Hoa nở trên chảo lửa

LINH PHẠM |

Nắng trút lửa khắp các cánh đồng, làng mạc tỉnh Ninh Thuận giữa cơn hạn đỉnh điểm 40 năm. Người người quay quắt trong khô khát, đỏ mắt nhìn nắng nung đồng ruộng nứt nẻ, xót xa bầy gia súc khốn cùng quỳ rạp trên mặt đất giờ như chảo lửa, cố mót từng gốc rạ còn sót.

Trên đường đi vào “chảo lửa” Ninh Thuận, tôi gặp em Pu Pur Thị Cánh đang chăn cừu ven QL1A đoạn qua xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc. Dấu vết còn lại của đồng lúa rộng lớn hai bên đường đã bị bỏ hoang là những gốc rạ khô đến không còn mùi vị, là thức ăn cho bầy cừu của em.

Suối khô, giếng cạn, người ngóng nước

“Nhà em ở xã Đồng Dày, Phước Trung, Bác Ái”, lời giới thiệu của em làm tôi giật mình. Quê em cách đây hơn 100km, đã 2 năm rồi không có mưa, cách đây chưa lâu, một xã nghèo cùng huyện đã nhường gạo cứu đói cho quê em vì nó quá nghèo. Cánh năm nay 17 tuổi, nghỉ học năm lớp 9 rồi đi chăn cừu thuê, nhận một năm 11 triệu đồng tiền công. “Quê em nắng lắm, nhưng chưa bao giờ khiếp như năm nay. Chủ trại “chuyển đồng” xuống đây để tìm nước cho cừu uống nên em cũng phải theo cừu”, Cánh nói và nhìn về hướng núi với một thoáng lo âu, “không biết giờ này mẹ đã đi nhận nước nhà nước cấp chưa, mẹ em bị đau lưng, ngày nào cũng oằn vai gánh 2 gánh nước đầy...”.

10 giờ sáng ngày 14.6, chúng tôi có mặt tại thôn Đồng Dày, xã Phước Trung. Chiếc xe chở nước vừa chuyển bánh rời làng, để lại đằng sau lớp bụi mù. Hàng chục con người với đủ loại can, thùng vây quanh bể nước, đón nhận những “giọt vàng” quý giá. “Mừng quá, hôm nay có tới 2 xe”, bé Kator Thị Phương Uyên (8 tuổi), thốt lên và nhanh nhảu ghé can nước vào một vòi trống. Chị Kator Thị Min - mẹ bé Uyên - chạy chiếc xe đạp cà tàng đến chờ chở nước về. Chị Min kể, gần một năm qua, dòng suối chảy qua Tham Dú và Đồng Dày đã cạn, nước giếng chỉ rỉ rả được vài giọt. Từ sau tết, nhà nước đã cho xe cấp nước miễn phí cho dân, nhưng một gia đình chỉ được 4 - 5 can nước 20 lít mỗi ngày, chỉ đủ nấu ăn và uống, phải mót vét nước suối, nước giếng để giặt giũ tắm rửa.

Người đến lấy nước chốc chốc lại đông thêm, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Anh Chăm Le Đá (50 tuổi) - người đàn ông duy nhất đỡ nước lên xe giúp các chị em phụ nữ. Nghỉ tay, anh Đá hổn hển: “Đàn ông phải đi chăn bò, chăn dê ở xa lắm. Chúng tôi phải cố cứu gia súc, đã 4 mùa không gieo sạ được, bà con chỉ sống nhờ gạo Nhà nước cấp, mỗi người 15kg một tháng”. Chưa bao giờ những người đàn ông Đồng Dày, Tham Dú phải vật lộn chống “giặc hạn” như năm nay. Chăm Le Đá kể, đàn ông hai làng đã chung sức đào 2 giếng giữa lòng suối để tìm nước, bây giờ suối chỉ còn bùn và nước mặn, chi chít dấu chân bò.

