Họ là những “gia đình đường sắt”

Nguyên Hà |

Tôi là người thường xuyên sử dụng phương tiện tàu hỏa, nhưng khi ngồi trên khoang lái, cùng với người lái tàu, tôi luôn giật mình thon thót mỗi khi tàu đi qua những chắn dân sinh. Tôi đã đi dọc tuyến phía Tây với những người tuần đường để thấm nỗi đơn độc đi xuyên màn đêm làm nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu…


 

Kéo, đóng chắn là công việc Thủy đã làm suốt 12 năm qua 

5 thế hệ và 106 năm gắn với đường sắt

Nguyễn Thị Thủy là nhân viên gác chắn trạm chắn 113 đặt trên địa phận tỉnh Hưng Yên (đội chắn Gia Lâm, Cty CP Đường sắt Hà Hải). Thủy trẻ hơn tuổi 30 nhưng có vẻ già trong nghề. Nhà cách trạm 8km nên hôm nào làm ca sáng (từ 6h sáng đến 6h tối) cô không kịp ăn sáng. Nghe Thủy nói về quy trình làm việc, tôi thấy... rối: Nhận ca, giao ca, kiểm tra các thiết bị, giao nhận ban, nhận kế hoạch 4 giờ của trực ban ga, ghi kế hoạch vào sổ nhật ký, ghi kế hoạch 4 giờ lên bảng; khoảng 6h20 – 6h25 tàu HP1 (Hà Nội – Hải Phòng) xin đường thì báo cho nhân viên số 2 để ra ngóng tàu, sau đó trực ban báo tà chạy, nhận kế hoạch rồi lại báo cho nhân viên số 2, tiếp đến thao tác tín hiệu đường bộ rồi ra đứng chắn cùng nhân viên số 2, mở biển khi chắn đã đóng xong; tàu gần đến thì làm thao tác đón tiễn tàu…Không phải riêng Thủy mà ai làm vị trí này cũng phải đảm nhận ngần ấy công đoạn. 12 năm làm gác chắn, Thủy nhận nhiệm vụ ở 3 – 4 chắn khác nhau, nhiều lần gặp cảnh người dân chửi bới, thậm chí dọa đánh vì bị ngăn lại không cho đi qua khi chắn đã kéo hết nhưng điều làm Thủy băn khoăn là: "Sao họ không ý thức được sự nguy hiểm đến tính mạng của họ?”.

Thủy là đời thứ 5 trong một gia đình 5 thế hệ làm trong ngành đường sắt. Kỵ nội của Thủy là ông Nguyễn Văn Tặn, làm ở cung đường Lạc Đạo. Cụ nội là ông Nguyễn Văn Cúc, cung trưởng cung Lại Đạo. Ông nội Thủy là ông Nguyễn Văn Phạn, từng là Đội trưởng đội Lạc Đạo. Bố Thủy từng nhân viên phòng tổ chức – hành chính của Cty (mới mất). Trong số anh chị em của bố Thủy có đến 4 người làm trong ngành, ở các vị trí gác chắn, nhà ga, cầu đường. Đó là những gì khiến Thủy – từ một cô bé chả mấy yêu đường sắt  giờ lại gắn bó. Thủy bảo, đã gắn bó ngần ấy năm rồi thì xác định sẽ làm tốt công việc của mình, dù rất vất vả. 12 năm làm gác chắn có tới 6-7 năm Thủy trực đêm giao thừa. Năm đầu tiên cũng tủi thân nhưng nay đã quen, coi đấy chuyện bình thường. Nói về đứa cháu nội đang làm nhân viên gác chắn, ông Phạn bảo “thỉnh thoảng tôi cũng kể cho nó nghe chuyện chúng tôi bốc dỡ hàng, đảm bảo an toàn cho tàu chở vũ khí trong chiến tranh như thế nào, có lần nhảy xuống hầm tránh bom còn ngã đè lên nhau. Nó cũng tự hào lắm vì trên nó có đến 4 thế hệ làm cho đường sắt”. Trong ngôi nhà ở xóm Nghè, thôn Đại Từ, xã Đại Đồng (Văn Lâm – Hưng Yên), ông Phạn không giấu niềm vui vì mình là đời thứ 3 gắn với đường sắt và các con, các cháu ông đang tiếp tục nối nghiệp. Tính đến thời điểm hiện nay, cả 5 thế hệ trong gia đình đã có 106 năm gắn bó với ngành Đường sắt. Bởi vậy, ông có thể kể cho mọi người chi tiết đến từng thanh tà vẹt, từng điểm nào trên tuyến bị đánh phá trong chiến tranh và được khắc phục ra sao, vào giờ nào…

