Hành trình tìm về “con đường muối” huyền thoại

THANH HẢI |

“Con đường muối” ở miền Trung, nguyên là lối mòn lội bộ giữa đại ngàn Trường Sơn. Người xưa đã vận chuyển muối, hải sản từ vùng biển lên miền ngược, đến tận những bản làng xa xôi của người Thượng, thậm chí vượt qua cả biên giới, đến Lào, Thái Lan để đổi sản vật từ miền núi. Con đường hình thành từ nhu cầu thiết yếu cuộc sống ở thời hoang sơ, qua nhiều niên đại, thời gian, chiến tranh đã xoá mờ không còn dấu tích. Nhưng những hiện vật cổ, những di chỉ lịch sử mới phát hiện rải rác gần đây cho thấy từ xưa đã có một nền kinh tế thị trường sôi động, sự giao thương kinh tế, văn hoá mạnh mẽ với nhiều huyền thoại ly kỳ chưa được giải mã.

Nhưng rất tiếc những giá trị văn hoá này đang bị bỏ phí, hoang hoá và nguy cơ bị đánh mất vì chưa có sự nghiên cứu đến nơi đến chốn để khai thác du lịch…

Từ những bí ẩn giữa lòng Trường Sơn

Mùa thu, ở phía tây Trường Sơn không có nắng vàng óng ả, đổi lại là những cơn trút nước cuối mùa mưa. Tôi đã sai lầm khi lên vùng cao Tây Giang đúng mùa thu… nước đổ. Nhưng bù lại, đây là thời điểm tuyệt nhất để tận thấy rừng xanh đúng vào mùa đẹp lộng lẫy. Cơn mưa chiều biên giới đã “trói chân” tôi lại ở làng Nal, xã Lăng. Nước trên dòng sông Len dâng đột ngột. Lũ cuốn rạp lau sậy hai bên bờ. Điện cúp tối om. Ngoài rừng mưa không dứt, sấm chớm cứ đình đùng liên hồi. Người người đều co ro trong nhà sàn. Rượu tà vạt, ếch nhái, cá khô trên đầu giàn bếp và những câu chuyện đường rừng mới giúp thời gian trôi qua nhanh. Nhưng ở nơi núi rừng nguyên sinh còn chưa bị tàn phá này, lũ không ngầu đục, không hung dữ, lên nhanh nhưng cũng chóng rút cạn. Tinh mơ sáng hôm sau chúng tôi mới có thể lên đường đến vùng Achia - nơi mà chính quyền huyện Tây Giang mới phát hiện phiến đá có nhiều bản khắc chữ cổ đầy bí ẩn.

Bh’riu Clói bỏ dở buổi lợp nhà bếp, tự nguyện dẫn đường. Cây rựa trên tay Bh’riu Clói liên tục chém vào bụi rậm tìm lối. Người dẫn đường vừa đi, vừa kể, từ thời nội của ông, có quan Pháp ở đồn Samo, sát biên giới với Lào đã phát hiện những dòng chữ cổ này. Khi ấy, họ đã nhờ dân làng chặt cây rừng, làm thang, bè gỗ, trèo lên vách đá, bôi đá vôi lên chữ để chụp lại ảnh. Họ ở lại Achia nhiều ngày, nhưng dân làng không biết tiếng, chỉ làm theo hướng dẫn, kể cả khi giúp họ thức ăn.

Câu chuyện truyền miệng của người Cơ Tu qua nhiều thế hệ đã có nhiều dị bản. Song, trong một số tài liệu ghi chép lại của một người lính viễn chinh - Jean Le Pichon, một quan ba đóng ở đồn Samo, đồn Hiên, Giằng thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, đã viết rất rõ, khoảng tháng 3, 4 năm 1938, khi đồn trú ở đây, Le Pichon đã phát hiện trên ghềnh đá, vách núi đá vôi ở thượng nguồn sông Len (một chi lưu sông A Vương ở thượng nguồn) có đến 3 bản khắc đá chữ cổ. Le Pichon đã thuê những người lính bản địa đốn tre làm thang, bắc giàn giáo để bôi đá vôi trắng lên bản khắc, làm rõ từng nét chữ, chụp lại ảnh. Câu chuyện này trùng khớp với lời kể của người dẫn đường - Bh’riu Clói hôm nay.

