền học phí của con, xen lẫn trong những nỗi bức xúc, bất lực về đồng lương eo hẹp của mình không thể lo cho con cái họ một năm học mới tươm tất là niềm tự hào và không quên hy vọng con cái họ sẽ học hành tới nơi tới chốn. “Tôi cầu trời đừng có chuyện gì xảy ra với mình, để còn đi làm lấy tiền nuôi con ăn học. Dù có vất vả bao nhiêu chăng nữa, tôi cũng chịu được hết, miễn là các con được đến trường. Dù gì, thì cuộc đời làm công nhân của mình, có cái gì đáng giá ngoài con cái” - chị N tâm sự.



 

 

Kim Anh - Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Gặp chủ nhân tạo hình linh vật mèo duyên dáng nhất Xuân Quý Mão

HƯNG THƠ |

Nhận làm linh vật mèo đặt ở Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) với giá 31 triệu đồng, Đinh Văn Tâm tự nguyện bỏ thêm ít tiền túi để làm tượng đẹp hơn, to hơn. Nhờ vậy, linh vật mèo dù có giá không cao, nhưng so về độ đẹp và phù hợp thì có thể nói không địa phương nào bằng.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.