Không học về đường sắt như Thủy, nhưng Lê Thùy Linh, chuyên viên Trạm cấp phát vật tư nhiên liệu của Xí nghiệp Đầu máy Đà Nẵng cũng có niềm tự hào về ông nội Lý Văn Du, từng là Giám đốc Xí nghiệp và được phong Anh hùng Lao động. Ấn tượng từ những ngày bé được ông dẫn vào Xí nghiệp và đặc biệt là những câu chuyện của ông về lái tàu vượt qua bom đạn, đảm bảo an toàn cho hàng hóa và vũ khí khiến nuôi trong Linh ý muốn được cống hiến cho ngành. Học xong chuyên ngành thống kê, Linh về Xí nghiệp làm. Ở đấy, bố Linh cũng là nhân viên phòng hành chính. Linh chia sẻ Linh yêu nghề và tự hào nhất về truyền thống gia đình – điều khiến Linh phải luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tấm chân tình

Tính đến nay, trong ngành đường sắt có 404 gia đình có nhiều thế hệ công tác, gắn bó với ngành. Trong đó có một gia đình 5 thế hệ, 7 gia đình 4 thế hệ, 32 gia đình có từ 5 người làm việc trong ngành. Riêng tại Cty CP Đường sắt Hà Hải có tới 18 gia đình có nhiều thế hệ làm việc cho đường sắt. Trong một cuộc trò chuyện, ông Mai Thành Phương – Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam chia sẻ: 70 năm đã qua, thế hệ hôm nay, những đoàn viên Công đoàn, người lao động trong ngành rất tự hào về bề dày truyền thống, mà đặc biệt truyền thống tốt đẹp ấy được hun đúc từ chính các thế hệ đi trước trong gia đình. Đó cũng là yếu tố kết thành tình yêu với ngành, cống hiến hết mình dù làm việc với vị trí nào, vào ngành với điểm xuất phát khác nhau.

 

Ông Nguyễn Văn Phạn trò chuyện với thế hệ cán bộ hiện nay của Cty 

Mỗi người lao động đang ngày đêm gắn bó với những chuyến tàu – không đơn giản chỉ là lái tàu, phục vụ trên tàu mà còn các công việc khác như gác chắn, cầu đường, vật tư…đều có quyền tự hào về những gia đình đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho ngành. Có những gia đình như anh Hồ Phước Sơn - Cty cổ phần đường sắt Phú Khánh, anh Nguyễn Mạnh Hùng – Chi nhánh khai thác đường sắt Nghĩa Bình cùng  có 4 thế hệ với 6 người làm việc cho đường sắt.

Trong số 404 gia đình ấy, có gia đình anh Phạm Quốc Kỳ - Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Cty Thông tin tín hiệu Đường sắt Vinh. Chỉ có 3 người làm cho đường sắt, từ bố anh Kỳ, anh Kỳ và con đẻ nhưng bố anh, ông Phạm Văn Kính từng là thư ký Nhà máy Trường Thi Hỏa xa, được nhận Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba; con anh Kỳ là Phạm Hồng Lê, nhân viên Cty là Lao động tiên tiến năm 2015, bản thân anh Kỳ được nhận Bằng khen của Đường sắt VN. Nhưng điều tôi muốn nói về anh Kỳ, là tấm lòng của một cán bộ Công đoàn với đoàn viên, người lao động của mình. Đại bàn Cty quản lý trải dài qua 4 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Dọc 400 km ấy, có nhiều điểm không có nước, nước bị nhiễm phèn, có nơi không có điện. Vậy mà từng bước, Ban chấp hành Công đoàn Cty và anh Kỳ giải quyết các vấn đề để đảm bảo cho người lao động được làm việc trong môi trường tốt nhất. Đến nay cả 43 ga đều có nước sạch, hệ thống lọc nước, hệ thống điện. Có nhiều nơi được trang bị thiết bị nghe nhìn; nơi được cấp bồn đựng nước để chứa nước mưa…Hằng năm tại hội nghị người lao động, hầu hết các kiến nghị của người lao động đều được chuyên môn và Công đoàn phối hợp giải quyết. Vì vậy, trong các hội nghị người lao động gần đây, bên cạnh những kiến nghị liên quan đến môi trường làm việc, đời sống thì đã có những đề xuất làm thế nào để công việc được tốt hơn, để đảm bảo an toàn cho tàu và người…Để có những tấm chân tình ấy của người lao động, bản thân các cán bộ Công đoàn và anh Kỳ - với vai trò là Chủ tịch Công đoàn đã luôn đến với anh chị em, lắng nghe tâm tư, nguyên vọng của mỗi người. Các cán bộ Công đoàn còn thay nhau đứng lớp tuyên truyền cho người lao động về các vấn đề an toàn vệ sinh lao động, pháp luật lao động, Công đoàn…Đặc biệt, trong quá trình tiến hành cổ phần hóa Cty, diễn ra trong quý 3 và 4/2015, Công đoàn Cty đã đề xuất một số giải pháp, phối hợp với Cty giải quyết thỏa đáng về quyền lợi cho các trường hợp, trong đó có 40 trường hợp dôi dư.