Nhưng đến nơi, trước mắt chúng tôi, vách đá có chữ cổ, lạ mà ông Bh’riu Clói kể phải bắc thang giờ chỉ ngang đầu gối, bởi đất đá đã bồi lấp cả trăm năm rồi. Dòng chữ trên ghềnh đã nằm sâu trong lòng suối. Trên vách đá vôi sát bìa rừng giờ chỉ còn thấy được 3-5 dòng chữ, mờ nhạt bởi thời gian. Với thực trạng sa bồi đang xảy ra, di chỉ này sẽ mất tích trong vòng vài năm tới.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thượng Hỷ - nguyên cán bộ Trung tâm Bảo tồn di tích, di sản Quảng Nam cho biết, tháng 6.2015, nhà cổ ngữ người Pháp - Arlo Griffiths đã lặn lội đến tận Achia để mong đọc tận mắt bản gốc. Tuy nhiên họ đã thất bại vì di chỉ này đã bị sa bồi cả chục mét. Ông Hỷ kể, từ những ghi chép, ảnh chụp của Le Pichon, tiến sĩ Daoruang Wittayarait, Trường thực hành cao cấp Pháp đã có bài viết về minh văn khắc đá này, đăng trên tờ Lettre de la Société des Amis du Champa Ancien năm 2004.

Bài viết của tiến sĩ Wittayarait cho biết, so sánh với các mẫu chữ trên những bia đá cổ từng phát hiện sớm ở vùng Chiêm Sơn, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam và bia Vat Luong Kao (Nam Lào) mà đoán định cổ ngữ ở gần đồn Samo này xếp vào niên đại thế kỷ thứ VI, thứ VII. Ghi chép của J. Le Pichon cũng nhận định đây là ngôn ngữ của người Chăm cổ. Tiến sĩ người Pháp này cũng đã “đọc” được nhiều từ liên quan đến đồ hiến tế như châu báu, ngọc trai, trâu, nghĩa từ thần thánh... Điều này cho thấy người Cơ Tu xưa là một láng giềng thân thiện với người Chăm, từng diễn ra việc giao thương, trao đổi của vùng đồng bằng với miền núi ở miền Trung Việt Nam - Lào, 
Thái Lan.

Trong khi những minh văn cổ đại này vẫn còn là ẩn ngữ, chìm sâu dưới lòng suối, thì ngay trong góc phòng làm việc của ông Trưởng phòng VHTTDL huyện Tây Giang - Nguyễn Chí Toàn - còn có 2 cái trống đồng cổ nằm lăn lóc. Trống đồng thuộc văn hoá Đông Sơn, có niên đại 3.000 - 4.000 năm, một nền văn hoá cổ từng tồn tại ở phía Bắc Việt Nam. Ông Toàn cho biết, trống đồng này được cán bộ huyện phát hiện ở xã Axan và thôn Pứt, xã Ga’ri trong những năm gần đây. Theo ông Toàn, từ trống đồng lạc lõng giữa làng Cơ Tu, minh văn khắc đá bằng chữ Chăm cổ xa lạ trên thượng nguồn A Vương cho đến làng gốm cổ ở C’noonh không có trong truyền thống Cơ Tu, lại xuất hiện ở tận cùng núi rừng Trường Sơn. Tất cả đều là dấu hỏi đang bỏ lửng của cả người làm công tác nghiên cứu văn hoá, lịch sử cho đến chính quyền.

Những minh văn khắc trên đá ở Achia, Tây Giang vẫn đang là ẩn ngữ. 

 


Những bản làng Cơtu ở Tây Giang đẹp như một bức tranh.

 

Trống đồng cổ phát hiện ở làng Axan và thôn Pứt, xã Ga’ri, huyện Tây Giang vẫn chưa được giải mã. Ảnh: THANH HẢI 

 

Ảnh của quan ba người Pháp J.Le Pichon chụp năm 1938. 