Xã Phước Trung là một lát cắt nhỏ trong cơn khát chung ở chảo lửa này. Trên đường lên Phước Trung sáng nay, tôi gặp anh Mạng Cực (40 tuổi) ở xã Đắc Nhơn, huyện Ninh Sơn. Anh kể trước khi có nước nhà nước cấp, người dân ở xã Đắc Nhơn phải mua nước với giá 100.000 đồng/m3. Người không có tiền mua phải vét nước ở các giếng đã bị nhiễm mặn hoặc đi xin nước hàng xóm. UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã huy động các sở, ngành, địa phương cấp nước cho 5.497 hộ/23.130 khẩu cho người dân bị thiếu nước sinh hoạt ở các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Hải.

Theo chân đàn cừu tìm nước

Theo thống kê của UBND tỉnh Ninh Thuận đến ngày 10.6, có 1.508 con gia súc có sừng gồm cừu, dê, bò, trâu chết vì kiệt sức. Để hạn chế thiệt hại, UBND tỉnh khuyến cáo người dân vùng thiếu nước đưa 18.000 con gia súc “chuyển đồng”. Cũng như em Cánh ở xã Phước Trung, người chăn cừu, bò, dê ở các huyện Bác Ái, Thuận Nam… đã chấp nhận sống đời “du mục”. Tôi gặp anh Nguyễn Văn Thắng (thôn Phương Diêm 1, xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước) khi anh đang lùa đàn bò trên đường quốc phòng ven biển. Khi thi công tuyến đường này, người ta đã đào sâu một dòng suối nhỏ để có nước thi công, giờ con suối là nguồn nước uống cho 3 đàn bò ở xã Phước Diêm.

Lùa bò xuống suối, anh Thắng nhăn nhó: “Nước cạn rồi, hôi quá, không biết bò uống có bệnh không?”. Mấy chú bò tội nghiệp dường như cũng ngửi được mùi ô nhiễm, chỉ uống 1 ngụm lấy lệ rồi ngoắc mông bỏ đi. “Nếu mua nước thì cần 1,4 mét khối 1 ngày, giá 120.000 đồng, lùa xuống suối thì tốn 4 lượt tiền xăng, mỗi lượt 10km, đằng nào cũng lỗ”. Ở cánh đồng thôn Hậu Sanh, xã Phú Hữu, huyện Ninh Phước, mười mấy người mục đồng lùa cừu, bò đến uống nước mương do nhà máy nước Phước Dân xả xuống. Anh Đổng Thái Bình (28 tuổi) thổ lộ, anh và nhiều bạn chăn cừu ở huyện Thuận Nam đã “chuyển đồng” qua đây 2 tháng. Nhớ hôm 12.4, ông Trần Quốc Nam - Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận - tiếp PV Lao Động tại trụ sở, chỉ vào vị trí Hồ Đơn Dương (Thủy điện Đa Nhim, Lâm Đồng): “Đây là nguồn nước duy nhất tỉnh Ninh Thuận được hưởng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất”. Từ hồ Đơn Dương, nước chảy về hạ lưu qua đập Nha Trinh, rồi chia ra hai nhánh chảy về một số xã ở huyện Thuận Bắc và huyện Ninh Phước. Đây chính là nơi nhiều “dân du mục” vật vã dưới nắng, “chia lửa” với đàn cừu.

Đợi “mưa vàng”

Mặt đất như căng lên ở nững nơi chúng tôi đặt chân đến. Trời xanh vẫn lạnh lùng hắt lửa vào những khuôn mặt cháy nắng khắc khổ. Từ vụ hè-thu năm 2014, nhiều người chỉ biết thẫn thờ nhìn ruộng đồng bị sa mạc hóa và chờ đợi một cơn “mưa vàng”, không dám đổ vốn xuống những cánh đồng chết. Nhưng giữa lòng “sa mạc”, vẫn có người dũng cảm gieo những mầm xanh hy vọng. Ông Nguyễn Văn Thành (thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) có trang trại cừu ở thôn Hà Ba, cách đó 10km. Theo dõi thông tin dự báo thời tiết, ông Thành đã dự trữ 100 tấn cỏ cùng thức ăn tổng hợp cho đàn cừu 2.000 con của ông. “Chỉ một tháng nữa nếu trời không mưa, thức ăn dự trữ cũng sẽ hết, nhưng tôi chấp nhận, vì còn số phận của mấy chục anh em nhân công” - ông Thành giãi bày.