Có một lần, trong lúc rảo bước cùng nhân viên đường sắt trong khu gian Văn Phú – Yên Bái, tôi hỏi: Truyền thống của ngành đã có, nhưng làm thế nào để truyền thống đó được phát huy? Anh nhân viên ấy trả lời: Vấn đề là biết khơi dậy.

Nhưng có lẽ không chỉ là khơi dậy mà còn phải biết tôn vinh, phải làm giàu thêm truyền thống ấy từ chính những còn người từng tự hào về những gì mình có. Mang điều này hỏi Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam Mai Thành Phương, ông bảo đợt kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Đường sắt (10.1946 – 10.2016), các đơn vị đều tổ chức gặp mặt biểu dương và tặng quà cho các gia đình có nhiều thế hệ công tác trong ngành đường sắt. Riêng cấp TCty sẽ lựa chọn 70 gia đình có thành tích cao để tôn vinh. Như thế, niềm tự hào trong mỗi thành viên gia đình nói riêng và trong mỗi đoàn viên Công đoàn, người lao động ngành đường sắt sẽ nhân gấp bội. Đấy cũng là yếu tố để họ hướng tới cái tốt đẹp trong công việc mỗi  ngày.

 

 



 

Nguyên Hà
TIN LIÊN QUAN

Bản tin dự báo thời tiết tuần tới từ 23.1 đến 29.1

Bắc Hà - Minh Ánh |

Dự báo thời tiết tuần tới từ 23.1 đến 29.1: Trong tuần tới, nhiệt độ tại khu vực các tỉnh miền Bắc nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng tăng nhẹ từ 1-2 độ. Tuy nhiên, người dân vẫn cảm nhận rõ giá rét. Trong khi đó, mưa vẫn xuất hiện ở khu vực các tỉnh miền Trung.

Tận mắt chào đón những "mèo vàng" đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023

Thuỳ Linh - Đức Mạnh |

Minh Quân - con đầu lòng của sản phụ Vũ Tiêu Yến Linh - ra đời ngay vào đêm giao thừa Tết Quý Mão. Con đã trở thành một trong những công dân "mèo vàng" đầu tiên ra đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương - tuyến cuối của ngành sản khoa Việt Nam.

Người dân xếp hàng vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám ngày mùng 1 Tết

Đinh Thiện - Tùng Giang |

Ngày 1 Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhiều người dân Hà Nội đứng xếp hàng để mua vé vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Huấn luyện viên Mai Đức Chung và điều chưa kể về hành trình đến World Cup

AN NGUYÊN |

Cách đây 1 năm, hành trình đến World Cup 2023 của bóng đá nữ Việt Nam như một câu chuyện cổ tích được viết nên bởi huấn luyện viên Mai Đức Chung và các học trò.

Những năm Mão đáng nhớ trong lịch sử dân tộc

Anh Đức - Hoàng Anh |

Khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam; ra đời bộ Luật Hồng Đức hay thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là những sự kiện đều diễn ra vào năm Mão.

Chú mèo của năm, nuôi ngược lại chủ

Minh Ánh - Hà Chi |

Chỉ bằng những clip Tiktok quay lại những hoạt động thường ngày, chú mèo Chi Thối này năm qua đã kiếm về hàng trăm triệu về cho chủ của mình.

Việt Nam và hành trình kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận

Nick M |

Nhà thám hiểm lừng danh người Morocco - Ibn Battuta – từng nói: “Du lịch – ban đầu nó khiến bạn không thốt nên lời, và sau đó biến bạn trở thành một người kể chuyện”. Và du lịch Việt Nam, đã và đang kể những câu chuyện về vẻ đẹp bất tận đi khắp thế giới.

NSND Tự Long nói về sự xuất hiện của NSND Công Lý ở Táo Quân 2023

Mi Lan |

NSND Công Lý xuất hiện ngắn gọn ở Táo Quân 2023 với 3 câu thoại ngắn.