Đến “con đường muối”

Chúng tôi ở lại xã biên giới Tr’hy - nơi 15 năm trước còn biệt lập với thế giới văn minh vì chưa có đường giao thông. Trong căn nhà sàn bóng lộn, gỗ dổi thơm lừng, già Clâu Blao đã kể chuyện về những còn đường gùi cõng, giao thương. Theo già Clâu Blao, trước đây, từ Tr’hy về đến bến Hiên (giờ là thị trấn P’Rao, trên đường Hồ Chí Minh) phải mất 8 ngày đi bộ, mò mẫn theo lối mòn trong rừng già. “Chúng tôi không có tiền, không biết dùng tiền, chỉ cõng sản vật rừng như mật ong, nanh heo, mật gấu, trầm hương, sâm ba kích… xuống miền xuôi để đổi mắm, muối, nông cụ như rựa rìu, chiêng, ché. Nếu miền xuôi quý nhất là vàng, thì người miền núi coi trọng hạt muối. Lối mòn này chúng tôi nghe kể có từ thời cha ông, họ đã bao đời ngược xuôi để đổi sản vật, giao thương với người miền xuôi”.

Miền trung du liền kề với vùng núi Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang bây giờ đã từng vang bóng một thời với các tuyến giao thông nội thuỷ trên hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn. Đây là con đường giao thương từ biển Cửa Đại, thương cảng Hội An lên vùng thượng. Theo dọc dài 2 con sông lớn này, ở Trung du có các địa chỉ giao thương lớn như bến Hội Khách, thuộc huyện Đại Lộc, bến Tí Sé - Dù Chiêng, huyện Nông Sơn, hay bến Hiên, bến Giằng. Những chuyến đò dọc ngược xuôi trên dòng sông lớn mà ngày xưa mỗi lần xuất bến là biền biệt, là đầy hiểm nguy. Bởi vậy đến bây giờ vẫn còn những câu ca ở miệt sông nước này: “Thương nhau hạt muối cắn làm đôi…”; “Ai về nhắn với nậu nguồn, mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”; rồi “trồng trầu cắm lộn dây tiêu, em đi đò dọc mẹ liều em hư”… hay đến phong tục “không chém thương lái” của người Cơtu đã trở thành huyền thoại.

Theo Jean Le Pichon - một quan ba người Pháp, từng đồn trú tại Quảng Nam, từ 1890, thế kỷ XIX, phái viên của toàn quyền Đông Dương Doumer đã khởi đầu công việc trắc địa lộ trình nối kết con đường từ cửa ngõ Quảng Nam lên bắc Tây Nguyên để sau đó hình thành nên con đường 14 (nay là một phần của đường Hồ Chí Minh). Tất cả dựa trên cơ sở con đường mòn trước đó - cũng là con đường muối.

Con đường muối theo chiều xuôi ngược đông - tây ở Quảng Nam, đã có từ xa xưa và đến bây giờ cũng vậy. Muối vẫn đưa từ Tam Kỳ, Hội An hay Đà Nẵng lên và từ đó sản vật miền tây xuôi về phía biển, vươn xa ra ngoài lãnh thổ đất nước. Đấy là con đường giao thương kinh tế, nhưng lại là con đường giao lưu văn hoá.

Điều đáng nói là những địa chỉ ghi đậm dấu ấn lịch sử ấn, còn có nhiều hiện vật lịch sử độc đáo, di chỉ hấp dẫn, nhưng tất cả đều bỏ phế. Trong khi đó, Quảng Nam và Đà Nẵng đang có nhiều nỗ lực để phát triển du lịch, nhiều tour tuyến khám phá, du lịch điền dã về dãy Trường Sơn lại chưa chú ý đến yếu tố văn hoá - lịch sử này. Những đoàn khách phượt chỉ mới dừng lại ở việc trải nghiệm, khám phá chút hoang sơ còn sót lại ven đường Hồ Chí Minh, một số làng văn hoá Cơ Tu được phục dựng tiện đường giao thông. Những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể như đã kể trên lại chưa được phát huy, tôn vinh, giới thiệu, thậm chí bỏ xó, lăn lóc ở góc nhà.

“Con đường muối” từng hình thành trong lịch sử của nhiều dân tộc, không chỉ riêng có ở Việt Nam, từng thịnh vượng như “con đường tơ lụa” trên biển. Tại Nhật Bản, có hẳn một bảo tàng “con đường muối”, trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn, thu hút du khách. Nếu kết nối nhiều địa chỉ, hiện vật phong phú, đặc sắc như ở miền Trung hiện nay, phục dựng tour thám hiểm con đường muối, chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách đến với miền tây hoang dã Trường Sơn hơn cách làm manh mún như hiện nay.

 

THANH HẢI
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.