Trên đường đến xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, một “ốc đảo xanh” hiện ra giữa khung cảnh tiêu điều, xơ xác. Đó là khu vườn trồng cỏ voi và rau muống của anh Nguyễn Xuân Dân (37 tuổi). Anh Dân vốn là một kĩ sư xây dựng nhiều năm bôn ba đất khách, đã trở về quê hương mua 7 sào đất để lập nghiệp. “Biết là quê hương mình nắng gió nhưng tôi lại về đúng đỉnh hạn, muốn chờ mùa mưa rồi bắt đầu nhưng biết đến bao giờ. Tôi trồng cỏ voi bằng nước máy để nuôi mấy con bò. Sẵn tiếp quản vườn xoài, tôi cũng dùng nước máy để tưới xoài nốt. Cuối tháng rồi, hóa đơn tiền nước 3,7 triệu đồng. Tôi hoảng hồn!” - anh Dân kể. Nhìn đàn bò nhồm nhoàm nhai cỏ, Dân cười bảo: “Trông có mưa vàng xuống, vỗ bò cho béo, bán kiếm tiền mới dám đẻ đứa con, mình mới cưới vợ”.

Dù thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu chăng nữa thì con người vẫn phải tiếp tục sống và tìm cách vượt qua nghịch cảnh. Tôi đã thấm thía điều đó khi người dân Phước Trung nói rằng họ phải nhặt phân bò bán 1 bao 20.000 đồng để lấy tiền mua thức ăn. Tôi đã thấy sự cả quyết trong nụ cười của Dân hay sự đa mưu túc trí của ông Thành - vua chăn cừu. Họ cũng như bông hoa xương rồng tôi thấy khi đi qua thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Bông hoa nở một màu đỏ ngang tàng trên lòng hồ bị nắng “chém” thành trăm nghìn mảnh.

Đến tháng 9 mới có mưa

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, đến tháng 9.2015 mới bắt đầu vào mùa mưa. Vì vậy, tỉnh Ninh Thuận dự báo nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cho người dân, nước uống, thức ăn cho gia súc, nước cho sản xuất sẽ ngày càng nghiêm trọng và gay gắt trong thời gian tới. Vừa qua, tỉnh đã huy động các sở, ngành trong đó có bộ đội, công an chở nước do dân. Tỉnh sẽ duy trì cấp nước sinh hoạt cho 5.497 hộ/23.130 nhân khẩu ở 19 thôn/7 xã trên 4 huyện: Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Hải. Từ nguồn hỗ trợ của T.Ư, tỉnh cũng đã tổ chức hỗ trợ 832 tấn gạo cứu đói trong 2 đợt cho người dân. Đến nay, T.Ư đã có quyết định hỗ trợ gạo cứu đói đợt 3 cho tỉnh. Ngày 8.6, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ 2.000 tấn gạo cho 19.997 hộ/ 89.403 nhân khẩu trên 6 huyện.

 

 

 

 

 

 

 

LINH PHẠM
TIN LIÊN QUAN

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Cận Tết tôm, cua Cà Mau nắm tay tăng giá chóng mặt vẫn không đủ hàng để bán

NHẬT HỒ |

Cà Mau - Giá một kg tôm đất khô đã lên đến 1,7 triệu đồng. Không thua kém tôm đất khô, cua gạch Cà Mau cũng có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và không đủ hàng để bán.

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đặc sản gà Đông Tảo biếu Tết ở Việt Nam lên báo nước ngoài

Thanh Hà |

Gà Đông Tảo đặc sản ở Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán đã xuất hiện trong bài báo của hãng tin AFP ngày 17.1.